Thất bại trên con đường khoa cử, Nguyễn Minh Thắng (24 tuổi, ngụ ấp Võ Dõng 1, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) quyết định nối nghiệp mẹ để nuôi heo. Được cha mẹ đặt niềm tin và hỗ trợ vốn liếng, Thắng đã sớm trở thành ông chủ trẻ khi ở tuổi 20.
Thất bại trên con đường khoa cử, Nguyễn Minh Thắng (24 tuổi, ngụ ấp Võ Dõng 1, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) quyết định nối nghiệp mẹ để nuôi heo. Được cha mẹ đặt niềm tin và hỗ trợ vốn liếng, Thắng đã sớm trở thành ông chủ trẻ khi ở tuổi 20.
Gió từ ngọn đồi Đông (núi Soklu) thổi vào ấp Võ Dõng 1 như vỗ về đàn heo ngủ thêm ngon giấc. Anh Nguyễn Minh Thắng đi ra, đi vào nhìn ngắm khu trại heo như đang tính điều gì to tát. Sau cái bắt tay chào hỏi chúng tôi, Thắng tỏ bày, việc quản lý trại heo giờ không còn bận bịu như lúc mới khởi nghiệp. Tất tần tật mọi việc, người làm công có thể làm thay anh mà chẳng sợ đàn heo gặp sự cố khi vắng chủ.
* Mê nuôi heo
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp THPT, Thắng hồ hởi đèn sách thi đại học. Năm đó, anh trượt đại học, nhưng đủ điểm vào cao đẳng ngành giao thông vận tải. Học được 3 tháng, anh bỏ về nhà ôn luyện để năm sau thi vào ngành công an. Trượt đại học lần hai và chỉ đủ điểm vào trung cấp công an nhân dân, anh nhận thấy con đường khoa cử không mỉm cười với mình nên quyết định ở nhà nối nghiệp mẹ (bà Cao Thị Oanh) nuôi heo.
Ông chủ trẻ Nguyễn Minh Thắng có thu nhập trên 700 triệu đồng mỗi năm từ trang trại heo. |
Bà Oanh vốn là một phụ nữ chịu thương, chịu khó. Từ một con heo nuôi nhốt trong chuồng gỗ, cho ăn cám, rau như cách nuôi heo của bao người dân quê khác, bà Oanh đã dần gầy dựng được trại heo đến 200 con thịt và 10 heo nái, khiến cánh phụ nữ trong xóm phải ngưỡng mộ. “Hồi còn là học sinh tôi đã giúp mẹ chăm sóc trại heo nên khi bắt tay vào nuôi đã có ít nhiều kinh nghiệm, lại được mẹ tư vấn thêm nên chưa một lần bị thất bại” - anh Thắng tâm sự.
Thấy con trai có chí lập thân, lập nghiệp ngay chính khu vườn, trại heo của gia đình, bà Oanh và ông Nguyễn Duy Thọ (cán bộ về hưu) mới đầu chưa vui lắm. Đến khi hiểu được khát vọng của Thắng, cả hai đều ủng hộ con và giao hẳn khu trại cùng số vốn mấy chục năm tích cóp của vợ chồng cho con quản lý để nghỉ ngơi tuổi già. “Khi còn trẻ, trong túi chẳng có mấy đồng, nhưng vợ chồng tôi vẫn bạo gan vay mượn tiền mua miếng đất ở Gia Kiệm sinh sống. Từ miếng rẫy đó, vợ chồng tôi mới tạo dựng được cuộc sống ổn định, mở mang được trại heo” - ông Thọ cho biết.
Anh Nguyễn Minh Thắng cho biết không phải do thành công mà anh tự cao, ngăn cản thanh niên khác học theo anh đầu tư trang trại chăn nuôi heo. Thực tế, bản thân Thắng và nhóm bạn thân thành công từ mô hình này nhờ được gia đình hỗ trợ mạnh về vốn, quỹ đất, kinh nghiệm. “Các bạn trẻ phải chọn cho mình một hướng nghề nghiệp cụ thể, phù hợp với điều kiện và năng lực bản thân tất sẽ thành công. Điều đó mình đúc kết được qua bản thân và nhiều bạn trẻ khác khi ra Hà Nội nhận giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn” - anh Thắng nói. |
Sau khi được cha mẹ giao vốn và khu trại, Thắng thuê thợ đến cải tạo lại khu chăn nuôi cũ cho phù hợp với quy trình chăn nuôi công nghiệp, đồng thời mở thêm khu trại mới quy mô 300 heo thịt. Sau một năm nuôi heo, anh đã thu hồi được vốn đầu tư ban đầu (trên 300 triệu đồng từ quy trình cải tạo và xây mới khu chuồng trại). “Tôi đã cải tạo kiểu máng ăn truyền thống sang máng ăn tự động nên đã tiết kiệm được lượng thức ăn dư thừa làm vấy bẩn chuồng, và giảm thời gian tắm rửa cho đàn heo từ 3 lần trong ngày còn 1 lần. Việc nâng cao chuồng trại cho thoáng mát giúp heo ngủ nhiều, không cắn phá nhau cũng được tôi cải tiến cho phù hợp với quy mô nuôi công nghiệp” - anh Thắng cho hay.
Để giảm nguồn vốn đầu tư con giống, Thắng tìm hiểu cách làm của bà Oanh. Mỗi lứa heo nuôi, anh tuyển chọn từ trại của mình những con nái khỏe làm heo giống. Cứ 5-6 heo nái giống, anh cho phối giống cùng thời điểm để chúng sinh cùng thời điểm nhằm dễ bề tuyển chọn nhóm heo con đồng cân (cùng trọng lượng) khi tách chuồng. Nhờ vậy, trọng lượng heo con khi xuất chuồng đồng đều và tỷ lệ hao hụt tổng đàn suốt chu kỳ nuôi chỉ 2-4 con/100 con.
Thành công nối tiếp thành công. Thắng nhanh chóng trở thành ông chủ trẻ của khu chăn nuôi heo ấp Võ Dõng 1, với lãi ròng mỗi năm trên 500 triệu đồng.
* Suy tính của tuổi trẻ
Khi việc chăn nuôi heo đâu vào đó, Thắng quay lại chuyện đèn sách nhằm nâng cao kiến thức xã hội, tham gia công tác Đoàn Thanh niên ấp Võ Dõng 1, đồng thời mày mò chuyển đổi 1,5 hécta vườn tạp của gia đình sang trồng bơ, mít Thái và vận động những thanh niên khác phát triển kinh tế.
Dù cây mít Thái thích hợp với vùng đất đá Võ Dõng 1, nhưng quá trình trồng Thắng nhận ra cây mít trồng gần chuồng trại không phù hợp. Để đảm bảo lượng trái đều, không sâu bệnh phải dùng thuốc hóa học, như thế sẽ ảnh hưởng đến quá trình chăn nuôi heo. Do đó, anh bỏ cây mít Thái, chuyển qua trồng măng cụt và sầu riêng xen giữa cây bơ để thử nghiệm.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, Nguyễn Minh Thắng (bìa phải) còn là một thủ lĩnh thanh niên nhiệt huyết. |
Thấy bơ, sầu riêng, măng cụt phù hợp khi trồng gần trại heo, Thắng vận động thanh niên khác cùng làm. Người thiếu kinh nghiệm, cây giống thì anh hướng dẫn hoặc cho mắt ghép về trồng. Riêng chuyện nuôi heo thì anh vẫn chưa mạnh dạn phổ biến cho các đoàn viên thanh niên, mà chỉ áp dụng mô hình cho nhóm bạn có điều kiện. Thắng thẳng thắn bày tỏ, không phải anh tự cao tự đại mà mô hình nuôi heo chỉ phù hợp với đoàn viên thanh niên có nhiều vốn. Chỉ vài chục triệu đồng không thể nuôi thành công, chỉ cần xảy ra rủi ro nhỏ là bị mất vốn. “Vì vậy, ngoài nguồn vốn tự có, các bạn trẻ rất cần nguồn vốn lớn hỗ trợ. Nếu không giải quyết được nguồn vốn thì khó mà thành công từ mô hình chăn nuôi heo” - anh Thắng nói.
Dù nay đã có trong tay số vốn hàng tỷ đồng, Thắng vẫn hàng ngày đi tới, đi lui suy nghĩ tìm hướng bứt phá. Anh tâm sự, nếu mở rộng quy mô chuồng trại sẽ không còn thuận lợi như trước, vì nhu cầu nuôi heo đang trong xu hướng bão hòa. Còn tập trung phát triển vườn bơ, sầu riêng, măng cụt thì phải có quỹ đất lớn. Riêng mở rộng mô hình dịch vụ kết hợp với duy trì trang trại chăn nuôi heo hiện có cần phải suy tính thật kỹ rồi anh mới quyết định. “Tôi rất thận trọng trong việc chọn hướng đi tiếp theo. Chỉ cần tính sai một bước thì thất bại ngay. Một khi thất bại rồi thì dễ nhụt chí và không còn vốn để mà gầy dựng lại sự nghiệp” - anh Thắng bộc bạch.
Đoàn Phú