Để biến những bộ rễ (gốc) cây xù xì, thô kệch thành sản phẩm gỗ mỹ nghệ có giá trị, người thợ phải có óc thẩm mỹ và tư duy hình khối tốt.
Để biến những bộ rễ (gốc) cây xù xì, thô kệch thành sản phẩm gỗ mỹ nghệ có giá trị, người thợ phải có óc thẩm mỹ và tư duy hình khối tốt. Thị trường gỗ mỹ nghệ ngày càng khắt khe, sản phẩm làm ra không chỉ đẹp, mà còn phải có hình dáng độc đáo, nên đòi hỏi người thợ phải dày công tìm hiểu để sáng tạo ra những món hàng ưng ý và chất lượng.
Ông Lê Đình Đạt đang hoàn thiện tác phẩm phật Di Lặc từ gốc cây. |
Những bộ rễ cây tưởng chừng bỏ đi, qua bàn tay của người thợ đã trở thành những tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, được nhiều người ưa thích.
* Tạc tượng gỗ tạo nụ cười
Xưởng gỗ của gia đình ông Lê Đình Đạt (52 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) lúc nào cũng rộn ràng tiếng lốc cốc, chan chát của tiếng đục, chạm trổ vang lên. Để gắn bó lâu dài với nghề, ngoài chút năng khiếu, ông đã dành nhiều thời gian học nghề tại làng gỗ mỹ nghệ xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) và từng làm thợ phụ nhiều năm, rồi mới đứng ra nhận đơn hàng, mở tiệm. Miệt mài yêu nghề, ông Đạt say mê đục đẽo, quyết thổi “hồn” vào những bộ rễ, gốc cây vô tri, vô giác thành những tác phẩm đẹp mắt mang giá trị nghệ thuật cao.
Theo ông Đạt, khoảng chục năm gần đây, nghề này đã đỡ vất vả, nhọc nhằn hơn nhờ sự hỗ trợ của máy móc hiện đại. Tuy nhiên, máy móc chỉ làm những công đoạn cơ bản, như: tiện, đánh bóng…, còn lại chủ yếu vẫn dựa vào bàn tay, khối óc con người.
Thời gian qua, nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ từ rễ cây phát triển rầm rộ, không chỉ tập trung ở làng nghề xã Xuân Tâm mà còn lan rộng ra nhiều nơi trong tỉnh. Tuy nhiên, để trụ và sống tốt với nghề, đòi hỏi người thợ phải có lối đi riêng.
“Gốc, rễ cây thì có muôn hình vạn trạng, người này nhìn vào nói giống tượng phật, người khác cho rằng không giống chút nào. Người thợ phải biết quan sát kỹ để khi tác động vào, gốc cây vẫn giữ nguyên hình dạng, không cần đục đẽo gì nhiều thì đó mới chính là thợ giỏi” - ông Lê Đình Đạt tâm sự. |
Khác với nhiều cơ sở gỗ mỹ nghệ chạy theo thị hiếu của khách hàng, sản xuất ra đủ loại tượng gỗ bắt mắt, cơ sở của ông Đạt chỉ chuyên tạc tượng phật Di Lặc. Để làm ra bức tượng này, ông cùng những người thợ của mình phải mất nhiều ngày ngồi đục, gọt, tách tỉa rồi đánh bóng từng chi tiết. Không chỉ tốn thời gian, đầu tư nhiều công sức, mà quan trọng phải làm thế nào để khi người khác nhìn vào bức tượng sẽ thấy được niềm vui, sự khoan khoái ở tâm can và quên đi mệt mỏi.
Tượng gỗ hình phật Di Lặc được coi là “đặc sản” của cơ sở ông Đạt. Nhiều cơ sở khác trong vùng cũng làm tượng phật, nhưng theo quan sát của ông thật khó để thể hiện được hết cái hồn của tượng. Bức tượng đạt chất lượng phải có nụ cười tràn ngập niềm vui, đem lại sức sống tươi mới và niềm hy vọng cho bất kể ai rước “ngài” về bày trong nhà. Quan trọng hơn nữa, không chỉ người mua mới cảm thấy hứng khởi, mà chính người thợ “khai sinh” ra bức tượng cũng vui mừng không kém.
“Chọn được gốc, rễ cây hao hao giống hình phật đã khó, cái khó hơn là làm thế nào để từ khối gỗ ấy biến thành bức tượng với những đường nét đặc trưng chỉ có ở phật Di Lặc, lúc nào cũng vui tươi, nụ cười thật hiền hậu. Người thợ làm ra nó cũng cần thong thả, đừng quá vì vật chất mà làm vội vàng, ồ ạt theo đơn hàng. Mỗi tháng, cơ sở tôi chỉ làm khoảng 2-3 bức tượng, nhưng lại được nhiều người biết đến bởi bức tượng thể hiện được hết thần nét của đức phật” - ông Đạt tỉ tê nói.
* “Đỏ mắt” tìm gốc cây hình dáng độc đáo
Công việc nào cũng cần những người làm có sức khỏe. Nhưng với nghề tạo hình từ rễ cây, điều quan trọng vẫn chính là khả năng sáng tạo và sự đam mê. Tạc tượng từ một rễ cây thường mất nhiều công sức hơn đục từ gỗ nguyên khối, người thợ phải tốn thời gian tư duy hình khối nhằm tạo sự hài hòa, gắn kết giữa các phần trên gốc cây thành một tác phẩm đẹp mắt.
Từ khi có người tìm đến đặt hàng, xưởng gỗ của anh Đặng Xuân Quang (xã Xuân Tâm) trở nên đông đúc, công việc cũng bận rộn hơn. Gắn bó với nghề hơn chục năm là việc chừng ấy thời gian người thợ làm theo niềm đam mê, hứng thú của mình. Vì thế, tất cả sản phẩm do anh làm ra luôn có “hồn vía” và vẻ đẹp riêng.
Xưởng gỗ mỹ nghệ với nhiều gốc cây độc đáo nằm lăn lóc khắp nơi. |
“Để kiếm được một đơn hàng lớn ngày đầu “ra riêng” không phải chuyện dễ. Với những người chập chững vào nghề, ít ai biết đến như tôi lúc ấy lại càng khó hơn bội phần. Ngoài ra, có thời gian nghề này chững lại, hàng làm ra không bán được, nhiều người bỏ việc, xưởng gỗ hoạt động cầm chừng, nhưng tôi vẫn đam mê, quyết gắn bó lâu dài” - anh Quang tâm sự.
Nhiều người trong nghề này cho hay, thị trường gỗ mỹ nghệ ngày càng khắt khe, sản phẩm làm ra không chỉ đẹp, mà còn phải có hình dáng độc đáo. Vì thế, khi gốc, rễ cây quý trở nên khan hiếm, người thợ phải săn tìm khắp nơi để sở hữu cho được những bộ rễ độc nhằm chế tác. Xưởng gỗ nào có nhiều rễ cây với hình dáng khác lạ thì chắc chắn cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ đó ăn nên làm ra, sản phẩm dễ tiêu thụ và bán được giá hơn.
Ông Nguyễn Văn Quý (chủ xưởng gỗ Mộc Quý ở xã Xuân Tâm) cho hay, ông cùng 3 người thợ săn gỗ bỏ ra gần tháng trời mới kiếm được 3 gốc gỗ quý. Do trên địa bàn tỉnh ngày càng khan hiếm gốc, rễ cây độc, những năm gần đây, nhóm thợ của ông quyết định chuyển lên khu vực Tây Nguyên để tìm những “kho báu” ẩn giấu trong lòng đất. Xưởng gỗ nào cũng “đỏ mắt” săn tìm các bộ rễ cây có hình dáng độc đáo.
Theo ông Quý, rễ cây cổ thụ nếu là gỗ quý dù bị chôn vùi dưới lòng đất nhiều năm cũng không bị mục. Sau khi mang về chế tác, mỗi tác phẩm khách ưng ý được trả giá rất cao. Rễ cây khô khốc trở thành vật dụng trang trí nội thất đẹp mắt, khiến nhiều người thích thú.
“Nếu rễ cây nằm sâu trong đất, chúng tôi đem theo cả máy múc đất để đào cho nhanh, trọn gốc và bán được giá. Còn rễ cây nằm sâu ở những đáy sông, hồ thì phải thuê thợ lặn hàng giờ dưới đáy để tìm các loại gỗ quý, như: hương, trắc, gõ… Theo tôi biết, hiện gốc cây ở những nơi mà trước kia người ta làm thủy điện bây giờ còn sót lại khá nhiều. Ở lòng hồ Trị An nhiều vô kể, nhưng không có ai dám săn tìm vì đáy hồ còn lắm ụ đất đá lồi lõm rất nguy hiểm” - ông Quý cho hay.
Thanh Hải