"Về đi. Về đi. Bà con đừng nghe kẻ xấu. Mọi việc đều có chính quyền và pháp luật giải quyết. Bà con đi như vậy là không đúng, làm mất uy tín chính quyền tỉnh Đồng Nai…". Nghe lời ông Sẩm Dắt Phấn (74 tuổi, Bí thư Chi bộ ấp 3, xã Phú Vinh, huyện Định Quán), bà con người Hoa đang loay hoay ở Hà Nội thưa kiện, liền lên xe quay về.
“Về đi. Về đi. Bà con đừng nghe kẻ xấu. Mọi việc đều có chính quyền và pháp luật giải quyết. Bà con đi như vậy là không đúng, làm mất uy tín chính quyền tỉnh Đồng Nai…”. Nghe lời ông Sẩm Dắt Phấn (74 tuổi, Bí thư Chi bộ ấp 3, xã Phú Vinh, huyện Định Quán), bà con người Hoa đang loay hoay ở Hà Nội thưa kiện, liền lên xe quay về.
Ở tuổi 74, ông Sẩm Dắt Phấn vẫn nhiệt huyết việc tộc, việc ấp, xã như khi còn đương chức. Ảnh: Đ.PHÚ |
47 năm nay, ông Phấn thật sự là chỗ dựa của người Hoa ở xã Phú Vinh và các xã lân cận. Cho nên, tiếng nói của ông luôn được đồng bào người Hoa lắng nghe, thực hiện, và cái tên ông Tư Phấn mà bà con người Hoa đặt cho ông có nghĩa là ông Phấn vô tư trong giải quyết công việc, chứ không phải là thứ tư như cách gọi của người Nam bộ.
* Việc của dân như việc của mình
Trước năm 1975, ông Phấn từng là Trưởng công an, Phó chủ tịch Ủy ban hành chính xã Đại Lai, huyện Quảng Hà (tỉnh Quảng Ninh). Năm 1978, ông chuyển công tác về xã Phú Hoa, huyện Tân Phú (nay là xã Phú Lợi, huyện Định Quán). Mới đầu, ông Phấn được giao nhiệm vụ Phó công an xã, sau đó là đại biểu HĐND, Phó chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng công an. Ông Phấn nhớ lại, những năm ông mới về xã Phú Hoa công tác (nay chia làm 3 xã: Phú Vinh, Phú Lợi, Phú Tân), tư tưởng của đồng bào người Hoa vẫn còn dao động nên kẻ xấu có cơ hội lợi dụng, xuyên tạc này nọ làm xáo trộn dân tình.
Để giúp chính quyền ổn định lòng dân, ông Phấn không ngại đường đồi, dốc đá, đến hết nhà người Hoa này sang nhà người Hoa khác nói chuyện về chính sách hòa hợp dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của nước Việt Nam thống nhất là phải chung tay phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xóa đói nghèo. Cứ vậy, ông Phấn mải miết gặp gỡ, giải thích, tuyên truyền vận động từng người, từng hộ gia đình trong cộng đồng người Hoa ở địa phương. Từ đó, bà con người Hoa dần hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam không bao giờ phân biệt người Hoa, người Kinh hoặc các dân tộc anh em khác nên vững tin bám đất, bám cộng đồng sinh sống, chí thú làm ăn, không tìm cách bỏ trốn ra nước ngoài hay nghe theo lời kẻ xấu kích động.
Ông Sẩm Dắt Phấn tâm sự, để bà con người Hoa và người dân trong xã, ấp tin mình, làm việc gì ông cũng công khai, dân chủ, minh bạch, công bằng với tinh thần vô tư, không vụ lợi. Chính vì vậy, lãnh đạo xã hay thường lấy gương ông để nhắc nhở cán bộ cấp dưới phải vì dân, giúp dân tận tình như cách ông Phấn đã làm. “Ngày lễ tết, bà con người Hoa đem bia, đem quà đến nhà, tôi không nhận mà bảo đem ra trụ sở Công an, UBND xã liên hoan tập thể mới vui. Vì đó là tình cảm của người dân nên cần phải chia đều cho mọi người để động viên” - ông Phấn nói. |
Không để lời nói suông, ông Phấn còn chỉ đạo cán bộ địa phương hướng dẫn người dân sinh sống trong xã Phú Vinh phải có hộ khẩu, trẻ em sinh ra phải có giấy khai sinh, trai gái lấy nhau phải đăng ký kết hôn, người chết phải được báo tử. Người dân cần chứng giấy gì thuộc thẩm quyền dù gặp ngoài rẫy, ngoài đường ông vẫn ký hoặc bút phê để cấp dưới hiểu ý mà hoàn tất thủ tục cho dân, không cần phải chạy tới chạy lui mất thời gian.
