Mỗi khi có đoàn tàu sắp chạy qua, những nhân viên gác tàu lại nhanh chóng đứng vào vị trí, kéo rào chắn ngăn không cho người dân đi qua lại. Là công việc đời thường nhưng họ luôn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo cho những chuyến tàu và các phương tiện khác lưu thông an toàn.
Mỗi khi có đoàn tàu sắp chạy qua, những nhân viên gác tàu lại nhanh chóng đứng vào vị trí, kéo rào chắn ngăn không cho người dân đi qua lại. Là công việc đời thường nhưng họ luôn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo cho những chuyến tàu và các phương tiện khác lưu thông an toàn.
Chị Nguyễn Thị Thuận kéo gác chắn tàu, ngăn người phụ nữ đang cố vượt qua đường sắt khi tàu đang đến. |
Công việc kéo chắn tàu ra rồi kéo vào tưởng như đơn giản ấy thực ra lại cực kỳ áp lực và khó khăn. Chỉ những người trong nghề mới hiểu hết được những cực nhọc hàng ngày mà họ luôn phải thực hiện mỗi ngày.
* Nhọc nhằn cùng những chuyến tàu
Mỗi lần điện thoại trong phòng reo, các nhân viên gác chắn lại sẵn sàng làm nhiệm vụ. Chị Trần Thị Kim Anh, người gác chắn 8 năm trên đường Đồng Khởi, cho biết: “Ở đây một tháng bọn tôi làm 10 ngày và 10 đêm, ca ngày làm từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, không được rời vị trí. Đến bữa ăn, thường thì chúng tôi mang cơm nhà đi chứ không ra ngoài mua”. Cứ như vậy, mỗi ngày gần 20 chuyến tàu qua lại, chị Kim Anh và đồng nghiệp sau khi kéo gác chắn lại vào ghi lịch trình tàu. Công việc lặp đi lặp lại như thế, buộc họ phải luôn tập trung, sẵn sàng trong mọi thời điểm.
Tại gác chắn ở xã Trà Cổ (huyện Trảng Bom), đang dở bữa cơm trưa, chị Hoàng Thị Tài và anh Phan Đình Phước lại tất tả đi ra ngoài đường ray kéo rào chắn. Đã có nhiều năm trong nghề, những tình huống như vậy đối với anh, chị là chuyện bình thường, mệt nhất là khi đến ca phải trực đêm. Chị Tài chia sẻ: “Làm đêm mệt lắm, buồn ngủ nhưng không được phép ngủ. Nhất là những ngày tết, phải tập trung cao độ, tàu qua lại thường xuyên nên phải chú tâm để tránh tai nạn, nhiều khi công việc cứ xoay mình vào, có lúc chẳng biết đến thời gian”.
Vui buồn cùng gác chắn tàu hơn 20 năm, anh Phan Đình Phước tâm sự nửa đùa nửa thật: “Làm nghề này dễ đi tù lắm. Có ai biết được, không may có chuyện gì xảy ra thì mình là người đầu tiên chịu trách nhiệm. Tôi làm lâu năm, kinh nghiệm cũng nhiều, nhưng vẫn phải đề phòng những trường hợp bất ngờ có thể xảy ra, tốt nhất là phải làm hết mình đi đã”. |
Vì sự an toàn của người khác, đôi khi những nhân viên gác chắn phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập. Chị Nguyễn Thị Thuận, cùng làm với chị Kim Anh, nói: “Ở đây, người dân qua lại đông, mỗi khi tàu sắp tới, chúng tôi kéo rào chắn ra nhưng nhiều người vẫn cố tình chui qua. Mình không né kịp là bị họ đâm xe vào ngay. Bên cạnh đó, khi tàu qua, kéo rào chắn vào hai bên đường, họ lại ùa nhau chạy xe, sợ lắm. Có khi người say rượu tự ý mở chắn băng qua, hay ban đêm có người gõ cửa quấy phá, nhưng vì trách nhiệm chúng tôi vẫn phải làm”.
Vất vả là vậy nhưng thu nhập của những người làm nghề gác chắn không được là bao. Với hơn 8 năm trong nghề, chị Kim Anh, chị Thuận, chị Tài cho biết thu nhập một tháng của họ chỉ khoảng 3 triệu đồng. Trong khi đó, với 26 năm đi gác chắn, lương của anh Phước cũng không khá hơn bao nhiêu. Để có thêm tiền bù vào các khoản chi tiêu trong gia đình, nhiều người phải làm thêm việc khác trong thời gian không trực gác tàu. Anh Phước tâm sự: “Nghề này khổ lắm, nếu chỉ dựa vào đây gia đình tôi chắc chết đói. Vậy nên, nhà tôi phải nuôi thêm heo để có thêm cái ăn, cải thiện cuộc sống”.
* Tàu qua an toàn là thấy vui
Nghề nào nghiệp đó, một khi đã làm dù có khó khăn thế nào thì những nhân viên gác chắn tàu vẫn miệt mài hoàn thành nhiệm vụ. Ngày cũng như đêm, mỗi chuyến tàu qua, các anh, chị lại thêm phần trách nhiệm đảm bảo an toàn cho mọi người. Vất vả là vậy, nhưng với họ, cái nghề này mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống.
Chị Kim Anh vui vẻ nói: “Mỗi khi đoàn tàu qua an toàn là thấy vui, vui cho hành khách, vui cho người đi đường vì không có tai nạn xảy ra”. Chính vì lý do đó mà chị và biết bao đồng nghiệp khác vẫn tiếp tục gắn bó với nghề.
Chị Trần Thị Kim Anh đang đẩy gác chắn tàu ở đường Đồng Khởi (TP.Biên Hòa). |
Vì sự an toàn của người khác, nhưng một số người không hiểu còn cãi lại, có người thiếu lịch sự văng tục, chửi bới khiến các chị nhiều khi rất buồn và tức giận. Những trường hợp này, các nhân viên gác chắn như chị Kim Anh, chị Thuận gặp không phải ít. “Vừa rồi, tàu sắp chạy qua, tôi kéo rào chắn thì một phụ nữ vẫn cố tình vượt. Khi bị chặn lại, người này còn to tiếng gắt gỏng. Nếu mình không yêu nghề thì khó mà chịu được” - chị Thuận bức xúc kể.
Vì phải làm liên tục 12 tiếng trong ngày, thời gian của các chị dành cho gia đình bị hạn chế. Với chị Kim Anh và chị Tài, vì cả vợ chồng làm cùng nghề nên phải có sự phân công hợp lý, vợ đi làm chồng ở nhà chăm con, làm việc nhà và ngược lại. Nhiều khi trong thời gian cao điểm, cả hai vợ chồng đều phải đi làm, việc chăm sóc con có phần bị xao lãng. Vậy mà chị Tài vẫn cười nói lớn: “Đi làm thì phải đi, công việc đặc thù mà. Tết vẫn phải trực gác, có khi ăn tết luôn ngoài này, chồng con cũng hiểu, mà có hiểu thì mới giúp mình làm được việc”.
Yêu nghề là điểm chung hướng những nhân viên gác chắn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn cố gắng đảm bảo an toàn đường sắt cho mọi người.
Thiên Quyết