Công tác hòa giải ở cơ sở góp phần không nhỏ trong việc xây dựng tình nghĩa làng xóm trong cộng đồng dân cư, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật và hạn chế phát sinh mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Ngoài ra, công tác hòa giải ở cơ sở cũng góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, nâng cao sự hiểu biết về pháp luật cho người dân.
Công tác hòa giải ở cơ sở góp phần không nhỏ trong việc xây dựng tình nghĩa làng xóm trong cộng đồng dân cư, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật và hạn chế phát sinh mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Ngoài ra, công tác hòa giải ở cơ sở cũng góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, nâng cao sự hiểu biết về pháp luật cho người dân.
Bà Lê Thị Thanh Thủy (Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Xuân Thanh, TX.Long Khánh) nghiên cứu tài liệu pháp luật trước khi đi hòa giải. |
Là một người đã nhiều năm công tác ở khu dân cư, ông Nguyễn Đức Thuận, Trưởng ban hòa giải KP.2, phường Long Bình (TP.Biên Hòa), cho biết trung bình mỗi tháng tổ hòa giải cơ sở của địa phương ông giải quyết 3-4 trường hợp liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình... Nếu không can thiệp và giải quyết từ đầu, chắc chắn các vụ việc sẽ diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình trật tự ở địa phương.
* Dàn xếp các mâu thuẫn
Đưa chúng tôi đến khu đất khoảng 1 ngàn m2 ở KP.2, phường Long Bình, ông Nguyễn Đức Thuận cho biết khu đất này vốn là một ao rau muống. Vào năm 2014, gia đình ông N.Q.K. (chủ khu đất) đã san lấp ao. Do không có hướng thoát nước nên sau mỗi trận mưa, những nhà dân sống cạnh đó phải sống trong cảnh ngập nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, dẫn đến cự cãi nhiều lần. Trước tình hình đó, tổ hòa giải của KP.2 phải đi lại không dưới 5 lần để khuyên can, giải thích, vận động. Trước lý lẽ hợp tình, hợp lý của tổ hòa giải, ông K. đã tình nguyện hiến một phần đất để các hộ dân sống quanh đó làm mương thoát nước.
“Là những người trực tiếp gần gũi với bà con, đồng thời cũng là người sinh sống tại địa phương nên tất cả vấn đề liên quan đến dân sinh chúng tôi là người nắm bắt sự việc đầu tiên. Việc nào trong tầm tay và thuộc thẩm quyền, chúng tôi sẽ giải quyết bằng các biện pháp động viên, thuyết phục, tránh những tình huống xấu có thể xảy ra, gây ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của bà con lối xóm với nhau” - ông Thuận tâm sự.
Không chỉ quan tâm việc giúp đỡ, hướng dẫn, thuyết phục, dàn xếp các mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, những người làm công tác hòa giải cơ sở còn tích cực tuyên truyền, vận động dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật... để người dân kịp thời nắm bắt và hưởng ứng.
Đã có trên 5 năm cùng chị em phụ nữ phường làm công tác hòa giải, bà Lê Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Xuân Thanh (TX.Long Khánh), chia sẻ: “Tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, tôi có rất nhiều kỷ niệm, nhưng nhớ nhất là các vụ tranh chấp tài sản. Lợi thế của phụ nữ là mềm mỏng, nhẫn nại nên dễ dàng làm dịu sự tức giận, nóng nảy của đôi bên. Khi tham gia hòa giải, các khu phố còn chọn ra những bậc cao niên cùng đi với chúng tôi, vì họ là những người có tiếng nói trong cộng đồng và được bà con trọng vọng”.
Theo lời bà Thủy, có không ít phụ nữ có chồng, sinh con… nhưng không đăng ký kết hôn, đến lúc gia đình xảy ra chuyện lục đục, chồng đòi chiếm hữu tài sản thì rất khó xử lý. Vì vậy, dàn xếp những mâu thuẫn trong nội bộ dân cư tuy nhỏ nhặt, nhưng thực tế lại không hề đơn giản. Do đó, ngoài trách nhiệm đối với công việc, những người làm công tác hòa giải còn phải có cái tâm, cái cốt lõi tạo nên thành công khi hòa giải mỗi vụ việc.
* Nhọc nhằn hòa giải
Vai trò của các tổ hòa giải cơ sở rất quan trọng, để làm tốt công tác hòa giải thì người làm công tác hòa giải phải có kiến thức về pháp luật, được sự tôn trọng của người dân địa phương và nhất là phải biết cách ứng xử. Bên cạnh đó, sự hết lòng vì đời sống dân cư cũng là yếu tố cốt lõi để làm tốt công tác hòa giải, bởi trên thực tế chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ làm công tác này chưa được quan tâm đúng mức.
Ông Nguyễn Đức Thuận cho hay, mỗi vụ hòa giải thành công, tổ hòa giải cơ sở nhận được từ 50-100 ngàn đồng trợ cấp. Trong khi đó, trung bình mỗi vụ hòa giải thành phải mất từ 10 ngày đến cả tháng, có khi kéo dài gần một năm mới xong. Nếu không có đội ngũ này, chắc chắn hồ sơ giải quyết ở tuyến trên sẽ ùn ứ, gây phức tạp cho an ninh trật tự xã hội.
Trưởng KP.8, phường Hố Nai Nguyễn Văn Chi (giữa) vận động chủ một doanh nghiệp gỗ tại địa phương giảm bớt tiếng ồn khi sản xuất. |
Gia đình bà N.T.L. (ngụ phường Long Bình) đã suýt tan vỡ nếu không có vai trò của những người làm công tác hòa giải cơ sở. Qua tìm hiểu nắm kỹ vụ việc và phát hiện nguyên nhân gây rạn nứt gia đình từ phía người chồng, tổ hòa giải cơ sở đã gặp chồng bà L. vận động, giải thích, phân tích về đạo nghĩa vợ chồng. Thấy cái sai của bản thân, chồng bà L. đã có lời xin lỗi vì chuyện gia đình mà làm phiền đến tổ hòa giải và cam kết sẽ điều chỉnh hành vi, tránh gây xung đột trong mối quan hệ vợ chồng, nhờ đó mà cuộc hôn nhân của bà L. không bị tan vỡ.
Bà L. cho biết: “Mâu thuẫn vợ chồng chúng tôi nảy sinh 2-3 năm rồi, mỗi lần giận nhau vợ chồng lại lớn tiếng, thậm chí đánh nhau. Biết được chuyện này, các anh, các chú trong tổ hòa giải đã đến tận nhà tôi khuyên can với sự chân thành và lời lẽ rất tình cảm. Sau khi nghe các anh trong tổ hòa giải nói chuyện có tình có lý, vợ chồng tôi đã rút kinh nghiệm về cách ứng xử trong quan hệ vợ chồng”.
Ông Trần Văn Út, Phó trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật Sở Tư pháp, cho hay: “Toàn tỉnh hiện có 1.068 tổ hòa giải với 5.663 hòa giải viên. Hàng năm, Sở Tư pháp đều phối hợp với ban, ngành các cấp tổ chức tập huấn cho đội ngũ hòa giải viên, cung cấp những văn bản pháp luật quan trọng. Khoảng 80% các vụ tranh chấp đều được hòa giải ở cấp cơ sở, hạn chế mức thấp nhất hiện tượng đơn thư khiếu kiện vượt cấp, phức tạp, kéo dài”. |
Còn ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng khu phố, kiêm Tổ trưởng tổ hòa giải KP.8, phường Hố Nai (TP.Biên Hòa), cho hay dù hơn 10 năm làm công tác hòa giải nhưng lần nào đối mặt với vấn đề bức xúc của người dân, ông cũng cảm thấy hồi hộp. “Đã vài lần tôi cùng những người trong tổ hòa giải cơ sở tới hòa giải xích mích trong dân thì bị người ta hành hung. Như vụ việc một mảnh đất bị đem bán cho nhiều người ở địa phương vào năm 2013. Chúng tôi đã tập hợp đầy đủ tổ hòa giải và người nhà các bên để giải thích, vận động, nhưng trong lúc cãi nhau đã dẫn đến xô xát và làm một số người, trong đó có tôi bị thương nhẹ. Do tính cộng đồng ở nơi đây rất cao nên khi việc tranh chấp đất đai xảy ra mà không kịp thời giải quyết sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tình cảm xóm giềng. Vì vậy, bất kể thời tiết nắng mưa, ngay khi nhận được thông tin chúng tôi phải tập hợp đi ngay” - ông Chi tâm sự.
Hoạt động hòa giải ở cơ sở chủ yếu là giải quyết những mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình, quan hệ làng xóm và những tranh chấp về quyền và lợi ích trong dân. Theo những người làm công tác hòa giải có nhiều năm kinh nghiệm, hòa giải viên phải thường xuyên bám sát cơ sở để phát hiện kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong dân để từ đó tiếp cận, phân cấp mức độ mâu thuẫn của các vụ việc. Từ đó, những tranh chấp nhỏ sẽ được nắm bắt và tiến hành hòa giải ngay, những mâu thuẫn lớn sẽ báo cáo và chuyển cấp trên giải quyết cho phù hợp.
Đăng Tùng