Thấy ông Phấn giúp mình tận tình, công tâm, không tư lợi, bà con người Hoa lẫn người Kinh ở xã Phú Vinh hễ có chuyện là tìm đến ông trước. Nếu công việc không thuộc chức năng, ông Phấn vẫn nhiệt tình đưa người dân đến gặp người có thẩm quyền trong xã, huyện giải quyết nhằm tránh tâm lý ngại gặp cán bộ mà lỡ việc của dân. “Ngay cả việc thu các loại thuế, bà con người Hoa cứ nhìn thấy chữ ký của tôi mới chịu nộp cho cán bộ đi thu. Vì vậy, việc gì liên quan đến đồng bào Hoa là xã giao hết cho tôi giải quyết. Tuy đi nhiều, kiêm nhiều việc dẫn đến bỏ bê chuyện nhà, tôi vẫn vui vẻ nhận lời. Phải như vậy, bà con người Hoa mới hiểu sự vất vả của các cấp chính quyền lo cho dân an cư lạc nghiệp, cuộc sống phát triển chứ không phải phân biệt đối xử như tin đồn trước đây” - ông Phấn nói.
* Nhiệt huyết tuổi 74
Năm 2008, ông Phấn nghỉ hưu. Tuy mang tiếng đã nghỉ hưu, ông Phấn vẫn còn là đại biểu HĐND xã, Hội thẩm nhân dân huyện, Bí thư Chi bộ ấp 3, trưởng tộc họ Sẩm ở Đồng Nai nên ông suốt ngày hết việc ấp, việc xã thì quay sang lo việc họ tộc. Năm rồi, huyện Định Quán khởi động lại dự án mở rộng đường liên xã Phú Tân và thị trấn Định Quán theo hướng xã hội hóa. Hơn chục người Hoa có đất bị giải tỏa mà không được bồi thường nên ngăn cản đơn vị thi công. Huyện liền nhờ đến ông Phấn lên tiếng. Chưa đầy 20 phút, ông Phấn xuất hiện nói chuyện với dân, giải thích về lợi ích chung khi con đường được hình thành, bà con người Hoa lập tức nhường đất để cho đơn vị thi công mở rộng đường.
Ông Sẩm Dắt Phấn (thứ 2 từ phải sang) gặp gỡ bà con tại xã Phú Vinh, huyện Định Quán. |
Dàn xếp việc mở đường liên xã cho huyện vừa xong, ông Phấn lại được cán bộ huyện, tỉnh điện báo có nhóm người Hoa trong huyện có đất sản xuất ở vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu (thuộc huyện Cẩm Mỹ) đang ở Hà Nội khiếu kiện. Ông Phấn không do dự, cầm điện thoại bấm vào số máy người đại diện nhóm người Hoa đi khiếu nại, từ tốn kêu gọi, vận động mọi người quay về. Sau khi nghe điện thoại của ông Phắn, bà con người Hoa lập tức lên xe quay về nhà. Ông Phấn bộc bạch, ông chỉ giải thích với người đại diện rằng rủ bà con người Hoa đi khiếu kiện như vậy là không tốt, không đúng pháp luật và làm mất uy tín của chính quyền tỉnh. Nếu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho bà con thì chính quyền tỉnh Đồng Nai sẽ thay mặt bà con có tiếng nói với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Năm 2011, khi xã, huyện, tỉnh phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Phấn hăng hái cùng Ban điều hành ấp 3 vận động nhân dân bê tông hóa thêm rất nhiều tuyến đường, kéo điện đến từng vườn rẫy, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề… Ông Phấn bày tỏ, để thực hiện nông thôn mới thành công, ông tổ chức cuộc gặp gỡ với các cụ già cao tuổi phụ trách về tôn giáo, trưởng các họ tộc của đồng bào người Hoa, giải thích để họ hiểu xây dựng nông thôn mới chính là cuộc cách mạng và cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư ở nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã, gia đình của mình theo hướng văn hóa, văn minh, hiện đại; phát triển kinh tế, đời sống của người dân ngày càng ổn định, vững chắc.
Gặp dân là ông Phấn tuyên truyền, nói sâu, nói kỹ việc xây dựng nông thôn mới đồng nghĩa với quá trình xây dựng nếp sống văn hóa, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao hơn nữa. Trong quá trình thực hiện, ông và Ban điều hành ấp đã vận động được 2.700 m2 đất do bà con đồng bào người Hoa hiến tặng để xây dựng các công trình công cộng. Qua 4 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã Phú Vinh đã được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014.
Thành Nhân