Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Minh "Cá"

12:10, 15/10/2015

Đó là cái tên mà người quen, đồng đội vẫn thường gọi Trung tá Lê Văn Minh, Đội trưởng Đội Nuôi trồng thủy sản (thuộc Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy quân sự (BCHQS) tỉnh). 34 năm khoác áo lính, Trung tá Minh đã có gần 25 năm nuôi cá nước ngọt để làm nhiệm vụ tăng gia cho đơn vị.

Đó là cái tên mà người quen, đồng đội vẫn thường gọi Trung tá Lê Văn Minh, Đội trưởng Đội Nuôi trồng thủy sản (thuộc Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy quân sự (BCHQS) tỉnh). 34 năm khoác áo lính, Trung tá Minh đã có gần 25 năm nuôi cá nước ngọt để làm nhiệm vụ tăng gia cho đơn vị.

Đưa chúng tôi đi tham quan nơi nuôi cá của đơn vị trên hồ Sông Mây (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom), Trung tá Minh chia sẻ, có được như ngày hôm nay, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong Đội Nuôi trồng thủy sản đã trải qua những tháng ngày vất vả. Chỉ tay vào 4 cái ao nhỏ, diện tích từ 3-5 ngàn m2/ao, Trung tá Minh cho biết, đó là những ao ươm cá bột và nuôi cá giống. Khi cá lớn đủ kích cỡ sẽ được đưa sang hồ lớn để nuôi thương phẩm, rồi phân phối cho các đơn vị quân đội và bán ra thị trường. Chừng ấy công việc, nhưng CBCS trong đơn vị cũng gian nan, vất vả lắm.

* Vượt qua trở ngại

Nhớ lại cái thời mới khoác ba lô đến nhận nhiệm vụ ở hồ Sông Mây, Trung tá Minh nói những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, khu vực hồ Sông Mây hoang vắng lắm. Tình hình an ninh trật tự ở khu vực Sông Mây lúc đó khá phức tạp. Để bảo vệ tốt khu vực này, vào năm 1992, BCHQS tỉnh đã làm văn bản xin UBND tỉnh cấp 402 hécta đất ở khu vực Sông Mây để đơn vị làm nơi huấn luyện bộ đội, kết hợp bảo vệ an ninh trật tự.

Trung tá Lê Văn Minh kiểm tra cá chết để xử lý nguồn nước bị ô nhiễm.
Trung tá Lê Văn Minh kiểm tra cá chết để xử lý nguồn nước bị ô nhiễm.

Lúc ấy, ở khu vực này có một hồ nước rộng 250 hécta thuộc Công ty khai thác, quản lý thủy lợi (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) quản lý để khai thác nuôi cá. Do công ty này nuôi cá không hiệu quả, BCHQS tỉnh đã hợp đồng với công ty khai thác mặt nước hồ Sông Mây để nuôi trồng thủy sản nhằm cải thiện đời sống cho bộ đội.

Được sự chấp thuận của UBND tỉnh và các đơn vị liên quan giao cho một diện tích rộng lớn bao gồm cả đất đồi và mặt nước, vào năm 1993, BCHQS tỉnh đã đưa những đơn vị đầu tiên về đây huấn luyện và làm nhiệm vụ tăng gia sản xuất. Khi đó, Trung tá Minh được giao nhiệm vụ phụ trách Đội Nuôi trồng thủy sản ở hồ Sông Mây.

Trung tá Lê Văn Minh cho biết, trong những năm qua, để góp phần đưa công tác sản xuất đi vào ổn định, Đội Nuôi trồng thủy sản ở hồ Sông Mây đã tập trung nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản để tăng năng suất thu hoạch, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho bộ đội và bán ra thị trường.

Hồi tưởng lại những năm tháng vất vả đã qua, Trung tá Minh cho biết, khi nhận nhiệm vụ đưa quân đến đây, đơn vị của ông chỉ có vài người, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Những năm vất vả đó, do chưa có kiến thức về nghề nuôi cá nước ngọt nên công việc nuôi cá ban đầu không đạt hiệu quả như mong muốn. Chuyện nuôi cá lâu lớn có thể rút kinh nghiệm và khắc phục được, nhưng theo Trung tá Minh, cái đáng sợ của CBCS trong đơn vị là nạn cá nuôi bị người dân đánh bắt trộm thường xuyên xảy ra, vì lúc ấy tình hình an ninh trật tự ở đây khá phức tạp, đặc biệt là nạn trộm cắp.

Giữa bộn bề khó khăn ấy, Trung tá Minh đã tích cực động viên CBCS dốc toàn bộ tâm ý, sức lực để thực thi nhiệm vụ, từng bước đưa công tác nuôi trồng thủy sản ở hồ Sông Mây đi vào ổn định. Bản thân Trung tá Minh cũng khoác ba lô đi đến nhiều nơi có truyền thống nuôi cá nước ngọt, như: An Giang, Tiền Giang, Long An… học hỏi kinh nghiệm và gõ cửa các cơ quan chuyên môn để tìm hiểu kỹ thuật, phương pháp nuôi và chăm sóc các loại cá nước ngọt đem về áp dụng tại đơn vị mình.

* Sống chết với nghề

Sau những năm tháng tích cực nghiên cứu nghề nuôi cá, đồng thời được sự giúp đỡ nhiệt tình của BCHQS tỉnh và các cơ quan, đơn vị chuyên môn, dần dần Trung tá Minh cũng nắm vững kỹ thuật nuôi cá nước ngọt. Tuy nhiên, theo Trung tá Minh, nếu sản xuất tốt mà không bảo vệ được sản phẩm thì làm cũng bằng không. Do vậy, việc đầu tiên Trung tá Minh nghĩ đến là phải xóa được nạn đánh bắt trộm cá. Để giải quyết được vấn đề nan giải này, ông đã phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sống quanh hồ Sông Mây không đánh bắt trộm cá nuôi của bộ đội. Mặt khác, ông bỏ nhiều thời gian tìm hiểu đời sống của người dân, chọn lựa những gia đình tốt, chưa có việc làm ổn định để vận động họ hợp tác nuôi cá với bộ đội, cũng như tìm những người chịu khó trong số dân ấy để tuyển làm nhân viên hợp đồng nuôi cá cho đơn vị. Hiểu được việc làm ý nghĩa của Trung tá Minh, chính quyền và người dân đã đồng lòng ủng hộ.

Nhờ tạo được sự cộng đồng trách nhiệm với người dân nên chỉ một thời gian ngắn sau đó, công việc nuôi cá nước ngọt ở hồ Sông Mây đi dần vào ổn định. Nạn đánh bắt cá trộm đã bị triệt tiêu, sản lượng cá đánh bắt trong hồ tăng dần theo từng năm.

Trung tá Minh chia sẻ, thành công buổi đầu như vậy là đáng mừng, nhưng còn cái khó là công việc thu hoạch cá gặp nhiều trở ngại vì ở đáy hồ còn nhiều vật cản, như: bụi chà, gốc cây, rong rêu..., dẫn đến việc thu hoạch cá bị hạn chế. Bình quân mỗi năm, đơn vị chỉ thu được khoảng 100 tấn cá, chỉ đủ cân đối được lương cho nhân viên hợp đồng và chăm lo đời sống hàng ngày của CBCS trong đơn vị.

Thu hoạch cá ở hồ Sông Mây.
Thu hoạch cá ở hồ Sông Mây.

Để giải quyết khó khăn đó, từng bước đưa sản lượng cá đánh bắt hàng năm tương xứng với tiềm năng sẵn có, Trung tá Minh đã nghĩ đến việc tổ chức lực lượng nạo vét, thu dọn sạch lòng hồ. Qua 2 mùa nắng hạn của năm 1997 và 2000, việc dọn sạch lòng hồ Sông Mây đã hoàn thành, mở ra nhiều thuận lợi cho việc nuôi cá của đơn vị, góp phần nâng sản lượng đánh bắt cá hàng năm tăng lên 350-400 tấn, cung cấp đủ nguồn thực phẩm cho lực lượng vũ trang tỉnh và một số đơn vị bạn, đồng thời giải quyết được việc làm cho trên 70 lao động, trong đó có trên 50% bộ đội xuất ngũ.

Theo Trung tá Minh, bí quyết để dẫn đến thành công trong nghề nuôi cá có mấy yếu tố quyết định, gồm: con giống, nguồn nước, thức ăn và theo dõi dịch bệnh.

Nhắc đến điều này, nhiều đồng đội của Trung tá Minh đã kể với chúng tôi, trong cuộc sống thường ngày ông rất chân tình với mọi người, nhưng khi bắt tay vào nhiệm vụ thì ông là người chỉ huy nghiêm khắc và trách nhiệm. Ở ông, bất luận ngày nắng hay mưa, mọi người vẫn thấy ông thường xuyên đi kiểm tra tình hình sản xuất của đơn vị; lúc thì kiểm tra nguồn nước, theo dõi dịch bệnh trên đàn cá, lúc lại xử lý ô nhiễm nước trong ao nuôi để tạo môi trường sống cho cá tốt hơn và cũng có khi làm cả “bác sĩ” để trị bệnh cho cá. Sự sâu sát đó của Trung tá Minh đã nhiều phen cứu những bàn thua trông thấy khi đàn cá bị uy hiếp bởi nguồn nước thải của Khu công nghiệp Sông Mây xả ra gây ô nhiễm.

Đứng bên hồ Sông Mây mênh mông nước vào lúc xế chiều, nhìn đàn cá khỏe mạnh, no mồi bơi lội tung tăng dưới ao, chúng tôi hỏi Trung tá Minh có khi nào ông “ngán” cái nghề nuôi cá thì ông mỉm cười chia sẻ: “Không, tôi không ngán. Ngày nào không nghe tiếng cá quẫy, không biết được sức khỏe con cá như thế nào, không đội nắng, dầm mưa vì con cá thì ngày ấy mình ăn không ngon, ngủ không yên”.

Đức Việt

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều