Với độ cao 837m so với mực nước biển và đường đi lại hiểm trở, ngọn Chứa Chan (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) không dễ chinh phục. Ông Phạm Văn Bình (còn gọi là Năm Bình, cán bộ Ban Quản lý di tích quốc gia - danh lam thắng cảnh Chứa Chan) cho hay, có 3 hướng để lên tới đỉnh núi Chứa Chan, gồm: hướng thị trấn Gia Ray, chùa Bửu Quang hoặc cắt rừng từ hướng Lâm Sơn tự lên.
Với độ cao 837m so với mực nước biển và đường đi lại hiểm trở, ngọn Chứa Chan (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) không dễ chinh phục. Ông Phạm Văn Bình (còn gọi là Năm Bình, cán bộ Ban Quản lý di tích quốc gia - danh lam thắng cảnh Chứa Chan) cho hay, có 3 hướng để lên tới đỉnh núi Chứa Chan, gồm: hướng thị trấn Gia Ray, chùa Bửu Quang hoặc cắt rừng từ hướng Lâm Sơn tự lên.
Vất vả chinh phục độ cao 837m. |
Chỉ tay về phía những đám mây vần vũ ngọn Chứa Chan, ông Năm Bình hối thúc chúng tôi nhanh chân bước lên những bậc tam cấp để sớm được đùa với mây, xem những cây trà quý do vua Bảo Đại trồng, phế tích dinh Bảo Đại và những câu chuyện ly kỳ về “ông” hổ trắng, suối tiên, suối tôm…
* Leo núi nghiệp dư
7 giờ sáng, đoàn chinh phục đỉnh cao ngọn Chứa Chan của chúng tôi đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng, cùng với gậy, nước, thức ăn, dầu xoa chống muỗi… tập kết tại chân núi. Lúc này, ông Năm Bình và ông Vinh (cán bộ Ban Quản lý di tích quốc gia - danh lam thắng cảnh Chứa Chan) đã đợi sẵn để đưa chúng tôi lên núi. Trước khi đi, ông Năm Bình đưa ra kế hoạch thời gian để chúng tôi chuẩn bị tinh thần chinh phục độ cao 837m và giới thiệu đôi nét về sự khó khăn mà chúng tôi phải trải qua cùng với những cảnh đẹp mà chúng tôi được nhìn thấy, như: mây đen, mây trắng vần vũ ngọn Chứa Chan, những dòng nước trong vắt, mát lạnh được chảy ra từ lòng núi, chùa Bửu Quang giàu truyền thống cách mạng…
Tiếng đùa giỡn của các bạn trẻ trong đoàn thưa dần theo từng bậc tam cấp khi leo lên 3 cái dốc lớn: dốc 1, dốc 2, dốc 3 để lên tới chùa Bửu Quang. Mỗi bậc tam cấp lên chùa Bửu Quang như làm chúng tôi cao thêm một tí, hai bên đường san sát hàng quán bán đồ lưu niệm, bánh trái, nước uống, đồ cúng lễ…
Ông Phạm Văn Bình cho hay, hiện Ban Quản lý di tích quốc gia - danh lam thắng cảnh Chứa Chan đang trong thời gian triển khai dự án cáp treo. Theo kế hoạch, đến tháng 9-2016, dự án cáp treo núi Chứa Chan sẽ đưa vào hoạt động và du khách sẽ không còn vất vả lần từng bước chân để khám phá ngọn Chứa Chan cao 837m so với mực nước biển với nhiều cảnh quan và truyền thuyết ly kỳ, hấp dẫn. |
Cho đoàn dừng nghỉ lại cây da 3 gốc, dòng suối tiên để chụp ảnh lưu niệm, ông Năm Bình liên tục khích lệ chúng tôi bằng những câu chuyện về dãy Chứa Chan (gồm 5 ngọn) với nhiều câu chuyện quá khứ, truyền thuyết mê mẩn.
Dãy núi Chứa Chan chứa đựng trong lòng nó một nguồn nước mát lạnh không bao giờ dứt. Nguồn nước này vừa cung cấp nước sạch, nguồn thủy điện cho hàng trăm con người sinh sống trên núi và tưới tiêu cho các xã dưới chân núi, như: Xuân Trường, Xuân Thọ, Xuân Hiệp nhờ các dòng suối: Gia Ui, Gia Miên, Gia Liêu, Gia Lào từ trên cao theo các khe đá chảy xuống. Trên ngọn Gia Lào cao 837m này, còn có 2 dòng suối đẹp là suối Tiên và suối Tôm. “Suối Tiên do người dân trong vùng đặt tên, vì hồi xưa người dân thường ra dòng suối này tắm giặt. Còn suối Tôm thì nơi cách vách nước sản sinh thêm các loài tôm núi, to bằng tôm thẻ sông Đồng Nai. Trước kia, tôm ở dòng suối này rất nhiều, bám đầy các khe nước, phiến đá. Ngoài tôm núi, nơi dòng suối này còn có cua núi, thịt rất ngon” - ông Năm Bình giới thiệu.
10 giờ sáng, chúng tôi mới đặt chân lên chùa Bửu Quang, nghe ni cô Thích Nữ Diệu Tâm kể chuyện về ngôi chùa được hình thành từ 3 thế kỷ trước do các nhà sư: Sa Môn Trùng Ngô (tổ sư), Sa Môn Tâm Quang, sư thầy Thích Thiện Tấn sáng lập, tôn tạo, vun đắp.
Ngôi chùa này còn có phần mộ của công chúa Ngọc Vạn (con chúa Nguyễn gả cho vua Chân Lạp). Tục truyền rằng, sau khi vua Chân Lạp mất, công chúa Ngọc Vạn đã trốn về cố hương. Trên đường về kinh đô Huế, qua núi Chứa Chan thấy phong cảnh hữu tình, bà đã quyết định dừng chân, xuống tóc quy y tu hành.
* Chinh phục đỉnh cao 837m
Cũng theo ni cô Thích Nữ Diệu Tâm, sau năm 1975, mộ của công chúa Ngọc Vạn bị kẻ xấu đào trộm để lấy cổ vật và tấm bia bằng đá cẩm thạch quý giá. Để bảo vệ hài cốt của vị tổ sư Trùng Ngô, sư thầy quá cố của bà là Thích Thiện Tấn đã đưa hài cốt của vị tổ sư vào chùa bảo quản nhằm tránh sự xâm hại của kẻ xấu muốn chiếm đoạt hài cốt của người làm xá lợi tử. “Trước kia có người nhìn thấy “ông” hổ trắng chiều đến hay ghé mộ các vị sư tổ nghỉ ngơi. Sau này không ai nhìn thấy “ông” hổ trắng ấy nữa”- sư cô Thích Nữ Diệu Tâm nói.
Sau khi được sư cô Thích Nữ Diệu Tâm tặng hơn chục chai nước suối để tiếp sức, ông Năm Bình bắt đầu dẫn chúng tôi chinh phục độ cao nhất của dãy Chứa Chan. Ông Năm Bình dự kiến sẽ cho chúng tôi “đùa giỡn” với mây xanh, mây trắng lúc 14 giờ nếu mọi người dốc hết sức vượt qua được những con đường mòn nhỏ, đường lừa thuở xưa của vua Bảo Đại rất gian nan.
Nơi đỉnh núi Chứa Chan cao nhất có trạm thông tin của quân đội, có vườn trà cung đình, giếng nước và rất nhiều phế tích của vua Bảo Đại và chiến tranh còn sót lại. Để lên tới đó, ông Năm Bình dẫn đoàn đi theo hướng lên rẫy ông Ba Phước.
Cán bộ Ban Quản lý khu di tích quốc gia - danh lam thắng cảnh Chứa Chan chụp ảnh lưu niệm cùng chúng tôi tại chùa Bửu Quang, nơi có độ cao 700m so với mực nước biển. |
Ông Ba Phước, một người dân miền Tây, đã lên tới độ cao 700m so với mực nước biển của ngọn núi để nuôi bò, làm rẫy. Ngôi nhà của ông Ba Phước cả ngày đều sáng điện, tivi luôn mở để tiêu hao cho hết nguồn năng lượng do mấy cái tuốc-bin tự tạo mang lại. Ngoài ra, ông Ba Phước còn sản xuất điện bán cho những người dân ở phía dưới với giá phải chăng.
Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Ba Phước bày tỏ, gần trăm tấm bảng chỉ đường lên núi viết bằng màu sơn đỏ chói, gắn vào các thân cây để cho du khách khỏi lạc đường đều do ông tạo ra. Trên 20 năm sinh sống trên ngọn Chứa Chan này, vợ chồng ông sinh được 4 người con. Mấy chục năm nay, ngôi nhà nhỏ trên núi của ông còn là điểm dừng chân dài ngày của rất nhiều bạn trẻ thích du lịch dã ngoại.
Từ nhà ông Ba Phước lên được đỉnh cao 837m phải mất thêm 2 giờ đối với chúng tôi. Tuy vậy, khi lên được đến đỉnh núi cao nhất, chúng tôi được ông Năm Bình dẫn đi tham quan các phế tích khu dinh thự của vua Bảo Đại, sân bay trực thăng của Pháp, Mỹ; giao lưu với các chiến sĩ thông tin của trạm thông tin; ra giếng trong vắt của vua Bảo Đại. Ông Năm Bình còn khéo léo dẫn chúng tôi băng rừng khám phá những gốc trà cung đình của vua Bảo Đại còn sót lại để nếm thử vị lá trà ngọt thanh, chát đầu lưỡi...
Đoàn Phú