Báo Đồng Nai điện tử
En

Những chiến sĩ cách mạng làm báo

11:06, 17/06/2015

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những chiến sĩ cách mạng xuất thân từ nhà báo, hoặc khoác vỏ bọc nhà báo để hoạt động cách mạng hay trực tiếp tham gia công tác báo chí không phải ít. 

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những chiến sĩ cách mạng xuất thân từ nhà báo, hoặc khoác vỏ bọc nhà báo để hoạt động cách mạng hay trực tiếp tham gia công tác báo chí không phải ít. Những nhà báo chiến sĩ cách mạng qua hoạt động của mình đã đóng góp ít nhiều cho công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

Đồng chí Ngô Hà Thành. Ảnh :V.P
Đồng chí Ngô Hà Thành. Ảnh :V.P

Trong lớp vỏ bọc họa sĩ Ớt, chuyên vẽ biếm họa trên Báo Điện Tín, cán bộ điệp báo Ba Trung (cố nhà báo Huỳnh Bá Thành, nguyên Tổng biên tập Báo Công an TP.Hồ Chí Minh) thuộc Cụm 10 An ninh Sài Gòn - Gia Định (T4), đã vô được Dinh Hoa Lan, để trong “phút 89” của chế độ Sài Gòn hiến kế cho Tổng thống Dương Văn Minh ra lời kêu gọi binh lính Sài Gòn buông súng, tránh được cuộc đổ máu không đáng có.

“Giám đốc Công an Việt Minh” làm báo

Ở chiến trường Đồng Nai, ngoài liệt sĩ Dương Tử Giang, nhà văn kiêm nhà báo Nguyên Hùng, Tô Nguyệt Đình, Dương Bạch Mai, còn có các nhà báo như: Tám Thạch (Nguyễn Văn Thạch, làm “tổng biên tập” Báo Đồng Nai từ năm 1962, hy sinh năm 1968), Võ Thế Đại, Trần Văn Lực, Phạm Minh, Trịnh Yến, Nguyễn Thiện Nhựt (Thông tấn xã giải phóng khu Đông Nam bộ), nhà báo Út Thiện (Lê Thiện, Đài Phát thanh giải phóng), Ba Giao (Đoàn Ngọc Giao, Bản tin Đông Nam bộ), Đỗ Tiến Khải, Diễm Thúy… Ngoài ra, còn có những nhân vật lịch sử rất nổi tiếng, nhưng ít ai biết họ đã từng là nhà báo. Nổi bật trong số đó là ông Ngô Hà Thành, Ủy viên Quốc gia tự vệ cuộc đầu tiên của tỉnh Biên Hòa, tiền thân của Công an tỉnh Đồng Nai ngày nay.

Ông “Giám đốc Công an Việt Minh” (theo cách gọi thời bấy giờ của giới công chức thuộc địa) Ngô Hà Thành có dáng người nho nhã, hiền lành. Vậy mà, vào sáng 27-8-1945, vừa mới được công bố nhiệm vụ, ông Ngô Hà Thành đã được viên sĩ quan người Nhật mang một khẩu súng ngắn và một thanh gươm có quấn vải trắng đến tặng, kèm theo thỏa thuận nghi binh để bàn giao vũ khí trang bị cho lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa. Với số vũ khí này, lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa đã kịp thời tổ chức bao vây, bắt được 26 công chức cao cấp của Tòa bố Biên Hòa do tên Lê Văn Thử cầm đầu đang tiến hành cuộc họp bí mật tại khu vực Lò Gốm (nay là Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai) để triển khai kế hoạch chống phá Việt Minh.

Tờ giấy khai sinh tại Nhà thương điên Biên Hòa (nay là Bệnh viện tâm thần trung ương 2) với chữ ký xác nhận của “quan đốc tờ ” người Pháp đã trở thành tấm “hộ chiếu” có giá trị, góp phần quan trọng giúp cho chàng trai tên Nguyễn Văn Trung, sinh năm 1927 trở thành chiến sĩ tình báo. Tuy nhiên, chính cái nghề làm báo (học tại Trường cao đẳng Orange Coast, Hoa Kỳ) mới giúp ông trở thành “Ký giả Phạm Xuân Ẩn huyền thoại” và có điều kiện trở thành “điệp viên hoàn hảo” nhất trong thế kỷ 20. Nhà báo Mỹ John Lawrence còn cho rằng: “Ký giả Phạm Xuân Ẩn là một trong những điệp viên thành công nhất trong lịch sử”.

Từ năm 1941, nhiều người dân ở khu vực dãy phố năm căn Sáu Sử (nay là Công viên Biên Hùng, thuộc địa bàn phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) đã biết đến “Thầy Sáu”, một người đàn ông mặc âu phục “nhiều chữ nghĩa”, nói được cả tiếng Tây lẫn tiếng Tàu, làm việc cho nhà thầu Châu Huê Mậu, chuyên kinh doanh cây gỗ lớn nhất thời bấy giờ ở Biên Hòa. Thầy Sáu Thành thuê một căn nhà biệt lập nằm cạnh dãy phố năm căn của nhà tư sản Hai Sửu với giá mỗi tháng đến 5 đồng (theo như xác định của ông Ngô Hà Thành và vợ là bà Trương Thị Quyên). Căn nhà này được ông Ngô Hà Thành dùng làm nơi liên lạc, hội họp với các đồng chí của mình, như: Huỳnh Văn Hớn, Hoàng Minh Châu, Hồ Văn Giàu… và đại diện các chi bộ Nhà máy cưa BIF, Ga xe lửa Biên Hòa. Căn nhà này cũng chính là trụ sở của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Biên Hòa trong những ngày đầu Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trước đó, vào năm 1938-1939, ông Ngô Hà Thành là thủ lĩnh thanh niên làng Vĩnh Kim (nay là xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) và đã đứng ra thành lập Ủy ban Hành động xã với nhiều hoạt động sôi nổi. Đặc biệt, với vỏ bọc công khai là ký giả của Báo Điện Tín, ông Ngô Hà Thành đã tự do đi lại khắp nơi và thường về vùng nông thôn tiếp xúc với nông dân nghèo để viết phóng sự điều tra vạch mặt bọn cường hào ác bá.

Ký giả Sáu Thành còn bí mật cộng tác và làm liên lạc cho đồng chí Huỳnh Văn Hớn, chủ bút Báo Việt Dân, cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Nam kỳ, do đồng chí Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo. Sau khi giành được chính quyền tỉnh Biên Hòa, đồng chí Huỳnh Văn Hớn được cử làm Phó chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Biên Hòa (đồng chí Hoàng Minh Châu làm Chủ tịch).

Làm báo để hoạt động cách mạng

Cố đồng chí Nguyễn Văn Ký (Hai Ký), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa (tháng 7-1947 - 5-1948) là chiến sĩ cộng sản rất nổi tiếng trong việc tham gia tổ chức và chỉ đạo Đội Thiếu niên xung phong cảm tử với những “thiếu niên dũng sĩ”, như: Lữ Mành, Phát, Nổi… “xuất quỷ nhập thần” đột nhập vào nhà hàng, nơi vui chơi của bọn sĩ quan, binh lính Pháp, Anh, Ấn và bọn tay sai ngay trong lòng TX.Biên Hòa để giáng cho chúng những trận đòn trừng trị sấm sét. Nổi bật là các trận đánh tiêu diệt, bắt những tên ác ôn khét tiếng, như: Bảy Thông, Ba Lê, Mười Phụng…, trừng trị tên Thiếu tá hải quân Pháp De Riencourt ngay tại Cây Chàm (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa), gây ra cơn chấn động trong lòng đồng bào yêu nước Biên Hòa.

Chân dung nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa Nguyễn Văn Ký.
Chân dung nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa Nguyễn Văn Ký.

Vốn là học sinh Trường Pétrus Ký, tháng 4-1936, đồng chí Nguyễn Văn Ký tham gia vào Ủy ban Hành động Sài Gòn. Được đồng chí Nguyễn Văn Tạo, một thành viên chủ chốt của Ủy ban trù bị Đông Dương Đại hội giới thiệu, ông Hai Ký đến Tòa soạn Báo La Lutte tham gia công tác báo chí cách mạng. Lấy bút danh Nguyễn Như Phong, ông Hai Ký chính thức bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng. Và tại Tòa soạn Báo La Lutte (được xem là tổng hành dinh của phong trào Đông Dương Đại hội), trí thức trẻ giỏi tiếng Pháp Nguyễn Văn Ký kết thân với Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nghĩa…

Tuy nhiên, việc làm báo của ký giả Nguyễn Như Phong chưa được bao lâu thì ngày 27-9-1936, dựa vào cái cớ Nguyễn An Ninh và các đảng viên cộng sản hoạt động công khai lên tiếng phản đối việc Thống đốc Nam kỳ Pages tuyên bố giải tán các ủy ban hành động, cảnh sát Pháp đã tổ chức lục soát Tòa soạn Báo La Lutte, bắt Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu. Ký giả trẻ Nguyễn Như Phong được chỉ đạo cấp tốc xuống Cao Lãnh lánh nạn và sau đó được điều lên Biên Hòa hoạt động.

Bùi Thuận

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều