Thừa ủy nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Hùng, Trưởng ban Chỉ đạo kế hoạch CM12, Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm cùng cán bộ Tổng cục An ninh đã đến Đồng Nai gặp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Công an Đồng Nai bàn biện pháp đối phó.
Thừa ủy nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Hùng, Trưởng ban Chỉ đạo kế hoạch CM12, Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm cùng cán bộ Tổng cục An ninh đã đến Đồng Nai gặp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Công an Đồng Nai bàn biện pháp đối phó. Qua đó, một chuyên án đấu tranh với mật danh ĐN10 ra đời, với chỉ huy ban chuyên án gồm: Tổng cục phó An ninh Nguyễn Phước Tân, Tổ trưởng Tổ chuyên viên an ninh K4/2; đồng chí Lê Tiền, Tổ phó K4/2; Trưởng ty Công an Đồng Nai Nguyễn Hoàng Vân; Phó ty Công an Đồng Nai phụ trách an ninh Trần Việt Thanh.
Ban chuyên án CM12 báo cáo tình hình triển khai chuyên án với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Hùng. |
Chuyên án ĐN10 là một bộ phận quan trọng của Kế hoạch CM12 với nhiệm vụ phức tạp và yêu cầu cao là tiếp tục bóc gỡ những tên gián điệp chưa bị lộ diện, hoặc các đối tượng trong diện chiến thuật “để rể” sau khi Kế hoạch CM12 được phá. Nhưng trong thực tế, lực lượng an ninh Đồng Nai còn đóng góp nhiều hơn thế.
SẴN SÀNG CHO THẾ TRẬN
Nhận định nhóm biệt kích phản động sẽ đổ bộ vào bờ biển Đồng Nai trước ngày 25-12-1981, Ban chỉ huy Kế hoạch CM12 quyết định mở một phương án lớn nhằm đánh bại ý đồ chiến lược của chúng.
Nhằm khống chế việc mở rộng phạm vi hoạt động của bọn phản động, Ban chuyên án ĐN10 quyết định chọn Hồ Cốc, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ) làm… bãi đổ quân và hàng của chúng. Từ bờ biển Hồ Cốc, bọn biệt kích sẽ được “hướng dẫn” đi bộ qua dãy núi Tầm Bò vào Hầm Đất và bị tóm gọn nơi đây, đưa về Trại giam B7. Phần hàng được bốc xuống tàu ghe chuyển vào cảng Gò Dầu ở Long Thành. Ban chỉ huy chuyên án ĐN10 cũng quyết định chọn trụ sở Công an huyện Xuyên Mộc làm sở chỉ huy, Hồ Cốc làm điểm tập kết lực lượng tham gia chiến đấu.[links(right)]
Với mục tiêu được ban chỉ đạo chuyên án đặt ra là: “Chủ động điều khiển mọi hoạt động của địch, qua đó hiểu sâu về âm mưu địch, đấu tranh có hiệu quả với bọn đã được địch tổ chức ở trong nước. Nếu không đạt yêu cầu này phải chủ động chặn địch từ xa, gây cho địch thiệt hại nặng, buộc chúng phải từ bỏ kế hoạch xâm nhập vùng biển Đồng Nai”.
Trước một khối lượng công việc khổng lồ phải triển khai thực hiện trong thời gian ngắn, Ban chỉ huy chuyên án ĐN10 quyết định huy động 7 cán bộ an ninh giàu kinh nghiệm nhất của Đồng Nai vào cuộc. Đó là Trưởng phòng Bảo vệ chính trị Nguyễn Minh Cương, Trưởng phòng Thông tin liên lạc Nguyễn Hồng Lạc, Phó phòng Ngoại tuyến Đỗ Văn Tắc, Phó phòng Cảnh sát giao thông Hai Hải, Phó phòng Bảo vệ chính trị Nguyễn Văn Chương, Phó công an TP.Biên Hòa Lê Ngọc Ẩn, Phó công an huyện Long Đất Tư Dân và 10 trinh sát Phòng Bảo vệ chính trị, 20 cảnh sát bảo vệ…, được trưng dụng tham gia chuyên án. Lực lượng đặc nhiệm này, bên cạnh việc huấn luyện cấp tốc về võ thuật, kỹ chiến thuật chiến đấu trên biển để chia nhau xuống đội tàu hóa trang dưới công việc đánh bắt hải sản để bình thường hóa sự hiện diện, còn chủ động phát hiện địch từ xa.
Một nhiệm vụ trước mắt mà lực lượng này còn phải thực hiện là nhanh chóng nắm tình hình, quản lý đối tượng trên địa bàn ven biển Xuyên Mộc, Long Đất để làm trong sạch địa bàn, bố trí lại mạng lưới đặc tình, cơ sở bí mật; tiếp nhận Hồ Cốc và Hồ Linh bố trí thành các chốt vũ trang, thông tin trên toàn tuyến ven biển…
Với những nỗ lực quên mình, chỉ trong 2 tháng, lực lượng đặc nhiệm của Công an Đồng Nai đã hoàn tất thế trận, sẵn sàng cho việc tiếp đón. Nhưng Ban chỉ đạo Kế hoạch CM12 qua phân tích tình hình đã xác định vị trí quan trọng chiến lược của vùng bờ biển thềm lục địa Vũng Tàu nên quyết định phương án chủ động điều khiển “Trung tâm” đổi hướng đổ quân vào vùng biển Cà Mau cho… “an toàn” hơn.
NGĂN CHẶN PHÁ HOẠI
Để làm cho “Tổng hành dinh” bọn phản động thấy hoạt động bí mật ở vùng Đồng Nai - Bà Rịa không an toàn, Ban chỉ huy Kế hoạch CM12 mưu trí cho bộ phận điện đài của ĐN10 gửi điện về “Trung tâm” với nội dung: “K55 kính trình. HK132 an toàn đang thiết lập căn cứ và phát triển lực lượng. Điều kiện lên máy khó khăn. Hẹn 20 giờ 15 ngày 25-8-1982 liên lạc lại. Nếu không gặp sẽ lên máy vào 21 giờ ngày 28”.
Chuyên án CM12 mở màn ngày 12-5-1981 và kết thúc ngày 9-9-1984. Trong gần 3 năm đó, ta đã câu nhử, đưa được 20 chuyến tàu của tổ chức phản động do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu xâm nhập vào vùng biển Việt Nam. Lực lượng an ninh lần lượt bắt 189 tên biệt kích, gián điệp, thu trên 300 tấn vũ khí, 14 tấn tiền giả cùng nhiều loại khí tài, thiết bị quân sự quan trọng khác. Ban chỉ huy Kế hoạch CM12 cũng đã chỉ đạo triệt phá được 10 tổ chức phản động nội địa có liên quan đến Túy và Hạnh. |
10 ngày sau, đúng hẹn, đài ĐN10 lên máy với giọng điệu đang gặp khó khăn: “Hiện nay, Cộng sản kiểm soát gắt để bảo vệ lễ 2-9 nên chưa gặp được các nhóm để nhận tin. Đang thiếu tài chính, số đã cấp chưa dám xài vì sợ lộ. Do thiếu tiền và phương tiện nên hoạt động rất hạn chế. Hẹn 20 giờ ngày 6-9 liên lạc lại”.
Cùng với Kế hoạch CM12 và các đầu mối khác, chuyên án ĐN10 còn làm cho Lê Quốc Túy phải cho “Trung tâm” thông báo về quốc nội việc “tạm ngưng chiến dịch xâm nhập” và chỉ thị “không nên xài “hàng đặc biệt” (tiền giả in giống như thật) vào lúc này”. Đặc biệt là góp phần ngăn chặn không cho tổ chức phản động này chuyển sang giai đoạn phá hoại mới; thu phục được K55, một toán trưởng tâm phúc của Túy, cứu K14 thoát khỏi án tử hình của “Chủ tịch” Túy vì tên “Chỉ huy trưởng Mật khu Tự Thắng” này dám léng phéng với T.K.H., thư ký riêng và là người tình của thủ lĩnh… Qua đó, Ban chỉ huy CM12, ĐN10 có biện pháp buộc cho các tổ chức phản động trong nước đã hợp tác với “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” theo mưu đồ “ngoài đánh vào, trong nổi dậy” phải bộc lộ, lần lượt bị phá vỡ bằng các chuyên án: TQ42, TK90, H82…
Sau khi thay đổi phương án tác chiến, Ban chỉ huy Kế hoạch CM12 lại giao cho Công an Đồng Nai nhiệm vụ phục vụ bước 2 của chuyên án phản gián là dẫn giải, bảo vệ an toàn cho tất cả can phạm bị đưa ra xét xử. Thế là, ngoài 2 tàu đánh cá với những bạn đi biển không chuyên trực chỉ miền Tây Nam bộ, 3 xe loại 12 chỗ cũng lên đường; trong khi khu trại B7 được chỉnh trang, nâng cấp, đội điều tra xét hỏi do đồng chí Tư Xuân Cang chỉ huy bận rộn nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ, lập kế hoạch khai thác.
Ngày 9-9-1984, Bộ Công an quyết định dứt điểm Kế hoạch CM12 với trận đánh ở Hòn Đá Bạc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau). Lực lượng an ninh tiêu diệt tại trận 12 tên biệt kích và gián điệp, 7 tên bị bắt sống, thu 2 tàu cùng toàn bộ vũ khí. Ngày 11-9-1984, Mai Văn Hạnh bị bắt.
Sau khi Kế hoạch CM12 được phá, Chuyên án ĐN10 vẫn được duy trì. Lực lượng an ninh phải tiếp tục đấu tranh suốt hơn 3 năm nữa, nhằm buộc Lê Quốc Túy phải đưa hết bọn biệt kích ở nước ngoài về. Ngày 30-1-1988, K36, người được giao quyền chỉ huy “Mặt trận” gửi điện cho các toán quân phản động nội biên báo tin: “Lê Quốc Túy đã chết hồi 11 giờ ngày 25-1-1988”. Với tư cách Tổng chỉ huy của cái gọi là… “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”, K36 tuyên bố giải tán tổ chức này và toàn bộ các thành viên được tùy nghi di tản. Đến lúc này, Chuyên án ĐN10 mới thực sự kết thúc.
Bùi Thuận