Báo Đồng Nai điện tử
En

Những ông già xứ bưởi

11:10, 02/10/2015

Vùng đất Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) được đắp bồi phù sa sông Đồng Nai nên cây bưởi Tân Triều cho quả ngọt, thanh hơn nơi khác.

Vùng đất Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) được đắp bồi phù sa sông Đồng Nai nên cây bưởi Tân Triều cho quả ngọt, thanh hơn nơi khác. Những lão nông trồng bưởi Tân Triều nhờ chăm sóc bưởi, thu hoạch bưởi mà sức khỏe tráng kiện, tự do tự tại lo việc xóm ấp. “Tụi tui ở đây suốt ngày đầu trần, chân đất lao động. Nhờ đất trời hòa hợp nên cơ thể khỏe mạnh, ít bệnh tật” - lão nông Phan Văn Chúc, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Bình, cho biết.

* Hăng say lao động

11 giờ trưa, lão nông Huỳnh Văn Quân (80 tuổi, ngụ ấp Tân Triều) vẫn cởi trần lang thang ngoài vườn bưởi. Nghe tiếng 2 chú chó cột trước cửa nhà sủa gấp, ông Quân mới vào nhà xem. Thấy chúng tôi đến, ông quơ vội chiếc áo đang phơi trên dây khoác vào cho lịch sự khi tiếp khách. Ông Quân cho biết, ông có 1,1 hécta bưởi, mỗi năm thu hoạch trên 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, ông bỏ túi gần 100 triệu đồng để vợ chồng chi tiêu.

Ông Nguyễn Văn Lợt, người góp phần đưa trái bưởi Tân Triều xuất ngoại.
Ông Nguyễn Văn Lợt, người góp phần đưa trái bưởi Tân Triều xuất ngoại.

Thời kinh tế còn khó khăn, ông Quân vừa trồng bưởi, trồng chuối, vừa đi làm nghề đập đá mới đủ nuôi 6 con ăn học. Khi các con khôn lớn và yên bề gia thất, ông Quân mới thôi làm đá, mà cùng vợ chuyên tâm chăm sóc vườn. 10 năm trở lại đây, khi trái bưởi Tân Triều được thị trường ưa chuộng, ông Quân đã sống an nhàn nhờ vườn bưởi. Năm nào vườn cây sung sức thì ông ép cây bưởi ra 2 vụ trái (vào tháng 5 và tháng 9) để bán được nhiều tiền hơn. Có nhiều tiền, vợ chồng ông thoải mái lo chuyện hiếu hỉ trong xóm ấp, không phải xin tiền con cháu.

Nói đến cây bưởi Tân Triều, các lão nông ở xã Tân Bình thường nhắc đến ông Nguyễn Văn Lợt (79 tuổi), Trưởng ban MTTQ ấp Tân Triều. Ông Lợt vừa là tay trồng bưởi có kinh nghiệm, tạo ra được rượu bưởi thơm ngon nức tiếng, vừa có công xây dựng thương hiệu cho trái bưởi Tân Triều để khắp nơi biết đến.

Ông Lợt cho hay, ở Tân Bình giờ có nhiều nông dân trồng bưởi có tiếng, nhờ bưởi mà họ đã trở nên giàu có. Từ kinh nghiệm truyền thống, kết hợp với khoa học kỹ thuật, người trồng bưởi ở Tân Bình và các xã lân cận có thể ép cho bưởi ra hoa sớm, ép bưởi chín vào dịp tết, tạo dáng bưởi lạ mắt...

Ông Thái Đỉnh Sơn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Bình, cho biết 100% hộ hội viên Hội Người cao tuổi trong xã đã đăng ký gia đình văn hóa mới và đạt trên 98%. Riêng tỷ lệ hội viên đạt danh hiệu “Người cao tuổi nêu gương sáng” qua bình xét đạt trên 95%. “Người cao tuổi xã Tân Bình không có thói quen hưởng thụ cuộc sống tuổi già. Vì vậy, còn sức thì các cụ còn lao động để nuôi thân, góp sức cùng con cháu nâng cao đời sống. Đó là nét đặc trưng của những ông già xứ bưởi Tân Triều” - ông Sơn cho hay.

Không chỉ trồng bưởi giỏi, ông Lợt còn là cán bộ MTTQ ấp, hội viên Hội Người cao tuổi nhiệt huyết, được người dân và chính quyền quý mến. Bao năm nay, ông luôn sẵn lòng đem sự giàu có từ vườn bưởi trên 10 hécta của mình ra chia sẻ với người dân, chính quyền trong việc làm giao thông nông thôn, nhà tình thương và các hoạt động từ thiện, xã hội. “Sống ở vùng đất bưởi, nông dân tụi tui lúc nào cũng vui buồn có nhau bên những vườn bưởi trĩu quả” - ông Lợt bộc bạch.

Năm nay bước sang tuổi 73, lão nông Phan Văn Chúc vẫn còn khỏe để cầm cuốc chăm sóc vườn bưởi, thong dong xe máy đó đây lo công tác Hội Người cao tuổi và chuyện ơn nghĩa ở đời. Nhờ lao động, suốt ngày đầu trần, chân đất ở ngoài vườn bưởi mà ông Chúc có được sức khỏe tốt như hôm nay. “5-6 giờ sáng ra vườn, tui nhìn con rạch Tân Triều chảy uốn lượn giữa vùng bưởi hương thơm ngát một hồi thì quên hết mệt mỏi. Ngày nào không lao động cho ra mồ hôi thì tui ăn cơm không ngon, ngủ không thẳng giấc. Có lẽ ham lao động, không quen hưởng thụ mà nông dân tụi tui dù trên 60 tuổi vẫn còn dẻo dai, sung sức lo chuyện phát triển kinh tế gia đình” - ông Chúc chân chất tỏ bày.

* Trách nhiệm với đời

Theo những người cao niên ở xã Tân Bình, Tân Triều vốn là một ngôi làng cổ xưa (hình thành 300 năm trước), con rạch Bến Cá ngày xưa là bến chợ sầm uất, chia đôi cù lao Tân Triều và cù lao Ngô. Thổ nhưỡng nơi này đặc biệt thích hợp với loại cây ăn trái có múi và giống bưởi Tân Triều đã xuất hiện, nổi danh hơn 100 năm qua. Tuy vậy, hương vị bưởi Tân Triều được thị trường biết đến chỉ mới hơn chục năm trở lại đây và những lão nông Tân Bình giờ mới được thụ hưởng tuổi già an nhàn nhờ cây bưởi.

Ông Thái Đỉnh Sơn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Bình, cho biết ông sinh ra và lớn lên ở Tân Triều. Gia đình ông có 4/7 người con học đại học, sau đại học. Để nuôi đàn con ăn học, vợ chồng ông đã trải qua quãng thời gian hơn nửa đời người lam lũ với đủ các công việc nặng nhọc, như: thợ hồ, chẻ đá, làm ruộng thuê, mua bán hàng xén… Khi các con đã tạo dựng cuộc sống riêng, vợ chồng ông vẫn quấn quýt tuổi già bên nhau với quán nước nhỏ tại nhà và công tác Hội Người cao tuổi. “Tui tham gia công tác Hội nhằm phát huy nội lực, tinh thần tự quản của người cao tuổi trong xã. Người cao tuổi ngoài sống vui, sống khỏe, còn có nhiệm vụ đóng góp cho các phong trào của địa phương, như: xây dựng gia đình văn hóa; đền ơn, đáp nghĩa; góp ý xây dựng chính quyền…” - ông Sơn nói.

Hai ông Phan Văn Chúc và Huỳnh Văn Quân đang trao đổi kinh nghiệm trồng bưởi.
Hai ông Phan Văn Chúc và Huỳnh Văn Quân đang trao đổi kinh nghiệm trồng bưởi.

Còn ông Phan Văn Chúc cho biết thêm người cao tuổi xã Tân Bình hiện không ngừng phát huy vai trò trong phong trào: “Người cao tuổi trong việc hiến công, hiến kế xây dựng quê hương đất nước”. Từ phong trào này, toàn xã có 146 người cao tuổi đạt danh hiệu “Sản xuất, kinh doanh giỏi” và 150 hội viên đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Tuy các cụ tuổi cao nhưng luôn gắn bó với mảnh đất, khu vườn của mình và xem đó là niềm vui lúc tuổi già, đóng góp thêm thu nhập cho gia đình. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương, người cao tuổi xã Tân Bình đã đóng góp trên 300 triệu đồng và 350 ngày công lao động để bê tông được trên 2km đường; tích cực phối hợp với các đoàn thể khác trong công tác hòa giải cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc…

Khúc sông Đồng Nai ôm chặt cù lao Tân Triều, bồi đắp phù sa cho múi bưởi nơi đây thêm thanh ngọt. Riêng những người già cù lao Tân Triều cả cuộc đời gắn với cây bưởi, thăng trầm cùng cây bưởi, nay mới được nở mặt, nở mày với làng quê. Vì vậy, các cụ có quyền tự hào và tiếp tục lao động để đóng góp cho xã hội khi thân thể vẫn còn tráng kiện.

Đoàn Phú

 

 

 

 

Tin xem nhiều