Báo Đồng Nai điện tử
En

Nữ "thủ lĩnh" ở ấp Suối Dzui

10:09, 06/09/2015

Dòng suối Dzui chảy qua làng Chơro của bà Điểu Thị Bin (ấp Suối Dzui, xã Túc Trưng, huyện Định Quán) có từ thuở nào, đồng bào Chơro ở đây đều lắc đầu bảo không biết. Họ chỉ biết nơi suối Dzui có nữ "thủ lĩnh" Điểu Thị Bin dạy cho họ cách tiết kiệm, sinh đẻ ít và biết thế nào là bình đẳng giới.

Dòng suối Dzui chảy qua làng Chơro của bà Điểu Thị Bin (ấp Suối Dzui, xã Túc Trưng, huyện Định Quán) có từ thuở nào, đồng bào Chơro ở đây đều lắc đầu bảo không biết. Họ chỉ biết nơi suối Dzui có nữ “thủ lĩnh” Điểu Thị Bin dạy cho họ cách tiết kiệm, sinh đẻ ít và biết thế nào là bình đẳng giới.

* Học... sợ vợ

Từ ngày đưa vợ con về ấp Suối Dzui sinh sống, ông Điểu Nơ (cha ruột bà Bin) chỉ biết lấy sức ra làm mướn cho các chủ rẫy. Vậy mà, tiền công vợ chồng ông kiếm được vẫn không thể giúp cái bụng của mình và các con đủ đầy những hạt gạo. Tuy nhiên, vợ chồng ông Nơ và đồng bào Chơro trong làng chẳng biết cách nào khác. Đàn con của họ vì vậy cứ sinh trưởng tự nhiên như cây rừng hết mùa mưa lại đến mùa nắng mà chẳng biết đến áo quần đẹp, được ăn ngon, hay đến lớp học chữ.

Bà Điểu Thị Bin thỉnh thoảng diện áo dài đi tuyên truyền, thăm đồng bào.
Bà Điểu Thị Bin thỉnh thoảng diện áo dài đi tuyên truyền, thăm đồng bào.

Gia đình sống lẻ loi ở vùng sâu, nhưng bà Bin rất chịu khó ra xã học chữ. Học được vài mùa rẫy thì bà bị cha mẹ bắt nghỉ học ở nhà trồng tỉa và lấy chồng. Ngày về nhà ông Điểu Xửng làm dâu, bà Bin chẳng mừng, chẳng tủi vì tập tục của người Chơro trong làng bao đời nay là vậy. Con gái, con trai Chơro trưởng thành lấy nhau để duy trì nòi giống nên bà không chống lại được.

Nhưng bà Bin không như con gái Chơro trong làng, cái gì cũng nghe chồng, sống cam phận. Bà biết bắt ông Xửng đi làm về phải đưa hết tiền cho bà quản lý. Mới đầu, ông Xửng chẳng chịu nghe vợ. Nghe lời đám thanh niên trong làng, làm bao nhiêu ông xài hết bấy nhiêu. Bị bà Bin làm mình làm mẩy lẫn thuyết phục, ông Xửng mới chịu đưa tiền cho vợ giữ để dành mua đất, mua nhà ra ở riêng. Thấy ông Xửng làm ngày công gấp đôi mình mà chẳng có một đồng nhậu nhẹt, thanh niên trong làng chê ông sợ vợ nên ít giao du.

Trưởng ấp Suối Dzui Phan Văn Minh cho biết: “Từ đầu làng đến cuối làng, gặp đồng bào Chơro hay người Kinh, Tày, Mường…, hỏi bà Bin ai cũng biết nhà, biết mặt và những việc làm tốt đẹp của bà đối với người dân Suối Dzui. Đồng bào Chơro sớm thoát nghèo, tạo lập cuộc sống sung túc có công rất lớn của bà Bin trong việc bày dân tiết kiệm, tích lũy, bỏ thói quen sinh hoạt phung phí”.

Càng ít bạn, tiền công của ông Xửng làm ra đưa về cho bà Bin ngày một nhiều. Một tuần hoặc mười ngày, tiền công của ông đủ để bà Bin ra chợ xã sắm được một chỉ vàng để dành. Thấy vợ học cách người Kinh tiết kiệm rất hay, ông Xửng chẳng màng đến lời bạn bè dị nghị mà càng tranh thủ làm đêm, làm ngày để cho ống tre đựng vàng trong nhà thêm nặng tay mỗi khi vợ chồng đem ra kiểm tra.

Vài năm sau, vợ chồng bà Bin đã mua được 2 hécta đất tốt. Thêm vài mùa rẫy làm thuê nữa, vợ chồng bà đã cất nhà cho các con ra riêng. Lúc này, thanh niên Chơro trong làng không còn dám chê ông Xửng sợ vợ nữa. Ngược lại, họ bắt đầu tỉ tê với các bà vợ phải học cách bà Bin làm cho chồng sợ để mà có tiền dành dụm mua đất, làm nhà, lập vườn.

Cứ vậy, 1 người, 2 người, 3 người và nhiều đàn ông Chơro trong làng học theo ông Xửng sợ vợ để bớt nhậu nhẹt, tích lũy tiền. Người già trong làng cũng bắt đầu nhìn lại mình, nhìn lại những tập tục lạc hậu của làng để cho lớp trẻ có cơ hội thay đổi, tự chủ. Nhất là khi con cái đến tuổi lập gia đình phải tách hộ, cho đất, cấp vốn cho con để các con dễ bề làm ăn.

* Rủ nhau tiết kiệm

Chuyện vợ chồng bà Bin nhờ tích lũy sớm ổn định cuộc sống lan ra khỏi làng và đến tai các cán bộ xã. Cán bộ xã thấy bà Bin là người phụ nữ Chơro tiến bộ nên chọn bà làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Suối Dzui, để thông qua bà tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Trung ương, địa phương đến với đồng bào Chơro
trong làng.

Được xã chọn, bà Bin không chỉ nhận lời làm công tác phụ nữ ấp, mà còn nhận lời cán bộ y tế xã làm thêm các chương trình: y tế cộng đồng, dân số - kế hoạch hóa gia đình, trẻ em, bình đẳng giới… tại ấp Suối Dzui. Việc nào bà cũng làm hết mình, trách nhiệm và hiệu quả nên cuối năm bà đều đặn ra xã, lên huyện, tỉnh nhận giấy khen, bằng khen về treo trong nhà.

Là cán bộ và là người phụ nữ tiến bộ, bà Bin chỉ sinh 2 con rồi dừng để làm gương. Thấy bà Bin làm điều gì cũng hay, cũng đúng, phụ nữ Chơro trong làng mạnh dạn làm theo, lần lượt nhờ bà đưa ra huyện triệt sản để sinh ít con, nuôi dạy con cho tốt.

Để bà Điểu Thị Bin hoàn thành nhiệm vụ, chồng bà luôn ở phía sau hỗ trợ cho vợ.
Để bà Điểu Thị Bin hoàn thành nhiệm vụ, chồng bà luôn ở phía sau hỗ trợ cho vợ.

Khi phụ nữ Chơro đã hiểu biết về vấn đề dân số, bà Bin tiếp tục dạy họ cách chăm sóc con đúng cách; phụ nữ và nam giới có quyền ngang nhau; trẻ đủ tuổi phải được đến trường; tập tục tảo hôn của đồng bào là trái pháp luật… Cứ vậy, bà Bin nói gì bà con Chơro cũng tin và làm theo. Bởi, bà nói đúng ý cán bộ xã, huyện và nói đúng tâm tư của đồng bào, nên họ nghe.

Năm 1997, vợ chồng bà Bin không chỉ làm giật mình bà con Chơro trong ấp Suối Dzui, mà còn khiến chính quyền xã Túc Trưng lúc bấy giờ bất ngờ khi Hội Liên hiệp phụ nữ xã giải quyết cho vợ chồng bà vay 500 ngàn đồng để nuôi gà. Chỉ vài tháng chăm sóc lứa gà đó, vợ chồng bà Bin có vốn mua được 2 con bê. Bà Bin kể, bà mua 2 con bê với giá 1,2 triệu đồng. Từ 2 con bò đó, vợ chồng bà gầy dựng được đàn bò đến chục con và bà chỉ bán những con to khi nhà cần tiền.

Qua mô hình của bà Bin, chính quyền và đoàn thể xã Túc Trưng mạnh dạn tìm nguồn vốn vay đưa về cho bà con Chơro ấp Suối Dzui làm kinh tế. Thấy vốn vay của chính quyền và đoàn thể vẫn còn hạn hẹp, bà Bin nghĩ ra cách huy động tiền từ những phụ nữ Chơro trong cộng đồng qua việc lập tổ tiết kiệm, như: tương trợ, mái ấm tình thương, chăn nuôi, giúp nhau. Bằng cách này, phụ nữ Chơro trong ấp không phân biệt giàu nghèo, cứ đều đều mỗi tháng đóng góp một số tiền bằng nhau, ai có nhu cầu trước thì tập thể giải quyết cho vay.

“Đồng bào Chơro của mình bây giờ ai cũng biết tiết kiệm. Nhờ tiết kiệm mà cuộc sống của đồng bào giờ không còn lo nhà thiếu tiền, đi vay nặng lãi khi gia đình gặp chuyện, hoặc không còn cảnh thiếu tiền mặt khi làm nhà, mở rộng sản xuất, nuôi con học đại học” - bà Bin tự hào cho biết.

Thành Nhân

 


 

 

 

 

 

Tin xem nhiều