Bỏ lại sau lưng nhà cửa, ruộng vườn ở quê, nhiều người đã đến Đồng Nai lập nghiệp và đưa gia đình đến vùng đất này định cư. Với nhiều người, vùng đất Đồng Nai là nơi đem lại cho họ một cuộc sống mới, một hy vọng đổi đời.
Bỏ lại sau lưng nhà cửa, ruộng vườn ở quê, nhiều người đã đến Đồng Nai lập nghiệp và đưa gia đình đến vùng đất này định cư. Với nhiều người, vùng đất Đồng Nai là nơi đem lại cho họ một cuộc sống mới, một hy vọng đổi đời.
Chị Lưu Thị Trầm cùng con ôn bài ở nhà trọ. |
Lăn từng đường keo dán lên tường, rồi ướm thử tấm giấy dán tường trước khi bắt tay vào công việc chính thức, ông Trần Đăng (quê huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, ngụ TP.Biên Hòa) cẩn thận kiểm tra từng hoa văn trên giấy xem có khớp với mảnh giấy đã dán trước đó không. Ở tuổi 56, ông Đăng theo chân các con trai vào miền Nam sinh sống và phụ giúp các con kinh doanh giấy dán tường.
* Gian nan nơi xứ người
Ông Đăng tâm sự, gia đình ông ở quê chủ yếu làm nông, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Hơn 10 năm trước, lần lượt các con của ông đã vào TP.Hồ Chí Minh tìm đường làm ăn để thay đổi cuộc sống. “Ở quê làm nông, quanh năm suốt tháng chẳng mấy khi đi khỏi huyện. Khi các con đòi vào Nam lập nghiệp, tôi cũng động viên và khuyến khích các cháu ráng học được cái nghề thật vững để mưu sinh. May sao, anh em chúng nó tìm học được nghề dán giấy tường, trang trí nhà cửa, rồi từ TP.Hồ Chí Minh các con tôi đến TP.Biên Hòa để mở tiệm. Tôi mới vào miền Nam được một thời gian ngắn thôi, vừa để phụ giúp các con vừa quây quần bên các con” - ông Đăng cho hay.
Anh Trần Huy (con trai ông Đăng) cho biết, anh rời quê vào miền Nam lập nghiệp đã gần 10 năm nay. Thời gian đầu, anh gặp nhiều khó khăn; sự khác biệt về lối sống khiến anh bắt nhịp với cuộc sống, công việc khá chậm. Nhưng sau một thời gian cố gắng và được sự giúp đỡ của đồng hương, anh Huy đã tìm được công việc thích hợp với khả năng của bản thân là kinh doanh giấy dán tường.
Nhiều người đến Đồng Nai lập nghiệp, sau khi cuộc sống ổn định đã chọn nơi này làm chốn định cư và đưa gia đình từ quê vào quần tụ. Bên cạnh việc góp phần làm đa dạng văn hóa địa phương, nhiều người trong số họ đã xây dựng tên tuổi và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất Đồng Nai này. |
Anh Huy tâm sự, một mình vượt cả ngàn cây số vào Nam lập nghiệp là điều rất khó khăn với mỗi người, nhất là khi anh không có nghề “lận lưng”. Đến khi tìm được việc làm phù hợp, cũng phải mất hơn 3 tháng anh mới có thể nắm bắt được quy trình làm việc khi một mình thực hiện dịch vụ tại các công trình của khách hàng. Với tính cần cù, chịu khó, anh Huy nhanh chóng tích lũy được kinh nghiệm và một số vốn để cùng anh em trong nhà mở 2 cửa tiệm cung cấp giấy dán tường và màn cửa ở TP.Biên Hòa.
“Môi trường làm việc ở các thành phố lớn phía Nam khác xa với những gì tôi tưởng tượng lúc mới từ quê vào, nên khoảng thời gian đầu tôi bị “ngợp”. Nhờ cố gắng thích nghi với hoàn cảnh mới và nhận được sự động viên từ phía gia đình, tôi đã cố bám trụ ở vùng đất này. Khí hậu trong Nam nắng ấm quanh năm nên tôi cũng không lo mắc các bệnh liên quan đến thời tiết. Khi nào anh em chúng tôi dành dụm tiền mua được nhà thì sẽ đón những người còn lại trong gia đình vào TP.Biên Hòa định cư luôn” - anh Huy bộc bạch.
* Ấm lòng người xa quê
Khi chọn bước đường xa nhà lập nghiệp, ngoài vốn làm ăn và sự thích nghi với phong tục tập quán ở địa phương mới đến, điều làm chùn bước nhiều người nhất chính là sự cô đơn khi phải xa gia đình. Để khắc phục tình trạng này, nhiều người cùng quê hoặc có sự quen biết nhau từ trước đã tìm cách liên lạc, gắn kết với nhau tạo thành một cộng đồng nhỏ để cùng nhau chia sẻ, vượt qua khó khăn.
Chị Lưu Thị Trầm (người dân tộc Chăm, quê tỉnh Ninh Thuận, tạm trú xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cho biết, khi vào Đồng Nai làm công nhân, nhờ có những người bạn cùng xóm đi trước nên chị đã tìm đến và quây quần ở cùng xóm trọ với họ. Hiện nay, sau 10 năm xa nhà tìm cuộc sống mới, chị đã có một gia đình nhỏ đầy ắp tiếng cười của 2 con.
Chị Trầm chia sẻ, khu nhà trọ chị đang thuê có nhiều người Chăm nên lối sống và văn hóa giống nhau, dễ đồng cảm và đùm bọc nhau khi gặp khó khăn. Nhờ đó, nếp sống ở quê nhà không bị mất đi, mà còn được truyền lại khi các thế hệ lớn, nhỏ cùng sống tại các khu nhà trọ. “Hàng tháng, chị em chúng tôi lại tụ tập để ôn lại các điệu múa của dân tộc Chăm. Ngày thường thì ngoài giờ làm, con đi học, một số gia đình còn tranh thủ dạy cho con tiếng nói của dân tộc mình. Ở quê, chỉ quanh quẩn làm nông hoặc làm mướn, thu nhập kém nên đầu óc không thoải mái được. Một số người học không hết THPT vào các thành phố lớn làm công nhân còn có thu nhập đều hơn ở quê. Dù không đủ tiền mua nhà, đất định cư, nhưng nếu cố gắng tích cóp, chúng tôi cũng đủ khả năng lo cho con ăn học đến nơi đến chốn, gửi gắm tất cả hy vọng vào thế hệ con cháu vậy” - chị Trầm trút bầu tâm sự.
Bà Ngô Thị Sáu xem lại sổ sách thu chi tại nhà. |
Ngoài những cộng đồng nhỏ sống gần nhau, những người xa quê lập nghiệp còn tập hợp những hội đồng hương, thường xuyên có những hoạt động gặp gỡ, giúp đỡ, thắt chặt tình đoàn kết giữa những người xa quê.
Bà Ngô Thị Sáu (ngụ xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) cho hay, vào những dịp lễ, tết, bà thường cùng chồng gặp gỡ những người bạn đồng hương cùng vào miền Nam sinh sống. Ở tuổi 60, với gần 20 năm xa Hà Nội vào định cư tại vùng đất Đồng Nai này, bà vẫn luôn hướng về quê nhà với những tình cảm chân thành nhất.
Ông Trần Đăng phụ con trai dán giấy lên tường. |
“Vợ chồng tôi sống cùng con cháu ở đây, nhưng vẫn giữ một số nếp sống, sinh hoạt như ở quê và thường xuyên duy trì mối liên lạc với bà con ngoài Bắc. Vào miền Nam sinh sống đã lâu, có thời gian công tác tại địa phương, rồi làm trưởng ấp nên tôi được người dân nơi đây yêu mến. Từ đó, bản thân tôi cũng hiểu được nếp sống, văn hóa ở miền Nam, dần dần tôi lại trở nên gắn bó với nơi này nhiều hơn nữa” - bà Sáu vui vẻ cho hay.
Đăng Tùng