Từ khi thành lập cho đến nay, Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự (ANTT) đã hỗ trợ cho nhiều trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được vay vốn đầu tư kinh doanh, sản xuất để làm lại cuộc đời.
Từ khi thành lập cho đến nay, Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự (ANTT) đã hỗ trợ cho nhiều trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được vay vốn đầu tư kinh doanh, sản xuất để làm lại cuộc đời. Dù đồng vốn lận lưng không quá lớn, nhưng với nhiều người, đây chính là chiếc “cần câu” để họ tự kiếm sống bằng chính sức lực của mình. Quan trọng hơn, họ đã gây dựng lại niềm tin ở mọi người bằng những việc làm cụ thể và đúng đắn.
* Nỗ lực làm lại cuộc đời
Bản tính háo thắng, không kìm chế được bản thân nên anh N.H. (ngụ KP.1, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) phải trả giá bằng việc 2 lần vướng vào vòng lao lý. Năm 2009, anh H. mãn hạn tù trở về địa phương. Với quyết tâm trở thành một công dân bình thường như bao người khác, anh đi tìm việc nhiều nơi với hy vọng bù đắp lại quãng thời gian đã mất. “Ai cùng hoàn cảnh mới biết, khó khăn nhất với những người như tôi là có được công việc ổn định, mọi người không nhìn vào nói ra” - anh H. tâm sự.
Có vốn vay, anh N.H. (ngụ KP.1, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) đã đầu tư mở xưởng cơ khí. |
Ngày đầu đi học nghề cơ khí, anh phải chiến đấu với bản thân, cố gắng vượt qua mặc cảm với những người xung quanh. Lâu dần, được sự động viên của người thân và bạn bè, anh bắt đầu tự tin hòa nhập với cộng đồng. Ra nghề, anh đi làm thuê cho một vài xưởng cơ khí gần nhà, vừa lấy kinh nghiệm lại có chút tiền phụ giúp gia đình. Niềm vui nhân lên vào năm 2013 khi anh được xét cho vay 30 triệu đồng từ Quỹ Doanh nhân với ANTT để có vốn làm ăn.
Anh H. sắm đầy đủ máy móc, dụng cụ với hy vọng xưởng cơ khí nhỏ của mình được bà con trong khu phố đến ủng hộ. Xưởng nằm ở khu vực khuất người qua lại, khoảng thời gian đầu ít khách đến đặt hàng, nhưng anh H. vẫn kiên trì và cố gắng tằn tiện tiền bạc. Không lâu sau, xưởng bắt đầu đông khách, mọi người tin tưởng vào tay nghề của chàng trai trẻ. Khoảng một năm trở lại đây, anh H. đã làm ăn có lãi, hàng đặt với số lượng lớn nên nhiều lúc làm cả đêm lẫn ngày vẫn không kịp. Người dân địa phương nhìn thấy anh chịu khó, tu chí nên đã thay đổi cách nhìn và còn giới thiệu thêm cho anh những khách hàng mới.
“Tiền vốn vay từ Quỹ Doanh nhân với ANTT không chỉ cho tôi việc làm ổn định, mà còn được nhiều thứ khác giá trị hơn. Tôi lập gia đình và có 2 cháu nhỏ, làm được đồng nào đều đưa vợ cất giữ để chăm lo cho tổ ấm nhỏ bé này. Sau 2 năm, tôi đã trả được vốn vay, sắp tới sẽ thuê mặt bằng ở trung tâm thị trấn để mở rộng kinh doanh” - anh H. hồ hởi nói.
Năm 2011, anh Đ.T.H. (ngụ ấp 7, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) trở về đoàn tụ cùng gia đình sau thời gian chấp hành án vì tội nhận hối lộ. Không có vốn làm ăn, cuộc sống gia đình rơi vào cảnh khó khăn, lại phải nuôi 3 con ăn học, gánh nặng oằn lên đôi vai của anh. Thấy nhiều người trong xã được vay vốn từ Quỹ Doanh nhân với ANTT làm ăn phát đạt, anh H. cũng mạnh dạn làm đơn vay tiền.
Nhiều lần vợ chồng anh phải mất ăn mất ngủ chỉ vì không biết hướng đi này có thuận lợi không. Sau khi bàn đi tính lại, cuối cùng anh quyết định sử dụng vốn vay đầu tư chăn nuôi heo. Ngày nhận vốn, anh mừng vì cơ hội để vươn lên thoát nghèo đã thực sự nằm trong tay, nhưng cũng lo sẽ làm ăn thất bại. Sau 2 năm, anh đã trả vốn vay ban đầu và gây dựng được đàn heo 70 con lớn nhỏ, một ao cá lớn nuôi các giống cá nước ngọt và rẫy mì tốt tươi, thu nhập hàng năm sau khi đã trừ các khoản chi phí trên 100 triệu đồng. “Sau một lần vấp ngã, tôi quyết đoạn tuyệt với quá khứ lỗi lầm. Người bình thường cố gắng một, mình phải nỗ lực gấp 3-4 lần mới có thành công. Khi kinh tế khá giả, tôi còn tích cực truyền lại kinh nghiệm chăn nuôi cho các thành viên trong Câu lạc bộ Người hoàn lương ở xã để mọi người làm theo” - anh H. thật thà nói.
* Cần sự chung tay của toàn xã hội
Năm 2010, Quỹ Doanh nhân với ANTT thành lập với mục đích vận động đóng góp tài chính, vật chất của các doanh nhân, doanh nghiệp nhằm tăng cường xã hội hóa công tác bảo vệ ANTT; qua đó hỗ trợ cho hơn 600 người vay với số tiền gần 14 tỷ đồng. Đa số những người được nhận vốn hiện đã có cuộc sống ổn định, hòa nhập cộng đồng và không tái phạm tội.
Thượng tá Bùi Duy Vè, Trưởng văn phòng quản lý Quỹ Doanh nhân với ANTT, đánh giá lực lượng công an các địa phương không chỉ quản lý tốt nguồn vốn cho vay, mà còn gần gũi và kịp thời động viên tinh thần những người đang trên con đường hoàn lương. Việc duy trì, phát triển mô hình này nhờ vào sự ủng hộ rất lớn, chung tay đóng góp của toàn xã hội. Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp vốn, còn người dân, hàng xóm sống gần với những trường hợp nhận vay vốn phải dang rộng vòng tay đón nhận họ bằng tình yêu thương, sự đồng cảm và sẻ chia để ngày về của những người từng lầm lỗi trọn vẹn và ý nghĩa hơn.
Không chỉ giúp vốn làm ăn cho những người đã chấp hành xong án phạt tù, từ năm 2013, Quỹ Doanh nhân với ANTT còn mở rộng đối tượng cho vay là những người vừa được đặc xá, chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng và người đang chấp hành biện pháp quản lý giáo dục tại cộng đồng. |
Sau 5 năm ra đời, Quỹ Doanh nhân với ANTT đã nhận được gần 11,5 tỷ đồng của hơn 440 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp bền bỉ gắn bó từ ngày đầu thành lập quỹ cho đến nay. Sự chung tay của các doanh nhân, doanh nghiệp thể hiện tấm lòng vì cộng đồng, biết chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của những người đang khao khát vươn lên, góp thêm sức mạnh để họ có cơ hội trở thành một công dân tốt.
Ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, Phó giám đốc điều hành Quỹ Doanh nhân với ANTT, cho biết không chỉ đóng góp hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho quỹ nhằm tạo điều kiện cho người hoàn lương vay vốn làm ăn, Công ty cám Thanh Bình còn tiếp nhận hàng chục người mãn hạn tù vào làm việc với mức thu nhập ổn định, có chỗ ăn ở đàng hoàng.
Theo ông Bình, đây là một mô hình rất thiết thực, đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người hoàn lương sau khi về địa phương có đồng vốn phát triển kinh tế. Ông Bình cho rằng, làm việc thiện phải thể hiện được cái tâm và cảm thông với những hoàn cảnh đó. “Vấn đề đặt ra là phải làm cho cộng đồng doanh nghiệp thấy được lợi ích, trách nhiệm của mình khi chung tay vào công tác xã hội. Đây là hành động nhân văn nên hàng năm chúng tôi duy trì và coi đóng góp này là việc làm thường xuyên của công ty” - ông Bình tâm sự.
Thanh Hải