Giữa cuộc sống náo nhiệt, có những người phụ nữ khuyết tật đang lặng lẽ gồng mình chống chọi với những nỗi đau về thể xác và tinh thần để vươn lên sống một cuộc đời như bao người bình thường khác.
Giữa cuộc sống náo nhiệt, có những người phụ nữ khuyết tật đang lặng lẽ gồng mình chống chọi với những nỗi đau về thể xác và tinh thần để vươn lên sống một cuộc đời như bao người bình thường khác. Với họ, suy nghĩ về việc mưu sinh vất vả đã lấn át nỗi đau do sự khiếm khuyết cơ thể hành hạ họ từng ngày.
* Những bông hoa trong cuộc sống
Theo chân những cán bộ công tác phụ nữ phường Thanh Bình (TP.Biên Hòa), chúng tôi gặp bà Trần Thị Mai, một phụ nữ khuyết tật hơn 50 năm nay tự nuôi sống bản thân bằng sức lao động của mình.
Bà Trần Thị Mai với gánh cháo lòng mưu sinh ở chợ Lò Bò. |
Bị gãy đốt sống lưng từ lúc 7 tuổi, mọi sinh hoạt của bà Mai gặp rất nhiều khó khăn. Lúc nhỏ đi học cho đến khi trưởng thành, bà chưa bao giờ có suy nghĩ mặc cảm, mà luôn phấn đấu để không thua kém bạn bè đồng lứa. “Tôi sống cùng người thân trong nhà. Do không lập gia đình riêng nên tôi phải tự chăm sóc và kiếm tiền lo cho bản thân. Ngày nào cũng vậy, sáng dọn hàng ra chợ, trưa đem về nhà. Tôi bị tai nạn từ nhỏ nên đã quen với tình trạng của mình và không hề tự ti vì hoàn cảnh của bản thân. Từ khi trưởng thành cho đến nay, tôi luôn sống bằng nguồn thu nhập của bản thân, có điều càng lớn tuổi thì việc di chuyển bằng đôi nạng càng khó khăn nên cũng ảnh hưởng nhiều đến việc buôn bán” - bà Mai tâm sự.
Với tay nghề nấu ăn được truyền lại từ những người phụ nữ trong nhà, bà Mai quyết định làm gánh cháo lòng nhỏ ở góc chợ Lò Bò (phường Thanh Bình) để mưu sinh. Nhờ sự giới thiệu và truyền tai nhau của chị em bạn hàng trong chợ nên gánh cháo lòng cũng đem đến cho bà nguồn thu nhập ổn định, giúp bà tự trang trải cuộc sống hàng ngày.
Bà Mai tâm sự, trước giờ bà chịu ơn hỗ trợ của nhiều người xung quanh. Với bà, sống trong sự đùm bọc, giúp đỡ của các chị em bạn hàng là điều khiến bà cảm thấy ấm áp nhất lúc này.
Tương tự bà Mai, bà Nguyễn Ngọc Dung (phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) cũng có hoàn cảnh éo le từ lúc nhỏ. Theo lời bà Dung, hồi đó nhà bà rất nghèo, cái ăn còn không đủ để no thì lấy tiền đâu để khám, chữa bệnh cho con cái. Vì vậy, lúc bà bị sốt bại liệt (1 tuổi), gia đình chỉ có thể nhờ các thầy lang cứu giúp. Nhưng do bệnh trị không đúng thầy nên càng về sau, bệnh của bà càng trở nặng; đôi chân của bà vì vậy cũng bị teo tóp dần, gây ảnh hưởng lớn đến việc đi lại.
“Hồi nhỏ tôi hay buồn lắm, thấy tụi bạn cùng lứa được vui chơi, đi học mà cứ ứa nước mắt. Người ta đi lại, chạy nhảy được nên làm gì cũng nhanh chóng. Còn tôi, chỉ lê lết cả ngày ở nhà với 4 bức tường nên suy nghĩ tiêu cực lắm” - bà Dung tâm sự.
Lớn lên, trong khi ai nấy đều đi học, hoặc tìm cho mình một công việc mưu sinh thì bà Dung vẫn “giậm chân tại chỗ”. Thấy xót cho chính mình, bà đã xin gia đình cho học nghề may để có cái nghề nuôi thân.
Bà Dung cho biết: “Lúc đó, tôi phải đấu tranh dữ lắm nên mọi người trong nhà mới đồng ý cho tôi học nghề may. Mọi người lo sức tôi yếu, kham không nổi. Họ cũng lo lỡ tôi làm không xong, người ta bắt đền thì lấy đâu ra tiền để trả lại tiền vải…”. Lo thì lo, nhưng bà vẫn quyết tâm bám trụ với nghề may đến cùng. Cũng nhờ sự quyết tâm đó mà mấy chục năm qua bà đã tự kiếm tiền bằng chính cái nghề bà đã chọn lựa và theo đuổi.
* Không làm gánh nặng cho đời
Vừa kể chuyện cùng chúng tôi, bà Dung vừa tranh thủ may đồ để kịp giao cho khách. Bà bảo rằng, chính trách nhiệm làm mẹ đã giúp bà quên đi nỗi đau khuyết tật để tìm niềm vui cuộc sống. Vừa nhận may đồ, vừa nhận sửa đồ, gia công quần áo tại nhà, nguồn thu nhập cũng vừa đủ để bà Dung duy trì cuộc sống của bản thân và chăm lo cho người con trai đang học lớp 12.
“Tôi suy nghĩ thế này, cuộc sống còn nhiều người khuyết tật kém may mắn hơn tôi, nên tôi không thể buông xuôi khi vẫn còn sức lao động. Tôi bị tật từ nhỏ nên cũng không còn để tâm đến khiếm khuyết của bản thân. Vả lại, công việc may đồ của tôi vẫn thường được mọi người trong nhà nói đùa là “ngồi một chỗ nhịp chân kiếm tiền” nên cũng không mấy vất vả. Ngày trước, chỉ có máy may thì tôi còn phải đem cho người khác vắt sổ. Sau khi chính quyền địa phương cho vay vốn mua thêm máy vắt sổ thì công việc của tôi giờ đã thoải mái hơn nhiều” - bà Dung vui vẻ cho biết.
Bà Huỳnh Thị Mai kiểm tra hàng hóa sau mỗi ngày đi bán về. |
Còn bà Huỳnh Thị Mai (ngụ phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa), sau một trận sốt bại liệt vào năm 1965 khi bà vừa được 20 tuổi, bà đã chịu cảnh liệt nửa người từ đó đến nay. Năm 1989 khi đang bán tạp hóa tại nhà với mức thu nhập khá, bà bị lừa mất hết tiền vốn làm ăn phải chuyển sang bán hàng dạo trên xe đẩy dành cho người khuyết tật. Mỗi sáng sớm, bà lại hì hục đẩy xe từ nhà lên trên con dốc cao để tới bán trước cổng Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức. Người ra, người vào, hàng ngày bà cũng bán đủ 100 tờ vé số và gần 20 dây bánh kẹo các loại.
“Theo số liệu báo cáo mới nhất từ Sở Lao động - thương binh và xã hội, toàn tỉnh hiện có gần 11 ngàn phụ nữ bị khuyết tật. Hiện tại, cứ 2 người nữ bị khuyết tật thì chỉ có 1 người có việc làm và có nguồn thu nhập tương đối ổn định” - ông Nguyễn Hữu Thành, Chi cục trưởng Chi cục Bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Sở Lao động - thương binh và xã hội), cho biết. |
“Trước đây tôi còn phải tự nấu ăn và thuê người chăm sóc cha tôi bị liệt giường, năm 2013 ông mất nên từ đó đến nay tôi sống một mình. Trước đó nữa tôi có nuôi 1 đứa cháu trai, nó học giỏi lắm, đi làm về phụ giúp tôi đủ thứ, mà bỗng đâu năm 1997 khi nó mới 31 tuổi, chưa kịp lập gia đình thì bị tai nạn giao thông qua đời, từ đó tôi như mất “cánh tay phải” của mình và tự xoay xở mọi thứ trong nhà. Đời tôi bất hạnh cứ ập đến liên tục, nhưng không vì vậy mà tôi tự cho phép bản thân buông xuôi, đi bán hàng ngoài đường nhiều lúc bị giành khánh, bị hành hung đến nhập viện nhưng tôi vẫn phải bán. Tôi nghĩ thế này, mình tật nguyền, nếu không tự nuôi mình thì còn đợi ai vào đây, tôi sống mấy chục năm như vậy rồi nên cũng đã quen” - bà Huỳnh Thị Mai ngân ngấn nước mắt cho biết.
Chậm chạp di chuyển bằng cách chống 2 bàn tay xuống sàn rồi lê người một cách mỏi mệt, bà lấy cuốn sổ tay khoe rằng hôm nay đã bán hết 100 tờ vé số nên được về nghỉ sớm. Hiện tại, ước mơ nhỏ nhoi của bà Mai là mỗi ngày đều có nhiều khách mua hàng và luôn có sức khỏe tốt để tự mưu sinh. Trong thâm tâm của mỗi người khuyết tật như bà Mai, mỗi ngày thức dậy là một ngày mới bắt đầu “cuộc chiến” mưu sinh bằng nghị lực của những người không đầu hàng số phận.
Đăng Tùng