Báo Đồng Nai điện tử
En

Giáo viên của làng

07:10, 17/10/2015

Bao năm qua, các thầy cô giáo ở Trường tiểu học Lê Lợi (xã Túc Trưng, huyện Định Quán) không ngại đường xa luân phiên nhau về điểm lẻ Suối Dzui dạy chữ cho các trò nhỏ đồng bào dân tộc Chơro trong ấp.

Bao năm qua, các thầy cô giáo ở Trường tiểu học Lê Lợi (xã Túc Trưng, huyện Định Quán) không ngại đường xa luân phiên nhau về điểm lẻ Suối Dzui dạy chữ cho các trò nhỏ đồng bào dân tộc Chơro trong ấp. Từ ngày có giáo viên về bám làng, đồng bào Chơro ấp Suối Dzui phấn khởi vô cùng, vì trẻ em trong làng không còn mỏi chân tìm chữ.

Vì yêu trẻ, các giáo viên ở điểm lẻ Suối Dzui, gồm: Trần Thị Dự, Hồ Thị Sang, Lê Tấn Anh, Nguyễn Thị Hợp, Vương Thị Quyên liên tục vượt quãng đường mù bụi ngày nắng, những con dốc trơn trượt ngày mưa để vào tận vườn rẫy của dân, lùng tìm học trò trốn lớp khi ngày thi cận kề.

* Bám làng dạy chữ

Năm 1994, nhìn thấy lớp học của các trò nhỏ ấp Suối Dzui sắp đổ sụp, 2 mạnh thường quân Huỳnh Hoa và Sáu Thượng đã ủng hộ tiền cho làng dựng lại 3 phòng học mới với vách đất, mái lợp tôn trên nền đất của ông Điểu Khi hiến tặng. Từ ngày có lớp học mới, Trường tiểu học Lê Lợi điều 2 cô giáo trẻ Trần Thị Dự và Lê Thị Hồng Loan về bám lớp, bám làng.

Cô giáo Trần Thị Dự đang sinh hoạt cùng các học trò nhỏ.
Cô giáo Trần Thị Dự đang sinh hoạt cùng các học trò nhỏ.

Thương 2 cô giáo trẻ xa nhà, xa quê về với làng Chơro còn nghèo khó, nằm sâu trong vườn rẫy với hành trang là giáo án cùng chỉ vài bộ áo quần, đồng bào Chơro ấp Suối Dzui bảo nhau góp nồi, chén, vót đũa, đóng giường, cho mượn nhà, giúp cô giáo. Để 2 cô giáo trẻ bớt sợ đêm tối leo lét ánh đèn dầu, bệnh tật không ai lo, ông Điểu Hùng (ấp Đội trưởng Suối Dzui) giữ nhiệm vụ chở 2 cô giáo ra trạm xá khi bị bệnh hoặc đi đâu đó. Ông Điểu Hùng còn thường xuyên dặn 2 cô giáo đêm tối không được mở cửa cho người lạ vào, 2 cô phải dứt khoát cửa đóng then cài mỗi khi có ai đến gõ cửa đòi kiểm tra giấy tờ hay thăm hỏi mà không có ông dẫn đi.

Trò nghèo, dân làng Chơro cũng nghèo, 2 cô giáo trẻ cũng xuất thân từ gia đình lao động nghèo nên hiểu nhau và quý nhau vô cùng. Lương giáo viên của 2 cô giáo trẻ tuy chật vật trong sinh hoạt, phụ giúp gia đình ở quê nhưng vẫn phải dành phần để mua bút, vở hỗ trợ các trò quá khổ, quá khó trong lớp. Vì vậy, 2 cô sáng dạy một buổi, chiều về cầm cuốc, cầm sạt lai theo dân làng ra vườn, ra rẫy làm thuê đủ thứ việc, như: làm cỏ, gặt lúa, lượm hạt điều, chặt mì mà chẳng sợ nắng làm đen da, chai tay cầm phấn.

Biết hoàn cảnh cô giáo Dự ở quê khó khăn, phải cưu mang em trai, em gái ăn học, mỗi khi nhà cần thuê công làm rẫy, đồng bào Chơro trong ấp Suối Dzui đều dành việc cho cô giáo. Buổi sáng cô giáo bận đứng lớp thì mọi người gọi cô giáo làm công buổi chiều hoặc khoán việc. Cứ vậy, hôm nào đồng bào chong đèn, dựa ánh trắng chặt mì thì cô giáo Dự cũng thức đêm làm cùng. Đến mùa điều, đồng bào Chơro trong làng dẫn cô đi lượm hạt lấy tiền công hoặc nhặt hạt sót về bán.

Rồi cô giáo Loan có chồng, theo chồng về xã khác dạy học. Cô giáo Dự vẫn bám làng dạy chữ, làm thuê mà lòng buồn thiu vì thiếu bạn.

Năm 2001, cô Dự cũng gặp được người đàn ông vừa ý, hiền lành, giỏi giang. Cô Dự được bà con, đồng nghiệp tổ chức đám cưới linh đình ngay tại điểm trường: “Rạp thì bà con kết lá dựng lên. Ngày đám cưới cô giáo, cả làng đều có mặt để ăn tiệc và chúc mừng hạnh phúc” - ông Điểu Hùng cho biết.

 * Bắt trò về lớp

16 năm bám điểm trường Suối Dzui dạy học, cô giáo Dự cũng bập bẹ nói được tiếng Chơro và ăn được canh rau thục do đồng bào Chơro nấu, măng muối do đồng bào làm. Hai người em đã theo cô về ấp Suối Dzui sinh sống, ăn học và giờ đã trưởng thành, làm việc tại tỉnh Đắk Nông.

Cô Dự tâm sự, cô bám làng dạy học đến hôm nay là nhờ vào sự cưu mang của đồng bào Chơro trong làng và sự che chở, giúp đỡ tận tình của mẹ nuôi Hồ Thị Bích đang bán hàng quán cạnh trường.

Thấy trò điểm lẻ Suối Dzui.
Thấy trò điểm lẻ Suối Dzui.

Mẹ Bích tuy nhiều con vẫn nhận cô giáo Dự làm con cho vui cửa vui nhà. Thấy các thầy cô giáo dạy trong ngôi trường ọp ẹp, trẻ con trong làng hay đến đu trèo, ông Điểu Sĩ (chồng bà Bích) tự nguyện nhận công việc bảo vệ trường, giữ trật tự lúc thầy cô giáo dạy học mà không cần nhận thù lao. Năm 2012, khi điểm trường được Phòng GD-ĐT huyện đầu tư xây dựng mới thì anh Điểu Minh Vương thay ông Điểu Sĩ làm bảo vệ điểm trường và được Trường tiểu học Lê Lợi trả lương nên vui lắm.

Chỉ tay về phía những cây phượng, cây xà cừ đang phủ xanh sân trường, anh Điểu Minh Vương cho biết, những cây đó anh trồng từ khi về làm bảo vệ trường để che nắng, che gió cho thầy cô giáo về đây dạy chữ cho trẻ em Chơro trong làng. “Ngoài nhiệm vụ bảo vệ điểm trường, tôi còn phụ giúp các thầy cô giáo ở đây vào rẫy, vào nhà bắt các trò trốn học về lại lớp học” - anh Điểu Minh Vương nói.

Dạy ở điểm lẻ Suối Dzui, giáo viên có nhiều điều thiệt thòi so với điểm chính, đó là: đường xa, chi phí xăng xe nhiều hơn; một tuần phải có thêm 2 buổi phụ đạo miễn phí cho học trò. Tuy vậy, các giáo viên ở đây vẫn trích tiền lương mua tập sách, phấn, bảng hỗ trợ thêm cho các học trò nghèo của lớp mình, hạnh phúc luôn hãnh diện với nghề và luôn bịn rịn khi phải xa các học trò nhỏ của mình.

Chuyện bắt trò rồi bỏ lên xe máy chở ra lớp được các giáo viên kể nghe mà cười vỡ bụng. Theo các thầy cô điểm lẻ Suối Dzui, các trò nhỏ ở đây có rất nhiều lý do để trốn học, bỏ lớp, như: không có sách vở, đi mót hạt điều, sợ thầy cô giáo la vì học kém, chán học… Để tìm đến nhà học trò, các thầy cô phải vượt dốc, vượt suối. Đường không đi xe máy được thì giáo viên gửi xe lại nhà dân đi bộ vào. Thấy giáo viên đến tìm, học trò sợ quá bỏ trốn như đang chơi trốn tìm.

Cô giáo Sang nhớ lại, nghe tiếng chó sủa và nhác thấy giáo viên từ xa, học trò trốn học sợ quá băng hết rẫy này sang rẫy khác để trốn. Cô Sang thì vạch hàng rào kẽm gai để cô Hợp chui người qua. Cô Hợp qua rồi thì tiếp tục vén kẽm gai để cô Sang chui qua. Qua được hàng rào kẽm gai của chủ rẫy thì 2 cô chẳng thấy trò đâu. Hai cô vừa đi vừa gọi tên trò đến khản cổ. Thương cô giáo, học trò mới từ lùm cây bước ra nhoẻn miệng cười. “Bắt được học trò thì chúng tôi chở ngay về lớp cho kịp làm bài thi hoặc ôn tập. Dù lúc ấy học trò không có tập bút, áo quần lem luốc cũng phải bắt về lớp học cho được” - cô giáo Sang thổ lộ.

Đoàn Phú

 

 

 

 

Tin xem nhiều