Ngày hè tháng 7, 45 chiến sĩ tình nguyện đến từ Trường cao đẳng nghề số 8 (KP.1, phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) hân hoan đón nhận những chùm chôm chôm chín đỏ của nông dân xã Sông Thao (huyện Trảng Bom) gửi tặng thay cho lời cảm ơn, động viên.
Ngày hè tháng 7, 45 chiến sĩ tình nguyện đến từ Trường cao đẳng nghề số 8 (KP.1, phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) hân hoan đón nhận những chùm chôm chôm chín đỏ của nông dân xã Sông Thao (huyện Trảng Bom) gửi tặng thay cho lời cảm ơn, động viên.
Các chiến sĩ tình nguyện luôn quán triệt tinh thần “hết mình, trách nhiệm, kỷ luật trong lao động”. |
Anh Nguyễn Hà Nam, Bí thư Đoàn Trường cao đẳng nghề số 8, Trưởng đoàn thanh niên tình nguyện, tâm sự ngoài chôm chôm, người dân xã Sông Thao còn đem gà, rau, củ, quả, củi, trứng… tiếp tế cho đoàn trong những ngày lưu trú tại điểm Trường tiểu học Sông Thao. Được người dân, cán bộ xã Sông Thao hỗ trợ hết mình, các chiến sĩ nguyện càng quyết tâm “quên mưa, thắng nắng” để hoàn thành các phần việc theo kế hoạch.
* Quên mưa, thắng nắng
Sau khi hành quân về ấp Thuận Trường, 45 chiến sĩ tình nguyện mùa hè Trường cao đẳng nghề số 8 được xã bố trí chỗ ở tại điểm Trường tiểu học Sông Thao. Mất một ngày dọn dẹp phòng học để làm nơi ăn ở, sinh hoạt, đoàn chiến sĩ tình nguyện ra mắt chính quyền xã, ban ấp Thuận Trường bằng buổi lễ nho nhỏ, ấm áp. Ngày hôm sau, họ nhanh chóng triển khai đội hình về tổ 7, ấp Thuận Trường phối hợp cùng nhân dân, thanh niên trong xã phát quang bụi rậm, tu bổ đường sá. Do đoạn đường cách xa nơi đóng quân, thủ lĩnh Nam triển khai phương án di chuyển bếp ăn trưa đến nơi làm.
Lần đầu tiên tham gia chiến dịch tình nguyện mùa hè, chiến sĩ Hoàng Văn Dũng (quê Hà Tĩnh) hì hục trổ tài trước người dân, thanh niên xã. Chiến sĩ Dũng tâm sự, công việc này Dũng đã quen tay làm, vì ở quê Dũng thường xuyên phụ giúp cha khuân đá đắp ao, đắp bờ ruộng. Cho nên, Dũng có đôi tay săn chắc, thể lực sung mãn đúng tông con nhà nông.
Chiến dịch tình nguyện mùa hè của 45 chiến sĩ tình nguyện Trường cao đẳng nghề số 8 bắt đầu từ ngày 10-7 và kết thúc vào ngày 24-7. Trước khi chia tay, các chiến sĩ sẽ được xã Sông Thao, các ban ấp Thuận Trường và Thuận Hòa làm một buổi tiệc chia tay ý nghĩa. Theo gợi ý của thủ lĩnh thanh niên Nguyễn Hà Nam, đó sẽ là buổi tiệc, đêm lửa trại giao lưu văn nghệ khó quên đối với các chiến sĩ tình nguyện khi hành quân về đây giúp dân làm các phần việc đã được nhà trường phê duyệt. |
Chiến sĩ Dương Hùng Vinh (quê tỉnh Ninh Thuận) cũng chẳng thua kém đồng đội và các thanh niên xã Sông Thao khi sử dụng thành thạo chiếc máy cắt cỏ. Quẹt mồ hôi trên mặt, chiến sĩ Vinh cho biết trước khi trở thành sinh viên, Vinh là bộ đội xuất ngũ. Trong thời gian đi bộ đội, Vinh đã quen với công tác hành quân dân vận do đơn vị triển khai. Vì vậy, việc phát cỏ, khuân đá, khơi thông cống rãnh… với Vinh là chuyện thường. “Học tập tại Trường cao đẳng nghề số 8, bọn em quen với tác phong quân đội trong trường nên làm việc luôn hết mình, trách nhiệm, trật tự, nghiêm túc chấp hành sự chỉ huy của giảng viên Nam” - chiến sĩ Vinh nói.
Là thủ lĩnh của 45 chiến sĩ tình nguyện, đồng thời là giảng viên, Bí thư Đoàn trường, anh Nguyễn Hà Nam hòa mình lao động cùng mọi người. Nhìn thủ lĩnh Nam hết vác máy cắt cỏ, lại cầm rựa phát cây, phụ các chiến sĩ tình nguyện khuân bao đất nặng…, các chiến sĩ tình nguyện như được khích lệ cống hiến hơn nữa để phần việc trong ngày mau kết thúc.
Anh Nam cho hay, từ ngày 10 đến 18-7, đoàn thanh niên tình nguyện của Trường cao đẳng nghề số 8 đã phát quang bụi rậm, sửa chữa được trên 21km đường làng, ngõ xóm; phụ giúp gia đình bà Loan (ấp Thuận Trường) đổ xong phần đất để thợ xây nhà tình thương. Những ngày còn lại, đoàn tiếp tục hành quân về ấp Thuận Hòa phát quang cỏ dại, vệ sinh môi trường và sửa chữa nhà tình nghĩa cho 3 hộ chính sách.
* Được dân thương
Thương các chiến sĩ tình nguyện vất vả khi người dân địa phương bận việc mùa vụ, Ban điều hành ấp Thuận Trường đã cử người phối hợp cùng các chiến sĩ tình nguyện lao động, kêu gọi thanh niên trong xóm cùng chung tay lao động, vận động người dân đem rau xanh, chôm chôm, chuối, gà vườn đến hỗ trợ bữa ăn cho các chiến sĩ tình nguyện.
Trưởng ấp Trần Văn Đạo bày tỏ, ngoài việc lo chỗ ăn ở, ban ấp còn hỗ trợ các chiến sĩ tình nguyện bếp gas, củi đốt, xăng nhớt và 4 máy phát cỏ. Ông Đạo nói: “Những ngày đầu, chúng tôi hỗ trợ 8 máy cắt cỏ, huy động gần trăm thanh niên và người dân ra quân cùng các chiến sĩ tình nguyện. Riêng ban ấp và chính quyền, Đoàn thanh niên xã lúc nào cũng cắt cử người phối hợp cùng các chiến sĩ tình nguyện lao động và động viên tinh thần”.
Cầm chùm chôm chôm chín đỏ vừa hái ở rẫy về, chị Thanh (ngụ ấp Thuận Trường) dúi vào tay thủ lĩnh Nam với lời nhắn trao cho các chiến sĩ tình nguyện ăn lúc nghỉ giải lao. Còn ông Phạm Ngọc Thành, Phó ban ấp Thuận Trường thì mang con gà trống do bà con ủng hộ các chiến sĩ tình nguyện cải thiện bữa cơm. Rồi những bó rau xanh, chục quả mướp, bí, cà… liên tiếp được người dân chuyển đến nhà bếp các chiến sĩ tình nguyện.
Các chiến sĩ tình nguyện với những túi chôm chôm trên vai do người dân ủng hộ. |
Cầm những món quà của người dân gửi tặng, giảng viên Trương Hùng Phi, Bí thư Chi đoàn Khoa cơ sở - cơ bản Trường cao đẳng nghề số 8, xúc động nhận tấm chân tình của người dân, nhất là khi anh được bà con trao quà kèm thêm lời nhắn gửi: “Các con ăn đi, phải ăn ngon miệng thì mai mới có sức làm giúp bà con”.
Trời tháng 7 lúc nắng, lúc mưa, không để các chiến sĩ tình nguyện cả ngày cuốc bộ dọc theo các tuyến đường trên địa bàn ấp Thuận Trường phát cỏ, nạo vét cống rãnh, tu sửa đường, ông Trần Tắc Quay, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sông Thao, tình nguyện lấy máy cày của mình chở các chiến sĩ tình nguyện đi về mỗi ngày 4 đợt.
Ông Quay cho hay, nhân dịp các chiến sĩ tình nguyện Trường cao đẳng nghề số 8 về giúp dân ấp Thuận Trường, ông muốn góp một phần công sức của mình với tuổi trẻ tình nguyện.
Có mặt cùng các chiến sĩ tình nguyện khi tan buổi làm việc trưa, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Sông Thao kiêm Bí thư chi bộ ấp Thuận Trường, bộc bạch sự có mặt của ông, lãnh đạo địa phương, ban ấp, Đoàn thanh niên xã tại hiện trường không phải để giám sát các chiến sĩ tình nguyện, mà để họ bớt đơn độc khi làm việc, động viên, sự chia lửa khi cần thiết. “Chúng tôi muốn để lại thật nhiều kỷ niệm trong lòng các chiến sĩ tình nguyện về hình ảnh hiếu khách của người dân Sông Thao. Ngược lại, các chiến sĩ tình nguyện cũng muốn gửi lại chúng tôi một tinh thần tình nguyện xả thân, kỷ luật, trách nhiệm trong suốt 20 ngày lưu lại Sông Thao” - ông Hòa bộc bạch.
Đoàn Phú