Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng dân tộc xây dựng nông thôn mới

11:07, 27/07/2015

Mỗi khi trong làng có việc, già làng Văn Lương (ngụ ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) thường khó ngủ, nằm trằn trọc đợi trời sáng. Khi trời bừng sáng, già Lương đã có mặt nơi nhà rông của làng vừa đợi dân làng đến, vừa nhẩm tính các công việc cần làm.

Mỗi khi trong làng có việc, già làng Văn Lương (ngụ ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) thường khó ngủ, nằm trằn trọc đợi trời sáng. Khi trời bừng sáng, già Lương đã có mặt nơi nhà rông của làng vừa đợi dân làng đến, vừa nhẩm tính các công việc cần làm. Già làng Lương cho hay, ban ấp, UBND xã luôn quan tâm đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, già phải có trách nhiệm động viên đồng bào dân tộc thiểu số trong làng chia sẻ công việc với ấp, xã.

* Làm đẹp đường đi

Đường Cây Me dẫn vào làng dân tộc Chơro của già làng Lương nay không còn lầy lội, chật chội như trước. Nhất là khi con đường được Ban điều hành ấp Trung Sơn và chính quyền xã Xuân Trường tìm được nguồn vốn trên 800 triệu đồng để đổ bê tông rộng 2m, dài 840m, chạy dài từ văn phòng ấp đến cuối làng.

Già làng Văn Lương luôn là cầu nối giữa đồng bào Chơro trong ấp với chính quyền xã Xuân Trường, Ban điều hành ấp Trung Sơn.
Già làng Văn Lương luôn là cầu nối giữa đồng bào Chơro trong ấp với chính quyền xã Xuân Trường, Ban điều hành ấp Trung Sơn.

Trưởng ấp Trung Sơn Nguyễn Xuân Mạnh cho biết, đường Cây Me được đầu tư theo hình thức xã hội hóa (Nhà nước đầu tư 80%, người dân đóng góp 20%). Để đồng bào Chơro có tiền đối ứng với Nhà nước, ban ấp đã xin chủ trương của UBND xã cho phép người dân góp vốn 1 triệu đồng/hộ dân và hiến đất mở rộng đường. Số tiền còn thiếu, ban ấp và xã vận động mạnh thường quân góp vào cho đủ.

Ý của ban ấp rất hợp với lòng của già làng Lương và 53 hộ dân tộc thiểu số trong làng. Vì vậy, UBND xã Xuân Trường đã đồng thuận và phê duyệt phương án làm đường theo đề xuất của ấp Trung Sơn và già làng Lương. Kế hoạch làm đường được ban ấp và già làng Lương họp dân làng triển khai ngày hôm trước thì hôm sau bà con trong làng đã đem tiền đến đóng đủ cho ấp. Đường làm xong, đồng bào thấy đường đẹp quá nên nghe lời vận động của ban ấp và già làng Lương, mỗi hộ đóng góp thêm 200 ngàn đồng nữa để kéo đường dây điện, lắp bóng đèn chiếu sáng. “Nếu không nhờ ban ấp, nhờ xã và các mạnh thường quân thì đường Cây Me vào làng sẽ không đẹp, rộng như hôm nay” - già làng Lương khoe.

Phó chủ tịch UBND xã Xuân Trường Lương Minh Tân nhấn mạnh hiện đồng bào dân tộc ở 2 ấp Trung Sơn và Gia Hòa đều ý thức rất cao trong việc chung tay cùng ấp, xã xây dựng nông thôn mới. Dù điều kiện kinh tế, đời sống… của đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, nhưng hiện nay đồng bào rất có trách nhiệm với các phong trào xã hội và ngay chính bản thân mình trong việc cùng địa phương tìm giải pháp thoát nghèo bền vững.

Đường đưa vào sử dụng lâu ngày thì cỏ bắt đầu mọc lấn ra bên lề. Già làng Lương và Ban điều hành ấp Trung Sơn vận động dân làng phát dọn cỏ hai bên đường cho sạch đẹp và bảo vệ đường khỏi xuống cấp. Vậy mà già làng Lương hàng ngày đi lại trên đường vẫn thấy thiếu thiếu điều gì đó, nhưng già chưa nghĩ ra. Đến khi Ban điều hành ấp Trung Sơn phát động dân làng nâng chất thêm tiêu chí đường nông thôn cần có hoa, lá cho đẹp thì già làng Lương hiểu ra cái còn thiếu. Cho nên sáng 25-7, già Lương cùng cán bộ ấp Trung Sơn và dân làng ra quân trồng hoa hai bên đường cho đẹp.

Để có hoa trồng dọc hai bên tuyến đường Cây Me dài 840m, ấp Trung Sơn và già làng Lương vận động dân làng chọn hoa đẹp trong vườn nhà và xin thêm hoa mười giờ, cỏ đậu… trồng cho đẹp hai bên đường. Già làng Lương lại cầm cuốc cùng cán bộ ấp, người dân trong làng trồng hoa. Chỉ trong buổi sáng, hai bên đường Cây Me đã đầy hoa, lá cảnh. Để hoa, lá cảnh không chết khi mới trồng, già làng Lương nhắc nhở mọi người cần phải có ý thức chăm sóc, bảo vệ hoa, lá cảnh.

* Chung tay xây dựng nông thông mới

Sau buổi ra quân cùng ban ấp, dân làng trồng hoa, già làng Lương mới có nhiều thời gian kể chuyện xưa với chúng tôi. Già làng Lương kể, ngày trước làng của già còn khổ và lạc hậu lắm. Hồi ấy, chỉ làm được lúa một vụ và cây mì, cây bắp trên đồi cao nên dân thiếu ăn. Sau năm 1975, đồng bào vẫn còn mê tín, sống du canh du cư. Lúc ấy, nhà nào trong làng có người bệnh là mời thầy cúng và giết gà, heo, thậm chí trâu, bò để đuổi bệnh. Mãi đến năm 1990, cha của già Lương bỏ tập quán lạc hậu, không tin thầy cúng, bệnh đem đi bác sĩ chữa trị thì bà con trong làng mới dần làm theo.

Đồng bào Chơro ra quân trồng hoa hai bên đường Cây Me vào sáng 25-7.
Đồng bào Chơro ra quân trồng hoa hai bên đường Cây Me vào sáng 25-7.

Bên cạnh đó, chính quyền đã tuyên truyền vận động và hướng dẫn, dân làng tập làm quen với việc ăn ở có vệ sinh để tránh bệnh tật, sống định canh - định cư với sự hỗ trợ kỹ thuật, vốn, nhà ở, học tập, chăm sóc sức khỏe của địa phương. Chính quyền xã, huyện liên tục cử cán bộ về làng hướng dẫn đồng bào trồng lúa ngắn ngày, trồng bắp, màu mùa và tận dụng nguồn nước trong mát từ các dòng suối của núi Gia Lào để thoát đói, giảm nghèo…

Cuộc sống dần ổn định, đồng bào dân tộc Chơro của già làng Lương bắt chước người Kinh trồng tiêu; ruộng làm 3 vụ với 2 bắp, 1 lúa hoặc trồng hoa bán tết; nuôi dê, bò sinh sản. Nhà nào ít đất, dư lao động thì được vận động học nghề, giới thiệu việc làm, lập dự án vay vốn ngân hàng để nâng cao thu nhập. “Nay địa phương vận động dân làng làm nông thôn mới nên cái đói không còn, chuyện lạc hậu cũng lùi vào quá khứ. Tuy vậy, trong làng vẫn còn 30 hộ nghèo theo tiêu chuẩn năm 2015. Cái nghèo hôm nay không phải thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhà ở, mà nghèo vì chưa đạt mức thu nhập theo tiêu chí nông thôn mới. Vì vậy, dân trong làng rất phấn khởi khi được ấp, xã triển khai các chương trình hỗ trợ vốn, xây dựng dự án chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng vật nuôi năng suất cao” - già làng Lương nói.

Trưởng ấp Trung Sơn Nguyễn Xuân Mạnh cho biết thêm, nhìn bên ngoài khó biết làng Chơro của già làng Lương còn tới 30 hộ nghèo. Tuy nhiên, ông vẫn thường xuyên vận động các mạnh thường quân trong và ngoài xã mỗi tháng được 1-2 lần tặng quà cho bà con; tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của xã, huyện về cho ấp nhằm ưu tiên hỗ trợ dân làng về vốn, sửa nhà ở, việc làm, cây con giống. “Điều đáng mừng là dân làng rất đoàn kết, có ý thức chung tay cùng địa phương trong các phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới, nông thôn mới, phát triển kinh tế gia đình” - ông Mạnh bộc bạch.

Chia tay già làng Lương và đồng bào dân tộc Chơro khi những cành hoa, lá cảnh mới trồng hai bên đường Cây Me đang chờ cơn mưa chưa được 1 giờ đồng hồ, chúng tôi bất ngờ nhận được điện thoại của Trưởng ấp Nguyễn Văn Mạnh cho biết dự án kéo dài đường Cây Me thêm 1,2km theo hình thức xã hội hóa rất được đồng bào Chơro của già làng Lương hưởng ứng và hứa sẽ góp tiền, góp đất và ngày công để làm. Ông Mạnh nói vắn tắt qua điện thoại: “Nông thôn mới chính là động lực để đồng bào Chơro ấp Trung Sơn vững tin vào bản thân mình và các chính sách của địa phương để vượt nghèo, tạo lập kinh tế ổn định”.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều