Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông "tổ nghề" ở "phố lồng chim"

11:10, 11/10/2015

"Từ chiếc lồng chim cũ mượn của người quen, tôi bắt đầu mày mò xem từng đường đan của nan mây, cách uốn sắt làm khung rồi từ đó làm ra chiếc lồng theo ý của mình. Lúc mới làm lồng chim, do chưa ai biết đến nên lồng làm ra tôi để khắp nơi trong nhà. Đến khi có người hỏi mua lồng chim cũng là lúc nghề này hưng thịnh và phát triển cho đến bây giờ" - ông Vũ Công Đảm (76 tuổi, ngụ KP.10, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) tâm sự.

“Từ chiếc lồng chim cũ mượn của người quen, tôi bắt đầu mày mò xem từng đường đan của nan mây, cách uốn sắt làm khung rồi từ đó làm ra chiếc lồng theo ý của mình. Lúc mới làm lồng chim, do chưa ai biết đến nên lồng làm ra tôi để khắp nơi trong nhà. Đến khi có người hỏi mua lồng chim cũng là lúc nghề này hưng thịnh và phát triển cho đến bây giờ” - ông Vũ Công Đảm (76 tuổi, ngụ KP.10, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) tâm sự.

Ông Vũ Công Đảm xem lại sản phẩm do con trai làm ra.
Ông Vũ Công Đảm xem lại sản phẩm do con trai làm ra.

Những người làm lồng chim ở “phố lồng chim” (KP.10, phường Tân Biên) cho biết họ có việc làm ổn định và cuộc sống sung túc như ngày hôm nay là nhờ công của ông Đảm. Ông là người đầu tiên ở đây làm ra chiếc lồng chim, khởi nghiệp rồi truyền nghề cho mọi người.

* Trầy trật khởi nghiệp

Chiếc lồng chim đầu tiên do ông Đảm làm ra không được cầu kỳ như bây giờ, nhưng đó là niềm khích lệ để ông quyết tâm gắn bó với nghề. Ông nuôi chim cảnh từ nhỏ nên chỉ cần quan sát chiếc lồng nuôi chim là có thể tự tay làm ra một cái tương tự, dù không được đẹp cho lắm. “Những cái lồng đầu tiên làm ra không ra hình thù gì cả, đến khi nhìn vừa mắt tôi mới tự tin treo trước cổng nhà. Một lần người bạn đến chơi, thấy lồng đẹp nên hỏi mua. Từ đó tôi mới có ý định làm lồng bán cho các tiệm nuôi chim cảnh” - ông Đảm nói.

Ông Đảm bồi hồi nhớ lại kỷ niệm cách đây hơn 20 năm khi bắt tay vào làm lồng chim để bán cho khách: “Hồi trước, vùng này chỉ chuyên trồng táo, tôi làm lồng chim như một nghề “tay trái” lúc nhàn rỗi. Ngày ấy, với số vốn 60 ngàn đồng, tôi đi mua mây, nan tre… về đan được 10 chiếc lồng hoàn chỉnh. Sau nhiều tháng gửi ở tiệm người quen nhờ bán giúp, cuối cùng cũng có người mua với giá 50 ngàn đồng. Tiền bán chưa đủ bù vốn và công sức bỏ ra, nhưng tôi không vì thế mà nản lòng”.

“Dù đã già nhưng ba tôi còn rất minh mẫn và tinh ý nhận ra những cái lồng chim mình làm chưa được chuẩn. Có lẽ ông cụ rất nhớ nghề nên khi tôi đưa cho xem một chiếc lồng vừa làm xong, ông chăm chú nhìn, ngẫm nghĩ hồi lâu và dò xét từng chi tiết một…” - anh Vũ Ngọc Phương tâm sự.

Dù vậy, ông cũng phải trải qua suốt thời gian dài sản phẩm làm ra chẳng ai để ý, lồng chất đầy trong kho bị mối mọt dẫn đến hư hỏng. Nếu có khách mua, họ cũng chọn lựa kỹ vì tay nghề người thợ mới làm còn chưa cao. “Lúc ấy, tôi nghĩ chắc mình phải bỏ nghề, bởi hàng làm ra bị ế và đòi hỏi của khách mua lồng chim quá khắt khe…” - ông Đảm kể.

Khoảng 2 năm sau, thú chơi chim cảnh bắt đầu thịnh hành, nhu cầu sử dụng lồng chim ngày càng nhiều thì lồng chim do ông Đảm làm ra mới được chú ý. Khi nhận được đơn hàng đầu tiên, cả gia đình ông vui như hội. Mỗi người một việc, làm hăng say để mong cho ra những chiếc lồng ưng ý nhất. Mọi thứ đều làm thủ công mà không nhờ đến bất cứ loại máy móc nào. Nguyên liệu chủ yếu để làm lồng là mây (không phải nan tre như bây giờ) nên đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ mới vót được những thanh nan mềm mại, đều đặn và đẹp mắt.

Ông Đảm chia sẻ, một chiếc lồng chim hoàn thành phải trải qua nhiều công đoạn, như: vót nan, làm đáy, vành, ráp lồng… Nhưng điều kiện đầu tiên khi làm lồng chim là phải chuẩn về công đoạn vót nan. Vót nan trăm cái đều phải như một, vì người sành chơi chim sẽ có cách nhận biết lồng tốt, đạt tiêu chuẩn. Kinh nghiệm của ông là lồng chim phải đáp ứng được 3 tiêu chí: bền, sang và đẹp, nên đòi hỏi người thợ phải rất tỉ mỉ, kỳ công.

* Truyền nghề cho cả khu phố

Lồng chim mang “thương hiệu” ông Đảm bắt đầu nổi tiếng, hàng làm ra đến đâu bán hết ngay đó. Các con của ông cũng được truyền nghề, ai nấy đều có khiếu làm lồng chim. Đến khi tay nghề “chín” thì họ dọn ra làm riêng, đưa tiếng tăm gia đình ngày một lan xa.

“Tôi gắn bó với nghề rất lâu, biết tạo ra những chiếc lồng ưng ý và chất lượng. Không có loại nào khách đặt hàng mà mình từ chối, dù loại khó nhất. Đang lúc “lửa” nghề chín muồi thì tôi bị bệnh nặng, không thể tiếp tục với công việc này. Giờ chỉ làm “quân sư”, ai gặp khó khăn gì muốn hỏi tôi đều chỉ dẫn, từ công đoạn đơn giản đến phức tạp” - ông Đảm cho hay.

Được chỉ dạy làm lồng chim từ khi 9-10 tuổi, anh Vũ Ngọc Phương (con trai út của ông Đảm) đã trở thành người thợ giỏi nghề, nối nghiệp cha để tiếp tục gắn bó với công việc này. “Dù đã cứng tay nghề, nhưng với những chiếc lồng khách hàng đòi hỏi cao, cẩn thận từng chi tiết thì sau khi hoàn thành tôi đều đưa cho ba nhận xét. Nhờ được ba truyền dạy và động viên nên tôi càng yêu và gắn bó với nghề hơn” - anh Phương nói.

Hơn 20 năm qua, khu vực phường Tân Biên nổi tiếng khắp nơi với nghề làm lồng chim. Cả phường hiện có gần 200 cơ sở và hộ gia đình sản suất lồng chim. Nghề làm lồng chim thịnh hành và phổ biến đến nỗi ở đây có rất nhiều nhà biết làm nghề, tạo thành “phố lồng chim”. Lồng chim làm ra không chỉ có mặt ở thị trường trong nước, mà còn được bán ra nước ngoài với đủ mẫu mã, từ giá cả bình dân đến lồng chim cao cấp được chạm trổ tinh xảo và đầy tính nghệ thuật.

Anh Vũ Ngọc Phương nối nghiệp làm lồng chim từ nghề của cha mình truyền dạy.
Anh Vũ Ngọc Phương nối nghiệp làm lồng chim từ nghề của cha mình truyền dạy.

Với những người làm nghề ở “phố lồng chim”, ông Đảm là người thầy đầu tiên truyền dạy cho họ những bí quyết làm ra một chiếc lồng đảm bảo chất lượng và đẹp mắt nhất. Công việc này đã mang lại thu nhập ổn định, trở thành nghề chính kiếm sống của nhiều hộ dân trong vùng. Ngày đầu chỉ có vài người làm, nay hầu như nhà nào cũng đã mở xưởng sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Lành, Tổ trưởng tổ 4, KP.10, phường Tân Biên, cho hay: “Ông Đảm không hề giấu nghề, sẵn sàng chỉ dạy cho những ai có mong muốn đến học hỏi. Tôi cũng học nghề từ ông ấy, sau đó chỉ cho con cháu trong nhà, phát triển thành nghề luôn. Riêng khu phố này, hiện có hơn 100 hộ chuyên sản xuất lồng chim, cuộc sống ai cũng khá giả, không còn vất vả như ngày trước”.

Theo thời gian, để đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi khắt khe của thị trường, các hộ làm lồng chim ở “phố lồng chim” đều đã đầu tư máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất, chứ không còn làm thủ công như trước. Máy móc được sử dụng vào hầu hết các công đoạn nên một người có thể làm ra 5-10 cái lồng chim mỗi ngày. Cuộc sống của người dân xóm lồng chim ngày càng khấm khá, đủ đầy. Ngoài các hộ trực tiếp làm lồng chim, hiện còn phát triển thêm các “dịch vụ” như: nhận phân phối nguyên vật liệu, hoặc làm đầu mối thu mua lồng chim để phân phối các nơi trong cả nước.

 

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều