Ngoài công việc kinh doanh mang lợi nhuận, nhiều ông chủ cơ sở kinh doanh đã âm thầm đóng góp công sức, vật chất để giúp đỡ cộng đồng. Ông Nguyễn Việt Tiến, Giám đốc Khu du lịch Bò Cạp Vàng, tâm sự: "Trách nhiệm xã hội của người làm kinh doanh không chỉ đơn thuần làm các công tác từ thiện - xã hội, mà còn phải tạo ra lợi ích cho cộng đồng".
Ngoài công việc kinh doanh mang lợi nhuận, nhiều ông chủ cơ sở kinh doanh đã âm thầm đóng góp công sức, vật chất để giúp đỡ cộng đồng. Ông Nguyễn Việt Tiến, Giám đốc Khu du lịch Bò Cạp Vàng, tâm sự: “Trách nhiệm xã hội của người làm kinh doanh không chỉ đơn thuần làm các công tác từ thiện - xã hội, mà còn phải tạo ra lợi ích cho cộng đồng”.
* Nặng lòng với những hoàn cảnh khó khăn
Khởi nghiệp với mảnh đất ven sông xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch), sau 16 năm gây dựng, Khu du lịch Bò Cạp Vàng của ông Tiến đã trở thành nơi được nhiều người ở Đồng Nai và các địa phương lân cận biết đến. Cùng với việc kinh doanh, suốt nhiều năm qua, ông Tiến và các anh em trong nhà luôn gắn bó với việc từ thiện, khuyến học tại địa phương. Mỗi năm, Khu du lịch Bò Cạp Vàng của ông Tiến đều đóng góp cho các chương trình tổ chức vui Tết Trung thu, hoặc tặng xe đạp, sách vở cho thiếu nhi xã Phước Khánh.
Ông Nguyễn Việt Tiến hướng dẫn một khách nhỏ tuổi mặc áo phao. |
“Trong kinh doanh, với ai cũng vậy, việc đầu tiên là phải nghĩ ngay đến hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội của nó. Nhưng việc sử dụng lợi nhuận đó như thế nào để tạo ra lợi ích cho xã hội lại tùy thuộc vào mỗi người. Với tôi, tôi sử dụng hoạt động của Khu du lịch Bò Cạp Vàng để làm công tác xã hội và đối tượng tôi hướng đến là trẻ em cơ nhỡ ở các mái ấm, nhà mở. Tôi thường liên hệ với một số cơ sở nuôi dạy trẻ để đưa các em đến khu du lịch của mình vui chơi miễn phí trọn một ngày, hoặc liên kết cùng một số cơ sở kinh doanh hỗ trợ chi phí di chuyển, vui chơi, ăn uống cho các em. Sau ngày vui chơi đó, các em có thêm niềm tin, hứng khởi để tiếp tục học tập, phát triển bản thân thành người có ích cho xã hội” - ông Tiến bộc bạch.
Cùng mục đích như ông Tiến nhưng ông Huỳnh Hữu Hải, chủ chuỗi cửa hàng sửa xe máy Huỳnh Hữu Hải tại TP.Biên Hòa, lại chọn cách dạy nghề miễn phí cho trẻ em lang thang cơ nhỡ và đã đào tạo ra hàng ngàn thợ sửa xe máy cứng tay nghề. 25 năm kể từ khi ông Hải bắt đầu nhận học trò, đã có khoảng 3 ngàn thợ ra nghề từ “lò” của ông. Trong số đó, có người tiếp tục gắn bó với ông Hải, có người đã tạo dựng cơ sở riêng.
Ông Huỳnh Hữu Hải tâm niệm, khi nhận dạy nghề cho trẻ cơ nhỡ thì phải rèn cho trẻ không chỉ giỏi nghề, mà còn phải giúp cho chúng biết lễ nghĩa, đạo lý để có cách hành xử đàng hoàng. Thông qua 30 điều nội quy dành cho thợ học việc mà ông Hải tự soạn ra, ông đã đưa những đứa trẻ từ chỗ cứng đầu, bướng bỉnh thành những người thợ siêng năng, biết sống hòa nhã, cư xử khuôn phép với người xung quanh.
* Hạnh phúc khi giúp trẻ nên người
“Thời trẻ tôi cũng ăn chơi, quậy phá làm khổ gia đình. Đến khi trưởng thành, tôi mới nhận thức được những gì mình làm không đúng nên tu chí làm ăn. Khi nhận học trò, tôi dùng chính cuộc đời mình để làm tấm gương răn dạy các em và luôn nghiêm khắc trong quá trình đào tạo. Tôi luôn hướng những học trò ở đây đến cách ứng xử nhân văn, như: làm việc siêng năng, không tham lam, luôn chấp hành nội quy, đi thưa về trình, lịch sự, lễ phép, không đánh nhau… Phần nhiều các em lang thang, cơ nhỡ đến chỗ tôi học nghề đều mang tính bất cần đời nên phải mất rất nhiều thời gian và công sức mới rèn giũa nên người được” - ông Hải tâm sự.
Ông Huỳnh Hữu Hải (trái) hướng dẫn thợ sửa xe cho khách. |
Học trò do ông Hải dạy nghề phần lớn có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc học bị đứt đoạn. Do không được giáo dục, uốn nắn từ nhỏ nên khi trưởng thành các em khá ngỗ ngược. Vậy nên, chuyện xích mích, cãi cọ… giữa các học viên khi mới vào học nghề ở cơ sở của ông Hải xảy ra như cơm bữa. “Những lúc như vậy, tôi thường nhẹ nhàng nói chuyện rồi sau đó xử phạt với hình thức khắt khe (nặng nhất cũng chỉ là rửa xe liên tục trong 1 tháng). Tôi quan niệm, chỗ làm việc nào cũng cần phải có biện pháp chế tài thật nghiêm để mọi người còn e dè, chứ không thì mạnh ai nấy làm, lỡ khi xảy ra chuyện gì mình trở tay không kịp” - ông Hải nói.
Ông Nguyễn Việt Tiến cho hay: “Mỗi doanh nghiệp đều phải làm tròn trách nhiệm xã hội của mình, bao gồm: những việc làm mang tính nhân văn, góp phần xây dựng về mặt kinh tế, xã hội, môi trường, quản lý và văn hóa. Không ai đòi hỏi sự đóng góp của họ bằng hình thức nào, nhưng miễn trong tâm trí phải luôn hướng tới những điều tốt đẹp cho xã hội”. |
Giống như ông Hải, ông Tiến cũng giúp đỡ, nhận trẻ có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ vào làm việc. Hiện tại, Khu du lịch Bò Cạp Vàng của ông có khoảng 70 nhân viên làm việc. Hầu hết họ đều là con em của những gia đình khó khăn ở huyện Nhơn Trạch. Ông Tiến cho biết: “Lúc mới biết các em tôi cũng không muốn nhận vào làm, vì thấy các em còn ham chơi quá. Nhưng nếu mình không giúp các em, cứ để chúng tự nhiên phát triển như vậy sẽ ảnh hưởng tương lai của các em. Nghĩ vậy nên tôi gọi các em về đây làm việc và tạo điều kiện cho các em có chỗ ăn ở, có nguồn thu nhập ổn định…, để các em tu chí làm ăn và quên đi những chuyện không hay”.
Từ chỗ ăn chơi lêu lổng, đời sống bấp bênh…, khi có việc làm ổn định, các nhân viên, học viên của ông Tiến, ông Hải đều thay đổi hẳn tính nết. Họ đằm tính, sống hướng thiện hơn và biết sẻ chia, quan tâm đến nhau hơn. “Đó thật sự là niềm vui, niềm hạnh phúc rất lớn đối với tôi. Vì dạy nghề dễ, chứ dạy làm người khó lắm” - ông Tiến tâm sự.
Nói đến đây, ông Tiến nhận được cú điện thoại báo tin có một mái ấm ở huyện Long Thành sẽ ghé khu du lịch chơi vào cuối tuần sau. Ông nhanh chóng đồng ý và nhắc tất cả nhân viên trong khu du lịch chuẩn bị chu đáo mọi việc để đón các em sống trong mái ấm đến đây vui chơi. “Dù chúng tôi tài trợ miễn phí, nhưng họ đến đây thì là khách, nên phải được tiếp đón đàng hoàng, trân trọng…” - ông Tiến bộc bạch.
Đăng Tùng