Từ ngày vợ chồng ông Vũ Trường Lộc về khu đồi trọc không bóng người ở tổ 9, ấp 2, xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) tỉa bắp, trồng mì, ngăn suối thành ao, thành ruộng, sự sống nơi đây bắt đầu xuất hiện. Chiều đến, từ trên đỉnh đồi nhìn xuống, ông Lộc hài lòng thấy những cuộn khói trắng bốc lên từ chái bếp mà các con ông đang lúi húi thổi cơm.
Từ ngày vợ chồng ông Vũ Trường Lộc về khu đồi trọc không bóng người ở tổ 9, ấp 2, xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) tỉa bắp, trồng mì, ngăn suối thành ao, thành ruộng, sự sống nơi đây bắt đầu xuất hiện. Chiều đến, từ trên đỉnh đồi nhìn xuống, ông Lộc hài lòng thấy những cuộn khói trắng bốc lên từ chái bếp mà các con ông đang lúi húi thổi cơm.
Nay cuộc sống khá giả, ông Vũ Trường Lộc vẫn giữ thói quen lên đồi phát dọn từ 4 giờ sáng. |
Ngẫm lại đã 23 năm. Vợ chồng ông Lộc giờ đã bước sang tuổi ông bà. Khu đồi trọc cằn cỗi, không bóng người ngày nào giờ xanh màu cây trái và xuất hiện thêm 4 nóc nhà, với hơn chục đứa trẻ. Nay bà Đào Thị Phin (vợ ông Lộc) đi chợ không còn cảnh chân cuốc bộ, tay xách, lưng gùi, mà ung dung ngồi xe máy do chồng chở đi.
* Bôn ba theo những công trình
Khi tuổi mười tám, đôi mươi, ông Lộc (quê tỉnh Bắc Giang) và bà Phin (quê tỉnh Thái Bình) đã đi làm công nhân công ty lắp máy. Vốn là tay thợ mộc tài hoa, ông Lộc được cô công nhân Phin phải lòng nên thường hay hỏi chuyện làm quen. Sau khi đóng xong khu lán trại mới cho cánh thợ nữ của đơn vị ở, ông Lộc và bà Phin cũng chính thức kết duyên vợ chồng bằng một đám cưới nho nhỏ.
Tổ ấm của anh thợ mộc Lộc và cô công nhân Phin bắt đầu có tiếng trẻ thơ khóc thì cả hai phải chuyển đến công trình khác lao động. Mỗi lần chuyển chỗ ở, ông Lộc lại miệt mài dựng cho gia đình nếp nhà nhỏ nơi góc khuất của công trình làm nơi che nắng che mưa.
Bà Phin nhớ lại, mỗi lần di chuyển là thêm một lần vợ chồng bà phải bán tháo, bán đổ giường, tủ bằng gỗ tốt mà ông Lộc đóng cho bà sử dụng. “Mỗi lần di chuyển công trình, ông nhà tôi sút mất vài ký vì thức đêm làm lán, đóng vật dụng gia đình cho mấy mẹ con tôi sinh hoạt” - bà Phin tâm sự.
Năm 1985, vợ chồng ông Lộc được đơn vị điều vào Vĩnh Cửu phục vụ công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Trị An. Ngày đơn vị di chuyển vào đại công trình khai thác gỗ, ông Lộc ôm cô con gái út vào lòng nói với bà Phin rằng, khi công trình kết thúc, ông và bà sẽ ở lại Hiếu Liêm lập nghiệp, không di chuyển đi đâu nữa. Bởi trong thâm tâm ông bà, cuộc sống người thợ mãi bôn ba nên ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của các con và khó tích cóp phòng thân.
Năm 1991, khi công trình Nhà máy thủy điện Trị An hoàn thành, bà Phin nghỉ việc, ông Lộc vẫn ở lại làm thợ mộc phục vụ công trình. Được bạn bè động viên, góp ý, ông Lộc quyết liều một phen, dẫn vợ con ra khu đồi trọc rộng hơn 7 hécta, không bóng người dựng chòi làm nơi ở và bắt đầu trồng tỉa để bù vào đồng lương công nhân trước đây của bà Phin. Còn ông Lộc vẫn cố gắng bám chân công trình để chờ ngày về hưu.
Ông Lộc kể, ngày ông làm mộc cho công trình, chiều về phải ra đồi phụ vợ dọn cỏ dại, đắp suối làm ao thả cá, đắp bờ làm ruộng trồng lúa. Khu đồi rộng gần chục hécta nhưng lúc ấy vợ chồng ông chỉ đủ tiền mua một con bê để cho ăn cỏ.
* Lão nông chăm chỉ
Qua vài cơn mưa rừng, khu đồi trọc nơi vợ chồng ông Lộc dựng chòi không còn trơ sỏi đá. Cây lúa, bắp, mì bắt đầu leo dần lên các sườn đồi. Con bò cái của vợ chồng ông đã đẻ được vài chú bê con. Ông Lộc cũng đã nghỉ việc, về phụ vợ làm rẫy sau khi bị tai nạn lao động mất 41% sức khỏe.
Quay lại cuộc sống nhà nông khi tuổi trẻ không còn, ông Lộc hụt hẫng hơn khi các con đang bước vào tuổi ăn học mà ông chỉ nằm một chỗ để vợ chu toàn mọi thứ. Nuốt nước mắt vào lòng, nén vết thương cột sống hành hạ, ông Lộc tập tễnh từng bước chân với cái nạng gỗ tự thiết kế cho riêng mình. Cứ vậy, ông Lộc nhẫn nại leo lên đồi đào hố, giẫy cỏ trồng điều, mít... Hôm nào trời nắng quá không đủ sức leo lên cao, ông ngồi bệt xuống đất nhoài người moi hố nhét cho được vài chục cây bạch đàn con mới chịu dừng tay.
Ông Ngô Quốc Hùng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hiếu Liêm, cho hay vợ chồng ông Vũ Trường Lộc không chỉ làm kinh tế giỏi, mà còn là thành viên tích cực trong các phong trào xã hội, từ thiện, xây dựng đời sống mới tại ấp. Khi ấp làm đường, vận động tiền xây nhà tình thương cho người nghèo, thanh niên nhập ngũ… không cần địa phương mở lời, vợ chồng ông đều tự nguyện đóng góp. “Các hội viên người cao tuổi trong xã rất nể vợ chồng ông Lộc ở cái tính ham lao động, luôn có trách nhiệm với công tác xã hội” - ông Hùng nói. |
Nhờ kiên trì tập luyện qua lao động, sức khỏe ông Lộc dần hồi phục. Ông bắt đầu kiến thiết khu đồi của gia đình theo mô hình vườn - ao - chuồng và rừng. Trên đỉnh đồi cao, ông trồng bạch đàn để phủ xanh. Phần đất bằng, ông ra sức lập vườn cao su, cây ăn trái. Dưới chân đồi, vợ chồng và các con ông thay phiên nhau đào ao thả cá, nuôi vịt, trồng hoa màu. Ngày làm chưa xong việc, vợ chồng ông nán đến tối mịt để làm cho xong. Ông Lộc tâm sự, vợ chồng ông càng làm, càng ham việc mà quên mất cả thời gian, tuổi tác.
Nay con cái đến tuổi lập gia đình và có nghề nghiệp ổn định, vợ chồng ông Lộc cũng kịp trang bị cho mình một cơ ngơi tương đối với 4 hécta ao - vườn, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.
Vợ chồng ông Vũ Trường Lộc nay đi chợ bằng xe máy, không còn cảnh cuốc bộ như ngày nào. |
Thấy vợ chồng ông Lộc chăm chỉ làm ăn và sống thuận hòa với xóm giềng, chính quyền xã đã mời ông bà tham gia công tác người cao tuổi tại ấp. Vậy là vợ chồng ông Lộc nhận lời và thay phiên nhau giữ “chức” Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi ấp 2 suốt chục năm nay. “Tôi làm Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi ấp 2 được một nhiệm kỳ thì tập thể bầu ông nhà tôi làm Chi hội trưởng thay tôi. Từ năm 2000 đến nay, năm nào ông nhà tôi cũng được xã, huyện, tỉnh tặng giấy khen” - bà Phin khoe.
Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của các hội viên, vợ chồng ông Lộc không ngại giúp đỡ vốn, vật nuôi. Ông Lộc bày tỏ, nhìn lại khu đồi trọc sỏi đá năm xưa giờ đã thành khoảnh, thành vườn, ông cũng không tin vợ chồng ông đủ sức phủ xanh nó bằng những vườn cây xanh tốt như bây giờ. Vì vậy, dù đã bước sang tuổi 65, ông Lộc vẫn giữ thói quen thức khuya, dậy sớm để chăm cho khu đồi thêm xanh và người già trong ấp cùng ông sớm có được cuộc sống thảnh thơi, ý nghĩa khi về già. “Hội viên thấy tôi có tuổi, bản thân bị thương tật vẫn tham công tiếc việc nên hỏi thăm bí quyết. Tôi chỉ biết kể câu chuyện thời khó khăn, mỗi lần nhìn xuống cái chòi dưới chân đồi tỏa khói mà đau lòng khi biết các con đang đốt lửa để nướng khoai, ngô ăn thay cơm. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết tâm cải tạo khu đồi trọc này thành ruộng lúa, ao cá, vườn cây” - ông Lộc bộc bạch.
Đoàn Phú