Kinh tế gia đình nay đã khá giả, vợ chồng ông Phan Văn Quý - bà Nguyễn Thị Thùy Trang (ngụ ấp Cây Xoài, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) vẫn không quên thuở hàn vi. Bà Trang kể, nhà vợ chồng bà trước đây là cái chuồng bò ngăn đôi, cất trên cái gò cao, cửa nhìn ra cánh đồng Ông Trụ.
Kinh tế gia đình nay đã khá giả, vợ chồng ông Phan Văn Quý - bà Nguyễn Thị Thùy Trang (ngụ ấp Cây Xoài, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) vẫn không quên thuở hàn vi. Bà Trang kể, nhà vợ chồng bà trước đây là cái chuồng bò ngăn đôi, cất trên cái gò cao, cửa nhìn ra cánh đồng Ông Trụ. Cánh đồng Ông Trụ lúc đó chỉ cấy được một vụ lúa, mùa mưa nước trắng đồng, mùa nắng đồng khô cỏ cháy, nhưng vợ chồng bà vẫn kiên trì bám trụ.
* Vượt qua khốn khó
Năm 1990, ông Quý lập gia đình với bà Trang. Ông Quý kể, ông quen bà Trang trong một lần ra ngoài ấp rèn cái rựa bị gãy. Lúc ấy, bà Trang (em gái ông thợ rèn) vừa từ quê vào phụ giúp anh trai. Thấy bà Trang nói tiếng Huế dễ thương, ông Quý đã bắt chuyện làm quen. Mấy tháng sau thì 2 người thành vợ chồng. Vợ chồng ông được bà Phạm Thị Tư (mẹ ông Quý) chia cho 3 sào ruộng và cái chòi tranh phân nửa để ở, nửa còn lại nhốt cặp bò cày.
Cha con ông Phan Văn Quý trên chiếc máy cày làm nên cơ nghiệp. |
Xuất thân từ cảnh nghèo giống nhau, sau khi lấy ông Quý, bà Trang theo chồng về tổ ấm là cái chòi tranh nhỏ nằm trên gò đất cao nhìn xuống cánh đồng Ông Trụ. Xung quanh chòi của vợ chồng ông Quý lúc ấy chỉ có ruộng, rẫy và rừng chồi bầu bạn. Bà Trang khẽ nhắc lại chuyện xưa, đám cưới xong ngày trước, ngày sau vợ chồng bà ra chòi ở và bắt tay ngay vào việc dọn mấy sào ruộng để cấy lúa. Ruộng lúc ấy nhiều phèn, lắm đỉa nên chân tay bà trong tuần trăng mật đã mọc đầy ghẻ vì bị đỉa cắn.
Nhờ tích tụ được nhiều ruộng đất, giỏi việc ruộng vườn, từ năm 2010 đến nay, vợ chồng ông Quý liên tục được xã Tân An bình chọn là nông dân sản xuất giỏi. “Cơ nghiệp của vợ chồng tôi được tạo dựng từ sự chắt chiu dành dụm qua từng vụ lúa, mì, tràm. Để tích tụ số ruộng, rẫy như hiện nay, vợ chồng tôi phải tiết kiệm từng đồng, cật lực phát hoang và vay mượn thêm để mua lại đất rẫy của các nông dân khác. Nếu hồi đó vay vốn ngân hàng dễ như bây giờ thì vợ chồng tôi nay đất đai phải vài chục mẫu” - ông Phan Văn Quý bộc bạch. |
Cấy xong mấy sào ruộng, vợ chồng bà quay sang phá đất trồng bắp, mì. Vì xung quanh không có người ở để bầu bạn, 4 giờ sáng vợ chồng bà đã thức dậy ra ruộng, ra rẫy và đến 20 giờ mới vác cuốc về chòi lo cơm tối. “Trong 5 đứa con của vợ chồng tôi, có 3 đứa được sinh ra ngay tại cái chòi đó. Lúc sinh tụi nhỏ, do tôi làm lụng cực khổ, thiếu ăn nên không đủ sữa cho tụi nó bú. Vợ chồng tôi phải chắt nước cơm, bỏ thêm tí muối hoặc đường cho tụi nó uống thay sữa mẹ” - bà Trang kể.
Mới học lớp 6, em Trí đã lái được máy cày cày đất giúp cha. Riêng 4 anh trai, chị gái của Trí không chỉ học giỏi, còn giỏi việc nhà và đồng áng. Trí khoe với chúng tôi rằng ông Quý hay khen em giống cha. 7-8 tuổi ông đã biết gặt lúa, tỉa hạt, nhổ cỏ. Riêng việc lái máy cày thì ông thua con trai, vì ở tuổi đó ông chỉ biết phụ anh trai cày trâu mà thôi. “Nhà em hiện có 3 máy cày, 1 máy xới, chiếc nào em cũng lái được hết” - Trí phấn khích nói.
Mắng yêu con trai vài câu qua quýt, ông Quý chậm rãi kể chuyện những đứa con ngoan của vợ chồng ông. Con trai đầu của ông là tay cày đất giỏi có tiếng ở Cây Xoài, nay đã có gia đình. Con gái kế thì cấy lúa, tỉa hạt không thua kém ai, nay cũng yên bề gia thất. Người con gái thứ tư đang là sinh viên năm thứ hai, đứa kế nữa đang học lớp 10, thằng Trí học lớp 6 vẫn một buổi đi học, buổi còn lại ở nhà giúp cha mẹ chứ không ham chơi. “Tại hồi nhỏ vợ chồng tôi khổ quá nên thường đem tụi nhỏ ra đồng, ra rẫy để dễ bề trông coi. Tụi nó dầm mưa dãi nắng, nhìn vợ chồng tôi làm riết thành quen tay, quen mắt đó” - ông Quý hồn nhiên tỏ bày.
* Giúp đỡ xóm làng
Vốn là bạn thân với gia đình ông Quý, nông dân Hai Tùng cho biết thời còn phát rẫy, làm ruộng ở cánh đồng Ông Trụ, ông và các nông dân khác nhìn thấy vợ chồng ông Quý hì hục làm việc đến nỗi mũi chảy máu cam vì lao động quá sức giữa trời nắng chang chang. Trời mưa mọi người vội vã vác cuốc, rựa vào chòi nấp, chờ mưa tạnh thì dọn đồ đạc về nhà nghỉ ngơi. Trong khi đó, vợ chồng ông Quý vẫn dầm mưa làm, mưa càng lớn làm càng hăng. “Thời đó phát dọn nhiều ruộng, nhiều rẫy vẫn thiếu trước hụt sau. Vì dọn đằng trước chưa xong, sau lưng cỏ đã xanh um, hạt giống thì chưa kịp tỉa xuống. Vậy mà vợ chồng ông Quý vẫn hì hục phát hoang, cuối vụ cũng như các nông dân khác phải đi mượn lúa non về ăn” - ông Hai Tùng cho hay.
Biết nông dân Hai Tùng nói lời thật tình, ông Quý cười hà hà giãi bày, đúng là vợ chồng ông ham công tiếc việc hơn người khác nên làm bất kể nắng mưa, sớm tối. Có năm lúa, khoai bị mất mùa, vợ chồng ông ngồi nghỉ mệt trên cái gò cao nhìn xuống cánh đồng ước ao mùa nắng cũng như mùa mưa cánh đồng đều đầy nước để dễ bề canh tác, tăng vụ.
Dù có tiền tỷ, vợ chồng ông Quý và các con vẫn sống cần kiệm như thuở hàn vi. |
Đến năm 2005 thì ước mơ 3 vụ lúa của vợ chồng ông Quý mới trở thành hiện thực khi Nhà nước đầu tư công trình thủy lợi ở đây. Trúng lúa liên tiếp mấy vụ, vợ chồng ông Quý bán bò, bán lúa, vay mượn thêm tiền mua được chiếc máy cày nhỏ. Từ chiếc máy cày này, vợ chồng ông nhanh chóng phất lên nhờ cày thuê, khai khẩn và mua thêm đất được tới 15 hécta. “Thu nhập của vợ chồng tôi từ 2,5 hécta ruộng, 8 sào ao cá, gần 12 hécta rừng tràm, trung bình mỗi năm cũng trên 300 triệu đồng. Giờ thấy vợ chồng tôi có nhiều đất, các nông dân lúc trước chỉ mải mê khai thác gỗ, săn bẫy thú tiếc hùi hụi” - ông Quý sảng khoái bộc bạch tấm lòng.
Khi đã có tiền tỷ trong tay, vợ chồng ông Quý vẫn giữ nếp sống cần kiệm như thuở hàn vi. Năm 2012, khi phân hiệu Cây Xoài (Trường tiểu học Tân An) được đầu tư xây mới trên nền đất trước kia mẹ ông đã hiến tặng, ông Quý đã hiến thêm 1 sào đất nữa để con em trong ấp có chỗ học rộng rãi, khang trang. Trong quá trình địa phương xây dựng nông thôn mới, vợ chồng ông Quý nhiệt tình góp công, phương tiện, tiền bạc, hiến đất cùng bà con mở rộng, nâng cấp các tuyến đường trong xóm ấp để người dân đi lại thuận tiện hơn. Chỉ vào cái ao rộng trên 3 sào đất, ông Quý cho hay, phần đất móc cái ao đó ông hiến hết cho địa phương làm đường. Ngoài ra, vợ chồng ông còn đóng góp tiền, quà ủng hộ học sinh nghèo, gia đình khó khăn, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, thanh niên nhập ngũ… hàng chục triệu đồng mỗi năm; giúp công cày bừa cho người dân trong ấp lúc khó khăn.
Ấp Cây Xoài nay đang thay da đổi thịt nhờ nông thôn mới. Vì vậy, vợ chồng ông Quý đang toan tính kế hoạch chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tăng giá trị sử dụng đất. Trao đổi với chúng tôi, phó ấp Cây Xoài Nguyễn Hữu Cảnh cho biết: “Nhìn bề ngoài ít người biết kinh tế gia đình ông Quý thuộc dạng khá nhất, nhì ấp Cây Xoài. Tuy vậy, người dân trong ấp vẫn luôn biết đến chuyện vợ chồng ông Quý cùng với bà Tư (mẹ ông Quý) hiến đất để xây trường, mở đường và có tấm lòng nhân ái giúp đỡ những hộ khó khăn, nhiệt tình đóng góp cho các phong trào của ấp”.
Đoàn Phú