Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Quay ở khu tự quản km120

10:10, 04/10/2015

Từ ngày khu tự quản km120 (ấp 3, xã Phú Lợi, huyện Định Quán) có điện, những đồi đá đã được cây trồng che lấp, phủ xanh. Ông Vòng Chí Quay, Tổ trưởng khu tự quản km120, cho hay nhờ có điện người dân mới hút được nước từ giếng sâu 100m tưới cho cây khỏi héo vào mùa khô.

Từ ngày khu tự quản km120 (ấp 3, xã Phú Lợi, huyện Định Quán) có điện, những đồi đá đã được cây trồng che lấp, phủ xanh. Ông Vòng Chí Quay, Tổ trưởng khu tự quản km120, cho hay nhờ có điện người dân mới hút được nước từ giếng sâu 100m tưới cho cây khỏi héo vào mùa khô. Để có được nguồn điện này, ông Quay vận động 60 hộ dân trong khu tự quản km120 đóng góp trên 2 tỷ đồng xây dựng đường điện.

* Sống hết mình

Bên những dây tiêu mạnh mẽ vươn mình trên thân điều, xoan, ông Vòng Chí Quay cho biết, sau ngày đất nước thống nhất, một bộ phận người Hoa ở xã Phú Hoa (huyện Định Quán) bị kẻ xấu xúi giục, kích động trốn ra nước ngoài hoặc dao động tư tưởng, làm cho tình hình an ninh chính trị ở địa phương thêm bất ổn. Vốn tiếp xúc với cách mạng khi còn làm rẫy trong rừng già Đồng Hiệp, lại được chính quyền mời tham gia làm tổ trưởng an ninh ấp, ông mạnh dạn thay mặt chính quyền nói những điều mình biết, mình hiểu, mình thấy với đồng bào người Hoa về cách mạng; chính sách đại đoàn kết dân tộc; người Hoa, người Kinh và các dân tộc khác luôn là anh em một nhà. Nghe lời ông, những người Hoa bị dao động tư tưởng dần hiểu ra chính sách của Đảng, Nhà nước luôn lo cho dân nên an tâm bám trụ vùng đất nơi đây và ổn định sản xuất, chung tay cùng chính quyền phát triển kinh tế để xóa đói nghèo, lạc hậu.

Ông Vòng Chí Quay vừa là nông dân sản xuất giỏi, vừa là cán bộ cơ sở tốt, trách nhiệm với dân.
Ông Vòng Chí Quay vừa là nông dân sản xuất giỏi, vừa là cán bộ cơ sở tốt, trách nhiệm với dân.

Nói với đồng bào người Hoa của mình thôi chưa đủ, ông Quay phải đi trước làm gương để mọi người làm theo. Sau khi bán 8 sào đất ở ấp 4, xã Phú Hoa, ông Quay về khu tự quản km120 mua 2 hécta đất trồng đậu, cây thuốc lá. Nhờ những vụ đậu, thuốc lá được mùa, ông Quay đủ sức lo cho 4 người con ăn học và sửa lại mái nhà, mua được thêm 1 hécta đất.

Thấy ông Quay nói đúng, làm giỏi và ngày càng có uy tín với đồng bào người Hoa, chính quyền “thăng chức” cho ông lên trưởng ấp, rồi Phó chủ tịch Hội Nông dân xã, đại biểu HĐND xã. “Lần nào bầu cử trưởng ấp và đại biểu HĐND xã tại ấp, tôi cũng đạt số phiếu cao. Đó là nhờ bà con tín nhiệm tôi” - ông Quay tâm sự.

40 năm qua (từ năm 1975 đến nay), ông Vòng Chí Quay nhiệt tình tham gia công tác xã hội, cơ sở. Sự đóng góp của ông đã được xã Phú Lợi và huyện Định Quán nhiều lần ghi nhận, biểu dương. Riêng với đồng bào người Hoa có đất sản xuất ở khu tự quản km120, nhờ ông Quay vận động mọi người kéo điện, hiến đất làm đường đẹp mà nồi cơm của họ luôn đầy, cuộc sống khá giả, con cái học hành tử tế.

Lúc ông Quay làm Phó chủ tịch Hội Nông dân, kiêm Trưởng ấp 4, chính quyền giao luôn cho ông phụ trách nguồn quỹ hỗ trợ người Hoa hồi hương. Để cho đồng bào người Hoa thấy được chính sách an dân, quan tâm đến các đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước và chính quyền, ông Quay trao đúng, trao đủ nguồn vốn được hỗ trợ cho dân. Người nào chưa biết dùng đồng vốn đó làm gì thì ông mạnh dạn hướng dẫn họ đầu tư sản xuất hoặc buôn bán nhỏ.

Nhờ đồng vốn đó, những người Hoa hồi hương trở về vùng đất Phú Hoa (nay tách làm 3 xã: Phú Lợi, Phú Vinh và Phú Tân) đã sớm ổn định cuộc sống. “Tôi biết gì thì sẵn sàng nói ra, chỉ dẫn tận tình để bà con học theo, chứ không giấu giếm trong lòng vì sợ bà con biết cách rồi làm giỏi hơn mình. Bà con giỏi và khá hơn tôi thì tôi mừng, chứ không có gì phải sợ, giấu giếm gì hết” - ông Quay bộc bạch.

Theo thời gian, mảnh đất ông Quay trồng đậu, thuốc lá dần bạc màu. Muốn chuyển sang trồng cây bắp, điều, cà phê lại phụ thuộc vào nước trời, nên ông Quay đào giếng sâu, mua máy dầu về bơm tưới cây. Nhìn vườn rẫy ông Quay xanh tốt dù trời nắng hạn, bà con người Hoa nơi đây mạnh dạn vay vốn ngân hàng và bạn bè để chuyển đổi cây trồng, mua máy móc phục vụ tưới tiêu. Nhờ vậy, khu đất đá km120 dần xanh màu cây điều, cà phê, tiêu, chuối, bắp và thu nhập của người dân đạt trên 100 triệu đồng/hécta/năm.

* Mở đường, kéo điện

Khu tự quản km120 có gần 100 hộ dân dựng chòi chăm rẫy. Khi đời sống người Hoa ở đây ngày càng khá giả hơn, ông Quay đã vận động mọi người hiến đất để cho xã mở đường Phú Hòa - Phú Lợi qua rẫy của mọi người để vận chuyển nông sản thuận lợi, đất sản xuất có giá trị hơn. Nghe lời ông, những hộ có đất nằm trong khu vực mở đường tự nguyện hiến đất, chặt phá hoa màu để xã mở đường, láng nhựa.

Bản thân ông hiến hơn 2 sào đất khi đường Phú Hòa - Phú Lợi triển khai. Dù vậy, ông Quay cũng có phần tiếc rẻ khi đoạn đường mở rộng đến khu rừng giá tỵ thì tắc. “Mình cùng Ban ấp đã làm đơn xin đơn vị quản lý rừng cho phép kéo dài đoạn đường trên thêm 280m để tiếp giáp với quốc lộ 20. Nếu được như vậy thì bà con đi lại thuận lợi hơn, tránh được bọn nghiện lợi dụng đường xấu chặn xe xin tiền người dân” - ông Quay thổ lộ.

Cây giống ươm trong vườn trồng không hết, ông Vòng Chí Quay tặng cho mọi người trồng chứ không bán
Cây giống ươm trong vườn trồng không hết, ông Vòng Chí Quay tặng cho mọi người trồng chứ không bán.

Mặc dù đoạn đường Phú Hòa - Phú Lợi qua khu tự quản km120 bị tắc một đoạn ngắn, ông Quay và đồng bào người Hoa vẫn thấy vui khi đoạn đường đã thật sự làm đổi thay cả vùng đất họ đang sản xuất. Bà con người Hoa ví von, khu tự quản km120 là cái “nồi cơm” của họ, vì mọi chi tiêu, sinh hoạt của đồng bào phần lớn dựa vào vườn rẫy. Khi máy dầu không đủ sức hút nước từ giếng khoan sâu 100m, ông Quay và mọi người bàn nhau chung tiền kéo điện về tưới cho cây tiêu, cà phê, xoài, mít vào mùa nắng.

Ông Lầu A Bầu (cư dân khu tự quản km120) cho hay, lúc trước người dân sản xuất nông nghiệp phần lớn phụ thuộc vào nguồn nước trời. Khi kinh tế khá hơn một chút, mọi người rủ nhau sắm máy dầu bơm tưới cây. Nhưng do vùng đất này đá nhiều, phải đào giếng sâu, máy dầu không đủ mạnh để hút nước lên, nên mùa nắng cây trồng vẫn thiếu nước, dẫn đến chậm lớn, kém năng suất. Từ ngày chung tiền kéo được đường điện vào tận vườn rẫy, giếng sâu cỡ nào máy bơm cũng hút được nước lên tưới cây” - ông Bầu khoe.

Có điện, có đường lớn thôi chưa đủ, ông Quay còn vận động bà con người Hoa trong khu tự quản km120 mở thêm hẻm nhỏ, xi măng hóa đường đá hoặc sửa chữa lại đường cũ hư hỏng cho dễ đi. Ông còn được địa phương, ấp giao nhiệm vụ củng cố lại tổ dân phòng tự quản để bảo vệ tài sản, hoa màu cho bà con địa phương.

Ông Quay cho biết, tổ dân phòng tự quản của ông có 7 người. Dù hoạt động trên tinh thần tự nguyện, không thù lao, các thành viên trong tổ vẫn nhiệt tình tuần tra ngày đêm để bảo vệ tài sản cho mọi người. “Càng làm được nhiều điều tốt cho bà con tôi càng thích, lòng thấy vui. Vui nhất là khi ra đường được bà con chào hỏi, mời dự tiệc tân gia, cưới hỏi cho con cái hoặc ăn mừng lúc trúng mùa” - ông Quay tỏ bày.

Đoàn Phú


 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều