Ông Châu Chí Hùng (54 tuổi, ngụ phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) được nhiều người biết đến vì có bộ sưu tập đá cảnh tiền tỷ. Hơn 20 năm qua, ông Hùng đã lặn lội khắp nơi săn tìm đá rồi đem về lưu giữ, tạo thành một "bảo tàng" đá.
Ông Châu Chí Hùng (54 tuổi, ngụ phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) được nhiều người biết đến vì có bộ sưu tập đá cảnh tiền tỷ. Hơn 20 năm qua, ông Hùng đã lặn lội khắp nơi săn tìm đá rồi đem về lưu giữ, tạo thành một “bảo tàng” đá.
Với những người mê sưu tầm đá như ông, vẻ đẹp và giá trị đích thực của hầu hết các loại đá nằm bên trong lớp vỏ bọc xù xì và thô nhám. Qua bàn tay chế tác của con người, những hòn đá vô tri ấy trở thành những món đồ có giá trị cao. Mỗi lần đi kiếm tìm đá, ông Hùng lại có cơ hội để hiểu hơn về vùng đất, con người trên khắp đất nước Việt Nam.
* Hơn 20 năm đi “săn” đá
Hơn 20 năm lăn lóc đến “bầm giập” vì đá, nay ông Hùng đã trở thành chủ nhân của hàng ngàn mẫu đá cảnh được sưu tập từ khắp mọi miền đất nước. Với ông, mỗi viên đá (đôi khi là tảng đá nặng cả tấn) đều có một câu chuyện và ý nghĩa riêng. “Mỗi nơi đặt chân đến, tôi đều cố gắng mang về một mẫu đá gắn liền với thổ nhưỡng nơi đã “sinh” ra nó. Tôi làm điều đó không chỉ để thỏa tính tò mò, mê sưu tập đá, mà còn muốn đem đá về, gom thành một phần của đất nước trong căn nhà nhỏ của mình” - ông Hùng tâm sự.
Ông Châu Chí Hùng ghi chép cẩn thận mọi thông tin về mẫu đá mới phát hiện. |
Bắt đầu sưu tập đá cảnh từ năm 1994, hễ biết ở đâu có đá đẹp và lạ, ông Hùng lại khăn gói lên đường tìm kiếm. Say mê đá đến nỗi ông sẵn sàng từ bỏ công việc với mức thu nhập ổn định chỉ để “săn” bằng được loại đá yêu thích. Sau bao năm tìm kiếm, gắn bó với đá, ngoài sự am hiểu về giá trị, nguồn gốc của nó, ông Hùng cũng lận lưng thêm vốn kiến thức về vùng đất, con người nơi mình đã đặt chân đến. Từ đó, ông càng thấy yêu thiên nhiên, con người trên mọi miền đất nước này hơn.
Mỗi chuyến đi có thể kéo dài 3-4 ngày, thậm chí vài tháng, thành quả mang về đa số là những mẫu đá chưa được ai đặt tên hay nhắc tới. Tất cả tưởng chừng vô giá trị, nhưng dưới cái nhìn đầy kinh nghiệm và với các thiết bị soi rọi chuyên dụng, ông đoán trong ruột đá có gì đó đặc biệt, quý hơn cả vàng bạc. Và để biết những gì đang ẩn trong cái vỏ xù xì tầm thường kia không phải chuyện dễ dàng, ngày một ngày hai mà khám phá được.
Kinh nghiệm ông Hùng có được là nhờ sách vở, tham khảo qua một số công trình khoa học của các nhà khảo cổ, và từ đam mê thực tế. Ngoài ra, khi tìm được đá, phải qua nhiều công đoạn mài giũa, chế tác đá mới trở thành “ngọc”. Nhiều người dân bản địa thấy ông Hùng thuê xe tải vượt rừng sâu chở những tảng đá lớn về nhà mới biết đó là “vật báu” mà bấy lâu nay không ai lưu tâm, để ý. Nhiều người chơi đá cảnh nhìn vào một hòn đá thấy không thích nên bỏ qua. Đến khi ông Hùng mua về, qua bàn tay tạo thế, mài giũa của ông, họ thấy đẹp lại tiếc rẻ sao không mua nó từ đầu.
“Sưu tập đá cảnh ngoài am hiểu và đam mê, nhiều khi phải có duyên với nó. Một số viên đá không cần tô vẽ cũng có thể tự toát lên vẻ đẹp; số khác phải trải qua nhiều công đoạn chế tác mới đạt mức tuyệt kỹ của nghệ thuật. Từ chỗ không đáng một xu, nhiều hòn đá cảnh giờ đã có giá trị cao đến nỗi nhiều người sẵn sàng chi hầu bao mạnh; nhưng tôi không bán vì nó có duyên với mình” - ông Hùng chia sẻ.
* “Bảo tàng” đá
Sau bao năm “săn” tìm đá, “gia tài” của ông Hùng hiện có hàng ngàn mẫu đá với những cấu tạo, hình thù và màu sắc khác nhau. Qua mỗi chuyến đi, ông đều cố gắng mang về bằng được một viên đá nào đó. Lâu dần, căn nhà vốn làm nơi ăn ở đã trở thành chỗ sưu tập đá đồ sộ. “Bảo tàng” đá chất đầy từ trong nhà đến ngoài sân, đâu đâu cũng có đá, đá nằm lăn lóc khắp nơi. Cảm giác đầu tiên khi vào đây là choáng ngợp trước vẻ đẹp mê hoặc của đá. “Mỗi người có một đam mê riêng. Người mê sưu tầm đồ cổ, tranh ảnh, tạo bon sai…, còn tôi mê đá, những viên đá nguyên thủy, tồn tại qua hàng ngàn năm. Để nghiên cứu, tôi tìm các loại sách viết về đá, mà chủ yếu là sách nước ngoài. Để thỏa chí đam mê, tôi tự học thêm tiếng Anh, tự dịch nghĩa để biết những hòn đá mình sưu tầm được cấu tạo từ loại chất gì, tên gọi, tuổi thọ và tập trung ở vùng đất nào” - ông Hùng bộc bạch.
Khách vào tham quan “bảo tàng” đá của ông Châu Chí Hùng. |
Biết bao lần tìm được mẫu đá mới, ông Hùng đã mất ăn quên ngủ, tra tìm tài liệu để “giải mã” cho bằng được bí ẩn về nó. Sau đó, ông cẩn thận ghi chép đầy đủ các thông số khoa học, như: thời gian, địa điểm phát hiện, màu sắc, độ cứng… rồi tự đặt cho nó cái tên mới. “Khai sinh” cho mẫu đá xong, ông bắt đầu phân tích thành phần cấu tạo và niên đại của đá. Công đoạn cuối cùng là cất vào kho để sau này, nếu ai đó muốn nghiên cứu có thể dễ dàng tìm thấy.
Dự định của ông Hùng là biến bộ sưu tập đá của mình thành một “bảo tàng” đá để sinh viên, các nhà khoa học từ khắp nơi đến tham khảo, nghiên cứu. Vì vậy, khi giới thiệu những tác phẩm đá của mình cho ai đó, ông đều say sưa diễn giải vì sao những hòn đá có tính nguyên thủy mang một giá trị lớn. Đó có thể là những viên đá quý, giá trị cao hoặc những vỏ ốc hóa thạch có niên đại từ hàng triệu năm mà ông đã cất công săn tìm.
Ông Hùng chia sẻ thêm, đá quý từ thiên nhiên của Việt Nam, cũng như ở Đồng Nai rất độc đáo và không hề thua kém thế giới. Những đặc điểm cấu tạo địa chất ở mỗi nơi đều có thể tạo ra những viên đá giá trị cao, trải dài từ Bắc vào Nam. Nếu chịu khó bỏ công kiếm tìm, nhất định sẽ thu được thành quả cho những ai say mê khám phá vùng đất mới. Những loại đá sưu tầm, thường là đá lâu năm, do thiên nhiên tạo ra, hoàn toàn không có bàn tay con người can thiệp, ẩn mình ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam.
“Ngoài thời gian đi tìm, lúc rảnh rỗi tôi tự tay tạc hình tượng đá, rồi làm một cái giá gỗ chưng khắp nơi trong nhà. Khách vào tham quan đều trầm trồ khen ngợi, yêu thích. Trong nhà tôi, hiện đá thành phẩm dáng đẹp có, đá nguyên sơ từ lúc lấy về có vô số. Hàng ngày, chiêm ngưỡng chúng tôi rất thích thú và mê mẩn đến quên ăn…” - ông Hùng tâm sự.
Thanh Hải