Báo Đồng Nai điện tử
En

Tình yêu thiên nhiên

01:10, 24/10/2015

Tập trung quanh gốc bonsai đã được tạo dáng công phu, những người chơi cây cảnh nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp sôi nổi bàn luận về cách chăm sóc, tạo dáng cho cây....

Tập trung quanh gốc bonsai đã được tạo dáng công phu, những người chơi cây cảnh nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp sôi nổi bàn luận về cách chăm sóc, tạo dáng cho cây. Với họ, những thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Nghệ thuật Sinh vật cảnh Đồng Nai, thì chủ đề về những gốc cây uốn lượn, được chăm sóc tỉ mỉ chưa bao giờ cũ...

Người chơi sinh vật cảnh tham quan những chậu cây cảnh trong triển lãm sinh vật cảnh.
Người chơi sinh vật cảnh tham quan những chậu cây cảnh trong triển lãm sinh vật cảnh.

Trầm tư bên gốc cây đỗ quyên nhỏ được tạo dáng hình con công sống động, anh Nguyễn Việt Hưng, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nghệ thuật sinh vật cảnh (SVC) Đồng Nai không rời mắt trước những đường cong được nghệ nhân tạo hình một cách tỉ mỉ. Chơi cây cảnh được hơn 10 năm nay, anh Hưng cho hay, muốn tạo ra những gốc cây thế này, ngoài sự kiên trì, óc sáng tạo, nghệ nhân còn phải có kiến thức sâu rộng về các loại cây thường dùng để tạo hình.

* Tuổi trẻ và thú chơi của “người già”

Mới đây nhất là vào ngày 10-10-2015, CLB Nghệ thuật SVC Đồng Nai đã làm Lễ ra mắt cộng đồng SVC để thu hút sự tham gia của nhiều nghệ nhân trẻ tuổi và mở rộng thêm các hoạt động giao lưu trong cộng đồng SVC của tỉnh.

“Nhiều người cho rằng, thú chơi sinh vật cảnh, nhất là cây cảnh, thường người lớn tuổi có thời gian rảnh rỗi mới chơi được. Nhưng thực tế, trong CLB nghệ thuật sinh vật cảnh Đồng Nai lại tập trung một bộ phận rất đông người trẻ, độ tuổi trung bình 30 tham gia. Những người trẻ thường đem lại một góc nhìn mới, một phong cách mới và nhất là một cách thể hiện mới đối với sinh vật cảnh. Các hình thế cây cảnh được tạo dáng táo bạo hơn, ấn tượng hơn, một số loài cá, chim được chăm sóc khoa học hơn trong điều kiện nuôi nhốt tốt hơn. Người lớn tuổi chúng tôi chỉ đóng vai trò góp ý, động viên tinh thần và hướng dẫn thế hệ trẻ nối gót theo sau mà thôi” - Phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Đồng Nai Phạm Viết Đệ cho biết.

Lễ ra mắt CLB Nghệ thuật sinh vật cảnh Đồng Nai vừa qua đã quy tụ trên dưới khoảng 300 người chơi đến từ các địa phương trong tỉnh. Mỗi người đem đến một phong cách, lối chơi riêng đã góp phần làm phong phú các hoạt động của CLB. Ông Phạm Viết Đệ, Phó chủ tịch Hội sinh vật cảnh Đồng Nai nhấn mạnh, CLB là điểm đến để những người trẻ mới bắt đầu chơi có thể tự tin tham gia và tiếp thu kiến thức từ các đàn anh đi trước...

Ở độ tuổi trên dưới 30, thế hệ trẻ của CLB nghệ thuật sinh vật cảnh Đồng Nai là những người có công việc gắn với sự phát triển chóng mặt của xã hội nên họ sớm học hỏi và thích nghi được với cái mới, lạ của cách chơi sinh vật cảnh các vùng miền, đất nước khác. Có người đi công tác ở nước ngoài đã tìm đến các hội nhóm, hoặc triển lãm sinh vật cảnh tại nơi đó để nghiên cứu, học hỏi những kiến thức mới, lạ rồi về truyền đạt lại cho bạn bè cùng biết.

“Tôi may mắn được đi một số quốc gia và thấy cách chơi sinh vật cảnh ở mỗi nước phát triển theo một cách khác nhau, nhưng vẫn tập trung vào cách tạo hình cây cảnh theo xu hướng được ưa chuộng nhất, hay tìm những giống vật độc đáo, lạ mắt để chăm sóc. Không như nhiều người cho rằng, chỉ có “đại gia”, người giàu mới chơi được sinh vật cảnh, chúng tôi chơi sinh vật cảnh như một môn nghệ thuật, hướng tới cái đẹp, giúp thoải mái tinh thần…. Mà nghệ thuật thì đâu phải cứ có tiền là theo được. Giá cả của các tác phẩm sinh vật cảnh cũng vậy, được định giá dựa trên cảm quan của người chơi đối với khách mua. Nếu thấy thích phong cách người mua thì chúng tôi sẵn sàng tặng không một gốc cây trị giá vài triệu đồng cho người đó, còn khi đã không thích rồi thì có chồng bao nhiêu tiền cũng không bán” - anh Nguyễn Việt Hưng tâm sự.

* Thú chơi đậm chất nghệ thuật

Đã qua rồi thời sinh vật cảnh chỉ tập trung vào những cây cảnh, sinh vật nội địa quen thuộc với cách tạo hình, chăm sóc đi vào lối mòn. Hiện nay, một bộ phận không nhỏ người chơi sinh vật cảnh tìm đến những giống cây, con thú lạ, có hình dáng độc đáo được nhập từ nước ngoài với cách chăm sóc đặc biệt. Dĩ nhiên, giá của những loại sinh vật cảnh này nằm ở “trên trời” mà không phải bất kỳ người chơi nào cũng đủ can đảm “rớ” tay vào.

Chim công lông trắng, vịt uyên ương, cá rồng… với giá một con trưởng thành không dưới 10 triệu đồng là những sinh vật lạ với người bình thường, nhưng đã rất quen thuộc với giới chơi sinh vật cảnh từ nhiều năm nay. Người chơi ít tiền, hoặc không thích các giống ngoại thường tìm đến các giống sinh vật cảnh nội địa với cách chăm sóc dễ hơn và giá “mềm” hơn.

Anh Trần Xuân Thức (phải) tâm đắc về cây bonsai yêu thích của mình.
Anh Trần Xuân Thức (phải) tâm đắc về cây bonsai yêu thích của mình.

“Thú chơi SVC cốt yếu là đem lại sự thỏa mãn cho tâm hồn, kiếm được bạn bè tri kỷ để cùng bàn luận những giá trị nghệ thuật, chứ không phải đem so xem ai mua được sản phẩm đắt hơn. Vậy nên phải có kiến thức, có thời gian tích lũy và nhất là phải định hình bản thân theo một cách chơi cụ thể thì mới được gọi là người chơi sinh vật cảnh đúng nghĩa – Anh Trần Xuân Thức, Chủ nhiệm CLB Nghệ thuật SVC Đồng Nai cho hay.

Hiện nay, ở Đồng Nai đã có Tỉnh hội SVC và đã tập hợp được các CLB, cùng một số Huyện hội, nhưng vẫn còn nhiều giới hạn về tổ chức lẫn chuyên môn. Các tài liệu về chăm sóc sinh vật cảnh vẫn còn rất ít, phần lớn là người đi trước truyền đạt lại kinh nghiệm cho người đi sau, hoặc người chơi tự tìm đọc các sách về chăm sóc bonsai với cách tạo hình truyền thống. Nhiều người chơi sinh vật cảnh cho biết, đôi lúc ngay cả chậu cây, lồng chim, hồ cá cũng phải được tạo hình đặc biệt thì mới tôn lên được vẻ đẹp của sinh vật cảnh nuôi, trồng trong đó. Điều này đòi hỏi sự khéo tay, óc sáng tạo của người chơi và đặc biệt, tất cả tùy thuộc vào sự sáng tạo của mỗi người.

“Người chơi có thể mua một cái bình gốm có họa tiết cầu kỳ ở bất cứ cửa hàng gốm sứ nào rồi đem về nhà mày mò nghiên cứu với đủ thứ lưỡi cưa tay, máy mài… để tạo một nét độc đáo cho chiếc bình. Có thể là đục lỗ, cắt theo hoa văn, hoặc từ đó tạo các tiểu cảnh mang dáng dấp “động thần tiên” để phối hợp hài hòa với cây trồng trong đó. Nói chung là tùy theo sở thích và tay nghề mà mỗi người có thể tha hồ tạo ra kiểu dáng bắt mắt. Đôi lúc, một cái cây được đặt vào cái chậu được tạo dáng thích hợp thì sẽ trở nên cực kỳ ấn tượng, nhưng được đặt vào chậu khác thì nhìn rất bình thường. Vì vậy, người chơi sinh vật cảnh còn phải biết một chút kiến thức về gốm để tự tạo nên những tác phẩm tâm đắc” - anh Nguyễn Trung Thịnh, Phó chủ nhiệm CLB Nghệ thuật sinh vật cảnh Đồng Nai cho biết.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều