Báo Đồng Nai điện tử
En

Kế hoạch phản gián tài tình (Bài 1)

08:08, 01/08/2015

Qua quá trình xây dựng, chiến đấu và phát triển, Công an Đồng Nai đã lập nên nhiều chiến công, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Qua quá trình xây dựng, chiến đấu và phát triển, Công an Đồng Nai đã lập nên nhiều chiến công, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19-8), Báo Đồng Nai xin giới thiệu một số chiến công thầm lặng nhưng đóng góp to lớn vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Công an Đồng Nai.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Đăng Chiếm (trái) làm việc với Thượng tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Nguyễn Phước Tân về việc triển khai Kế hoạch CM12. ảnh tư liệu
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Đăng Chiếm (trái) làm việc với Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Nguyễn Phước Tân về việc triển khai Kế hoạch CM12. ảnh tư liệu

Trong một hội thảo khoa học lịch sử gần đây, các nhà nghiên cứu có chung nhận định: “Kế hoạch phản gián CM12 là chiến công trọn vẹn, vẻ vang và chói sáng nhất trong hành trình 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Đây là chiến dịch phản gián có quy mô lớn, là chiến công có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc; để lại nhiều bài học kinh nghiệm lớn trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự xã hội trong điều kiện hiện nay và cả các giai đoạn về sau”.

Trong thành tích chói ngời đó, Công an Đồng Nai rất đỗi tự hào về sự đóng góp của mình, trong đó có việc thực thi Chuyên án ĐN10.

XÂM NHẬP BẰNG ĐƯỜNG BIỂN

Đầu tháng 1-1981, Cơ quan An ninh Việt Nam phát hiện dấu hiệu một toán biệt kích người Việt trang bị vũ khí từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam. Chỉ mấy ngày sau, một toán biệt kích đã rơi vào tay Công an Kiên Giang và Hậu Giang. Cùng lúc, ở Đồng Nai, lực lượng trinh sát bảo vệ chính trị đã phối hợp với Cục KD4, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) truy bắt được 2 tên gián điệp đang ẩn nấp tại Lâm trường Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu). Qua khai thác, cả 2 tên gián điệp lẫn những tên biệt kích bị bắt đều khai là người của tổ chức phản động lưu vong “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Nam Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu (tổ chức này được thành lập tại Pháp vào năm 1976).

Ngày 14-5-1981, trinh sát kỹ thuật phát hiện một tàu lạ ở hải phận Việt Nam và nhận định bọn phản động lưu vong đang tổ chức xâm nhập bằng đường biển. Với phát hiện này, Bộ Nội vụ đã chỉ đạo cảnh báo toàn tuyến biên giới, công an các tỉnh ven biển từ Khánh Hòa đến Kiên Giang triển khai các phương án sẵn sàng đón bắt bọn xâm nhập, đặc biệt tập trung lực lượng dọc bờ biển từ Hà Tiên đến Cà Mau dài 350km.

Lúc 21 giờ ngày 15-5-1981, chiếc tàu chở bọn biệt kích cặp vào khu vực Bãi Ghe (tỉnh Minh Hải, nay là tỉnh Cà Mau). Toán trưởng Nguyễn Văn Thanh (bí số K44) cho biết điểm hẹn rồi lệnh cho toán biệt kích phân ra từng nhóm nhỏ tự tìm chỗ ẩn nấp. Một thành viên trong toán biệt kích vừa xâm nhập có bí số K64 bất ngờ bỏ trốn và tìm đến Công an huyện Trần Văn Thời đầu thú, thành khẩn khai báo toàn bộ sự việc.

Theo đó, sau khi tung toán biệt kích “Minh Vương 1” xâm nhập Việt Nam bằng đường bộ thất bại, “Chủ tịch Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Nam Việt Nam” Lê Quốc Túy quyết định tung toán “Minh Vương 2” xâm nhập Việt Nam bằng đường biển. Nhiệm vụ của toán “Minh Vương 2” là thực hiện… “Chiến dịch Hong Kong 1” với âm mưu: vào rừng U Minh xây dựng “mật khu kháng chiến”, tổ chức tiếp nhận vũ khí, chiến cụ và nhân lực từ nước ngoài chuyển về; tổ chức phá hoại các cơ sở công nghiệp, điện nước, kho xăng Nhà Bè, cầu cống, trại cải tạo…;  ám sát tất cả các loại cán bộ của Cộng sản, Tổng lãnh sự quán Liên Xô ở TP.Hồ Chí Minh. Việc phá hoại được thực hiện bằng cách dùng tiền thuê mướn bọn bụi đời, giang hồ, tù tha về, binh lính ngụy thất nghiệp… để giao mìn, vũ khí cho các đối tượng này trực tiếp ra tay.

K64 cho biết, tàu chở toán “Minh Vương 2” chỉ có 16 người, trong đó có 2 người quê Cà Mau là K59 và K64, khởi hành ngày 12-5-1981. Khi tàu sắp vào hải phận Việt Nam, toán trưởng K44 nhận được lệnh của Lê Quốc Túy gọi từ “Trung tâm” phải thủ tiêu HK121 và HK125 vì nghi là Cộng sản. Mệnh lệnh được thi hành và xác của 2 người này bị vứt xuống biển.

Ngày 16-5-1981, toàn bộ toán “Minh Vương 2” sa lưới Công an huyện Trần Văn Thời. Toán trưởng K44 hung hăng kháng cự đã bị bắn chết.

Ngay trong đêm 16-5-1981, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Đăng Chiếm gọi Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Nguyễn Phước Tân đến nhà riêng và chỉ thị cho vị cán bộ an ninh dày dạn kinh nghiệm này khẩn trương đến tỉnh Minh Hải (năm 1996 tách thành hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) thực hiện kế hoạch “dùng địch đánh lại địch”.

CHUYÊN ÁN THÀNH KẾ HOẠCH CM12

Ngày 22-5-1981, tại TP.Hồ Chí Minh, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm, kế hoạch “tương kế tựu kế” và “dùng địch đánh lại địch” đã được thông qua; chuyên án CM12 được chính thức quyết định mở màn.

Đầu tháng 6-1981, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Hùng nhận thấy phạm vi, đối tượng đấu tranh của CM12 không chỉ là bọn biệt kích, gián điệp mà có yếu tố chính trị liên quan đến nhiều đối tượng trong và ngoài nước; vượt xa tầm cỡ một chuyên án phản gián nên quyết định gọi là Kế hoạch CM12.

“Thắng lợi của Kế hoạch CM12 là thắng lợi trọn vẹn nhất trong lịch sử đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá.

Khống chế rồi cảm hóa các cốt cán thân tín đã qua đào tạo, huấn luyện thành chỉ huy của Túy tung về nước, Ban chỉ huy Kế hoạch CM12 biết được mục tiêu chiến lược của Túy và Hạnh trong... “sự nghiệp giải phóng Việt Nam khỏi tay Cộng sản” được thực hiện thành 3 giai đoạn cụ thể. Và trong 3 năm, tổ chức phản động lưu vong này đã thực hiện được giai đoạn 1 là tìm được nguồn tài trợ, cung cấp vũ khí, phương tiện chiến tranh, lập tổng hành dinh, căn cứ huấn luyện trên lãnh thổ một nước gần Việt Nam và đã tuyển mộ, phát triển lực lượng khá mạnh; đồng thời đã móc ráp được một số tổ chức, đảng phái phản động trong nước để phối hợp hành động.

Sau mấy chuyến xâm nhập đưa người, vũ khí về “mật khu” trót lọt, Hạnh rồi Túy lần lượt về “mật khu” thị sát. Những yêu cầu của “Chủ tịch” Túy, như: giữ bí mật tuyệt đối, liên lạc đưa Lê Quốc Quân, Huỳnh Vĩnh Sanh và cả… “người tình còn ở lại Sài Gòn”… vào “mật khu” để gặp mặt, bàn chuyện hợp tác đều được “thuộc hạ quốc nội” đáp ứng chu đáo.

Qua chuyến thị sát quá sức thành công, trực tiếp nhìn thấy sự phát triển thuận lợi của lực lượng nội biên, cả Túy và Hạnh đều vui mừng, quyết định đổi danh xưng “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Nam Việt Nam” thành “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” và lập kế hoạch thành lập 3 “Quân khu”: A (miền Tây), B (miền Đông ), Sài Gòn - Gia Định và một “Liên tỉnh xứ” cho khu vực miền Trung để làm bàn đạp, chờ thời cơ làm bạo loạn giành chính quyền trong cả nước. Đặc biệt, Túy chỉ đạo xây dựng một căn cứ mật ở vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu (lúc đó còn thuộc tỉnh Đồng Nai) làm bãi đỗ trung chuyển người, vũ khí xâm nhập khu vực miền Trung.

Để triển khai thực hiện mưu đồ này, ngày 22-10-1981, “Trung tâm” điện về cho chỉ huy lực lượng nội biên: “Yêu cầu nghiên cứu kỹ địa bàn Xuyên Mộc, Phước Tuy chọn địa điểm chôn hàng, bãi đỗ, khu vực thuận tiện cho việc đóng quân và tổ chức hệ thống tiếp vận để nuôi quân, có thể tàu sẽ vào trước Noel”.

Bùi Thuận

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều