Là một trong những địa phương kinh tế thuần nông, đời sống nhiều người dân ở xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) trước đây còn khá nghèo. Nhưng nhiều năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương các cấp, sở, ngành…, cuộc sống của người dân dần được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm.
Là một trong những địa phương kinh tế thuần nông, đời sống nhiều người dân ở xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) trước đây còn khá nghèo. Nhưng nhiều năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương các cấp, sở, ngành…, cuộc sống của người dân dần được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm.
Nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ của ấp 5, xã Sông Ray là căn nhà xây còn thơm mùi sơn mới. Chừng 4 tháng trước, đây là túp lều tuềnh toàng của gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt, một hộ thuộc dạng cực kỳ khó khăn của xã. Thấy khách hỏi thăm, chị Nguyệt chia sẻ: “Đời sống mẹ con tôi giờ đỡ hơn trước nhiều rồi. Trước đây, gia đình chúng tôi vừa không đủ ăn, vừa bị cảnh nhà dột trước nát sau, khổ đủ điều”.
* Ngôi nhà mơ ước
18 năm trước, chị Nguyệt cũng tham gia công tác Đoàn ở địa phương sôi nổi lắm. Vì miếng cơm manh áo, chị phải đến TP.Biên Hòa làm ăn. Tại đây, chị quen và kết hôn với người cùng cảnh ngộ như mình. Nhưng hạnh phúc ấy ngắn ngủi chỉ hơn chục năm thì chồng chị mất. Quá đau đớn, chị đưa 2 con nhỏ về nhà mẹ ruột ở xã Sông Ray để dựng căn chòi nhỏ làm chốn nương thân.
Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã Sông Ray thăm hỏi một gia đình được nhận nhà tình thương ở ấp 2, xã Sông Ray. |
Để tồn tại qua ngày, chị không từ nan công việc nặng nhọc, vất vả nào, chỉ mong cho 2 con được no ấm. Một lần đổ bệnh nặng, chị phải nhập viện và phát hiện mình bị ung thư máu. “Lúc đó, tôi thấy cuộc sống bế tắc lắm, muốn chết luôn cho xong, nhưng nghĩ đến 2 con nhỏ lại thắt cả ruột gan. Nhiều đêm trời mưa nhà dột, mẹ con tôi quấn áo mưa nằm ngủ mà nước mắt tôi cứ rơi lã chã vì thấy số mình khổ quá”.
Nhớ đến chuyện xưa, mắt chị rưng rưng, phải định thần ít phút chị mới có thể tiếp lời được. Chị cho biết: “Thấy tôi khổ quá, cán bộ xã đến thăm và tặng quà, hỗ trợ tiền, rồi còn vận động mạnh thường quân khắp nơi để xây tặng mẹ con tôi căn nhà. Mấy mẹ con tôi mừng quá, ngày khánh thành nhà vui thật vui mà sao nước mắt cứ trào ra mãi. Mấy chục năm trời sống trong căn chòi rách nát, mưa đến là lo, giờ mới biết đến cảm giác có “nhà” là như thế nào. Có nhà lại có chút tiền để lo cho con cái nên tôi cũng thấy yên tâm phần nào”.
Từ đầu năm 2015 đến nay, UBND xã Sông Ray đã vận động, xây dựng được 12 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ chính sách khó khăn của xã. Bên cạnh đó, UBND xã Sông Ray đã liên kết với các bệnh viện tại TP.Hồ Chí Minh tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo tại địa phương. |
Cách nhà chị Nguyệt không xa là căn nhà lá của gia đình ông Hồ Lỷ Pẩu. Theo lời ông Pẩu, ông chắp vá tạm bợ được căn nhà này hơn 10 năm trước, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Do kinh tế quá khó khăn, ông Pẩu không có điều kiện làm nhà mới. Mới đây, khi chính quyền địa phương vận động các mạnh thường quân xây tặng ông căn nhà trị giá 40 triệu đồng, ông rất xúc động.
Ông Pẩu tâm sự: “Hồi trước mỗi lần trời mưa gió, cả nhà tôi phải lấy thau hứng nước vì nhà dột nát hết rồi. May nhờ địa phương quan tâm và hỗ trợ xây tặng căn nhà tình thương này, cả nhà tôi ai cũng mừng, vì niềm mơ ước bấy lâu nay giờ đã thành hiện thực”. Những trường hợp khó khăn như chị Nguyệt, ông Pẩu… không phải là số ít. Vì vậy, chính quyền địa phương luôn tìm mọi cách hỗ trợ để có thể giúp họ có cuộc sống tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND xã Sông Ray, cho biết: “Người dân có an cư thì mới lạc nghiệp, nên đối với những trường hợp khó khăn về nhà ở, xã sẽ tìm mọi cách để vận động các mạnh thường quân xa, gần giúp đỡ. Phải có nhà, và nhà đó phải sạch đẹp, thoáng mát thì người dân mới có thể yên tâm sinh sống, làm việc”.
* Nỗ lực tìm nguồn hỗ trợ
Theo lời ông Nguyễn Văn Hạnh, khoảng 3 năm trước, xã Sông Ray có 250 hộ nghèo, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 100 hộ. Hiện địa phương đang cố gắng xóa tỷ lệ hộ nghèo, nhưng do diện tích quản lý rộng, dân cư tập trung không đồng đều và việc giúp đỡ các hộ dân nghèo còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, như: nguồn hỗ trợ của các mạnh thường quân, ngân sách, nên việc chăm lo cho các hộ nghèo, hộ chính sách còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Hạnh tâm sự, việc đi lại vận động các mạnh thường quân khá khó khăn, bởi phần lớn họ sống ở các tỉnh, thành khác. Ngoài ra, do địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số nhiều, việc lựa chọn các hộ gia đình được ưu tiên hỗ trợ cũng phải cân nhắc rất thận trọng để đảm bảo công bằng, minh bạch, nên công tác phân chia nguồn vốn hỗ trợ cũng phải thực hiện hợp lý, được nhân dân đồng thuận, tránh tạo sự phân bì trong cộng đồng.
Ông Hồ Lỷ Pẩu (trái) được cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Sông Ray hướng dẫn ký nhận quyết định xây tặng nhà tình thương. |
“Mỗi năm, chúng tôi vận động sự đóng góp của rất nhiều mạnh thường quân. Ngoài các doanh nghiệp “quen mặt” với công tác từ thiện, chúng tôi còn tìm đến các cơ sở tôn giáo, các hội nhóm hoạt động xã hội lành mạnh. Nhưng không phải đơn vị nào cũng có khả năng hỗ trợ, có đơn vị đã hứa giúp một khoản kinh phí xây dựng nhà tình thương, nhưng sau đó lại báo không còn tiền. Tuy vậy, vẫn có những tập thể, cá nhân ủng hộ tiền bạc, vật chất giúp chúng tôi xây dựng 2-3 căn nhà cho các hộ nghèo trong nhiều năm liên tục” - ông Hạnh bộc bạch.
Trung bình mỗi năm, địa phương vận động được trên 1 tỷ đồng để giúp đỡ, tặng quà và xây tặng trên 10 căn nhà tình thương cho các hộ còn khó khăn trong xã. Với quyết tâm giảm bớt hộ nghèo, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp để giúp đỡ người nghèo, như: thường xuyên mở các lớp khuyến nông, dạy nghề miễn phí cho người dân nghèo... Đối với các hộ chính sách, hộ thuộc diện nghèo, xã đều lên danh sách để theo dõi đời sống kinh tế để kịp thời có cách hỗ trợ.
“Quan tâm đến các đối tượng chính sách, hộ nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác, là việc chúng tôi thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, dù có cố gắng đến mấy chúng tôi cũng không thể kham hết nếu như không có sự cố gắng, nỗ lực vươn lên từ chính các hộ dân đó. Nguồn vốn sản xuất, ngôi nhà tình thương sẽ trở nên vô nghĩa nếu như những hộ nghèo chỉ mong chờ vào sự giúp đỡ của người khác. Chúng tôi luôn nhắc nhở trước khi trao vốn hoặc tặng nhà, rằng đây chỉ là “cần câu” mà địa phương hỗ trợ để tạo bước đệm thoát nghèo, chứ không phải “con cá” để họ có thể chờ đợi sự giúp đỡ liên tục” - ông Hạnh nhấn mạnh.
Đăng Tùng