Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông thương binh giàu khát vọng

11:07, 13/07/2015

Trở về từ chiến trường với thương tật tỷ lệ 91%, người lính Phan Văn Bình (ngụ ấp 6, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) vẫn kiên cường ý chí, nghị lực sống, lao động bằng 9% sức khỏe còn lại. Ông Bình bộc bạch, vết thương càng hành hạ cơ thể, ông càng hăng say lao động. Từ đó, những mảnh đạn nằm rải rác trong cơ thể ông dần trở nên hiền hòa với da thịt.

Trở về từ chiến trường với thương tật tỷ lệ 91%, người lính Phan Văn Bình (ngụ ấp 6, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) vẫn kiên cường ý chí, nghị lực sống, lao động bằng 9% sức khỏe còn lại. Ông Bình bộc bạch, vết thương càng hành hạ cơ thể, ông càng hăng say lao động. Từ đó, những mảnh đạn nằm rải rác trong cơ thể ông dần trở nên hiền hòa với da thịt.

Với 37 tuổi Đảng, 60 tuổi đời, thương binh Phan Văn Bình vẫn nhiệt huyết với công tác xã hội, làm kinh tế.
Với 37 tuổi Đảng, 60 tuổi đời, thương binh Phan Văn Bình vẫn nhiệt huyết với công tác xã hội, làm kinh tế.

Học xong lớp 8 (hệ 10 năm), ông Phan Văn Bình (quê tỉnh Hà Tĩnh) viết đơn xin vào bộ đội. Năm 1972, ông Bình được đơn vị điều vào chiến trường Quảng Trị chiến đấu. Sát cánh cùng đồng đội chưa được bao lâu thì ông bị sốt rét nặng nên đơn vị cho xuất ngũ. Ông Bình nhớ lại, khi cầm tờ quyết định xuất ngũ để về quê phụ cha cày ruộng nuôi em, ông tủi lòng như đứa trẻ đã làm một điều gì đó có lỗi với cha mẹ.

* Hai lần tòng quân

Đến năm 1974, ông được lệnh tổng động viên, gia nhập quân đội và được điều vào chiến trường Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai). Trong trận đánh kềm chân địch vào tháng 3-1975, ông bị thương. Đang điều trị tại quân y viện dã chiến thì ông hay tin đất nước thống nhất. Sau ngày 30-4-1975, ông Bình được phân công công tác ở Ban quân quản tại Sài Gòn.

Tháng 11-1977, tình hình biên giới Việt Nam - Campuchia trở nên căng thẳng trước nạn diệt chủng, phá hoại của Pol Pot - Ieng Sary, đơn vị của ông Bình được lệnh cấp tốc hành quân về Tây Ninh, Kiên Giang bảo vệ biên giới Tây Nam. Ông Bình xúc động cho biết, nhìn cảnh dân lành Việt Nam, Campuchia dọc tuyến biên giới bị Pol Pot sát hại mà quặn lòng. Dân lành ở nhiều làng mạc bị tàn sát không còn người sống, xác nằm ngổn ngang.

Ông Phan Văn Bình tâm sự, từ năm 1989-2005, địa phương giao ông nhiều nhiệm vụ và ông vẫn không từ chối. Để đảm việc nhà, hoàn thành việc xã hội khi sức khỏe chỉ còn 9%, ông Bình vừa nén chịu nỗi đau cơ thể, vừa kiên trì lao động, công tác. Ông Nguyễn Thiết Hải, Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn, nói: “Trong thời gian tham gia công tác tại địa phương, ông Bình đã dìu dắt, đề xuất kết nạp 30 đảng viên trẻ. Các đảng viên này đang giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng ủy, UBND và đoàn thể tại xã Bàu Cạn”.

Lòng căm giận bọn Pol Pot - Ieng Sary như đốt cháy trái tim người lính trong những trận giáp mặt nảy lửa trên chiến trường. Nhiều lần bị thương, ông Bình tự băng bó vết thương rồi tiếp tục cầm súng chiến đấu cùng đồng đội. Trong trận đánh truy quét Pol Pot kéo dài nhiều ngày trên nước bạn Campuchia, ông bị hơn chục mảnh đạn ghim vào người, nhưng vẫn xung phong khí thế cho đến khi ngã gục bên bờ vai đồng đội.

Ông Bình đượm buồn kể, khi người lính xung trận, vài vết đạn xượt qua vai, tay, chân, đầu chẳng còn cảm giác. Việc lấy xác đồng đội hy sinh ra khỏi trận địa đôi khi thương vong nhiều hơn lúc xung trận. Tuy vậy, người lính vẫn không chùn bước tiến công khi hình ảnh dân lành bị quân Pol Pot tàn sát man rợ cứ hiện rõ qua từng làng mạc dọc biên giới.

Thêm một lần nữa, ông Bình phải trở về tuyến sau dưỡng thương. Do bị thương quá nặng, với thương tật tỷ lệ 91%, vài đầu đạn nơi lưng, ngực không thể lấy ra được, ông Bình được đơn vị chuyển hết bệnh viện này đến bệnh viện khác điều trị cho đến ngày sức khỏe ổn định. Quá trình điều trị, ông được đơn vị cho về phép thăm gia đình. Từ những ngày phép ngắn ngủi đó, thương binh ¼ Phan Văn Bình và thôn nữ Đặng Thị Hoa phải lòng nhau và nên duyên vợ chồng.

Cưới vợ được đầy tháng thì ông Bình quay lại quân y viện dưỡng thương. Năm 1994, khi vết thương đã ổn định, ông được đơn vị cho xuất ngũ về lại quê nhà sinh sống. Lúc này, bà Hoa đã sinh cho ông Bình cậu con trai và cô con gái kháu khỉnh.

* Vượt qua nỗi đau cơ thể

Trở về từ cuộc chiến với thương tật tỷ lệ 91%, tiết trời Hà Tĩnh đầy khắc nghiệt đã liên tục hành hạ vết thương ông. Ông Bình bàn với bà Hoa vào miền Nam lập nghiệp nhằm tìm vùng đất thích hợp để dưỡng thương và lo tương lai cho các con.

Ông Bình tâm sự, đầu năm 1995 ông đưa gia đình vào Bàu Cạn tá túc tại nhà một đồng đội. Sau vài ngày ổn định chỗ ở mới, vợ chồng ông đã vác cuốc đi làm thuê cho các chủ rẫy, chủ vườn xung quanh để có gạo nấu bữa cơm trắng cho 3 đứa con ruột và 1 đứa con nuôi. “Con bé Thương cùng tuổi với thằng Nam. Mẹ bé Thương mất khi cháu được 15 ngày tuổi nên vợ chồng tôi nhận cưu mang cháu và xem là con ruột từ đó đến nay. Quá trình lập nghiệp tại Bàu Cạn, vợ chồng tôi sinh thêm 2 cháu nữa là Ngọc và Đình” - bà Hoa cho biết.

Đại diện Đảng ủy, UBND xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) đến thăm hỏi, tặng quà gia đình thương binh Phan Văn Bình (thứ tư, từ trái sang) nhân kỷ niệm ngày 27-7-2015.
Đại diện Đảng ủy, UBND xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) đến thăm hỏi, tặng quà gia đình thương binh Phan Văn Bình (thứ tư, từ trái sang) nhân kỷ niệm ngày 27-7-2015.

Cuộc sống nơi vùng đất mới tạm ổn, vợ chồng ông Bình có thêm động lực để tính chuyện tương lai. Năm 1993, vợ chồng ông bán miếng đất đang ở tại ấp 5 và chuyển nhà vào ấp 6 khi mua được 2 hécta đất hoang. Ông Bình bàn với bà Hoa, phần đất thấp thì đào ao thả cá, nuôi vịt, khu đất cao thì trồng điều, nuôi heo, thả gà. Một buổi lo công tác xã hội trên xã, buổi còn lại ông Bình cởi trần ra vườn cùng bà Hoa kê đá, đắp nền, vét ruộng nâng cao vườn. Ngày làm chưa xong phần việc thì tối đến hùng hục làm cho xong. Trong lúc làm, vết thương trong cơ thể trở chứng, ông Bình chỉ biết nằm ngã ra vườn tạm nghỉ ngơi một lúc cho khỏe rồi lại làm tiếp.

Cứ như vậy, ông Bình gắng sức thiết kế khu vườn theo ý mình. Những lúc vết thương trở chứng ông vẫn cố chịu đau mà làm và riết thành quen, đau đớn cứ vậy biến mất. Thắng được bệnh tật, ông càng hăng hơn cả việc nhà lẫn việc xã hội. Trong vòng một năm, khu đất ven Suối Cả mùa nắng khô khốc, mùa ngập úng chẳng canh tác được mà người khác bán rẻ cho vợ chồng ông Bình, giờ cá trắm, cá mè nhung nhúc dưới ao. Phần vườn cây thì điều, bắp, cây ăn trái xanh tốt và thêm mấy chục con heo, con bò béo khỏe nhốt trong chuồng. Khi kinh tế gia đình khá giả, thu nhập cả trăm triệu đồng/năm, vợ chồng ông Bình có điều kiện để cưu mang chòm xóm, những người bà con nghèo khó rời quê vào Bàu Cạn tá túc và đóng góp cho các phong trào xã hội.

Ông Bình khiêm tốn bày tỏ, ban đầu gia đình ông mua và khai hoang được 4 hécta đất tại ấp 6. Do những người bà con mới vào không có đất sản xuất nên vợ chồng ông chia lại, nay chỉ còn 2 hécta để sản xuất và chia cho 5 người con. “Ước nguyện của vợ chồng tôi khi vào Bàu Cạn lập nghiệp chủ yếu tìm nơi để dưỡng thương và lo cho tương lai các con. Nay cuộc sống ổn định, các con đã yên bề gia thất thì tôi mãn nguyện rồi” - ông Bình bộc bạch.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều