Báo Đồng Nai điện tử
En

Sôi nổi "làng báo" huyện

11:06, 19/06/2015

Dù hiện nay đài truyền thanh cấp huyện chưa được xem là cơ quan báo chí, nhưng các phóng viên, biên tập viên đài huyện vẫn làm việc với cường độ cao, đa năng, chuyên nghiệp không thua kém gì phóng viên đài, báo tỉnh. Để có những bản tin, chương trình hấp dẫn cộng tác trên sóng phát thanh, truyền hình, website của tỉnh, các phóng viên, biên tập viên đài huyện luôn phải nhạy bén với nguồn tin từ cơ sở.

Dù hiện nay đài truyền thanh cấp huyện chưa được xem là cơ quan báo chí, nhưng các phóng viên, biên tập viên đài huyện vẫn làm việc với cường độ cao, đa năng, chuyên nghiệp không thua kém gì phóng viên đài, báo tỉnh. Để có những bản tin, chương trình hấp dẫn cộng tác trên sóng phát thanh, truyền hình, website của tỉnh, các phóng viên, biên tập viên đài huyện luôn phải nhạy bén với nguồn tin từ cơ sở.

Phóng viên Thanh Trà và Trọng Khôi (Đài Truyền thanh huyện Trảng Bom) đang tác nghiệp.
Phóng viên Thanh Trà và Trọng Khôi (Đài Truyền thanh huyện Trảng Bom) đang tác nghiệp.

Chính máu nghề nghiệp, sự hừng hực trước những thông tin nóng, nhạy cảm, bức xúc của người dân… của các phóng viên đài huyện đã đôi khi vô tình đặt các trưởng đài ngồi trên chiếc “ghế nóng”, phải giải trình rất khổ tâm. Riêng cánh phóng viên, biên tập viên thì sướng trong lòng vì bản tin được công chúng ủng hộ.

* Kỷ niệm

Sau khi tốt nghiệp đại học, chàng trai vùng đất đá Gia Canh (huyện Định Quán) Văn Viết Tuấn Anh (bút danh Văn Tuấn) về đầu quân cho Đài truyền thanh huyện. Qua vài bản tin, bài viết còn “lơ tơ mơ” được góp ý, Tuấn Anh dần rút kinh nghiệm và tiếp tục xuống cơ sở để có những bản tin, bài viết chững chạc, gọn gàng, hấp dẫn hơn. Tuấn Anh cho biết không sợ lời phê bình, góp ý chân tình từ đồng nghiệp, mà sợ nhất là những bản tin vừa “moi móc” được từ cơ sở đem về thuộc lĩnh vực “nhạy cảm” phải cân nhắc khi thông tin. Trước tình huống ấy, Tuấn Anh chỉ biết cười sau cái vỗ vai động viên của trưởng đài.

Trên 30 năm làm phóng viên Đài Truyền  thanh TP.Biên Hòa, ông Huỳnh Văn Hiệp (bút danh Huỳnh Hiệp) sướng nhất mỗi khi là người đầu tiên phát hiện và thông tin về các đề tài “độc”, như: nhân vật trong bài hát Anh Ba Hưng là Đại tá Hứa Hòa Hưng ở phường Tân Hòa; ông Phạm Kiến Đức, người bảo vệ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà ở phường Tân Phong; bà Nguyễn Thị Rỏ ở là con gái liệt sĩ Huề trong trận đánh Nhà Xanh ở phường Thống Nhất.

Nhờ xông xáo, gan lì, luôn bám sát cơ sở, Tuấn Anh thường có những bản tin hay, nóng, kịp thời cho đài huyện, đồng thời cộng tác với Đài PT-TH Đồng Nai và Báo Đồng Nai. Tuấn Anh có rất nhiều kỷ niệm “lên bờ xuống ruộng” khi tác nghiệp. Trong đó, ấn tượng nhất vẫn là lần bắt quả tang xe bồn của công ty X. lén đổ chất thải ra môi trường. “Nhận tin báo từ cơ sở, tôi lập tức phóng xe máy vào ấp 9, xã Gia Canh. Hai người chăn bò và một người dân khác nhiệt tình đưa tôi vào tận hiện trường. Giấu xe xong, tôi tìm vị trí để quay phim, chụp ảnh, 2 người chăn bò vẫn ở phía sau lưng tôi quan sát nhằm hỗ trợ khi có chuyện bất trắc. Quay đủ hình ảnh xả thải, tôi phỏng vấn các đối tượng phụ xe, lái xe. Do hăng máu quá, một lúc sau tôi nhìn lại phía sau thì người chăn bò biến đâu mất tăm. Thật hú hồn, may mà các đối tượng đang lén lút xả thải không manh động, phản kháng. Nếu họ “làm ẩu” thì chắc tôi tiêu tùng rồi” - Tuấn Anh nhớ lại.

Nữ phóng viên Đoàn Nữ Thanh Danh (Đài Truyền thanh huyện Định Quán) lặn lội về xã Phú Hòa phản ánh tình hình chuột phá hại lúa của nông dân.
Nữ phóng viên Đoàn Nữ Thanh Danh (Đài Truyền thanh huyện Định Quán) lặn lội về xã Phú Hòa phản ánh tình hình chuột phá hại lúa của nông dân.

