Báo Đồng Nai điện tử
En

Chật vật với cây cao su giống

11:10, 30/10/2015

Cao su rớt giá liên tục, không chỉ người trồng, công nhân cạo mủ lao đao mà những người làm nghề ươm cây cao su giống cũng lâm vào cảnh khó khăn. Cây giống không bán được, nhiều người bắt đầu chặt bỏ, chuyển sang trồng tiêu, cà phê hay các giống cây khác với hy vọng có lãi hơn.

Cao su rớt giá liên tục, không chỉ người trồng, công nhân cạo mủ lao đao mà những người làm nghề ươm cây cao su giống cũng lâm vào cảnh khó khăn. Cây giống không bán được, nhiều người bắt đầu chặt bỏ, chuyển sang trồng tiêu, cà phê hay các giống cây khác với hy vọng có lãi hơn.

Khi giá mủ cao su xuống thấp, người dân lẫn doanh nghiệp không có nhu cầu mở rộng hoặc trồng mới cây cao su, nên nghề ươm giống cao su không còn ăn nên làm ra như trước.

Quá khứ vàng son

Gần chục năm nay, các xã Suối Tre (TX.Long Khánh) và Xuân Thiện (huyện Thống Nhất) được mệnh danh là thủ phủ của cao su giống ở Đồng Nai. Cây giống ở đây xuất bán đi khắp các vùng, miền trong cả nước vì có nhiều loại giống tốt được Tổng công ty cao su Đồng Nai và Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam cung cấp. Nơi đây đã trở thành vựa cao su giống nổi tiếng, thương lái và người trồng cây cao su khắp nơi đổ xô về tìm mua.

Chăm sóc, ươm bầu giống cây cao su.
Chăm sóc, ươm bầu giống cây cao su.

Khi mủ cao su có giá, nhu cầu trồng cây cao su ngày càng tăng, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư sản xuất cây cao su giống chất lượng tốt để cung ứng ra thị trường. Ở đây, hầu như nhà nào cũng mở vườn ươm, nhà ít khoảng 5-7 sào đất, làm ăn lớn có khi lên đến vài hécta. Ươm cây cao su giống lãi gấp 7-8 lần trồng loại cây khác trên cùng diện tích. Cũng nhờ nguồn thu lớn mà các hộ dân đã cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nghề ươm cây giống.

Công việc này không đòi hỏi vốn liếng lớn, kỹ thuật cũng không quá phức tạp, mà lại cho thu nhập tương đối khá. Nông dân có thể tận dụng diện tích đất của gia đình để hình thành các vườn ươm cây giống. Mọi người mua hạt tại các đại lý bán hạt cao su giống, hoặc chờ đến mùa cây kết hạt thì đi thu nhặt hạt ở các vườn cao su lâu năm rồi đem về ươm vào túi ny-lông. Sau khoảng 9-10 tháng chăm sóc, cây cao su giống được ghép mắt rồi xuất bán sau khi ghép khoảng 20 ngày.

“Chi phí đầu tư cho việc ươm trồng mỗi cây cao su giống chỉ khoảng 3 ngàn đồng. Thời điểm giá cao, có thể bán được 6-8 ngàn đồng/cây, riêng cây đã ghép thì được mua đến 15 ngàn đồng/cây. Vì thế, ít có loại cây nào mang lại lợi nhuận kinh tế cao như ươm trồng cây cao su giống. Trung bình mỗi sào đất ươm cao su giống, tôi lời khoảng 30-40 triệu đồng, cây giống sản xuất đến đâu bán hết ngay đến đó” - nông dân Châu Văn Khoa (ngụ ấp Suối Tre, xã Suối Tre) cho hay.

Nhiều nông dân cho hay, với cây điều, cà phê…, mùa này thất thu thì có thể chờ vụ sau, còn cây giống cao su chỉ có đem vứt bỏ. Cây ngày càng lớn, nếu không trồng thì sẽ quá tuổi, chẳng có cách nào để “chữa cháy” hàng ngàn bầu cao su giống ế ẩm này.

Vào thời điểm khoảng tháng 9-10 hàng năm, nông dân bắt đầu rục rịch xuống giống và đến tháng 6 năm sau thì tiến hành cắt gốc, ghép mắt. Khoảng tháng 7, khi mùa mưa bắt đầu, người mua từ khắp nơi đổ xô về đây chọn lựa, mua giống cao su. Dọc con đường Suối Tre - Xuân Thiện lúc nào cũng có vài chục xe tải chờ ăn hàng, vườn ươm vì thế mà nhộn nhịp, tấp nập cả ngày lẫn đêm.

Nhiều gia đình ở đây bắt đầu mở rộng diện tích, thuê thêm nhân công về sản xuất bầu giống. Nhờ vậy, không chỉ chủ vườn mà thợ ghép, người đóng bầu cũng có thu nhập khá. “Bình quân mỗi ngày tôi ghép được 800 cây. Để kịp đơn hàng, chủ vườn còn yêu cầu phải làm đến tận khuya. Sau 20 ngày, cây bắt đầu cứng cáp, ngọn bung ra vài mầm xanh là trồng được. Trừ tiền ăn uống, tôi kiếm được 300 ngàn đồng/ngày” - anh Nguyễn Văn Xuân, một thợ ghép cao su giống, chia sẻ.

Rầu với cao su giống

Chuyện làm giàu nhờ ươm giống cây cao su là của những năm trước, khi thu nhập từ cây cao su luôn mang về lợi nhuận cao. Nhưng từ năm 2013 đến nay, giá mủ cao su tụt dần và giảm mạnh thì nghề này cũng lao đao, khiến không ít vườn ươm lâm vào cảnh khó.

Ghé thăm những vựa cung cấp cây cao su giống nổi tiếng trước đây, việc sản xuất không còn nhộn nhịp mà có phần chìm lắng. Các vườn ươm còn hoạt động chủ yếu là những vườn lớn của nông trường cao su hay các hộ có mối hàng quen.

Theo nhiều người, trước kia vào vụ trồng mới một thương lái thường đặt mua với số lượng từ 30-40 ngàn cây giống. Khoảng 3 năm nay, thị trường cây giống gần như chựng lại, không bán được nữa. Cây ươm xong chất đống ở trong vườn, chỉ còn biết bán lẻ với số lượng ít để trồng tại nhà, nhưng chẳng ăn thua.

Nhiều người cầm cự, cố gắng chăm sóc cây cao su giống chờ đến khi bán được giá.
Nhiều người cầm cự, cố gắng chăm sóc cây cao su giống chờ đến khi bán được giá.

Hiện giờ, ông Lê Văn Đại (ngụ xã Suối Tre) còn gần 2 ngàn cây giống cứ để lay lắt trong vườn, đã quá vụ trồng hơn 3 tháng vẫn không bán được. Năm ngoái, ông chấp nhận bán với giá 3-5 ngàn đồng/cây, thấp nhất từ trước đến nay. Đợt này, ông quyết định dọn một nửa vườn chuyển sang trồng điều và đang chuẩn bị bỏ hết diện tích ươm giống cao su còn lại.

Ông Đại rầu rĩ nói: “Rất xót xa khi phải bỏ cái nghề mình đã gắn bó hơn chục năm nay, nhưng tôi vẫn quyết định bỏ vốn đầu tư cho cây trồng mới để mong có lãi, gỡ gạc lại chút vốn. Mủ cao su xuống giá tất nhiên cây giống cũng phải xuống theo. Nhiều hộ trồng cao su còn chặt bỏ khi cây đang cho mủ thì chúng tôi ươm cây biết bán cho ai?”.

Cách vườn ươm của ông Đạt không xa, tại xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất), đi đâu cũng nghe người dân than thở đầu tư vào vườn ươm cao su giống bây giờ không có ăn như trước. Nhiều người còn nuôi chút hy vọng, mong đợi thời gian tới cây cao su sẽ có giá trở lại nên vẫn cố gắng bám lấy vườn ươm. Hàng ngày, chủ vườn vẫn phải thuê người chăm sóc, còn cây giống quá lứa tận dụng trồng để lấy mắt, phục vụ ghép cây sau này.

“Chúng tôi phải chạy vạy khắp nơi tìm mối mua hàng. Tuy bán ra được cây giống, nhưng giá thấp nên không có lời. Diện tích vườn ươm vì vậy đã thu hẹp lại, nhường đất để trồng cây khác. Ngày trước, thấy nghề này ăn nên làm ra, nhiều hộ dân sản xuất giống cao su nhỏ lẻ bung ra, phát triển ồ ạt, đến khi thất bát thì cầm chắc lỗ” - bà Hai Vân (ngụ ấp Xuân Thiện, xã Xuân Thiện) chia sẻ.

Thanh Hải

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích