Báo Đồng Nai điện tử
En

Luật sư của người lao động

12:10, 10/10/2015

Đôi chân bị tật nhưng luật sư Lê Tấn Tý (công tác tại Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn, thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) vẫn nhiệt huyết bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Luật sư Tý cho biết, dù đồng lương viên chức còn rất khiêm tốn so với đời sống đắt đỏ hiện nay, nhưng tình cảm đối với người lao động đã tạo cho anh sự quyết tâm, tinh thần vượt qua những khó khăn để hỗ trợ pháp lý cho họ.

Đôi chân bị tật nhưng luật sư Lê Tấn Tý (công tác tại Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn, thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) vẫn nhiệt huyết bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Luật sư Tý cho biết, dù đồng lương viên chức còn rất khiêm tốn so với đời sống đắt đỏ hiện nay, nhưng tình cảm đối với người lao động đã tạo cho anh sự quyết tâm, tinh thần vượt qua những khó khăn để hỗ trợ pháp lý cho họ.

* Chàng trai giàu nghị lực

Là con trai út trong gia đình công nhân cao su nghèo ở xã La Ngà (huyện Định Quán), để tìm đến “cái chữ”, luật sư Tý đã phải trải qua 12 năm chống nạng, nắm cơm gói lá chuối, bò lên những chuyến xe chở công nhân cạo mủ cao su để đến lớp học. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Trường đại học luật TP.Hồ Chí Minh, chàng cử nhân trẻ Lê Tấn Tý cầm hồ sơ đến nhiều nơi gõ cửa xin việc. Tuy nhiên, tất cả đều từ chối nhận anh vào làm việc, bởi một lý do: “Chân anh như vậy làm sao nhận vào làm việc được”.

Luật sư Lê Tấn Tý (phải) luôn đồng hành cùng người lao động.
Luật sư Lê Tấn Tý (phải) luôn đồng hành cùng người lao động.

Một lần thất thểu đi giữa trời nắng chang chang với nhiều mặc cảm bản thân, chàng cử nhân trẻ Lê Tấn Tý chợt nhớ đến người thủ trưởng ở cơ quan anh từng thực tập, nên anh tìm đến. Thương hoàn cảnh chàng cử nhân nghèo, tật nguyền, không người thân thích ở Biên Hòa, người ấy nhận lời giúp đỡ và anh đã tìm được một công việc ở Liên đoàn Lao động tỉnh với chân nhân viên Ban Kinh tế - chính sách, ở nhà trọ tập thể của cơ quan.

Lương thấp, cảnh sống xa gia đình với nhiều khoản chi tiêu, cuộc sống hết sức chật vật nên anh viết các bản tin tư vấn pháp luật cho các tờ báo, bản tin tư pháp trong và ngoài tỉnh để kiếm tiền nhuận bút. “Hết giờ làm việc tôi về nhà trọ tập thể, hoặc ở lại cơ quan lục tìm văn bản, tài liệu, bài báo để đọc, học người ta cách viết tin, cách trả lời hỏi - đáp pháp luật. Nhờ những bản tin đó mà tôi “sống” được và sau đó được tạo điều kiện cho ra Hà Nội học bồi dưỡng 6 tháng” - luật sư Tý
kể lại.

Học xong lớp bồi dưỡng cán bộ pháp luật ở Hà Nội, luật sư Tý tiếp tục được cơ quan cho đi học lớp đào tạo nghề luật sư. Sau đó, anh được chuyển từ Ban Kinh tế - chính sách sang làm nhân viên Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh cho đến nay.

“Tất cả như một giấc mơ đẹp đến với một nhân viên mới, bị tật nguyền như tôi. Vì vậy, tôi càng có thêm nghị lực, tâm huyết để làm việc, đóng góp. Giờ tôi vẫn còn giữ những bản tin, bài báo lúc trước viết để kiếm sống và nâng cao kiến thức pháp luật bằng con đường tự học. Với tôi, cuộc sống, công việc được như hôm nay là niềm an ủi, động viên, sự bù đắp cho những năm tháng tuổi thơ vất vả” - luật sư Tý tâm sự.

* Luật sư của người lao động

Năm 2005, được công nhận là luật sư chính thức của Đoàn Luật sư tỉnh, luật sư của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh, luật sư Lê Tấn Tý bắt đầu những vụ kiện nổi đình đám để bảo vệ quyền lợi người lao động bị giới chủ xâm phạm.

Luật sư Tý kể, sự kiện Liên đoàn Lao động TX.Long Khánh lần đầu tiên trong cả nước đại diện cho tập thể người lao động đứng ra khởi kiện Công ty H (100% vốn đầu tư nước ngoài) vì không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động vào tháng 8-2008 đã gây sự chú ý của dư luận lúc bấy giờ. Lúc ấy, anh được cấp trên giao nhiệm vụ thu thập chứng cứ, xây dựng phương án khởi kiện công ty và bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong suốt quá trình tòa thụ lý, giải quyết vụ kiện. Kết quả, người lao động đã thắng kiện, Tòa án nhân dân tỉnh đã buộc Công ty H. phải đóng 1,4 tỷ đồng về khoản phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.

Bản thân luật sư Lê Tấn Tý trưởng thành từ mái ấm Công đoàn nên anh cho biết: “Một khi đã xác định được vụ việc có cơ sở bảo vệ cho người lao động, tôi sẽ không bao giờ viện khó để từ chối. Nhưng chỉ tiếc một điều là sức khỏe và khả năng bản thân tôi có hạn, chưa làm được nhiều điều cho người lao động như những gì họ mong mỏi”.

Hay vụ luật sư Tý giúp đỡ bà Lê Thị Bé Sáu (quê tỉnh Bến Tre, tạm trú phường Long Bình, TP.Biên Hòa) trong vụ bị con của chủ xưởng nơi bà làm việc đánh gãy tay và sa thải. Sau khi bị đánh và bị đuổi việc, bà Sáu phải chịu uất ức một thời gian dài bởi sự hăm dọa của chủ xưởng và sự chưa nhiệt tình của cơ quan chức năng địa phương. Qua tiếp xúc với bà Sáu, luật sư Tý đã tư vấn, làm đơn và từng bước hỗ trợ bà đòi lại công bằng. “Nhìn tay cô Sáu bị đánh phải bó bột và nẹp inox, dáng vẻ tiều tụy, tôi thấy xót xa lắm. Nhớ lại thuở còn bần hàn, đi xin việc được người tốt bụng giúp đỡ, tôi càng quyết tâm giúp cô ấy. Tôi không thể trả ơn cho người giúp mình bằng lời nói hay vật chất mà trả ơn bằng chính việc giúp đỡ người yếu thế khác” - luật sư Tý chia sẻ.

Theo luật sư Tý, dù pháp luật quy định sự bình đẳng trong mối quan hệ lao động giữa giới chủ và người lao động, nhưng thực tế người lao động vẫn ở vị trí yếu thế về trình độ, mối quan hệ xã hội. Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp lao động, người lao động lúng túng và đơn độc, không biết làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mình, hoặc chấp nhận sự thỏa thuận với nhiều thiệt thòi. Đó chính là lý do luật sư Tý nhiệt huyết đồng hành cùng người lao động đòi công lý. “Dù có khó khăn về truy tìm chứng cứ, nhưng chỉ cần người lao động có cơ sở pháp lý, có lý do hợp pháp để khởi kiện thì tôi xông vào giúp họ. Một người lao động thắng kiện sẽ kéo theo tiền lệ nhiều người lao động khác gặp phải sự việc tương tự biết đến mà khởi kiện đòi quyền lợi hợp pháp của mình” - luật sư Tý nhấn mạnh.

Luật sư Lê Tấn Tý tư vấn pháp luật cho công nhân nhà trọ.
Luật sư Lê Tấn Tý tư vấn pháp luật cho công nhân nhà trọ.

Điểm lại hàng trăm vụ trực tiếp và phối hợp cùng đồng nghiệp tại Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh đòi quyền lợi cho người lao động ở thế “ngàn cân treo sợ tóc” vẫn thắng lợi, luật sư Tý vẫn giữ sự khiêm nhường, từ tốn tỏ bày, thành công của anh là nhờ tổ chức Công đoàn uy tín hỗ trợ phía sau và lẽ phải sẽ được pháp luật công nhận. Anh chỉ dám nhận mình tận tình hướng dẫn người lao động đi đúng đường, biết kiên nhẫn và có niềm tin vào pháp luật. “Không phải vụ kiện nào người lao động cũng giành được phần thắng. Tuy vậy, họ vẫn hài lòng, vững tin vào công lý để tiếp tục hăng say lao động, làm ra của cải vật chất nuôi sống bản thân và gia đình, đóng góp cho sự phát triển của xã hội nhiều hơn, ý nghĩa hơn và chuyên nghiệp hơn. Đó chính là điều mà tôi và các đồng nghiệp luôn hướng đến trong việc bảo vệ, hỗ trợ pháp lý cho người lao động” - luật sư Tý nói.

Luật sư Tý hiện có một mái ấm nho nhỏ với vợ và 2 con. Điều này đã đủ cho anh hài lòng với cuộc sống, công việc và tự tin từ chối lời mời bỏ nhiệm sở về làm cho các chủ doanh nghiệp để đối phó với người lao động. Luật sư Tý tâm niệm, bỏ người lao động là anh bỏ đi sự cố gắng, nỗ lực của tuổi thơ, quên đi những tháng ngày ăn bờ ngủ bụi cầm hồ sơ đi xin việc và tấm lòng nhân ái của những người giúp đỡ anh có một công việc hợp sở trường.

 

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Đơn vị cung cấp Luật Bắc Dương: Kiến Tạo Niềm Tin uy tín thuê luật sư tranh chấp đất đai giỏiCách tìm tìm việc chất lượng tại VietnamWorkshướng dẫn khởi kiện khởi kiện nhanh văn phòng luật sư biên hòa Top việc làm 24h tốt nhất