Báo Đồng Nai điện tử
En

5 ông bà giáo về hưu

10:07, 31/07/2015

Vốn là bạn đồng môn từ ngôi Trường THPT Ngô Quyền nổi tiếng, 5 thành viên của Hội Cựu giáo chức TP.Biên Hòa, gồm các thầy, cô: Bùi Quang Hội, Huỳnh Kim Vạn, Trương Thị Điệp, Trần Thị Bốn và Bùi Thị Kim Oanh với tấm lòng yêu thương con người cùng niềm đam mê sáng tạo, luôn mong muốn đem lại những sáng tạo có ích, thiết thực phục vụ đời sống.

Vốn là bạn đồng môn từ ngôi Trường THPT Ngô Quyền nổi tiếng, 5 thành viên của Hội Cựu giáo chức TP.Biên Hòa, gồm các thầy, cô: Bùi Quang Hội, Huỳnh Kim Vạn, Trương Thị Điệp, Trần Thị Bốn và Bùi Thị Kim Oanh với tấm lòng yêu thương con người cùng niềm đam mê sáng tạo, luôn mong muốn đem lại những sáng tạo có ích, thiết thực phục vụ đời sống. Có lẽ đây là cái duyên để những người cùng chí hướng và cùng ước mơ này gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, và họ đã tự thành lập Nhóm sáng tạo Cầu Mát.

Sự yêu đời, yêu sáng tạo thêm thắt chặt tình bạn của Nhóm sáng tạo Cầu Mát. Nhóm sáng tạo Cầu Mát vừa chiêu mộ thêm cô Trinh (thứ 3 từ trái sang) để lo việc hậu cần.
Sự yêu đời, yêu sáng tạo thêm thắt chặt tình bạn của Nhóm sáng tạo Cầu Mát. Nhóm sáng tạo Cầu Mát vừa chiêu mộ thêm cô Trinh (thứ 3 từ trái sang) để lo việc hậu cần.

 Nhóm sáng chế nghiệp dư này thật sự làm mọi người giật mình khi cho ra đời những sáng kiến vô cùng hữu ích: nước magic không lần giặt, không lần rửa; máy rửa rau quả bằng sóng siêu âm; máy siêu âm làm tơi đất không cần cày bừa; xe không tốn năng lượng; máy phát điện chạy bằng nước (vừa có khả năng tích điện, vừa phát ra một lúc 2 nguồn năng lượng sạch)… Thầy Bùi Quang Hội, Trưởng nhóm sáng tạo Cầu Mát, bày tỏ các sản phẩm nghiên cứu của nhóm đều gắn với vấn đề bảo vệ môi trường, ứng dụng thực tiễn, hỗ trợ nhà nông và các bà nội trợ. “Hiện chúng tôi đã bán được một công trình với giá trên 1 tỷ đồng. Các công trình còn lại, chúng tôi đã hoàn thiện và đang chào bán cho những nhà đầu tư. Tâm nguyện lớn nhất của nhóm khi bán được các sáng kiến sẽ dành một phần từ số tiền bán công nghệ để làm công tác từ thiện” - thầy Hội tâm sự.

Tình bạn thời cắp sách

Vào những năm 1968-1972, những cô, cậu học sinh: Hội, Vạn, Điệp, Bốn, Oanh lần lượt rời mái trường Ngô Quyền để bước tiếp vào giảng đường sư phạm. Sau khi ra trường, nhóm bạn thời áo trắng mỗi người đi một nơi và được phân về các tỉnh khác nhau: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… để làm công việc gõ đầu trẻ. Sau năm 1975, nhóm bạn thời học trò mới được hội ngộ. Thầy Hội dạy trường xã Cây Gáo, cô Điệp  và cô Oanh dạy trường xã Thiện Tân (cùng huyện Vĩnh Cửu), cô Vạn dạy ở trường Trần Hưng Đạo, cô Bốn dạy ở trường Bửu Long (cùng TP.Biên Hòa). Cũng từ đó mọi người luôn giữ liên lạc, gắn kết với nhau hơn. Nơi gặp gỡ của nhóm bạn này chỉ đơn giản là các quán cóc ven đường ở khu vực Cầu Mát (bờ sông Đồng Nai) trước UBND tỉnh, hay tại nhà của một thành viên nào đó ở TP.Biên Hòa. Cuộc sống giáo viên thời bao cấp vốn bộn bề và gặp khá nhiều khó khăn, thế nhưng thầy Hội và những người bạn vẫn dành thời gian cho việc họp nhóm. Đây cũng chính là lúc các thành viên có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, chuyện đời, chuyện nghề…

Nơi ngôi nhà cũ kỹ của ông giáo Hội ở đầu đường Lữ Mành (KP.3, phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa) vừa là phòng thí nghiệm, vừa là “xưởng” sản xuất ra các sản phẩm của nhóm: Thang máy dành cho người già, người tàn tật, nước magic không lần giặt, không lần rửa;… Điểm đặc biệt của Nhóm sáng tạo Cầu Mát của 5 giáo viên về hưu: Hội, Vạn, Điệp, Bốn, Oanh vẫn là trái tim yêu sáng tạo, cuộc sống và hướng vào người nghèo, môi trường.

Thầy Hội kể lại, thời thầy dạy học ở xã Cây Gáo, nhìn thấy bà con ở đây thu hoạch xong đậu phộng (lạc) không biết bán ở đâu, còn bán cho các đơn vị thu mua lương thực của địa phương thì chẳng được mấy đồng. Nhìn bà con sống vất vả, thầy đã nảy ra sáng kiến và sau đó bàn với nhóm tìm hướng giúp nông dân đỡ khổ. Dưới sự hỗ trợ của nhóm, thầy Hội tạo ra được máy ép đậu phộng thủ công dùng trong gia đình. Mặc dù chỉ là máy ép thô sơ nhưng thầy đã cùng nhóm miệt mài, nghiên cứu khá lâu. Đây cũng là sáng tạo đầu tay mà thầy Hội đã tạo ra (được giấy khen trong phong trào phát huy sáng kiến sáng tạo của Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh huyện Thống Nhất năm 1976). Máy ép đậu phộng của thầy Hội đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân Cây Gáo cũng như nhiều vùng khác, bà con đã biết tự tạo ra sản phẩm dầu phộng sử dụng thay cho mỡ heo trong gia đình và bán ra thị trường, nhờ đó tăng thêm thu nhập.

Về hưu

Thời gian thấm thoắt trôi qua, nhóm bạn “Cầu Mát” lần lượt về hưu. Nỗi nhớ trường, đồng nghiệp, học trò của họ càng da diết trong lòng khi nhiệt huyết nghề chưa dứt. Vì vậy, các thầy cô vẫn nhận các trò nghèo, khó khăn bị sa sút kiến thức để bồi dưỡng, kèm cặp miễn phí, chỉ đơn giản là giúp ích cho đời và để tiếp tục được cống hiến với nghề mà mình đã chọn. Để tuổi già thêm phần ý nghĩa, các thầy cô bắt đầu các chuyến từ thiện hướng về người dân vùng sâu, xa và những học trò nghèo bằng những đồng lương hưu tích cóp.

Chơi vui, tâm hồn được thảnh thơi nhưng trí tuệ sẽ bị bào mòn theo thời gian. Với quan điểm đó, các thành viên của nhóm bàn với nhau phải làm một điều gì đó có ích cho người, cho đời, cho xã hội. Nghĩ là làm, nói là thực hiện, từ năm 2010-2015 Nhóm sáng tạo Cầu Mát đã bắt đầu nghiên cứu nhiều sáng kiến mới và cho ra đời các sản phẩm có giá trị thiết thực phục vụ cho người già, nông dân, những người nội trợ, như: thang máy giá rẻ dành cho người già, người bệnh, người tàn tật dùng trong gia đình; máy siêu âm làm tơi đất; xe không tốn năng lượng; máy rửa rau quả bằng siêu âm (chỉ với giá hơn 100 ngàn đồng); nước magic không lần giặt, không lần rửa (đã bán bản quyền sáng chế cho một nhà đầu tư ở Phú Yên)…

Các thành viên Nhóm sáng tạo Cầu Mát đang thiết kế mô hình “Máy phát điện bằng nước”.
Các thành viên Nhóm sáng tạo Cầu Mát đang thiết kế mô hình “Máy phát điện bằng nước”.

Tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, làm sao để giải quyết được vần đề này luôn là một câu hỏi khó. Có lẽ đây là động lực để Nhóm sáng tạo Cầu Mát phát minh ra nhà máy phát điện chạy bằng nước, giá rẻ mà nguồn năng lượng đầu vào thì vô tận, cùng lúc phát ra 2 nguồn năng lượng sạch mà còn có khả năng tích điện. Đây là giải pháp tối ưu mà các nhà máy phát điện chạy bằng năng lượng hiện nay chưa giải quyết tốt được, như: giá thành rẻ hơn so với giá điện hiện tại, không cần hồ chứa nước, phát cùng lúc 2 nguồn: điện và khí nén, đồng thời có chức năng tích điện lại.

Thầy Hội giải thích thêm, sáng chế này được CESTI (Trung tâm thông tin khoa học - công nghệ TP.Hồ Chí Minh) xác nhận không trùng lắp với bất cứ sáng chế nào trên thế giới. Hiện nhóm đã làm hồ sơ đăng ký sáng chế với Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, đã đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, được Tổ chức sáng chế và thương hiệu Mỹ (USPTO) cấp bằng sáng chế tạm thời (Patent Pending), đồng thời cũng đang trong quá trình giới thiệu chào bán công nghệ này cho các nhà đầu tư.

Tâm huyết, trăn trở và thành công bước đầu là vậy. Nhóm sáng tạo Cầu Mát mong muốn rằng các sản phẩm của mình tìm được nhà đầu tư để chuyển giao công nghệ. Số tiền chuyển giao từ việc bán các sáng chế sẽ được các thành viên trong nhóm dành một phần làm các hoạt động từ thiện để giúp ích cho những mảnh đời còn nhiều bất hạnh trong xã hội. Bởi trái tim họ luôn hướng tới những giá trị nhân văn, giá trị cốt yếu của người Việt Nam: tình yêu thương, sự gắn bó, giúp đỡ nhau; sản phẩm chủ yếu phục vụ cho nhà nông, giới nội trợ; không ảnh hưởng đến môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống và dùng giá trị khoa học để cứu giúp trực tiếp những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Làm tất cả những gì trong khả năng  để mãi mãi giá trị của tình người không bị mai một và mất đi, đó là niềm vui và cũng chính là niềm hạnh phúc của các thành viên trong  Nhóm sáng tạo Cầu Mát.

    Đoàn Phú

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều