Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người trẻ mê làm từ thiện

11:07, 12/07/2015

Học tập, làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng do có chung lòng đam mê, nhiệt huyết với công việc thiện nguyện nên nhiều bạn trẻ đã tập trung thành nhóm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trong xã hội.

Học tập, làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng do có chung lòng đam mê, nhiệt huyết với công việc thiện nguyện nên nhiều bạn trẻ đã tập trung thành nhóm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trong xã hội.

Sau nhiều lần bị khước từ, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được Phạm Thái Long (ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) tại nhà riêng của anh, đồng thời cũng là nơi diễn ra các cuộc hội họp của nhóm “Kết nối ước mơ”. Long cho biết: “Tình cờ biết đến nhóm chuyên đi làm công tác xã hội nên tôi tham gia và hoạt động với nhóm xuyên suốt từ đó đến nay”.

* Phải có lòng trắc ẩn

Long cho biết thêm, tham gia từ thiện nếu không có lòng trắc ẩn và sự cảm thông thực sự thì dù là thành viên trong nhóm họ cũng khó hòa nhập và thụ hưởng được niềm vui sướng khi giúp đỡ người khốn khó. Long tâm sự: “Với những trường hợp thương tâm, mình cảm thông giả hay thật người ta biết liền à. Nhiều người được mình giúp đỡ gần cả năm, tình cờ gặp lại, họ chào rối rít, cảm giác đó rất hạnh phúc”.

Chuẩn bị quà là quần áo cũ đem đến cho người nghèo  (ảnh: nhân vật cung cấp).
Chuẩn bị quà là quần áo cũ đem đến cho người nghèo (ảnh: nhân vật cung cấp).

Cùng quan điểm với Long, anh Lê Nguyễn Hoàng Chương, Trưởng nhóm từ thiện H2H Biên Hòa, cho biết: “Làm chuyện thiện nguyện phải thực tâm, vì có tâm mới có thể làm được. Bởi, người mà mình tiếp xúc toàn là người nghèo, người bệnh tật…”.

Giữa năm 2009, Chương cùng nhóm bạn thân lập nên nhóm từ thiện H2H Biên Hòa. Ban đầu, nhóm chủ yếu vận động người thân, bạn bè… để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn quanh địa bàn họ sinh sống. Sau này, nhiều bạn trẻ thấy nhóm hoạt động tốt, lại rõ mục đích nên tham gia cùng. “Chúng tôi hoạt động không dựa trên danh tiếng hay vì mục đích cá nhân nên các mạnh thường quân rất tin tưởng hỗ trợ. Tất cả thu chi của nhóm đều minh bạch và được giám sát rõ ràng nên những đóng góp giúp đỡ người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ngày càng nhiều” - anh Chương cho biết.

“Hiện ở TP.Biên Hòa có nhiều nhóm hoạt động từ thiện, hầu hết đều quy tụ thành viên là sinh viên hoặc những người đã đi làm, đủ sức tham gia những chuyến đi làm từ thiện dài ngày. Mỗi nhóm hiện có khoảng 100 thành viên và thường xuyên đi thăm, tặng quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn mỗi tháng/lần” - anh Phạm Thái Long cho hay.

Cũng theo lời anh Chương, ở TP.Biên Hòa hiện có nhiều nhóm hoạt động từ thiện, nhưng chiếm chủ yếu vẫn là giới trẻ. Vì so với nhiều lứa tuổi khác, những người trẻ tuổi có thuận lợi trong việc di chuyển, kêu gọi phong trào… Tuy nhiên, do các thành viên đến từ nhiều nơi và ngành nghề khác nhau nên việc triệu tập, họp bàn kế hoạch hoạt động… diễn ra khá khó khăn; nếu không phải là người có tâm huyết và nhiều lòng trắc ẩn với những cảnh đời khó khăn, bất hạnh thì rất khó đeo bám công việc này lâu dài.

Anh Chương giải thích: “Làm công tác từ thiện không có lương, thậm chí các thành viên khi tham gia đều phải bỏ tiền túi để đóng góp vào các hoạt động của nhóm. Ngoài ra, nhiều chuyến đi trao quà ở các tỉnh xa phải mất nhiều ngày, các thành viên nếu không thu xếp được thời gian và công việc thì khó có thể duy trì hoạt động thường xuyên cùng nhóm. Công việc thiện nguyện nhưng áp lực nhiều lắm, nhất là làm sao huy động được số lượng thành viên đủ đông, nếu có một cục tiền trong tay mà không có người làm phụ cũng chẳng thể làm từ thiện được”.

* Chia sẻ nỗi lòng

Những người tham gia hoạt động thiện nguyện luôn đặt phương châm: “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, nên mỗi người đều cố hết sức để đem lại niềm tin yêu vào cuộc sống cho các hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống. Vì vậy, dù điểm làm từ thiện ở rất xa nhưng trong mỗi chuyến đi, gần như các thành viên tích cực trong nhóm đều có mặt đầy đủ.

Nhiều bạn trẻ cho hay, thời gian làm việc và học tập của các thành viên khá bận rộn, nhưng họ luôn cố gắng dành thời gian vào mỗi cuối tuần để cùng các câu lạc bộ đi thăm hỏi những hoàn cảnh khó khăn. Từ những đổi thay đem đến cho người có hoàn cảnh khó khăn, tự mỗi thành viên đều có sự chuyển biến tích cực cho bản thân trong cuộc sống hàng ngày.

“Một số người đi làm từ thiện xuất thân từ những gia đình có cuộc sống sung túc, sinh trưởng trong môi trường tốt nên hiếm có dịp nhìn nhận thực tế những cảnh đời bất hạnh. Nhiều người đi làm từ thiện đã không cầm được nước mắt khi thấy những phận người sống trong các mái nhà tranh lụp xụp, những bữa ăn chỉ có cơm trắng với vài thứ rau dại. Tôi nhớ sau nhiều lần đến xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) để làm từ thiện, một vài em nhỏ ở đây từ  việc không biết chữ đã có thể viết thư cảm ơn chúng tôi. Chỉ là những nét chữ xiêu vẹo trên giấy học trò nhưng cũng làm cả nhóm chúng tôi xúc động” - chị Nguyễn Huyền, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Chuông gió, tâm sự.

Các bạn trẻ tận tình chăm sóc một hoàn cảnh khó khăn (ảnh: nhân vật cung cấp).
Các bạn trẻ tận tình chăm sóc một hoàn cảnh khó khăn (ảnh: nhân vật cung cấp).

Không chỉ hoạt động trong TP.Biên Hòa, các nhóm từ thiện còn hướng đến những địa phương vùng sâu, vùng xa, cả trong và ngoài tỉnh. Nhờ những chuyến đi xa đó, nhiều người đã có được trải nghiệm về một vùng đất mới, được chia sẻ vui buồn cùng những người mới lần đầu gặp mặt để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, loại bỏ sự rụt rè, ngại ngùng trong mỗi người.

Anh Phạm Quang Tiến (ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) bộc bạch, có lần anh tham gia cùng một nhóm bạn trẻ đến huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) làm từ thiện. Trong cơn mưa lất phất của buổi sáng đầu năm, thấy những em học sinh phải mặc áo mưa đạp xe trên con đường đất sình lầy, anh đã rơi nước mắt. “Thời học sinh tôi cũng không ít lần phải đạp xe đi dưới mưa, nhưng nhìn cảnh học sinh nơi đó ở trong những ngôi nhà lụp xụp, di chuyển bằng xe đạp rất cũ kỹ, quần áo không lành lặn… tôi lại thấy chạnh lòng. Thấy chúng tôi vào làng, nhiều em rụt rè hỏi chúng tôi có đem nhiều sách để cho các em đọc không, vì các em nơi đây khát khao đọc sách hơn những món đồ chơi bắt mắt” - anh Tiến kể lại.

Còn chị Huyền bộc bạch: “Đôi lúc chỉ cần thấy được những hoàn cảnh khó khăn thôi cũng đủ khiến chúng tôi có thêm động lực làm việc khi quay về với cuộc sống thường nhật. Chúng tôi mang theo suy nghĩ làm việc không chỉ kiếm thu nhập cho bản thân, mà còn cố gắng thay đổi những điều chưa tốt trong xã hội và từ đó thay đổi cuộc sống của những người kém may mắn mà chúng tôi thường đến giúp đỡ. Tuy vậy, trong quá trình làm từ thiện, chúng tôi tránh việc tạo cho những người có hoàn cảnh khó khăn có suy nghĩ ỷ lại, chờ đợi sự giúp đỡ của người khác mà luôn động viên, giúp đỡ họ tự lực vươn lên trong cuộc sống”.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều