Đồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu trong việc lập Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự do Công an tỉnh đứng ra trực tiếp vận động các doanh nghiệp. Quỹ hỗ trợ, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn làm ăn, mau chóng ổn định cuộc sống, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Đồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu trong việc lập Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự do Công an tỉnh đứng ra trực tiếp vận động các doanh nghiệp. Quỹ hỗ trợ, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn làm ăn, mau chóng ổn định cuộc sống, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Anh Nguyễn Tấn Dụng cùng vợ đang làm việc nhà. Ảnh: B.Thuận |
Hiệu quả của quỹ đặc biệt này khá lớn, trên 600 người đã được vay vốn. Tôi đã gặp gỡ với mấy nhân vật được xem “ăn nên làm ra” từ nguồn quỹ hỗ trợ này và nhận ra rằng ngoài đồng vốn, không thể thiếu sự quan tâm, chung tay góp sức của cả cộng đồng.
* Làm lại cuộc đời ở tuổi 48
Ông Nguyễn Văn Ngọ xách túi quần áo cá nhân bước ra khỏi cổng trại giam Z30D với tâm trạng vừa mừng vừa lo. Mừng là vì với bản án 14 năm tù giam, ông đã thụ án 8 năm 4 tháng, được tha về sớm đến hơn 5 năm. Còn buồn lo thì nhiều lắm. Người vợ nhỏ hơn ông 8 tuổi đã bỏ ông đi lấy chồng khác, để lại 4 đứa con nheo nhóc trong căn nhà tuềnh toàng rách nát, không một mảnh đất làm kế sinh nhai.
Nhưng rất may, đón ông Ngọ về căn nhà lụp xụp ở Dốc 76 thuộc ấp 1, xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) có vợ chồng của mấy người em gái, trưởng ấp, công an xã phụ trách địa bàn… Công an viên Nguyễn Nga, người được giao phụ trách địa bàn ấp 1 và cũng là hàng xóm lâu năm của ông Nguyễn Văn Ngọ, cho rằng: “Trước đây, gia đình ông Ngọ cũng sống nghề rừng và một ít làm rẫy. Sống bám vào rừng Lá Buông, vừa kiếm cơm, vừa chống chọi với sốt rét rừng nên chẳng mấy ai được đi học, nên nhận thức về pháp luật cũng rất hạn chế. Đầu năm 2005, ông Ngọ đi chở cây bên xã giáp ranh với Xuân Hòa là Tân Minh (thuộc tỉnh Bình Thuận) thì bị bảo vệ của Lâm trường Cái Sắt chặn bắt, tịch thu xe bò. Ông Ngọ đã lấy súng của nhân viên bảo vệ để tháo cò súng rồi lấy lại xe bò của mình. Vô tù, ông Ngọ chấp hành tốt nội quy trại, được phân công chăn nuôi. Ông cũng đã ký đơn ly dị cho vợ để chị đi bước nữa khi ông đang ngồi tù”.
Hoàn cảnh éo le của ông Ngọ được nhiều người biết. Đảng ủy, UBND xã Xuân Hòa rất quan tâm, bàn cách hỗ trợ, giúp đỡ để ông sớm hòa nhập cộng đồng. Ban chỉ huy Công an xã quyết định cho ông mượn 3 hécta đất và hướng dẫn ông làm thủ tục vay 20 triệu đồng từ Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự để trồng mì. Đám đất trồng mì cách xa nhà gần 10km, phải băng qua đèo, suối rất khó khăn, nhưng được mấy người em nhiệt tình hỗ trợ, từ việc làm đất đến thu mua hom giống, vận chuyển phân bón… vụ mì đầu tiên của người vừa ra tù trúng lớn. Ông Ngọ thu hoạch được hơn 90 tấn củ mì, bán kiếm lời được mấy chục triệu, sau khi trả hết vốn vay cùng chi phí sản xuất. Trúng mì, lại được mấy người em giúp công, giúp sức và giúp cả tiền bạc, ông Ngọ liền xây lại nhà mới.
Tôi khá bất ngờ khi biết căn nhà mới khang trang với hai màu trắng tím nằm cao trên nền đất kè đá cạnh quốc lộ 1 này từng là khoảnh trũng đọng nước trong mùa mưa. Tính ra cái nền nhà cao như vầy phải ngốn trên trăm xe đất; vậy mà toàn bộ chi phí để xây mới căn nhà xinh xắn này chưa đến 200 triệu đồng. Điều này chứng tỏ sự hỗ trợ của thân nhân, bè bạn với người lầm lỗi trở về là rất lớn. Niềm động viên to lớn hơn nữa đối với người đàn ông 48 tuổi mới bắt đầu làm lại cuộc đời là cả 4 người con đều được đi học đầy đủ, trong đó có 2 người con đang học đại học. Để bảo đảm cho đàn con có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn, vụ mì này ông Nguyễn Văn Ngọ được các em cho mượn thêm 2 hécta đất rẫy để “ông anh trồng mì mát tay” mở rộng diện tích.
* Đánh nhầm công an
Anh Nguyễn Tấn Dụng lại rất hiền lành với cái cười bẽn lẽn thường xuyên. Có lẽ nhờ vậy mà 5 năm làm thợ sắt ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa), anh Dụng được cô công nhân Nguyễn Thị Thùy Nhung chú ý và sau đó hai người nên duyên chồng vợ. Thấy cha mẹ đã già yếu, rẫy không có người chăm sóc, đầu năm 2009, anh Dụng cùng vợ dắt nhau về ấp 12, xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ) sinh sống. 3 tháng sau, trong một bữa giỗ anh Dụng đã “thượng cẳng chân, hạ cổ tay” một công an và bị đi tù 6 tháng.
Hết hạn tù, anh Dụng về nhà làm rẫy và quay lại nghề làm cửa sắt. Nhưng gia cảnh khó khăn do con đầu lòng mới ra đời mà công việc làm ăn lại thiếu vốn. Được trưởng ban ấp và công an xã hướng dẫn, anh Dụng đã làm thủ tục vay được 30 triệu đồng từ Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự. Anh dùng 15 triệu đồng mua sắt và số tiền còn lại mua 1 con heo nái. Được cha mẹ cho thêm đất để mở xưởng làm nghề sắt và chuồng trại chăn nuôi, vợ chồng Dụng - Nhung đã miệt mài lao động bất kể ngày đêm.
Đến nay, cặp đôi này đã có một cơ ngơi mà bất cứ người dân nào ở huyện mới Cẩm Mỹ cũng thèm muốn: 1 nhà xưởng có trang bị máy làm đồ sắt, 1 khu chuồng trại nuôi riêng biệt đàn heo nái 8 con, 70 con heo thịt lớn nhỏ, 4 sào đất trồng hồ tiêu... Chỉ với 2 sào tiêu đang trong giai đoạn thu hoạch, Nguyễn Tấn Dụng cũng có thể là một… “tiểu gia” ở xã Xuân Tây rồi!
* Giang hồ thứ thiệt!
Tùng “Mai Đẳng” (tên thật là Huỳnh Thanh Tùng) ở xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) là một “tay anh chị” có máu mặt, khét tiếng lì lợm. Đại ca Tùng “Mai Đẳng” đã thu phục được vài chục đàn em, thường tụ tập quậy phá, trộm cắp, gây sự đánh nhau, gây bao nỗi sợ hãi cho người dân vùng cao su.
Giữa năm 2000, Tùng “Mai Đẳng” bị kết án 3 năm tù giam về hành vi tổ chức trộm cắp và đánh người gây thương tích. Trong quá trình thụ án, nhờ cải tạo tốt, Tùng được giảm 6 tháng. Vừa ra trại, có mấy tên đàn em đến rủ rê đi kiếm tiền xài tết, nhưng nhớ lời khuyên bảo chân tình của cán bộ quản giáo: “Cháu còn trẻ, còn tràn đầy sức sống, phải làm điều gì tốt đẹp cho đời, chứ tại sao lại tự mình hại mình và tự biến mình thành một thứ mà người đời cho là cặn bã của xã hội như thế!”, anh Tùng quyết liệt từ chối và tuyên bố là không còn muốn dính đến chốn giang hồ.
Ông chủ tiệm sắt Tùng “Mai Đẳng” (người thứ 3 từ trái qua) với các cán bộ Công an xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ). |
Thế mà anh Tùng gặp “sốc”. Anh đi đến đâu cũng bị nhìn với ánh mắt nghi ngại và xin việc thì không nơi nào chịu nhận. Anh Tùng buồn đến không còn muốn bước ra đường. Trong tình trạng gần như bế tắc đó, mấy cô chú ở xã và cả cán bộ công an xã đã không bỏ quên Tùng. Họ đến tận nhà động viên, thăm hỏi, làm cho chàng trai “khét tiếng một thời” nhận ra là mình vẫn còn có ích cho xã hội, nếu quyết tâm hòa nhập với cộng đồng. Anh Tùng quyết định học nghề hàn sắt ngay tại tiệm sắt do cha anh là ông Huỳnh Văn Đẳng làm chủ và trực tiếp truyền nghề. Bằng nỗ lực tuyệt vời, Tùng lành nghề và được ra riêng mở tiệm. Nhưng tiệm sắt Mai Đẳng vừa ra đời đã gặp khó khăn vì ế ẩm, do tiếng tăm của ông chủ trẻ này lừng lẫy quá làm cho khách hàng e ngại.
Thường hay đến thăm hỏi Tùng, Phó công an xã Phạm Văn Tuấn biết được sự tình đã báo cáo với UBND xã và hướng dẫn Tùng làm hồ sơ xin vay vốn mở rộng sản xuất. Ông còn vận động các cán bộ trong xã giới thiệu cho Tùng được nhận làm khung sắt, cửa sắt… của các công trình xây dựng. Có tay nghề, làm chất lượng, đúng tiến độ mà giá cả lại phải chăng… là những yếu tố đưa tiệm sắt Mai Đẳng do ông chủ trẻ Huỳnh Minh Tùng trở nên uy tín. Hiện tiệm sắt Mai Đẳng được xem là lớn và bề thế nhất xã Xuân Mỹ với 7 lao động, trong đó có 3 thợ lành nghề, chiếm đến 70% giá trị sản phẩm gia công, cung cấp cho ngành nghề xây dựng trong toàn khu vực cao su Cẩm Mỹ - Bà Rịa.
Ông Nguyễn Văn Thụ, Phó trưởng công an xã Xuân Mỹ, cho biết: “Anh Tùng tái hòa nhập cộng đồng nhanh, làm ăn có uy tín và còn nhiệt tình tham gia với địa phương trong việc giữ gìn an ninh trật tự, ổn định xã hội. Anh đã gặp gỡ, cảm hóa một số đối tượng thanh niên mới lớn có biểu hiện hư hỏng, thường tụ tập quậy phá… Đặc biệt, anh Tùng còn nhận 2 “giang hồ” từng có thời lầm lỗi vào cơ sở gia công của mình để học nghề, làm việc. Anh đã tận tình giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục bằng chính tấm gương sống của mình; đến nay cả hai đều tiến bộ, làm được việc, có thu nhập hàng tháng ổn định”.
Bùi Thuận