Báo Đồng Nai điện tử
En

Vé số nghĩa tình

11:06, 01/06/2015

Những ngày đầu, chỉ có vài người nghèo tìm đến ông Lê Văn Một (79 tuổi, ngụ ấp Cát Lái, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch) và ông Trương Văn Tài (42 tuổi, ngụ xã Phú Hữu) với hy vọng không phải mất tiền thế chân khi lấy vé số ở đại lý để đi bán dạo.

Những ngày đầu, chỉ có vài người nghèo tìm đến ông Lê Văn Một (79 tuổi, ngụ ấp Cát Lái, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch) và ông Trương Văn Tài (42 tuổi, ngụ xã Phú Hữu) với hy vọng không phải mất tiền thế chân khi lấy vé số ở đại lý để đi bán dạo. Sau một thời gian, tiếng lành đồn xa, nhiều người bán vé số nghèo đã tụ họp lại, cùng với ông Một và ông Tài lập nên hội vé số nghĩa tình.

Ông Trương Văn Tài (trái) và ông Lê Văn Một kiểm tra lại số lượng vé số đã giao cho những người bán vé số trong hội vé số nghĩa tình
Ông Trương Văn Tài (trái) và ông Lê Văn Một kiểm tra lại số lượng vé số đã giao cho những người bán vé số trong hội vé số nghĩa tình.

16 giờ mỗi ngày, những người bán vé số dạo bắt đầu quay về nhà của ông Tài nhận những tờ giấy kết quả xổ số và vé số mới để tiếp tục công việc mưu sinh. Điểm tụ họp của gần 30 thành viên trong hội được ông Tài xây dựng kiên cố, nằm sát nhà mình. Dù diện tích khá khiêm tốn, nhưng suốt 5 năm qua, nơi đây trở thành chốn tụ họp của những người bán vé số nghèo, hàng vạn tấm vé số đã được trao tay với hy vọng không chỉ mang lại may mắn cho người mua, mà còn tạo thêm thu nhập cho người bán.

* Những tấm vé số nghĩa tình

 “Ngày trước tôi chạy xe ôm ở bến phà Cát Lái. Đây là nơi mưu sinh của nhiều người, trong đó có nhiều người bán vé số dạo. Thấy mọi người phải lặn lội sang các đại lý ở TP.Hồ Chí Minh lấy vé số nên tôi đứng ra nhận vé số rồi về chia lại cho mọi người đi bán. Trong số đó, có vài người rất nghèo khổ, tôi thấy thương nên nhận tiền thế chân khi lấy vé số bán. Một thời gian sau, thấy nhiều người hoàn cảnh khó khăn cũng muốn đi bán vé số, tôi bàn với ông Một tạo điều kiện cho họ… Vậy là, ai muốn lấy vé số của tui bán chỉ cần ký giao - nhận, cam kết không ôm vé số bỏ chạy” - ông Tài hóm hỉnh nói.

Chấp nhận để những người bán vé số nghèo không phải đóng tiền thế chân, ông Tài tự mình bỏ tiền túi ra để giao cho đại lý. Trung bình mỗi người nhận khoảng 150 tờ vé số/ngày, tương đương với 1,5 triệu đồng, nếu không may mất số tiền ấy ông Tài coi như lỗ vốn. Thế nhưng, bao nhiêu năm trôi qua, Hội vé số nghĩa tình chưa lần nào xảy ra “sự cố”. Người mới tham gia hội đều được những thành viên cũ tìm hiểu hoàn cảnh, nói rõ tính nhân văn của việc làm này. Nghe xong, không ai có ý định trục lợi mà muốn gắn bó lâu dài, xem đây là “phao cứu sinh” khi họ lâm vào cảnh khốn khó.

Cuốn sổ ghi chép tên tuổi, số lượng vé số từng người bán vé số dạo lấy từ “đại lý” ông Tài được giữ gìn cẩn thận và ngày một dày thêm. Hơn 5 năm qua, không biết bao nhiêu người may mắn được ông Tài “cấp vốn” đi bán vé số, người ít cũng 50-70 vé/ngày, người nhiều lên đến 250-300 vé/ngày. Nhiều người sau thời gian kiếm được chút vốn đã tìm đến nơi khác sinh sống hay quay về quê an cư lạc nghiệp. Tờ vé số bán đi với họ không chỉ là cần câu cơm mà đó còn là cả tình người cưu mang nhau lúc hoạn nạn.

“Tôi làm “tổ trưởng”, chịu trách nhiệm tìm hiểu hoàn cảnh và giới thiệu những người mới xin vào hội, còn anh Tài tự bỏ tiền túi ra đi nhận vé số về cấp cho mọi người bán. Ngày trước, nếu không có chỗ này hỗ trợ thì người bán vé số dạo phải vất vả lắm mới kiếm được một triệu đồng (100 tờ vé số) đóng tiền thế chân cho đại lý. Với người bình thường không sao, chứ với người nghèo đó là cả một gia tài lớn” - ông Một chia sẻ.

Theo ông Một, mọi người ngầm gọi hội vé số nghĩa tình, nhưng thực tế không có một quy ước cụ thể nào. Ai nấy đều tham gia tự nguyện, xuất phát bằng tấm lòng nhân ái của chính mình. Ngoài việc không phải đóng tiền thế chân, hàng tháng hay mỗi dịp lễ tết, ông Một còn đề xuất ông Tài trích ít tiền để mua gạo hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn nhất, hoặc những trường hợp không may bị người xấu lừa tiền khi đi bán vé số.

* Hội của những mảnh đời khốn khó

Những người nghèo khổ, hoàn cảnh khó khăn, nhờ nhận vé số đi bán dạo từ hội vé số nghĩa tình mà cuộc sống trở nên tươi sáng hơn. Mỗi người một số phận, không ai giống ai, nhưng đều có điểm chung là nghèo khó. Nhiều người bị tàn tật, sống đơn độc không biết bám víu vào ai, nhưng từ khi được hội vé số nghĩa tình giúp đỡ đã biết kiếm tiền lo cho bản thân. Ngoài những người có gia đình riêng, không ít trường hợp thuê chung một nhà trọ làm nơi nghỉ ngơi, nương tựa vào nhau khi ốm đau, bệnh tật.

Đôi chân tật nguyền, phải chống chiếc nạng gỗ khó nhọc di chuyển vài chục cây số mỗi ngày nhưng chị Nguyễn Thị Mộng Duyên (ngụ xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch) chưa bao giờ nghĩ tới việc từ bỏ công việc bán vé số. Chị Duyên cho hay, chị đi bán vé số từ năm 17 tuổi, nếu không bán vé số dạo thì chẳng biết làm gì khác. Mỗi ngày, chị bán 150 tờ vé số, kiếm được khoảng 160 ngàn đồng tiền lãi, cùng với tiền lương bảo vệ của chồng, gia đình chị cũng đủ sống, chăm lo cho con trai 4 tuổi.

Từ lúc con trai vào mẫu giáo, chị cố gắng “tăng ca” đến 9-10 giờ đêm. “Ba con người sống trong gian nhà trọ chật hẹp, nhưng với tôi đó là tổ ấm, vẫn hạnh phúc hơn bao người khác. Cảm ơn những tờ vé số nghĩa tình đã giúp đỡ tôi trong lúc khó khăn” - chị Duyên tỉ tê nói.

Ông Lê Văn Hách (85 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) là người lớn tuổi nhất và có thời gian gắn bó với hội vé số nghĩa tình kể từ lúc hội được thành lập, cho biết ông không có vợ con nên số tiền kiếm được từ việc bán vé số dạo cũng đủ nuôi sống bản thân. Đi bán nhiều năm, khách đến các quán ăn, cà phê phía bờ quận 2 (TP.Hồ Chí Minh) đã quen mặt ông từ lúc nào không hay. Hàng ngày, mới sáng sớm người ta đã thấy ông theo phà sang quận 2 rồi lên xe buýt đến các khu đông dân cư để mưu sinh.

Già cả, sức khỏe yếu, nhưng chưa một ngày ông Hách dám ngơi nghỉ, vì nếu nghỉ bán sẽ mất các mối quen ngay. Ngoài ra, chuyện bị kẻ xấu lừa gạt đổi vé số giả lấy vé số thật luôn khiến ông lo lắng; bản thân ông đã 3 lần bị lừa mất gần 4 triệu đồng. “Tiếc của vì dễ tin người, định bỏ nghề quay về quê nhưng ở đó không còn ai, đành phải bám trụ lại đây. Hầu như ai đi bán vé số dạo cũng bị kẻ xấu hại, lúc thì tráo vé số giả lấy vé thật, lúc lại giả vờ đổi vé trúng thưởng…” - ông Hách ngậm ngùi nói.

Thanh Hải

 

 

Tin xem nhiều