Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện ông Thanh "Xóm Chùa"

12:09, 17/09/2015

Từng là "đại ca" với nhiều tiền án ở xóm Chùa (ấp Hiệp Nhất, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán), ông Trần Ngọc Thanh (còn gọi là Thanh "Xóm Chùa") càng hiểu hơn giá trị của một người lương thiện. Ông Thanh cho biết, khi đã vướng vào vòng lao lý, ông càng thấm thía câu nói: "Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại".

Từng là “đại ca” với nhiều tiền án ở xóm Chùa (ấp Hiệp Nhất, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán), ông Trần Ngọc Thanh (còn gọi là Thanh “Xóm Chùa”) càng hiểu hơn giá trị của một người lương thiện. Ông Thanh cho biết, khi đã vướng vào vòng lao lý, ông càng thấm thía câu nói: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.

Cái xóm Chùa ở khu vực đá Ba Chồng (ấp Hiệp Nhất) được hình thành từ trước năm 1975. Xóm có khoảng 40 hộ, đa phần là dân di cư nghèo, sống co cụm với nhau bằng đủ thứ nghề, từ việc tử tế cho đến bất hảo.

* Làm dân xóm Chùa

Ông Thanh cho biết, gốc gác của ông ở huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh). Năm 1970, cha mẹ ông mới chuyển về thị trấn Định Quán sinh sống. Năm 17 tuổi, ông Thanh thoát ly theo cách mạng. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tham gia lực lượng công an, rồi kiểm lâm huyện Tân Phú.

Hang đá vợ chồng ông Thanh ở năm xưa giờ nằm trong khuôn viên Trung tâm văn hóa - thể thao huyện Định Quán.
Hang đá vợ chồng ông Thanh ở năm xưa giờ nằm trong khuôn viên Trung tâm văn hóa - thể thao huyện Định Quán.

Ông Thanh kể lại, vào năm 1978, ông gặp bà Bùi Kiều Xuân khi bà đang làm nhân viên tài chính huyện. Do 2 người lấy nhau mà không xin phép tổ chức nên bị buộc thôi việc. Mất chân cán bộ, không còn nhà ở tập thể, vợ chồng ông phải dắt nhau về xóm Chùa xây tổ ấm và trở thành công dân của xóm từ đó. “Ngày về đây tá túc, vợ chồng tôi dựng tạm tấm bạt bên vách đá để làm nơi ở. Sau đó, nhìn thấy cái hang đá của một hộ dân vừa bỏ đi, chúng tôi đã dọn vào ở” - ông Thanh nói.

Để biến cái hang đá thành tổ ấm, ông Thanh ngăn cửa hang làm cửa ra vào, lấy bao bố nhét vào các ngách đá nhằm chống dột. Giữa hang, ông kê cái giường tre, cuối hang làm bếp và lửa trong hang lúc nào cũng đỏ để chống ẩm, xua đuổi muỗi. “Hồi đó, vợ tôi làm bánh cam đi bán dạo, còn tôi đi làm mướn để có tiền nuôi vợ con. Nói chung, dân xóm Chùa ăn ở, sinh hoạt khốn khó ra sao, vợ chồng tôi cũng như họ” - ông Thành bộc bạch.

Ông Lê Minh Vân, Trưởng Truyền thanh huyện Định Quán (nguyên thủ trưởng của ông Thanh) kể, khi bảo vệ Trung tâm văn hóa - thể thao huyện mất do tai nạn, trung tâm chưa tìm được bảo vệ mới nên liên tục bị quấy nhiễu bởi nạn ném đá, trộm tài sản. Sau thời gian dài mất ăn mất ngủ vì phải thay phiên nhau trực bảo vệ tài sản vẫn không ổn, mọi người trong trung tâm mới bàn nhau mời ông Thanh về làm bảo vệ và thuyết phục huyện chấp thuận bản “lý lịch đen” của ông để trung tâm ký hợp đồng.

Xóm Chùa vốn tụ hội nhiều thành phần bất hảo, trộm cắp, sáng xỉn chiều say. Là người của xóm Chùa nên ông Thành cũng bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu của họ. Năm 1982, ông Thanh bị bắt về tội trộm cắp tài sản và bị Tòa án nhân dân huyện Tân Phú kết án 2 năm tù. Cải tạo về được mấy năm, ông lại “ngựa quen đường cũ” và bị Tòa án nhân dân huyện Tân Phú kết án 3 năm tù.

Ông Thanh tâm sự, trước vành móng ngựa, nghe Hội đồng xét xử nhắc đến lý lịch bản thân từng làm công an, kiểm lâm, ông thấy xấu hổ lắm. Vì vậy, khi đứng trước vành móng ngựa lần thứ 2, ông hứa trước tòa sẽ không tái phạm và quyết tâm hoàn lương.

Ông Thanh chậm rãi nói: “Năm 1994, sau khi mãn hạn tù, tôi về lại xóm Chùa chạy xe ôm và phụ vợ bỏ mối bánh cam. Ngày trở về, nhìn thấy vợ và 4 đứa con nheo nhóc, thất học, tôi không cầm lòng được. Vì vậy, tôi hứa với vợ con quyết hoàn lương, tránh xa đám bạn xấu”.

Cuộc đời ông Thanh đã lật sang trang mới từ đó.

* Thanh “bảo vệ”

Năm 2000, khi địa phương khởi công xây dựng Trường mẫu giáo Phú Hiệp cho trẻ em trong vùng học tập, ông Thanh được chủ thầu công trình mời làm bảo vệ.

Ông Thanh kể, ngày công trình khởi công, ông đến xin làm phụ hồ nhưng bị từ chối. Quá trình thi công công trình Trường mẫu giáo Phú Hiệp đã xảy ra mất cắp vật liệu xây dựng liên tục, người lấy trộm vật liệu không ai khác ngoài dân xóm Chùa. Biết tiếng Thanh “Xóm Chùa” là dân anh chị, rất có uy với bà con trong xóm, ông chủ thầu đã mời ông Thanh làm bảo vệ công trình để ngăn chặn tình trạng phá phách của dân xóm Chùa. Với sự có mặt của ông Thanh, tình trạng mất cắp vật liệu xây dựng và quậy phá nhóm thợ thi công không còn xảy ra nữa.

Công trình Trường mẫu giáo Phú Hiệp hoàn thành, uy tín làm người tốt của ông Thanh được dân trong vùng biết đến nhiều hơn. Vì vậy, nhà ai bị mất trộm mấy thứ lặt vặt hoặc tài sản có giá trị đều đến nhờ ông và ông đã nhanh chóng tìm ra được tài sản cho họ. Cũng từ việc tìm tài sản bị mất trộm trả lại cho mọi người, ông Thanh từng bước góp phần ngăn được thói hư tật xấu của trẻ em trong xóm và cả những người lớn.

Ông Trần Ngọc Thanh (trái) bên thủ trưởng cũ của mình.
Ông Trần Ngọc Thanh (trái) bên thủ trưởng cũ của mình.

Năm 1998, xóm Chùa của ông Thanh được di dời ra khỏi hang đá để nhường chỗ cho công trình xây dựng Trung tâm văn hóa - thể thao huyện Định Quán. Người dân xóm Chùa được Nhà nước cấp đất, cấp nhà ở nên cuộc sống tử tế hơn. Nhưng công trình Trung tâm văn hóa - thể thao của huyện mọc lên cũng không tránh khỏi sự quấy nhiễu của trẻ em trong xóm.

Mới đầu, ông Thanh chỉ giúp đỡ bảo vệ của công trình này nhắc nhở, ngăn chặn sự phá phách của bọn trẻ nhỏ. Sau khi bảo vệ công trình bị tai nạn giao thông mất, ông Thanh được lãnh đạo Trung tâm văn hóa - thể thao huyện mời về làm bảo vệ.

Được lãnh đạo Trung tâm văn hóa - thể thao huyện động viên, tạo điều kiện, ông Thanh càng có thêm động lực để chỉnh tính, sửa nết. Ông Thanh xoa xoa bàn tay bày tỏ, ông vốn quen miệng nói tục, chửi thề, tính nóng như Trương Phi nên dễ động chân, động tay với người làm sai. Nhờ các đồng nghiệp trong cơ quan nhắc nhở, động viên, ông dần sửa được tính xấu và ra dáng một viên chức. “Năm 2006, lần đầu tiên cầm tờ giấy khen do cơ quan tặng sau một năm làm tốt công tác bảo vệ, tôi mừng như bắt được vàng vậy. Từ đó trở đi, năm nào tôi cũng nhận được giấy khen của cơ quan, của Công an thị trấn và Công an huyện về thành tích này, thành tích nọ” - ông Thanh nói.

Cuộc sống cứ vậy trôi qua, từ một người lầm lỗi, ông Thanh giờ đây đã là viên chức tốt của huyện, một trụ cột của gia đình. Cái xóm Chùa tai tiếng ngày nào giờ đã thành xóm văn hóa, an ninh trật tự.

Ông Thanh thổ lộ, cuộc đời của ông đã trải qua nhiều biến cố. Nhưng để xóa tan lỗi lầm và những mặc cảm cuộc sống, ông không ngừng nhắc nhở bản thân mỗi ngày; nhắc nhở người khác cùng sống có ích, tránh xa cái xấu, chung sức cùng địa phương xây dựng đời sống văn hóa mới.

Thành Nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều