Ở tuổi 100, nhiều cụ già vẫn khỏe mạnh, hàng ngày sinh hoạt, trò chuyện vui vẻ cùng con cháu. Với các cụ, niềm vui lớn nhất là được chứng kiến sự trưởng thành của con cháu trong gia đình. Nhiều cụ cho hay, mình sống mạnh khỏe đến tuổi bách niên một phần là nhờ may mắn, một phần bởi bản thân luôn biết cách tìm niềm vui và sự an nhàn trong cuộc sống.
Ở tuổi 100, nhiều cụ già vẫn khỏe mạnh, hàng ngày sinh hoạt, trò chuyện vui vẻ cùng con cháu. Với các cụ, niềm vui lớn nhất là được chứng kiến sự trưởng thành của con cháu trong gia đình. Nhiều cụ cho hay, mình sống mạnh khỏe đến tuổi bách niên một phần là nhờ may mắn, một phần bởi bản thân luôn biết cách tìm niềm vui và sự an nhàn trong cuộc sống.
Cụ Nguyễn Thị Tâm đọc báo không cần đeo kính. |
Ngôi nhà cũ kỹ đã nhuốm màu thời gian nằm trên đường Nguyễn Tri Phương (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) từ hơn 30 năm nay là nơi cư ngụ của cụ Nguyễn Thị Tâm (100 tuổi) cùng con cháu. Hàng ngày cụ Tâm vẫn đều đặn cập nhật thời sự qua báo, đài để cùng góp chuyện với con cháu trong bữa cơm gia đình. Lâu dần, mọi người sống quanh nhà đều gọi cụ bằng biệt danh bà Sáu “thời sự”.
* Khỏe mạnh tuổi xế chiều
Không gậy chống, không xe lăn, không người dìu bước…, cụ Tâm gây ấn tượng mạnh với chúng tôi bằng hình ảnh một bà cụ khỏe mạnh, nước da hồng hào, tự đi ra mở cổng cho chúng tôi vào nhà. Dù đã được cán bộ địa phương nói trước là cụ Tâm còn khỏe mạnh, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi biết cụ vẫn hàng ngày quét sân, dọn dẹp nhà cửa, tự nấu ăn và hơn hết là đọc báo, xem các chương trình thời sự trên tivi đều đặn. Theo lời cụ Tâm, ngày nào không cầm tờ báo mới trên tay, không đón xem chương trình thời sự trên các đài, ngày đó cụ bứt rứt không yên.
Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em tại Hà Nội, vào năm 1942, cụ Tâm dắt người con trai độc nhất vào Biên Hòa mưu sinh bằng gánh hàng ăn. Vừa bán hàng, cụ vừa tranh thủ học thêm từ người dân địa phương để tạo sự đa dạng cho gánh hàng ăn của cụ. Trải qua nhiều thăng trầm với những biến đổi lớn của thời cuộc bấy giờ, gánh hàng ăn của cụ dần phát triển thành quán ăn lớn tại khu vực sân bay Biên Hòa. Sau 40 năm bươn chải, vào năm 1983, cụ Tâm về sống cùng cháu nội tại phường Bửu Hòa cho đến nay.
Năm 2015, tỉnh Đồng Nai có 127 người tròn 100 tuổi. Vừa qua, các địa phương thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tổ chức thăm và chúc thọ các cụ già 100 tuổi hiện sống tại địa phương. |
Còn cụ Lâm Thị Dắn (100 tuổi, ngụ xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), dù đầu óc còn rất minh mẫn nhưng một tai nạn không đáng có cách đây vài năm đã làm chân cụ bị yếu, không thể đi lại được, phải ngồi xe lăn để con cháu đẩy. Cụ Dắn cho hay: “Dù đã trăm tuổi nhưng việc ăn uống vẫn bình thường, tôi tự ăn chứ không cần con cháu giúp, có điều tai bị lãng nên khi nói chuyện hơi khó. Tôi có tổng cộng hơn 30 cháu, tụi nhỏ cũng thường xuyên đến thăm và nói chuyện nên tôi không thấy buồn. Từ hồi lấy chồng, tôi chuyển về đây ở được mấy chục năm rồi. Hồi trẻ làm ruộng, về nhà chồng thì ở nhà nuôi con, chăm lo gia đình. Chồng tôi hồi đó làm thầy giáo nên thu nhập cũng vừa đủ nuôi gia đình”.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh (con rể cụ Dắn) cho biết, vì đã cao tuổi nên cụ Dắn có nhu cầu giao tiếp để giúp cụ vui và tránh bệnh đãng trí ở người cao tuổi. Nhờ lúc trẻ cụ lao động nhiều, biết giữ gìn sức khỏe nên hiện tại cụ vẫn còn rất minh mẫn, nhớ được từng đứa cháu đến thăm cụ.
* Bí quyết trường thọ
Hàng ngày, khi đồng hồ điểm chuông đúng 5 giờ, cụ Tâm lại thức dậy ra sân tập thể dục và quét dọn sân cùng con cháu. Khi nắng lên cao, cụ lại chọn một góc sân sạch sẽ để ngồi sưởi nắng để làm ấm cơ thể và bổ sung thêm Vitamin D cho xương. Thói quen này được cụ duy trì hàng chục năm qua để có một cơ thể khỏe mạnh.
“Từ hồi còn trẻ tôi đã quen việc cập nhật thông tin thời sự địa phương để tìm hướng làm ăn nên đến giờ ngày nào tôi cũng phải đọc báo, nghe tin tức. Còn bí quyết sống thọ hả, có lẽ nhờ việc cập nhật thông tin liên tục mà đầu óc tôi luôn minh mẫn, không bị lạc hậu, không bị “lú lẫn” như nhiều người già khác, chứ thật ra có bí quyết hay phương pháp gì đâu” - cụ Tâm vui vẻ cho biết.
Với bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Tròn (100 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), sau hàng chục năm tham gia nuôi giấu bộ đội trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cụ đã về sống bình dị bên con cháu. Sức khỏe hiện đã kém, tai không còn nghe rõ như trước, nhưng cụ vẫn luôn nhớ về 2 người con đã hy sinh trong cuộc khánh chiến chống Mỹ cứu nước. Cụ Tròn chia sẻ, cụ không có bí quyết gì để sống trường thọ, nhưng có lẽ nhờ tình cảm ấm áp của con cháu dành cho cụ vào tuổi xế chiều đã khiến cụ luôn vui vẻ, sống được đến độ tuổi này.
“Những năm 50-60 của thế kỷ trước, đời sống người dân ở khu vực nông thôn cực kỳ khó khăn, nhất là nơi thường có tiếng súng nổ, đời sống người dân càng không được ổn định. Hồi đó chẳng ai nghĩ sẽ sống sót được đến bây giờ, chứ đừng nói đến chuyện trường thọ. Nhưng có lẽ do đời sống khó khăn, chúng tôi phải lao động nhiều nên có một sức khỏe dồi dào, thể lực tốt. Chứ người già chúng tôi, tuổi thọ cao là do may mắn mà có được chứ có biết ăn uống gì mà được đâu” - cụ Tròn chia sẻ.
Cụ Lâm Thị Dắn trong vòng tay chăm sóc của con gái. |
Trong những cụ già trăm tuổi mà chúng tôi gặp, riêng cụ Tâm nhờ giữ gìn đôi mắt sáng nên ở tuổi 100 cụ vẫn có thể đọc sách, báo, xem tivi mà không cần sử dụng mắt kính. Do thói quen từ xưa nên mỗi lần đọc báo, cụ Tâm lại đọc lớn thành tiếng. Khi phát hiện điều gì hay, lạ trên báo, cụ đọc đi đọc lại nhiều lần và gọi cháu nội sống chung nhà tới đọc chung.
Ngoài những lúc đọc báo, xem tivi, cụ Tâm còn giữ thói quen phụ con cháu nấu ăn. Trừ những lúc bệnh đau, hầu như ngày nào cụ cũng xuống bếp tự tay làm một món gì đó. Cùng ăn, cùng sinh hoạt chung nên giữa cụ và các con cháu trong nhà không có khoảng cách, mọi người cùng nói chuyện rôm rả trong bữa ăn tối làm không khí gia đình rất ấm cúng.
Sau bữa ăn tối, cụ Tâm lại mở các chương trình thời sự trên tivi để xem cho đến tận 21 giờ mới chịu lên giường ngủ. Cụ chia sẻ, để tránh tình trạng đãng trí, cụ thường xuyên xem lại những hình ảnh gia đình chụp từ nhiều năm qua, một phần để ôn lại kỷ niệm, một phần muốn thông qua những kỷ niệm đó nhớ lại những ký ức đã qua.
“Sức khỏe và tuổi thọ của tôi do trời ban tặng nên tôi cố gắng gìn giữ ngày nào hay ngày đó. Tôi vẫn tự biết chăm sóc bản thân, người già mà, có ai hiểu tôi bằng chính tôi đâu. Hiện tại, tôi may mắn được chính quyền địa phương, Nhà nước thăm hỏi, tặng quà vào những dịp ngày người cao tuổi hàng năm. Điều đó khiến tôi mừng lắm, vì xã hội còn quan tâm đến lớp già này” - cụ Tâm chia sẻ.
Đăng Tùng