Gan lì, xông pha không thua kém đồng nghiệp Tuấn Anh là Nguyễn Hữu Thắng (bút danh Hữu Thắng, Đài Truyền thanh huyện Thống Nhất) - người đã tạo được tên tuổi của mình qua những bản tin gây “sốc” cả với các phóng viên chuyên nghiệp của tỉnh lẫn các cơ quan báo chí thường trú của Trung ương, TP.Hồ Chí Minh. Hữu Thắng bày tỏ, lúc mới về đài, “chuyên môn” của mình là… leo cột điện kéo dây, mắc loa. Vì vậy, khi được phân công đưa tin kỳ họp HĐND tại xã Quang Trung, kỳ họp bế mạc rồi Hữu Thắng vẫn về tay không vì không viết được tin. Nhờ tinh thần tự học hỏi từ thực tế lẫn đồng nghiệp và xả thân với công việc, Hữu Thắng dần trưởng thành và giỏi nghề. “Làm đài huyện, rào cản khá nhiều. Tuy vậy, nếu chịu khó bám cơ sở vẫn “moi” được thông tin hay, nóng, kịp thời chuyển tải đến công chúng” - Hữu Thắng nhận định.

* “Ghế nóng”

Nhiều năm làm công tác quản lý, ông Đào Hữu Phước, Trưởng đài Truyền thanh huyện Tân Phú, vui với các bản tin “hot” do phóng viên mang về bao nhiêu thì lại khổ tâm vì những bản tin gặp sự cố bấy nhiêu. Ông Phước ví von, làm đài huyện như “làm dâu trăm họ”, vừa bảo đảm nhiệm vụ tuyên truyền về chủ trương chính sách, vừa cố gắng làm hấp dẫn người nghe đài. Riêng việc phản ánh cái xấu, tiêu cực phải luôn cân nhắc, thận trọng, chừng mực, nhất là mức độ chính xác. “Nhìn về góc độ thông tin, hoạt động nghề nghiệp thì tôi rất đồng thuận, ủng hộ chuyện anh em phóng viên phản ánh cái tiêu cực, cái chưa được xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên, nếu để anh em hăng hái tác nghiệp, đưa tin mà không có người kìm cương thì cái “sướng” của anh em chính là nỗi khổ tâm của mình” - ông Phước chia sẻ.

Phóng viên Hữu Thắng (Đài Truyền thanh huyện Thống Nhất) ngoài quay và dựng hình, còn viết các bản tin cho đài ngoài tỉnh và các báo.
Phóng viên Hữu Thắng (Đài Truyền thanh huyện Thống Nhất) ngoài quay và dựng hình, còn viết các bản tin cho đài ngoài tỉnh và các báo.

Trước khí thế hừng hực phản ánh cái xấu, cái chưa được tại cơ sở, xã, huyện của cánh phóng viên, các trưởng đài được anh em phóng viên dành cho chiếc “ghế nóng” để ngồi giải trình, báo cáo không chỉ với lãnh đạo huyện mà cả với người khiếu nại (kể cả khi phản ánh đúng), luôn là… chuyện thường ngày ở huyện. Ông Lê Văn Thanh Cường, Trưởng đài Truyền thanh huyện Xuân Lộc bật mí, ghế có “nóng” vẫn phải ngồi, phải giữ để bảo vệ anh em. Ghế có “nóng” thì chương trình đài mới hấp dẫn, được nhiều người lắng nghe, phóng viên càng hăng hái, tự tin lao động, yên tâm công tác, gắn bó với đài, với nghề.

Dù ít có người được cấp thẻ nhà báo, nhưng các phóng viên đài huyện hiện độc lập tác nghiệp ở cả 4 loại hình báo chí: báo in, báo hình, phát tranh, báo điện tử; đồng thời kiêm rất nhiều công việc, như: biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật truyền thanh, dựng hình, lồng tiếng.

Còn Trưởng đài Truyền thanh huyện Thống Nhất Ngô Thị Thủy thì cho biết, chỉ phê bình công việc chứ không phê bình con người khi phóng viên cho ngồi “ghế nóng”. Bởi với thời gian gần 20 năm làm phóng viên đài huyện, bà Thủy rất hiểu tâm tư, tình cảm khát khao được thỏa chí nghề nghiệp của các phóng viên. Cũng vì vậy với cương vị trưởng đài, bà Thủy quán triệt tinh thần với phóng viên: “Phản ánh điều nhạy cảm phải khôn khéo, có chừng mực và nhất là phải chính xác”. Bà Thủy cho rằng, có như vậy anh em phóng viên mới không mất khả năng chiến đấu và vẫn không bị cấp trên trách, “quở” nhà đài gan to.

Trưởng đài Truyền thanh huyện Xuân Lộc  Lê Văn Thanh Cường (phía ngoài) không ngại để phóng viên làm “nóng” chiếc ghế đang ngồi.
Trưởng đài Truyền thanh huyện Xuân Lộc Lê Văn Thanh Cường (phía ngoài) không ngại để phóng viên làm “nóng” chiếc ghế đang ngồi.

Mặc dù mới được bổ nhiệm Trưởng đài Truyền thanh huyện Định Quán gần năm, ông Lê Minh Vân đã được anh em phóng viên, biên tập viên nhiều lần “ưu ái” cho ngồi “ghế nóng”. Thế nhưng ông Vân vẫn sốt sắng chỉ đạo chuyện viết lách để khích lệ tinh thần anh em. Ông Vân hào hứng trải lòng, với đài huyện cũng không có “rào cản” trong thông tin, miễn đó là những thông tin trung thực, chính xác, mang tính xây dựng thì ông không ngại duyệt phát sóng, động viên anh em làm việc. “Thủ trưởng mà không đứng mũi chịu sào thì anh em sẽ mất sức chiến đấu. Chỉ cần mình làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, có tinh thần xây dựng thì cấp trên sẽ hiểu, tạo điều kiện” - ông Vân nói.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều