Mưa rừng Hiếu Liêm không ngừng hạt, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hạnh - bà Đỗ Thị Kim Bích (ngụ tổ 11, ấp 2, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) ngồi trong ngôi nhà nhỏ nhớ các con đang trọ học xa nhà.
Mưa rừng Hiếu Liêm không ngừng hạt, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hạnh - bà Đỗ Thị Kim Bích (ngụ tổ 11, ấp 2, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) ngồi trong ngôi nhà nhỏ nhớ các con đang trọ học xa nhà. Bà Bích thỏ thẻ bàn tính với ông Hạnh về những đám mì, bắp, đậu trong vườn và cả đàn gà, heo trong chuồng…, cái nào cần để lại hoặc đem bán gấp để kiếm tiền lo cho các con ăn học.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hạnh tỉ mỉ chăm sóc từng gốc đậu, luống bắp, khoai để nuôi heo, gà. |
Trôi dạt từ công trình này đến công trình khác, năm 1992 ông Hạnh và bà Bích gặp nhau tại công trình thủy điện Trị An và nên duyên vợ chồng. Đồng lương công nhân lắp máy của ông Hạnh, sự vất vả chăm chút mảnh vườn nhỏ của bà Bích cũng chỉ đủ để gia đình họ có một cuộc sống chật vật. Tuy vậy, vợ chồng họ vẫn quyết tâm cho 3 con: Tiến Hoàng, Hoàng Mai và Hoàng Long theo đuổi giấc mơ cao đẳng, đại học.
* Tổ ấm
Ông Hạnh kể, quê ông ở tỉnh Nghệ An. Năm 20 tuổi, ông bắt đầu bôn ba làm công nhân cho Công ty lắp máy 45-1. Năm 1986, khi công trình thủy điện Trị An xây dựng, ông được điều về Hiếu Liêm làm việc. Tại đây, ông và bà Bích nên duyên vợ chồng, được đơn vị hóa giá cho một căn nhà tập thể rộng 30m2 để làm tổ ấm. “Đám cưới xong, tôi vẫn tiếp tục làm công nhân lắp máy, còn bà xã bị đơn vị cho nghỉ việc vì dôi dư lao động khi sắp xếp lại bộ máy” - ông Hạnh kể.
Vốn là công nhân, bà Bích đã quen với cách sống tằn tiện, dành dụm tiền lương gửi về quê phụ giúp cha mẹ nuôi em. Ngày bà lấy ông Hạnh cũng là lúc bà mất việc nên khó khăn cứ vậy bủa vây vợ chồng họ kéo dài cho đến hôm nay.
Bà Bích cay xè mắt tâm sự, đồng lương công nhân của ông Hạnh dù chỉ ba cọc ba đồng, nhưng bà vẫn cố dành dụm để mua lại căn nhà tập thể kế cận của một gia đình công nhân chuyển về quê. Sinh hoạt phí trong gia đình hàng ngày của các con chỉ gói gọn trong những đồng tiền bà đi làm thuê làm mướn, chăm sóc từng luống đậu, bắp, mì, đàn gà từ khu đất lồi lõm rộng 3 sào người ta bỏ hoang và bà khai khẩn được.
Thương vợ con, ông Hạnh dù quanh năm xa nhà theo công trình vẫn gửi hết tiền lương tháng về cho vợ sau khi trừ đi những bữa cơm tập thể. Có thêm tiền chồng gửi về, bà Bích mua cặp heo nái, xây ô chuồng nhỏ để tính chuyện cho 3 đứa con bước vào đại học.
Năm 2012, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Hạnh rộn rã niềm vui khi con trai đầu Tiến Hoàng vào đại học. Đến năm rồi thì 2 đứa con sinh đôi Hoàng Mai và Hoàng Long của họ lại khăn gói rời nhà vào đại học.
Ông Hạnh bày tỏ, niềm vui các con vào đại học chưa kịp mừng thì ông bị đơn vị cho tạm nghỉ không lương chờ giải quyết chế độ. Nằm nhà được dăm bữa thì ông ra ngoài xin làm công nhân cơ khí. Làm được hơn tuần lễ thì ông chẳng may bị tai nạn lao động. Vì vậy, vợ chồng ông phải vay mượn khắp nơi để cho 3 con không bị đứt quãng chuyện học hành.
* Niềm tin tương lai
Ông Hạnh bị tai nạn, bà Bích phải bán bớt một con heo nái để tiếp sức cho các con đến trường. Thương vợ, ông Hạnh vẫn mang cái tay bị thương theo vợ ra vườn nhổ từng bụi cỏ, vun hàng bắp, gốc mì, luống đậu để chúng nhanh lớn làm thức ăn cho đàn gà, chục con heo tơ. Đàn gà, chục con heo là nguồn thu nhập để vợ chồng ông chu cấp hàng tháng cho các con ăn học. “Vợ chồng tôi rau, mắm qua bữa cũng không sao, chỉ thương các con ăn không đủ no đến lớp, lại phải đi làm thêm kiếm tiền. Nhà chỉ có chiếc xe máy duy nhất, chúng nó không dám mang theo vì sợ tốn xăng, phần thương cha mẹ không có phương tiện đi lại” - ông Hạnh nói.
Ở cái xóm công nhân Công ty lắp máy 45-1 thủy điện Trị An (xã Hiếu Liêm), nhiều người thợ đã sớm tạo được rẫy rộng, xây nhà to, có cuộc sống khá giả. Trong khi đó, vợ chồng ông Hạnh vẫn căn nhà tập thể cũ kỹ làm tổ ấm. Tuy vậy, vợ chồng ông vẫn có thứ mà nhiều người không có.
Chiều đến, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hạnh ngồi bàn tính chuyện bán mấy chục con gà, vay nợ bao nhiêu để có tiền gửi cho con ăn học. |
Bà Bích kể, khi các con còn nhỏ, chồng đi làm công trình xa, ngoài giờ học, các con của bà đã biết gánh vác việc nhà, chăm vườn để mẹ đi làm thuê cho người dân trong vùng. Hàng xóm thấy các con bà ngoan ngoãn, học giỏi nên ai cũng khen. Nhờ vậy, vợ chồng bà bớt tủi thân, gắng sức làm vì con, lo cho các con ăn học.
Chiếc xe máy duy nhất của gia đình, lâu nay được vợ chồng ông Nguyễn Văn Hạnh trùm mền bảo quản cẩn thận. Ông Hạnh cho hay, chiếc xe đó vợ chồng ông dành dụm tiền mua để chở các con đến lớp hồi các con còn học THPT. Ngày vào đại học, các con để xe lại cho vợ chồng ông đi lại, chứ không mang theo. “Nhờ các con sống tằn tiện, kiếm việc làm thêm mà vợ chồng tôi đủ sức lo cùng lúc cho 3 đứa vào đại học khi nhà chỉ có 3 sào đất, con heo nái và đàn gà thả vườn” - ông Hạnh bộc bạch. |
Ngày Tiến Hoàng đậu đại học, được địa phương tặng giấy khen gia đình hiếu học, vợ chồng bà Bích định làm thịt mấy con gà đãi khách. Nhưng khi nghe chuyện, con trai bà ngăn cản: “Cha mẹ cần phải để dành thịt gà cho 2 em ở nhà đang học THPT”. Hoàng lý lẽ với cha mẹ rằng: “Nếu cha mẹ tập trung lo cho con học đại học thì 2 em sẽ không còn phần khi bước vào đại học như anh. Do đó, cha mẹ chỉ cần gửi tiền cho con ít thôi, vì con vẫn có thể tranh thủ theo bạn bè đi làm thêm để giảm bớt phần nào gánh nặng chi phí học tập”.
Nghe con trai tâm sự và làm đúng những gì đã hứa với mình, vợ chồng ông Hạnh lòng vui mà nước mắt chảy dài. Để có tiền đóng học phí cho con trai, vợ chồng ông phải tiện tặn từng bữa ăn, những khoản chi tiêu cho mình và để dành đàn gà, bầy heo bán khi con cần tiền.
Vắng các con, vợ chồng ông Hạnh tối ngày lủi thủi trong vườn, xới những vạt đất sỏi trong vườn để cố cho cây bắp, đậu, mì xanh tốt, kịp cho thu hoạch để nuôi đàn gà, bầy heo, rồi bán lấy tiền gửi cho các con làm lộ phí đi đường, trọ học. Đất cằn như hiểu lòng vợ chồng ông Hạnh, những luống mì, đậu, bắp của gia đình ông lúc nào cũng xanh tươi, to củ. Riêng đàn gà, bầy heo thì vẫn chóng lớn, đều đều tăng ký.
Ông Hạnh nhìn mưa, tâm sự ông mong cho bàn tay phải mau khỏe để ra thị thành tìm việc làm thuê phụ vợ; đơn vị của ông cũng mau giải quyết chế độ hưu trí cho ông, để ông sớm có tiền xoay xở nợ nần, chu cấp hàng tháng cho 3 con ăn học xa nhà. Hiện tại, các con là niềm tin, là sự bù đắp cho số phận kém may mắn của vợ chồng ông.
“Vài năm nữa, khi các cháu ra trường, có việc làm thì vợ chồng chú thím sẽ khá giả, sẽ nở mày nở mặt với mọi người thôi” - lời động viên của ông Vũ Trường Lộc (Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi ấp 2, xã Hiếu Liêm) như đưa vợ chồng ông Hạnh vào khát vọng tương lai giữa cơn mưa rừng Hiếu Liêm nặng hạt.
Đoàn Phú