Trong đoàn chuyên gia của Đồng Nai sang giúp tỉnh Kampong Thom (Campuchia) những năm 1980 có lực lượng công an làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các thành viên trong đoàn.
Trong đoàn chuyên gia của Đồng Nai sang giúp tỉnh Kampong Thom (Campuchia) những năm 1980 có lực lượng công an làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các thành viên trong đoàn. Đến nay, đã hơn 30 năm trôi qua, những cán bộ Công an Đồng Nai từng tháp tùng đoàn chuyên gia vẫn nhớ mãi những kỷ niệm thời công tác ở nước bạn.
Trung tá Nguyễn Tài Sắc xem lại kỷ vật cá nhân về một thời làm nghĩa vụ quốc tế. |
Sau khi chế độ diệt chủng Pol Pốt bị đập tan, những năm 1979-1980, tàn quân Khmer Đỏ đã tiến hành chiến tranh du kích tấn công chính quyền mới của Campuchia và các đoàn chuyên gia Việt Nam tại đây. Tỉnh Kompong Thom khi đó có vị trí chiến lược đặc biệt với thủ đô Phnom Penh, đồng thời nằm trên đường vận chuyển vũ khí từ biên giới Thái Lan về Biển Hồ (Campuchia) nên Khmer Đỏ đưa nhiều toán lính về hoạt động du kích tại Kompong Thom, gây nhiều thiệt hại cho chính quyền mới.
* Nguy hiểm rình rập
Lục trong ký ức đã nhuốm màu thời gian, Đại tá Lưu Văn Hộ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, nhớ lại: “Năm 1984, sau khi học xong trung học cảnh sát tại Hà Nội, tôi được Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đưa vào TP.Hồ Chí Minh tăng cường cho đoàn chuyên gia Việt Nam công tác tại Campuchia. Sau khi tập kết tại Phnom Penh, tôi cùng một số cán bộ của đoàn chuyên gia tỉnh Đồng Nai di chuyển đến Kompong Thom. Lúc ấy, nhìn những người xung quanh trang bị đầy đủ nón sắt, áo giáp, súng AK…, còn trên tay tôi chỉ có đúng khẩu súng ngắn K59 và 6 viên đạn, tôi không khỏi lo lắng về việc đụng phải ổ phục kích của địch…”.
Trung tá Nguyễn Tài Sắc, hiện công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh, khi đó là Tiểu đội trưởng cảnh vệ của đoàn chuyên gia Đồng Nai, cho hay nguy hiểm không chỉ xuất hiện trên đường đi mà ngay ở TX.Kompong Thom khi đó cũng rất nguy hiểm, nhất là vào ban đêm. Dù có lớp tường lũy bảo vệ bằng gỗ căm xe bao quanh nhưng đã có hơn 1 lần quân Khmer Đỏ lọt được vào trong và đụng độ với quân đội Campuchia.
Cứ sau 21 giờ 30, toàn bộ TX.Kompong Thom phải tắt hết đèn vì không đủ điện cung cấp, đoàn chuyên gia Đồng Nai có máy nổ phục vụ công tác, nhưng cả thị xã tối om khiến cho việc bảo vệ chuyên gia vào ban đêm hết sức khó khăn. Có một lần, vào tầm 22 giờ một ngày giữa năm 1986, quân Khmer Đỏ đánh mạnh vào thị xã, chính quyền và quân đội Campuchia ở đó tháo chạy, Thị đội Kampong Thom ở sát tường lũy chúng tôi ngập trong biển lửa. Lúc đó, anh em cảnh vệ được huy động toàn bộ ra hào, còn tôi sau khi kiểm tra đoàn chuyên gia xuống hầm trú an toàn đã sát cánh cùng mọi người chiến đấu” - Trung tá Sắc kể lại.
Đại tá Hộ cho biết, đó là lần đầu tiên ông trải qua khoảnh khắc nơi chiến trường với tiếng súng nổ liên hồi. Do trang bị cá nhân của quân Khmer Đỏ không hề thua kém lực lượng cảnh vệ nên áp lực đảm bảo an toàn cho đoàn chuyên gia càng nặng nề hơn. “May mắn là khi đó tường lũy của chúng tôi không bị xâm phạm nên tránh được cuộc đụng độ, nhưng phải đến khi bộ đội chủ lực Việt Nam và quân đội Campuchia tấn công giải phóng TX.Kompong Thom chúng tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Sau đó, vài lần đoàn chuyên gia Đồng Nai xuống các xã vùng sâu bị quân Khmer Đỏ phục kích, nhưng may mắn không xảy ra thương vong” - Đại tá Hộ tâm sự.
* Tình người nơi đất bạn
Trung tá Lê Quang Tâm, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Long Thành, bồi hồi nhớ lại ngày đầu ông đặt chân đến Campuchia để làm nhiệm vụ bảo vệ đoàn chuyên gia Đồng Nai. “Nhận lệnh cấp trên không bao lâu thì tôi lên đường sang nước bạn. Ấn tượng đầu tiên của tôi về TX.Kompong Thom khi đó là sự vắng vẻ đến rợn người. Vì vừa trải qua chiến tranh và đang bị sự tấn công của tàn quân Khmer Đỏ nên cuộc sống người dân địa phương hết sức khó khăn”.
Đại tá Lưu Văn Hộ xem lại những hình ảnh, kỷ vật của Công an Đồng Nai làm nhiệm vụ cảnh vệ cho đoàn chuyên gia được lưu tại nhà truyền thống Công an tỉnh. |
Trước tình cảnh đó, người dân địa phương vẫn rất nhiệt tình đón tiếp và thể hiện thái độ thân thiện với đoàn chuyên gia Đồng Nai. Đã nhiều lần, một số chuyên gia Đồng Nai cùng lực lượng cảnh vệ quay về tỉnh Tây Ninh mua khoai mì làm lương thực và cấp cho người dân Campuchia. Có lần, đoàn chuyên gia Đồng Nai cấp lương thực, thuốc men cho dân địa phương thì mẹ của Xà Rương, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 801 của quân Khmer Đỏ, cũng đến nhận và được các chuyên gia Đồng Nai giúp đỡ vượt qua cơn hiểm nghèo. Sau này (tháng 9-1987), khi Xà Rương ra đầu hàng mới tiết lộ chuyện y thấy cảnh mẹ được đối xử tốt nên nhiều lần đoàn chuyên gia Đồng Nai lọt vào ổ phục kích của Sư đoàn 801 mà Xà Rương nhất định không cho lính tấn công.
Theo hồi ký Đất Mẹ của ông Nguyễn Văn Thông, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia Đồng Nai tại Kompong Thom từ năm 1984, suốt 10 năm sau khi đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary, quân dân Đồng Nai đã tiếp tục giúp nước bạn trên các chiến trường Kompong Thom, Kompong Cham, Kroche… với nhiều lần cung cấp thuốc men, lương thực, giúp hình thành chính quyền cơ sở tại các địa phương. |
“Thời tiết tại đó không khác gì khi ở Việt Nam, vẫn chia ra 2 mùa mưa và khô, chỉ có điều nắng gắt và mưa dai hơn so với nước mình thôi. Tôi còn nhớ, mỗi lần mưa xuống, vùng đất trũng quanh nơi đoàn chuyên gia Đồng Nai ở bị ngập nước, thông với ao hồ gần đó nên có rất nhiều cá theo nước hồ bơi vào. Một số anh em cảnh vệ còn lấy cần câu câu cá cải thiện bữa ăn cho tổ cảnh vệ và đoàn chuyên gia nữa. Do đóng quân gần trung tâm thị xã nên chúng tôi được dịp tiếp cận người dân nơi đây một cách an toàn và gần gũi nhất” - Trung tá Tâm bồi hồi nhớ lại.
Chiến sĩ công an của Đồng Nai được cử đi theo đoàn chuyên gia Đồng Nai công tác ở Campuchia mỗi năm được thay quân một lần, nhưng Trung tá Sắc và Trung tá Tâm đều tình nguyện ở lại phục vụ thêm 3-4 năm nữa, đến khi đoàn chuyên gia Đồng Nai rút hết về nước thì mới tháp tùng về. Hàng năm, cán bộ công an làm nhiệm vụ cảnh vệ năm xưa lại họp mặt để thăm hỏi tình hình và ôn lại kỷ niệm một thời làm nghĩa vụ quốc tế bên nước bạn.
“Thời đó còn trẻ, một phần vì căm giận bọn Pol Pot tấn công, giết hại đồng bào ta, phần vì khát khao cống hiến nên chúng tôi tình nguyện ở lại phục vụ lâu dài thôi, chứ ai chẳng muốn sống trong cảnh hòa bình. Mấy năm bên đó là mấy năm liền không có giấc ngủ ngon vì tay cứ phải lăm lăm súng đề phòng kẻ địch. Nhưng đó mãi là những kỷ niệm đẹp của chúng tôi về đất nước và con người Campuchia chân chất, thật thà và hiếu khách” - Đại tá Lưu Văn Hộ tâm sự.
Đăng Tùng