Báo Đồng Nai điện tử
En

Sống trong vùng sốt rét

12:07, 23/07/2015

Những năm 1990 trở về trước, nói đến những vùng đất: Hiếu Liêm, Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), những người dân làm rừng, dân đào vàng, khai khẩn đất hoang sợ nhất vẫn là những cơn sốt rét rừng vật vã, teo tóp thân thể và bỏ mạng lại rừng già khi căn bệnh trong cơ thể chuyển sang ác tính, xuất huyết lên não, tiểu ra máu.

Những năm 1990 trở về trước, nói đến những vùng đất: Hiếu Liêm, Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), những người dân làm rừng, dân đào vàng, khai khẩn đất hoang sợ nhất vẫn là những cơn sốt rét rừng vật vã, teo tóp thân thể và bỏ mạng lại rừng già khi căn bệnh trong cơ thể chuyển sang ác tính, xuất huyết lên não, tiểu ra máu.

Về xã Phú Lý công tác từ năm 1986, ông Nguyễn Thế Hoan (Trạm trưởng Trạm y tế xã Phú Lý) có thể cảm nhận cơn sốt rét giết người qua mùi mồ hôi của người bệnh. Cái mùi mồ hôi đặc trưng đó, dù chưa lột tả được bằng câu chữ, nhưng bằng giác quan và hàng ngày tiếp xúc với người bệnh, ông Hoan nhận ra ngay khi bệnh nhân được đưa đến trạm y tế cấp cứu.

* Chén cơm cuối cùng

Tốt nghiệp trung cấp y tế năm 1986, y sĩ trẻ Nguyễn Thế Hoan được phân công về Trạm y tế xã Phú Lý công tác. Ông Hoan nhớ lại, trạm y tế lúc đó chỉ là căn phòng gỗ của Lâm trường Hiếu Liêm bỏ hoang được địa phương tận dụng để lập trạm. Trạm cách xa nhà dân, xung quanh bốn bề cỏ dại. Hồi đó, Xã đội trưởng Ba Xích (y sĩ quân đội) được điều động qua làm Trạm trưởng y tế xã, còn ông Hoan và nữ hộ sinh Bao làm nhân viên.

Trạm trưởng Trạm y tế xã Phú Lý Nguyễn Thế Hoan (bìa trái) có gần 30 năm gắn bó với vùng đất Phú Lý.
Trạm trưởng Trạm y tế xã Phú Lý Nguyễn Thế Hoan (bìa trái) có gần 30 năm gắn bó với vùng đất Phú Lý.

Tháng 7-1987, mưa rừng như bít hết lối đi. Đang ngồi trong trạm âu lo vì cơ số thuốc phòng, trị sốt rét cho dân thiếu hụt, ông Hoan và nữ hộ sinh Bao giật mình phát hiện một bệnh nhân nam nằm mê man trước cửa trạm. Lập tức, ông Hoan và nữ hộ sinh Bao đưa bệnh nhân vào trạm cấp cứu. Biết bệnh nhân dính bệnh sốt rét rừng và đang trong cơn nguy kịch, rất cần dịch truyền uống để hồi phục, nhưng ngặt nỗi trạm lúc này chỉ có thuốc uống, không có dịch truyền, muốn chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì không có phương tiện, bệnh nhân cũng chẳng có người thân. Trước tình cảnh đó, ông Hoan lập tức giao bệnh nhân cho nữ hộ sinh Bao, còn ông đạp xe lên Trạm y tế của Lâm trường Hiếu Liêm nài nỉ chia lại được một chai dịch truyền.

Qua nửa giờ truyền dịch, bệnh nhân nam tỉnh lại, nói năng tươi tỉnh và kêu đói bụng. Ông Hoan và nữ hộ sinh Bao bới chén cơm nóng trên bếp than đưa cho bệnh nhân ăn với cá kho cầm cơn đói. Thấy bệnh nhân ăn ngấu nghiến hết sạch chén cơm và mở lời xin chén nữa, ông Hoan động viên bệnh nhân khi nào khỏe hẳn thì ăn no cũng không muộn. Người đàn ông làm rừng có lẽ đói dạ nhiều ngày không được ăn nên cố nài nỉ thêm chén cơm, nhưng thấy ông Hoan và nữ hộ sinh Bao kiên quyết quá nên không đòi ăn nữa, nằm yên trên giường nghỉ ngơi.

Rồi ông ngủ thiếp trên chiếc giường gỗ như một đứa trẻ lâu ngày mới được ngủ ở nhà trong vòng tay người thân. Nhìn bệnh nhân an giấc trên giường thêm nửa giờ, ông Hoan và nữ hộ sinh Bao chưa kịp mừng thì người đàn ông bỗng lên cơn co giật, kêu thét. Biết bệnh nhân không qua khỏi vì cơn sốt rét, ông Hoan và nữ hộ sinh Bao rơi nước mắt, chỉ còn biết dùng hết sức giữ chặt tay chân người bệnh đang oằn mình trên giường bệnh. “Đó là chén cơm, liều thuốc mà chúng tôi giúp được người đàn ông nghèo khổ kia có được giây phút tỉnh táo, tận hưởng hơi ấm gia đình trước khi trút hơi thở cuối cùng” - ông Hoan xúc động nhớ lại.

* Mùi mồ hôi nhớ mãi

Sốt rét rừng những năm 1986-1988 hành hạ dân làm rừng, đào vàng, khai hoang tại Phú Lý đến tàn tạ cơ thể. Trạm y tế của ông Hoan tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng có bệnh nhân đến điều trị, xin thuốc. Tiếp xúc với bệnh nhân sốt rét rừng nhiều nên chỉ cần ngửi mùi mồ hôi của người bệnh, ông Hoan có thể đoán biết bệnh nhân đó đang dính phải cơn sốt rét rừng và nó đang chuyển qua ác tính cần phải chuyển gấp lên tuyến trên, hoặc sắp từ giã cõi đời. Với những bệnh nhân tử vong tại trạm không có thân nhân đến nhận, trạm phải nhờ chính quyền địa phương lo hậu sự.

Bám trụ tại Trạm y tế xã Phú Lý được gần 3 năm thì ông Hoan cưới vợ và xin nghỉ việc để bươn chải với cuộc sống. Chẳng được bao lâu sau ông dính phải căn bệnh sốt rét. Khi cơn sốt rét chuyển qua ác tính, ông Hoan vẫn điềm tĩnh tự điều trị cho chính mình đến khi dứt bệnh.

Trạm trưởng Nguyễn Thế Hoan khám bệnh cho người dân.
Trạm trưởng Nguyễn Thế Hoan khám bệnh cho người dân.

Hết bệnh, ông Hoan chợt nhận ra một điều, dù ra ngoài kiếm tiền dễ hơn làm ở trạm xá, nhưng lòng ông vẫn không được thanh thản khi nghĩ đến người dân ở Phú Lý đang vật lộn hàng ngày với những cơn sốt rét rừng để sinh tồn. Vậy là ông quay lại với trạm y tế, với những chiến dịch phun xịt lăng quăng, tẩm mùng tại các khu dân cư, nơi xuất hiện ổ dịch.

Ông Nguyễn Thế Hoan cho biết, thời Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý còn là “rừng thiêng, nước độc”, vào các bãi gỗ, bãi khai thác vàng thấy người bị bệnh sốt rét nhiều hơn người khỏe mạnh. Để từng bước xóa các ổ dịch, tuyên truyền cho nhân dân cách thức phòng chống sốt rét, ông và các đồng nghiệp phải đến từng nhà, từng chòm rừng để tuyên truyền, tẩm mùng, phun xịt thuốc, cấp thuốc phòng bệnh khi đi rừng…

Theo thời gian, sốt rét rừng dần biến mất và vùng đất Phú Lý trở nên hiền hòa, yên bình với những người dân lam lũ. Lúc này, nhiều đồng nghiệp của ông Hoan được cấp trên cử đi học bác sĩ và chuyển công tác khác. Ông Hoan vẫn tự hào với công việc của mình bên các đồng nghiệp mới, được công tác với bác sĩ Hồ Văn Hoài luôn hết lòng với bà con nghèo Phú Lý.

Ông Hoan tâm sự, tháng 5-2015, bác sĩ Hoài được cấp trên phân công nhiệm vụ Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu. Vì vậy, ông được bổ nhiệm làm Trưởng trạm y tế xã Phú Lý thay bác sĩ Hoài. “Dưới sự quản lý của bác sĩ trạm trưởng Hoài, công tác y tế của trạm đã đi vào quy củ, nề nếp hơn chục năm nay. Dù vậy, tôi cũng không dám chủ quan, cố gắng làm tốt vai trò người trưởng trạm bên những đồng nghiệp trẻ và sự hỗ trợ của bác sĩ Hoài mỗi tuần về tăng cường khám chữa bệnh cho trạm 3 buổi” - ông Hoan cho hay.

Hiện Trạm y tế xã Phú Lý có 8 biên chế, đa phần nhân viên của trạm đều rất trẻ. Ông Hoan bày tỏ, ông hay suy ngẫm và tâm sự với các nhân viên trẻ của trạm về những khó khăn trong quá khứ mà lớp đàn anh, đàn chị, như các bác sĩ: Hoài, Vân, Nga, Hương luôn hết mình vì người bệnh, cũng như sự trăn trở, xót xa khi mọi người nhìn sốt rét rừng hành hạ người dân đến kiệt sức, phải bỏ mạng nơi rừng già khi phương tiện chuyển viện, thuốc men cấp cứu không có. Riêng cái mùi mồ hôi của người bệnh sốt rét được đưa đến trạm, chỉ có ông là người hay chú ý để làm kỷ niệm cho riêng mình.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều