Báo Đồng Nai điện tử
En

Rộn ràng tiếng dế, tiếng xe

09:07, 11/07/2015

Mùa hè, trong khi một số em nhỏ gia đình khá giả được cha mẹ cho du lịch đó đây, về quê thăm ông bà, hoặc tham gia các khóa học năng khiếu, thì đâu đó vẫn còn nhiều trẻ nhỏ mải miết theo cha mẹ ra đồng, niềm vui đơn giản là tiếng dế râm ran, hình ảnh xe cộ ngược xuôi trên đường.

 

Mùa hè, trong khi một số em nhỏ gia đình khá giả được cha mẹ cho du lịch đó đây, về quê thăm ông bà, hoặc tham gia các khóa học năng khiếu, thì đâu đó vẫn còn nhiều trẻ nhỏ mải miết theo cha mẹ ra đồng, niềm vui đơn giản là tiếng dế râm ran, hình ảnh xe cộ ngược xuôi trên đường.

* Vui hè

Nơi gốc phượng già chĩa hoa ra đường, các em nhỏ: Cúc, Hạnh, Thắng, Tâm, Khanh (ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) mê mẩn chơi trò trốn tìm. Thấy chúng tôi lại gần chụp ảnh, cô bé 10 tuổi tên Hạnh cười tít mắt làm duyên. Bé Hạnh cho biết, nhà em ở tít trong cái hẻm xa trước mặt. Ngày hè em không đi phải học thêm, cha mẹ luôn bận việc đồng áng. Vì vậy, em xin phép cha mẹ ra đây chơi với các bạn. Hạnh và nhóm bạn của mình cả ngày hết chơi trò trốn tìm thì chuyển sang bịt mắt bắt dê, nhảy dây, ném chai nhựa.

Hè đến, các học sinh điểm trường Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) vẫn tìm đến chổ học để chơi đùa. Ảnh: Đ.Phú
Hè đến, các học sinh điểm trường Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) vẫn tìm đến chổ học để chơi đùa. Ảnh: Đ.Phú

Còn em Thắng (12 tuổi) thì áo quần lấm lem vì quá hăng say diễn trò Tôn Ngộ Không nhào lộn. Thắng vén quần khoe đầu gối có một cục bầm xanh bằng trái chanh. Em cho biết, cái cục u đó là do trong lúc biểu diễn “chiêu thức” Tôn Ngộ Không trừ ma diệt ác cứu Đường Tam Tạng, em bị bé Cúc xô đẩy nên té úp mặt xuống đất giập môi và đầu gối trúng cục đá. Dù rất đau đớn, Thắng vẫn ráng gượng dậy, lò cò về nhà và nói dối cha mẹ là đi đường vô ý vấp đá té ngã để tránh bị đòn. Thắng nhoẻn miệng cười nói: “Võ của con tự học từ tivi. Con ước gì sớm trở thành cao thủ võ lâm để hành hiệp tượng nghĩa, bảo vệ tụi con Hạnh, thằng Tâm đi học, không bị mấy đứa xóm trên bắt nạt”.

Chia tay các em nhỏ nơi gốc phượng già, chúng tôi tiếp tục đến thăm các em nhỏ khu đồi đá ấp Võ Dõng 3 (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất). Các lớp học ở điểm trường này được khóa lại nhưng sân trường vẫn rộng mở để các em nhỏ hàng ngày kéo nhau đến chơi. Ông Nhi (người hiến đất để xây dựng điểm trường) cho biết ngày hè các cháu nhỏ thường tụ tập tại đây, vui chơi đủ thứ trò. Hôm nào các em bận theo cha mẹ đi dọn rẫy, tỉa hạt thì sân trường vắng hoe. Lúc đó, tự dưng ông Nhi cảm thấy nhớ các cháu nhỏ quá chừng. Tuy vậy, một khi để các cháu nhỏ tự do vui chơi thì mấy cây cà phê, chôm chôm, ổi của ông thỉnh thoảng cũng bị gãy nhánh, mất sạch trái. Có hôm cái bể đựng nước sinh hoạt của điểm trường buổi sáng ông vừa bơm đầy, đến trưa thì hết sạch nước.

Hè đến là bé Thúy vào Đồng Nai chơi với cha mẹ, em gái và bán vé xố.
Hè đến là bé Thúy vào Đồng Nai chơi với cha mẹ, em gái và bán vé xố.

Đang tỉ tê với ông Nhi, chúng tôi nhìn thấy cha con ông Thạch Linh, Thạch Bền vén nhánh cà phê tiến lại gần. Trên tay em Thạch Bền cầm cái lồng có con sóc đang nhảy tới nhảy lui, còn ông Thạch Linh thì xách cái lồng có con chuột đồng nặng gần một ký, đang khụt khịt. Ông Thạch Linh cho biết, con sóc và con chuột đó là do em Thạch Bền bẫy được. Con sóc được Thạch Bền nuôi, riêng con chuột thì ông làm thịt để nhậu. “Ngày nào nó cũng theo tôi ra rẫy bẫy chuột, sóc, chim. Bẫy được chim, sóc nó giữ lại nuôi, hoặc bán lấy tiền đưa cho mẹ giữ giùm để dành mua quần áo, sách vở. Còn chuột thì tôi làm thức ăn cho cả nhà, hoặc nhậu lai rai với bạn bè” - ông Thạch Linh bộc bạch.

* Rộn ràng tiếng dế, tiếng xe

Đường Cộ Cây Xoài (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) đầy bụi, chiếc chòi bạt ven đường của 3 cha con anh Phạm Văn Thạch (quê Cà Mau) lúc ẩn lúc hiện trong làn bụi mù mỗi khi có xe tải chạy qua. Khom lưng chui ra cửa chòi để ra cái bàn dã chiến uống trà (tận dụng từ lõi cuộn cáp dây điện), anh Thạch chỉ tay vào phía trong chòi, nơi 2 con gái đang nằm, thủ thỉ: “Cha con tui về đây căng bạt dựng chòi làm thuê cho chủ đất Ba Tâm được 4 năm. Lúc ấy, bé Bê mới được 10 tháng tuổi, bé Niệt được 3 tuổi. Từ ngày mẹ nó bỏ đi, đi đâu tui cũng dẫn các con theo vì không có ai coi ngó giùm”.

Nhiều em nhỏ ở ấp 3, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) ngày hè còn phụ mẹ đan tranh.
Nhiều em nhỏ ở ấp 3, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) ngày hè còn phụ mẹ đan tranh.

Cách chòi bạt của cha con anh Thạch chừng 30m là dãy phòng trọ tươm tất của những người làm công nhân cho xưởng gỗ. Nơi hành lang dãy trọ, có vài em nhỏ đang cưỡi xe đạp, ôtô trẻ con làm bé Bê, bé Niệt con anh Thạch thích thú nhìn không chớp mắt. Bé Niệt tỏ ý muốn qua chơi với các bạn nhỏ trong dãy trọ, nhưng anh Thạch không cho vì hai em thường bị người lớn ở đó đuổi về, Niệt và Bê cứ phải đứng ngoài hàng rào B40 nhìn vào. “Con ước gì cha con có tiền thuê nhà trọ để tụi con được chơi cùng với các bạn trong đó. Ngoài này toàn người lớn không hà mấy chú ơi” - bé Niệt ngây thơ tỏ bày làm mọi người xót cả lòng.

Chị Trương Thị Ngọc Huyền, Phó ban Thanh thiếu nhi trường học (Tỉnh đoàn Đồng Nai), chia sẻ năm nào cũng vậy, hè đến các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trên địa bàn tỉnh đều triển khai các hoạt động hè nhằm tạo sân chơi cho thanh thiếu nhi, như: học kỳ quân đội, trại hè, chiếu phim... Tuy vậy, các hoạt động, sân chơi trên không thể đáp ứng hết tất cả nhu cầu của thanh thiếu nhi vì điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, kinh phí có hạn. Riêng vùng nông thôn, những hoạt động này càng hạn chế hơn so với khu vực đô thị.

Ở nông thôn, đường làng vùng sâu, vùng xa là vậy. Nhưng chiều về TP.Biên Hòa, chúng tôi vẫn thấy thấp thoáng ngoài đường phố nhiều em nhỏ tay cầm xấp vé số dày cộm lang thang mời khách. Có em đầu trần, áo mỏng, dép lê theo mẹ. Có em nón vải, áo khoác, khẩu trang để tránh nắng hè đi bán một mình. Trong hàng chục cái lắc đầu, lắc tay của khách, các em nhỏ mới bán được vài tờ vé số. Sau khi bán được 20 tờ vé số cho vị khách đang chờ con học múa hát trong Nhà thiếu nhi tỉnh, em Thúy (13 tuổi, quê Nghệ An) mới lò dò băng qua đường mời nhóm khách khác. Thúy cho biết, em ở ngoài quê với ông bà nội cho tiện việc học tập. Dịp hè em mới vào Đồng Nai chơi với cha mẹ và phụ mẹ đi bán vé số. “Mùa hè là cháu vui nhất vì vừa được gần cha mẹ, em gái. Cháu bán vé cùng mẹ để có tiền về lại quê, mua áo quần sách vở cho năm học mới” - bé Thúy tâm sự một cách hồn nhiên.

Bé Thúy vừa rời quán thì một cậu bé trai trạc tuổi xuất hiện, mời đánh giày. Bị chúng tôi từ chối, lập tức cậu bé đánh giày vội vã băng qua đường mời nhóm khách đứng hóng mát bờ sông. Tiếng còi xe bỗng réo liên hồi, mọi người giật mình nhìn ra đường thì thấy cậu bé đánh giày lảo đảo. May mắn, cậu bé chỉ bị xe máy quẹt nhẹ nên an toàn, còn người điều khiển xe máy thì tức giận đưa ánh mắt sắc lẹm nhìn cậu bé, miệng lầm bầm.

Tháng 7 giữa hè, các em nhỏ trên đường mưu sinh vẫn hồn nhiên đuổi theo mùa hè trong rộn ràng tiếng dế, tiếng xe cộ ngược xuôi nơi phố thị.    

Đoàn Phú  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều