Gần 8 năm nay, ký túc xá Trường THCS Mã Đà (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) thật sự là chỗ dựa của các trò nhỏ ngụ ở các ấp nằm sâu trong Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Hiệu trưởng Trường THCS Mã Đà Trần Thị Ngọc Quý cho biết trọ học tại ký túc xá các em được hỗ trợ tiền ăn, điện, nước sinh hoạt, được nhà trường và khu bảo tồn cử người quản lý, chăm sóc, dạy phụ đạo.
Gần 8 năm nay, ký túc xá Trường THCS Mã Đà (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) thật sự là chỗ dựa của các trò nhỏ ngụ ở các ấp nằm sâu trong Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Hiệu trưởng Trường THCS Mã Đà Trần Thị Ngọc Quý cho biết trọ học tại ký túc xá các em được hỗ trợ tiền ăn, điện, nước sinh hoạt, được nhà trường và khu bảo tồn cử người quản lý, chăm sóc, dạy phụ đạo.
* Trọ học
Từ ngày 2 con gái Hồng Thắm (lớp 8) và Hồng Tươi (lớp 6) trọ học xa nhà, trưa thứ 7 hàng tuần, chị Bích Thủy mới chạy xe máy từ trong ấp Bà Hào ra trung tâm xã Mã Đà đón 2 con về thăm nhà một lần.
Các trò nhỏ cùng giáo viên ở ký túc xá Trường THCS Mã Đà. |
Chị Bích Thủy cho hay, từ Bà Hào ra trung tâm xã Mã Đà khoảng 25km và tốn 30 ngàn đồng tiền xăng cho 2 cuốc xe đi và về. Mỗi tuần mẹ con chị được gặp nhau được 1,5 ngày rồi lại chia tay. Hôm nào nhớ con quá chị mới gọi điện thoại hỏi thăm vào những giờ con ở ký túc xá ôn bài. “Năm học này, khi bé Hồng Tươi lên lớp 6, tui mới xin phép nhà trường cho 2 chị em trọ học ở ký túc xá cho tiện. Lúc bé Hồng Tươi còn học tiểu học thì bé Hồng Thắm sáng đón xe đi, trưa đón xe về Bà Hào. Mỗi ngày như vậy tốn 30 ngàn đồng tiền xe và ăn trưa” - chị Bích Thủy tâm sự.
Không riêng chị Bích Thủy, phụ huynh học sinh ở các ấp trong rừng Mã Đà khi có con em học THCS thường chọn phương án gửi con tại ký túc xá của trường trọ học để tiết kiệm tiền xăng xe và thời gian đưa rước hàng ngày. Học sinh trọ học tại ký túc xá thuộc diện quá khó khăn còn được nhà trường hỗ trợ tiền ăn ngày 2 bữa. Riêng tiền ở trọ, tiền điện, nước sinh hoạt thì được khu bảo tồn tài trợ nên phụ huynh không phải đóng góp.
Trọ học ở ký túc xá, học sinh còn được thầy cô và các cô chú ở khu bảo tồn dạy phụ đạo, kèm cặp thêm kiến thức và cắt cử người quản lý, bảo ban các em. Vì vậy, phụ huynh rất yên tâm khi gửi con em tại ký túc xá trong suốt năm học.
Ký túc xá Trường THCS Mã Đà có từ năm 2008. Mới đầu, ký túc xá chỉ là 6 gian phòng gỗ xập xệ của khu bảo tồn cho nhà trường mượn. Theo thời gian, ký túc xá được khu bảo tồn, các nhà mạnh thường quân, chính quyền địa phương, Phòng GD-ĐT huyện hỗ trợ kinh phí sửa sang lại khang trang hơn và có thêm các dãy nhà vệ sinh, bếp ăn và phòng học tập thể… Nhà trường còn xin được biên chế nhân viên bảo vệ, người nấu ăn trưa, chiều cho các em ở ký túc xá.
Cô hiệu trưởng Trần Thị Ngọc Quý cho biết, học sinh trọ học ở ký túc xá nhà trường đa phần thuộc diện khó khăn. Những gia đình ít khó khăn hơn thì chọn phương án luân phiên nhau đưa con em đi học, hoặc đi xe đưa rước.
Xã Mã Đà có 5 ấp nằm sâu trong rừng và xa trung tâm xã. Mấy chục năm qua, chuyện tiếp sức đến trường cho con em trong vùng không bỏ học giữa chừng luôn được cả hệ thống chính trị ở địa phương và xã hội chung tay. Nhưng khi cái nghèo, sự bất tiện về giao thông của người dân vẫn chưa được khắc phục thì chuyện níu kéo các em quay lại lớp học luôn là sự bận tâm của trường, chính quyền, Phòng GD - ĐT huyện.
“Chỗ trọ học, những chiếc xe đạp, học bổng… ngày càng đến với học sinh Mã Đà nhiều hơn, nên chuyện bỏ học giữa chừng của con em trong xã, các ấp vùng rừng không còn gay gắt như trước nữa” - cô Quý nói.
* Thương trò như con
Anh Lê Minh Đức, nhân viên kế toán Trường THCS Mã Đà, cho biết anh được điều về trường công tác năm 2010. Lúc mới về, nhà trường cho anh tá túc tại ký túc xá cùng học sinh. Suốt 3 năm ở ký túc xá của trường, anh Đức cùng với các nhân viên trong Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thay phiên nhau kèm cặp kiến thức Toán, Lý, Hóa, Anh văn… cho học sinh vào buổi chiều, tối. Có lúc, mọi người lại cùng các em chơi thể thao, dọn dẹp vệ sinh quanh ký túc xá, hoặc tham gia sinh hoạt văn nghệ.
Đoàn thanh niên Sở Công thương thăm, tặng quà cho học sinh Mã Đà dịp Tết Trung thu. |
“Cuối tuần, do trời mưa làm kẹt đường, em nào còn ở lại ký túc xá thì tôi và bảo vệ trường nấu cơm cho các em ăn, hoặc cho các em mượn tiền ra ngoài ăn tạm. Bọn tôi thương học sinh như con em trong gia đình nên thấy các em sai, chưa ngoan là mạnh dạn chỉ dạy, nhắc nhở” - anh Đức bộc bạch.
Cái sai, điều chưa ngoan của các trò nhỏ trọ học tại ký túc xá được anh Nguyễn Thái Nguyên, bảo vệ trường, kiêm quản lý ký túc xá liệt kê một hơi dài, như: trèo lên hành lang trường ngắm cảnh, gọi điện thoại; vệ sinh không sạch; rủ bạn bè đến ký túc xá chơi… “Ngay cả chuyện đem dép vào phòng cất giữ để mấy chú chó khỏi cắn rách quai, chúng tôi cũng phải liên tục nhắc nhở các em” - anh Nguyên kể.
Ký túc xá Trường THCS Mã Đà có sức chứa khoảng 50 học trò nội trú, nhưng đầu năm học 2015-2016, trường chỉ mới tiếp nhận 13 em. Cô Trần Thị Ngọc Quý, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay các em đăng ký tăng dần cho đến cuối năm học. Học sinh khó khăn không ở ký túc xá thì được nhà trường, địa phương hỗ trợ tiền xe đi lại. “Các trò nhỏ ở ký túc xá được trường, địa phương, Khu Bảo tồn quan tâm về mọi mặt. Khi các mạnh thường quân tài trợ tiền, gas, gạo, dầu ăn, bột ngọt… cho trường thì tiền ăn phụ huynh đóng trong tuần cho con em mình ít lại” - cô Quý cho biết thêm. |
Theo nội quy ký túc xá, vào 5 giờ 30 mỗi ngày, các trò nhỏ sẽ thức dậy làm vệ sinh cá nhân, tập thể dục, ôn bài, ăn sáng. 7 giờ, các em đến trường học và đến 11 giờ 15 thì về lại ký túc xá ăn cơm, nghỉ trưa, ôn bài, học phụ đạo, vệ sinh ký túc xá, chơi thể dục - thể thao. Đến 21 giờ, các em mới được xem tivi hoặc đi ngủ. Trò nào bị bệnh thì được bảo vệ Nguyên chở đi mua thuốc, muốn đổi món ăn thì báo với phục vụ Lan để cô chuẩn bị.
“Các em muốn đi đâu, làm gì ngoài giờ học ở trường đều phải xin phép tôi. Khi được cho phép ra ngoài, các em phải về lại ký túc xá đúng giờ đã xin phép. Học sinh nào bị nhắc nhở đến lần thứ 3 vẫn cố tình vi phạm tôi mới báo ban giám hiệu trường, phụ huynh có hướng xử lý. Nói chung, các em rất ngoan và rất sợ bị đuổi ra khỏi ký túc xá khi vi phạm nội quy chung” - anh Nguyên cho biết.
Đang loay hoay dọn dẹp đồ đạc chờ phụ huynh đón về lại rừng sau một tuần trọ học xa nhà, các trò nhỏ trọ học ở ký túc xá Trường THCS Mã Đà như háo hức một điều gì đó rất lạ khi nhìn thấy người thân. Nhưng lúc ở nhà, đến chiều chủ nhật các em lại hối thúc phụ huynh đưa ra ký túc xá để gặp lại bạn bè, lớp học vì nhớ. Bởi theo các trò nhỏ: Hồng Thắm, Hồng Tươi, Hà Linh…, ký túc xá đẹp hơn ngôi nhà các em đang sống. Ở ký túc xá, các em được thầy cô, các cô chú ở Khu Bảo tồn kèm cặp thêm kiến thức, được ăn ngon, có bạn bè cùng hoàn cảnh nên được động viên, bớt tủi thân.
Đoàn Phú