Đưa chúng tôi đi tham quan các tuyến đường bê tông vừa được xây dựng, ông Võ Bá Hưởng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), tự hào nói về sự đổi thay của địa phương mình. Từ ngày khởi động xây dựng nông thôn mới, xã Thanh Bình đã không còn là xã vùng sâu với vô vàn khó khăn như những năm mới thành lập (được tách ra từ xã Cây Gáo vào năm 1994).
Đưa chúng tôi đi tham quan các tuyến đường bê tông vừa được xây dựng, ông Võ Bá Hưởng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), tự hào nói về sự đổi thay của địa phương mình. Từ ngày khởi động xây dựng nông thôn mới, xã Thanh Bình đã không còn là xã vùng sâu với vô vàn khó khăn như những năm mới thành lập (được tách ra từ xã Cây Gáo vào năm 1994).
Hiện nay, hệ thống giao thông trên địa bàn xã Thanh Bình đã được cứng và bê tông, nhựa hóa; điện lưới đáp ứng 100% nhu cầu sinh hoạt và tưới tiêu; trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa đạt chuẩn quốc gia.
* Đổi thay theo thời gian
Đứng trên quả đồi cao nhìn con đường bê tông đồi Đất Đỏ như con rắn khổng lồ đang trườn mình, ông Hưởng chậm rãi kể, 5 năm trước muốn leo lên quả đồi này người dân phải đi theo đường mòn quanh chân đồi. Do đi lại khó khăn, người dân bắt đầu mở những đoạn đường nhỏ băng qua rẫy để đi lại cho tiện. Đến năm 2013, người dân tiếp tục góp tiền cùng địa phương mở đường từ đỉnh xuống chân đồi và đổ bê tông hết 700 triệu đồng. Nhờ vậy, việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân khu vực đồi Đất Đỏ thuận tiện hơn trước rất nhiều.
Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Tân Thành Lê Việt Trì (bìa phải) cùng nhân dân làm đường giao thông (ảnh do nhân vật cung cấp). |
Vốn là dân cựu trào của vùng đất Thanh Bình, ông Nguyễn Văn Nam, Thường trực Đảng ủy xã Thanh Bình, rất phấn khởi trước sự đổi thay của địa phương. Ông Nam cho biết, trước năm 2010, xã Thanh Bình chỉ có 2 tuyến nhựa là hương lộ 24 và tuyến liên xã, các tuyến giao thông còn lại chỉ là đường cấp phối, đường mòn xập xệ. Khó khăn về giao thông kéo theo nhiều cái khó về đời sống, đi lại, học hành của con em trong xã. “Đất đai sản xuất của nông dân cũng gặp đá lởm chởm như khu vực xã Cây Gáo. Do đó, cây trồng chủ lực của xã Thanh Bình 5 năm trước vẫn là chuối, tiêu, cà phê, hoa màu ngắn ngày. Vì nông dân chưa ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhiều nên năng suất cây trồng không cao, đầu ra của sản phẩm luôn bị tư thương ép giá” - ông Nam nói.
Ông Hoàng Văn Cao, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Bình, đúc kết qua cách làm từ địa phương, xây dựng nông thôn mới trước hết là giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở cơ sở, và phải được xác định là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội. “Người dân là chủ thể trong việc xây dựng và thụ hưởng nông thôn mới, còn cán bộ, đảng viên thụ hưởng nông thôn mới từ kết quả kinh tế - xã hội phát triển, tình hình an ninh chính trị ổn định, được dân yêu quý” - ông Cao bày tỏ. |
Để tạo bộ mặt mới cho địa phương, những năm qua xã Thanh Bình luôn tận dụng tối đa sự ưu đãi đầu tư của cấp trên qua đầu tư về hạ tầng, như: điện, đường, trường, trạm. Tuy nhiên, do ngân sách đầu tư có hạn, sức dân chưa được khai thông nên Thanh Bình vẫn là xã thuần nông, dịch vụ - thương mại chậm phát triển. Ông Nam nhấn mạnh, mặc dù xã Thanh Bình có những lợi thế về khí hậu, đất đai có thể phát triển các loại cây công nghiệp, như: tiêu, cây ăn trái có múi, cà phê… theo hướng tập trung, nhưng mãi đến năm 2010, kinh tế địa phương mới có bước chuyển mạnh, nhất là việc khởi động xây dựng nông thôn mới vào năm 2012.
Từ khi xã Thanh Bình được huyện Trảng Bom chọn là một trong 4 xã điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, địa phương đã kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện đến tất cả đảng viên, cán bộ, nhân dân và đã tạo được sự đồng thuận cao trong dân, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị. Ông Nam bày tỏ, theo chỉ đạo của huyện Trảng Bom, xã Thanh Bình phải đạt mốc nông thôn mới vào năm 2014. Tuy nhiên, với quyết tâm và tình hình thực tiễn, xã Thanh Bình đã phấn đấu đạt mốc nông thôn mới vào cuối năm 2013 và trở thành xã đầu tiên của huyện đạt xã nông thôn mới.
* Xanh màu cuộc sống
Xã Thanh Bình vốn có vị trí thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn xã là 2.064 hécta, cây trồng chủ lực gồm: tiêu (822 hécta), cà phê (447 hécta), chuối (447 hécta) và có vài trang trại chăn nuôi, 1 hợp tác xã nông nghiệp - thương mại, 5 tổ hợp tác trồng trọt - chăn nuôi.
Để đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong xây dựng nông thôn mới, địa phương thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất ở địa phương; cử cán bộ bám đồng, bám nông dân và phối hợp với các ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn, hội thảo, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; vận động nông dân triển khai mô hình tưới nước tiết kiệm nhằm giải quyết cơ bản nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng trong những tháng mùa khô hạn; đồng thời hỗ trợ nông dân trong việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đưa các giống mới vào sản xuất, cải tạo toàn bộ diện tích vườn tạp sang cây trồng hiệu quả cao…
Xây dựng nông thôn mới thật sự làm xã Thanh Bình đổi thay về diện mạo và chất lượng cuộc sống. |
Nhờ vậy, Thanh Bình thật sự đổi thay qua cú hích nông thôn mới. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người ở xã Thanh Bình chỉ có 23,5 triệu đồng/năm, đến năm 2013 đã hơn 31 triệu đồng/người/năm và năm 2015 đạt trên 38 triệu đồng/người/năm. Người dân trên địa bàn xã đã đóng góp kinh phí cùng Nhà nước sửa chữa được 37 tuyến đường nông thôn (dài 61,76km, kinh phí trên 6,2 tỷ đồng); 1,2km đường điện trung và hạ thế (kinh phí gần 1 tỷ đồng). Từ những kết quả đạt được, xã Thanh Bình tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý Nhà nước của chính quyền, đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức đoàn thể.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hữu Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, cho rằng việc xây dựng nông thôn mới là cả quá trình dài, tổng hòa nhiều mối quan hệ. Từ quan điểm đó, xã Thanh Bình tăng cường đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ nhằm hình thành đội ngũ chuyên sâu. Đồng thời, địa phương không chủ quan, nóng vội, vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm; phát huy quy chế dân chủ, công khai, minh bạch; lấy dân làm chủ thể trong xây dựng nông thôn mới cho những năm tiếp theo. “Chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới theo sự chỉ đạo của cấp trên và quyết tâm xây dựng một đội ngũ cán bộ luôn vì dân, đoàn kết, bản lĩnh, nói đi đôi với làm. Có được đội ngũ cán bộ, đảng viên như vậy, xã Thanh Bình sẽ không ngừng phát triển, tiến nhanh hơn nữa từ cái mốc nông thôn mới mà địa phương đã hoàn thành vào năm 2013” - ông Lê Hữu Đảng nói.
Đoàn Phú