Báo Đồng Nai điện tử
En

Thăng trầm với cao su

01:06, 13/06/2015

Giá mủ cao su tụt dốc, không chỉ đời sống công nhân gặp khó khăn mà việc sản xuất, kinh doanh của Nông trường cao su Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Tuy vậy, với tình yêu cao su và truyền thống gia đình, công nhân ở Nông trường cao su Cẩm Mỹ vẫn gắn bó với những tán rừng cao su qua từng mùa thay lá.

Giá mủ cao su tụt dốc, không chỉ đời sống công nhân gặp khó khăn mà việc sản xuất, kinh doanh của Nông trường cao su Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Tuy vậy, với tình yêu cao su và truyền thống gia đình, công nhân ở Nông trường cao su Cẩm Mỹ vẫn gắn bó với những tán rừng cao su qua từng mùa thay lá.

* Vui buồn với cao su

Ông Nguyễn Văn Mùi, Phó giám đốc Nông trường cao su Cẩm Mỹ, cho biết cây cao su xuất hiện tại nông trường từ 110 năm trước, khi người Pháp mộ phu lập Đồn điền cao su Courtenay (trực thuộc Công ty cao su Đông Dương S.I.P.H). Trải dài qua từng giai đoạn lịch sử, cây cao su tại Cẩm Mỹ vẫn hiên ngang với gió mưa và công nhân cao su đã tìm được cuộc sống ấm no, hạnh phúc khi nước nhà hoàn toàn độc lập.

 Công nhân Đỗ Thị Thanh Diệu trút những giọt mủ cuối cùng vào thùng.
Công nhân Đỗ Thị Thanh Diệu trút những giọt mủ cuối cùng vào thùng.

Mủ cao su từng có thời được mệnh danh là “vàng trắng” khi giá mủ xuất khẩu cao ngất ngưởng, người công nhân cao su có thu nhập bình quân mỗi tháng từ 12-18 triệu đồng. Ngày ấy, nhiều tuyến đường nhựa được xây dựng để tạo điều kiện đi lại cho người dân vùng sâu, vùng xa và công nhân cao su. Từ năm 2012 đến nay, mủ cao su liên tục rớt giá. Để động viên người công nhân bám rừng cao su, Nông trường cao su Cẩm Mỹ đã kịp thời đưa ra các giải pháp cắt giảm chi phí đầu tư sản xuất, kinh doanh đến mức thấp nhất nhằm hạ chi phí sản xuất. Đơn vị còn phát động thi đua tiết kiệm trong sản xuất, kinh doanh nhằm tăng giá trị lợi nhuận, kêu gọi công nhân sẻ chia với tình hình khó khăn của ngành cao su.

Ông Phạm Thanh Liêm, Phó giám đốc Nông trường cao su Cẩm Mỹ, cho biết gia đình ông có 4 thế hệ làm công nhân cao su. Trước khó khăn chung của ngành cao su, ông rất thông hiểu, sẻ chia những khó khăn về tiền lương mà người công nhân cao su phải đối mặt khi giá cao su hạ. “Giải pháp của đơn vị nhằm giữ công nhân, duy trì sản xuất, kinh doanh là toàn đơn vị thực hiện nghiêm các giải pháp của Tổng công ty cao su Đồng Nai, như: vượt chỉ tiêu kế hoạch sản lượng hàng năm; giảm chi phí sản xuất; tiết kiệm 30% chi phí đầu tư, chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản” - ông Liêm nhấn mạnh.

Nói rồi, ông Mùi cử cán bộ Phạm Văn Thạnh, Phụ trách công tác Công đoàn, thi đua khen thưởng của đơn vị, đưa chúng tôi đi thăm rừng cao su và công nhân. Trời đổ cơn mưa bất chợt làm cho đường lô cao su thêm trơn trượt, ông Thạnh thành thạo lách xe qua những đường lô ẩm thấp như diễn xiếc. Ngoài những tuyến đường nhựa dân sinh, Nông trường cao su Cẩm Mỹ đã bê tông hóa được nhiều tuyến đường lô, tạo thuận lợi cho người dân đi lại cũng như việc vận chuyển mủ. Tuy nhiên, giá mủ cao su mấy năm nay tụt dốc, đơn vị phải cắt giảm tối đa những khoản đầu tư có thể để tập trung chăm lo đời sống người lao động và sản xuất. Vì vậy, nhiều đường lô không được êm như trước, việc nhựa hóa cũng tạm dừng triển khai.

Đưa chúng tôi vào gặp người phu cao su già
Noen-ghen (75 tuổi, người gốc Khmer, ngụ ấp Sóc Lớn, xã Xuân Mỹ), ông Thạnh kể đây là người đã có thời gian dài gia đình ông nương nhờ khi về đây xin làm công nhân cao su. Mừng vì có người thân quen đến thăm, hỏi chuyện về kỷ niệm làm công nhân cao su, bà Noen-ghen tỏ bày, 18 tuổi bà đã xin vào làm trong đồn điền cao su. Sau ngày đất nước thống nhất, bà vẫn tiếp tục làm việc ở đây và đến năm 1992 mới nghỉ hưu. Tiếp bước mẹ, 5 người con của bà Noen-ghen đều làm công nhân cao su. “Đồng lương công nhân cao su lúc cao lúc thấp, nếu biết tích lũy lúc lương cao để phòng khi cao su mất giá thì đời sống người công nhân vẫn không thua kém các công việc khác, về già lại được lãnh lương hưu” - bà Noen-ghen nói.

* Bám trụ cao su

Bên vườn cao su 10 tuổi, “bàn tay vàng” của Nông trường cao su Cẩm Mỹ và Tổng công ty cao su Đồng Nai Đặng Thị Hiền Vi, Tổ trưởng Tổ 2, Đội 1, khéo léo động viên công nhân trong tổ hăng hái thi đua để sản lượng mủ khai thác cao hơn kế hoạch được cấp trên giao. Hiền Vi tâm sự, chị là thế hệ thứ 4 trong gia đình có 4 đời làm công nhân cao su. Ông cố ngoại của chị làm phu cao su thời Pháp thuộc. Ông nội, bà ngoại của chị làm công nhân cao su Nông trường Cẩm Mỹ trước và sau ngày giải phóng. Cha mẹ chị từng là “bàn tay vàng” của ngành cao su Việt Nam.

Tiếp nối truyền thống gia đình, năm 2005, chị Vi xin vào Nông trường cao su Cẩm Mỹ để được làm việc cùng cha. Sau 2 năm, chị Vi được đơn vị đề bạt làm tổ trưởng. “Nay tôi không còn trực tiếp cầm dao cạo mủ, nhưng công nhân trong tổ ra lô lúc nào tôi đều có mặt để kiểm tra những đường cạo, hướng dẫn kỹ thuật cho những công nhân tay nghề còn yếu, động viên mọi người hăng hái thi đua vượt chỉ tiêu đơn vị giao…” - chị Vi cho biết.

Công nhân cao su vẫn lạc quan chờ giá mủ cao su tăng trở lại.
Công nhân cao su vẫn lạc quan chờ giá mủ cao su tăng trở lại.

Là công nhân lớn tuổi nhất tổ 2, có 20 năm gắn bó với chiếc dao cạo, anh Phạm Văn Diệu nở nụ cười thật tươi chia sẻ, giá cao su tụt dốc thê thảm đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, thu nhập của công nhân cao su. Tuy vậy, mọi người vẫn động viên nhau bám rừng cao su, triển khai những đường cạo đạt kỹ thuật để cây cho năng suất cao nhất nhằm bù đắp cho phần lương sụt giảm. “Chúng tôi bám cây cao su với niềm tin giá mủ cao su sẽ sớm hồi phục, đồng thời thể hiện sự tiếp nối truyền thống gia đình với bao thế hệ gắn bó với cây cao su” - anh Diệu chia sẻ.

Trước lời tâm sự mộc mạc của người công nhân cao su, ông Thạnh chậm rãi giải thích, giá mủ hiện tại đã ảnh hưởng rất xấu đến đời sống công nhân cao su. Tuy vậy, công nhân vẫn không bỏ việc, vẫn bám nông trường, bám cây cao su vì họ biết sẻ chia với những khó khăn của đơn vị và có tình yêu bền chặt với cao su nhờ truyền thống gia đình. Nông trường cao su Cẩm Mỹ tự hào khi có tới 30 hộ gia đình 3-4 thế hệ làm công nhân cao su được Tổng công ty cao su Đồng Nai tuyên dương nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập.

Tự hào là vậy, nhưng công nhân Trần Trung Tới vẫn không giấu được nỗi lo toan cuộc sống khi lương công nhân phụ thuộc hoàn toàn vào giá mủ. Giá mủ hạ, thu nhập của họ cũng hạ theo dù năng suất lao động vẫn đạt và vượt kế hoạch giao như những năm giá mủ cao. “Hiện chúng tôi nhận lương chưa tới 1 triệu đồng/tháng. Số tiền ít ỏi đó thật sự khó khăn trong chi tiêu sinh hoạt, lo tiền học cho con, xăng xe đi làm… đối với những đôi vợ chồng đều làm công nhân cao su, hoặc không có thu thập thêm từ nguồn khác” - anh Tới than thở.

Với trên 110 năm tồn tại trên vùng đất Cẩm Mỹ, cây cao su đã khẳng định thế mạnh về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp giá trị xuất khẩu cao cho đất nước. Tuy vẫn tuôn trào những dòng nhựa trắng, nhưng cây cao su hiện còn mang nặng nỗi trăn trở chưa đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho công nhân cao su vì phải theo quy luật giá cả thị trường.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích