Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý phải nghiêm minh (Bài cuối)

09:09, 28/09/2015

Trước thực trạng nhiều vụ tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của người vô tội, nhiều người cho rằng cần thực hiện giám sát cánh tài xế để họ có trách nhiệm hơn trước khi cầm vô lăng điều khiển phương tiện.

Trước thực trạng nhiều vụ tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của người vô tội, nhiều người cho rằng cần thực hiện giám sát cánh tài xế để họ có trách nhiệm hơn trước khi cầm vô lăng điều khiển phương tiện. Nếu không có một hình phạt đủ sức răn đe, thật khó để hạn chế được những vụ tai nạn đau lòng xảy ra.

* Số vụ xét xử còn hạn chế

Số liệu của Cục Cảnh sát giao thông về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ năm 2014 cho thấy, trong số gần 5 triệu trường hợp vi phạm thì 347 ngàn lái xe ô tô vi phạm và hơn 1,6 triệu người đi xe máy phạm lỗi. Cụ thể, với người điểu khiển xe ô tô, hành vi chạy quá tốc độ quy định chiếm tỷ lệ hơn 23%; đứng thứ 2 là lỗi chở hàng quá tải trọng (gần 8,5%) và lỗi không đảm bảo quy định về thiết bị an toàn kỹ thuật (hơn 6%)…

Một trường hợp bị tai nạn giao thông nặng điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Một trường hợp bị tai nạn giao thông nặng điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Dù chưa có một thống kê nào ghi nhận chi tiết các vụ tai nạn chiếm tỷ lệ cao liên quan đến xe tải, xe đầu kéo…, nhưng chắc chắn thương vong sau mỗi vụ tai nạn do các phương tiện này gây ra rất lớn. Tại một số huyện, như: Trảng Bom, Thống Nhất, TP.Biên Hòa…, tai nạn giao thông liên quan đến xe tải vẫn thường xảy ra. Ở các khu vực này vốn có nhiều mỏ khai thác vật liệu xây dựng, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông do các xe tải chở đất, đá gây ra luôn hiện hữu.[links(left)]

Tuy nhiên, sau khi gây tai nạn chết người, số tài xế gây tai nạn bị đưa ra xét xử khá hạn chế. Nhiều người cho rằng, trong các vụ án tai nạn giao thông, hình phạt tòa tuyên còn chưa tương xứng, lạm dụng tình tiết giảm nhẹ để xử mức án dưới khung, thậm chí miễn truy cứu trách nhiệm hình sự…, khiến dư luận hoài nghi.

Thông tin Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa cho biết, từ tháng 10-2014 đến hết tháng 8-2015, trong số 35 vụ án được đưa ra xét xử về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, có 3 vụ liên quan đến xe tải ben, xe đầu kéo.

Tương tự, tại Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom, số vụ án giao thông đưa ra xét xử rất ít, từ đầu năm đến nay khoảng hơn 10 vụ được xét xử, trong đó chỉ có một vụ liên quan đến xe tải ben, còn lại chủ yếu là xe 2-3 bánh.

Tài xế N.D. (43 tuổi), người có 2 năm liên tiếp đạt danh hiệu “Lái xe an toàn” do UBND tỉnh trao tặng, cho rằng: “Bên cạnh việc tăng mức hình phạt đối với các lái xe tải gây tai nạn chết người, cần phải quan tâm giám sát tài xế để họ có trách nhiệm hơn trước khi cầm vô lăng điều khiển phương tiện. Nâng cao đạo đức người tài xế, khi lái xe không được sử dụng chất kích thích; các trung tâm sát hạch lái xe cũng phải đảm bảo đúng quy trình nâng bậc hạng bằng lái và các cơ quan chức năng phải phối hợp thật chặt chẽ với nhau nhằm đảm bảo an toàn giao thông”.

Vào khoảng 23 giờ ngày 6-3-2014, tại khu vực vòng xoay ngã tư Hóa An (thuộc xã Hóa An, TP.Biên Hòa), Võ Hồng Quân (30 tuổi) điều khiển xe tải ben biển số 60L-2352 vượt bên phải và va chạm với xe máy do ông Nguyễn Văn Sơn điều khiển chạy cùng chiều, khiến nạn nhân tử vong. Sau khi gây tai nạn, tài xế xe tải đã bỏ trốn khỏi hiện trường.

Ngày 11-12-2014, Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa đã đưa vụ án ra xét xử. Theo đó, bị cáo Quân bị truy tố theo khoản 2, Điều 202 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, bị cáo Quân chỉ lãnh mức án 3 năm tù giam.

Mới đây, Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom đã tuyên phạt bị cáo Mai Bình Nam (44 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) 12 tháng tù do điều khiển xe tải ben chở đất gây chết người. Quá trình xét xử, tòa đã viện dẫn một loạt tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, như: bị cáo đã khắc phục hậu quả, có nhân thân tốt, người đại diện hợp pháp của bị hại xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo…

* Pháp luật phải nghiêm minh

Theo nhiều thẩm phán tham gia xét xử các vụ án giao thông, mỗi vụ án là một vi phạm khác nhau, vì thế mức độ nặng nhẹ phải tùy thuộc vào hành vi bị cáo gây ra. Cùng điều khiển “hung thần xa lộ” làm chết người, nhưng hình phạt của người chở hàng cồng kềnh gây tai nạn sẽ khác so với các hành vi mà tài xế sử dụng nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép, hay vượt
đèn đỏ…

Ông Đặng Văn Tuân, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom, thừa nhận so với xe máy thì số vụ án tòa thụ lý liên quan đến xe tải rất ít. Những trường hợp xác định lỗi hoàn toàn thuộc về người gây tai nạn với nhiều tình tiết định khung tăng nặng, tòa kiên quyết xử lý nghiêm, không cho hưởng án treo, vì như thế sẽ không có tác dụng răn đe và phòng ngừa tội phạm. “Mức hình phạt còn căn cứ vào hậu quả, lỗi, nhân thân của bị cáo và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để quyết định mức án. Về nguyên tắc, nhân thân xấu là không thể hưởng án treo” - ông Tuân lý giải.

Ngày 21-9, trên quốc lộ 51, chiếc xe tải ben này đã gây tai nạn liên hoàn với 2 xe tải và xe máy, khiến một người bị nguy kịch.
Ngày 21-9, trên quốc lộ 51, chiếc xe tải ben này đã gây tai nạn liên hoàn với 2 xe tải và xe máy, khiến một người bị nguy kịch.

Theo luật sư Lê Văn Nhân (Đoàn Luật sư tỉnh), gây tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn, ngay cả với người gây ra tai nạn. Nếu như quan tố tụng cho rằng, với tội danh này không cần mức hình phạt quá nghiêm khắc là chưa thấu đáo. Bởi, nếu xét về khía cạnh trình độ nhận thức, hậu quả do tai nạn giao thông gây ra thường rất nặng nề, gây nguy hiểm lớn cho xã hội…, nếu không có một hình phạt đủ sức răn đe, thật khó để hạn chế được những vụ tai nạn tương tự.

Nhiều tài xế điều khiển các “hung thần xa lộ” mặc sức tung hoành trên đường, coi thường tính mạng của người vô tội, bất chấp pháp luật giao thông rồi gây tai nạn chết người thì hành vi này nguy hiểm không kém gì hành vi xâm phạm đến thân thể người khác. Tính mạng, sức khỏe con người được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Bất cứ hành vi nào xâm hại gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cần phải được trừng trị nghiêm khắc, tương xứng.

“Nếu xét thấy có tình tiết giảm nhẹ thì cho giảm nhẹ, chứ không phải vì có nhiều tình tiết giảm nhẹ để xử án treo, hoặc dưới khung hình phạt là không đủ sức răn đe. Như thế không còn thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, bởi các tài xế khác họ sẽ không nhận ra được lỗi lầm của mình, từ đó mà tiếp tục gây ra những vụ tai nạn đau lòng” - luật sư Nhân cho hay.

 

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều