Sau khi cai nghiện ma túy thành công và về lại cộng đồng, những tưởng xã hội sẽ dang rộng vòng tay để đón nhận những người sau cai. Nhưng sự quay lưng của cộng đồng đã vô tình đẩy họ trở lại với con đường nghiện ngập.
Sau khi cai nghiện ma túy thành công và về lại cộng đồng, những tưởng xã hội sẽ dang rộng vòng tay để đón nhận những người sau cai. Nhưng sự quay lưng của cộng đồng đã vô tình đẩy họ trở lại với con đường nghiện ngập. Vì vậy, việc phục thiện để làm lại cuộc đời và tránh xa ma túy vĩnh viễn có rất ít người nghiện làm được…
Bác sĩ tại Trung tâm Xuân Phú chuẩn bị thuốc cho học viên cắt cơn. |
“Ma túy”, chỉ là 2 từ phát âm đơn giản nhưng từ ngày sa chân vào nó, cuộc đời của chàng thanh niên 19 tuổi N.V.T. (ngụ TP.Biên Hòa) bỗng rẽ hướng đột ngột. Mất phương hướng, mất niềm tin từ bạn bè và xã hội…, anh rất hụt hẫng. Nhờ sự động viên của gia đình, T. đã quyết tâm cai nghiện.
* Sự quay lưng từ cộng đồng
Anh T. cho biết: “Lúc nhận được tin sắp được về lại với gia đình, tôi mừng lắm. Hai năm ở trung tâm cai nghiện, tôi luôn đếm lùi từng ngày để mong sớm về làm lại cuộc đời. Nói và nghĩ như vậy, nhưng cuộc đời nào như người ta mong muốn. Lúc về lại cộng đồng, ai cũng tránh né, thậm chí không ít người sợ tôi lôi kéo con cái họ vào con đường nghiện ngập nên có cách cư xử rất dè chừng” - anh T. thở dài ngao ngán nói.
Theo lời anh T., thật tâm anh rất muốn gần gũi và chia sẻ với mọi người những khúc mắc trong lòng, nhưng sự ghẻ lạnh, kỳ thị… từ mọi người cứ như gáo nước lạnh dội thẳng vào mặt anh.
Lúc đó, khi anh T. đến thăm nhà bà con, họ thậm chí không muốn tiếp chuyện. Anh làm gì, đi đâu… cũng bị mọi người nhòm ngó, bàn tán… Dù rất buồn, nhưng T. chỉ giữ trong lòng. Vì anh nghĩ rằng, nếu bản thân có công việc ổn định, làm ăn chính đáng… thì mọi người sẽ dần thay đổi thái độ, cách suy nghĩ về mình. “Thời điểm đó tôi rất sợ rảnh rỗi nên lao vào tìm việc, cứ muốn mình bận bịu để khỏi suy nghĩ lung tung, phiền lòng. Nhưng lúc nộp hồ sơ xin việc, nghe kể về quá khứ của tôi, người ta liền từ chối” - anh T. tâm sự.
Không có việc làm nên T. thường quanh quẩn ở nhà. Rỗi việc nên ai kêu gì anh làm nấy, thu nhập vì vậy cũng bấp bênh. Biết rõ hoàn cảnh của anh T., nhóm bạn cũ liền nối lại liên lạc.
Anh T. cho biết, họ gọi điện rủ rê anh đi chơi suốt ngày. Mấy lần đầu anh từ chối, nhưng nhiều lúc vì quá buồn chán nên anh lại đi với họ. Chỉ sau một lần gặp lại nhóm người ấy, anh đã tái nghiện.
Tương tự anh T., anh L.N.H. (ngụ TP.Biên Hòa) cũng vấp phải sự kỳ thị của xã hội sau khi cai nghiện về lại cộng đồng. Theo lời anh H., trước khi dính vào ma túy, anh là sinh viên năm nhất của một trường đại học ở TP.Hồ Chí Minh. Nhà có điều kiện nên cha mẹ mua hẳn cho anh một căn hộ chung cư ở TP.Hồ Chí Minh để thuận tiện cho việc học hành. Sống xa nhà, thiếu sự giám sát của gia đình và sẵn nhiều tiền trong tay, thay vì đi học, anh lại tập tành ăn chơi. “Lúc đó, cái gì đối với tôi cũng mới mẻ, lạ lẫm nên tôi thích lắm, xài tiền không tiếc. Nhập học chừng 3 tháng, tôi đã cặp bồ với một cô nàng rất xinh xắn” - anh H. kể lại.
Vì yêu nên cô gái ấy muốn gì H. cũng chiều. Chính điều này đã đẩy anh sa vào con đường nghiện ngập, đánh mất tương lai, sức khỏe… Anh H. tâm sự: “Trong một lần đi chơi, cô ấy cho tôi dùng thử ma túy. Biết nguy hiểm, nhưng vì bạn gái và vì ham vui nên tôi đã không từ chối”.
H. nghiện ma túy được vài tháng thì gia đình phát hiện và đưa anh đi cai. Sau khi cai nghiện về, anh thèm được đi học, nhưng do nghỉ học quá nhiều nên anh không theo kịp kiến thức với bạn bè. Mặt khác, sự “tế nhị” của mọi người dành cho anh như một vết dao cứa vào lòng. Buồn, mặc cảm…, anh lại sa vào ma túy.
* Mơ ước phục thiện
Th.S. Lê Minh Công, Phó trưởng Khoa Tâm lý Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh), cho biết trên thực tế có rất nhiều trường hợp rất muốn hòa nhập cộng đồng sau khi cai nghiện, nhưng chính sự ghẻ lạnh của xã hội và trên hết là không được tạo điều kiện về việc làm nên họ mới tái nghiện. Th.S. Công nhấn mạnh, nếu xã hội xóa bỏ được kỳ thị, đối xử thân thiện và tạo điều kiện giúp người sau cai nghiện về một số mặt thì tâm lý họ sẽ ổn định, tỷ lệ tái nghiện vì vậy cũng sẽ giảm.
Chúng tôi đem câu chuyện này trao đổi với những người đã, đang cai nghiện thì gần như 100% người trong số được hỏi đều bày tỏ mong muốn có một nơi chịu nhận họ làm việc, giúp đỡ, quan tâm… họ. Như vậy, họ sẽ quyết tâm hơn rất nhiều trong cuộc chiến đoạt tuyệt với ma túy.
Khám bệnh thường kỳ cho học viên cai nghiện tại Trung tâm Xuân Phú. |
Anh L.N.H. cho biết: “Trên lý thuyết, sau khi cai nghiện về, địa phương sẽ quản lý, giới thiệu cho chúng tôi những nơi thích hợp để làm việc. Nhưng khi vào làm việc, mọi người lại nghi ngại chúng tôi; đi đâu, làm gì họ cũng giám sát. Chúng tôi khó lòng báo với địa phương điều đó, vì những chuyện như vậy họ không quản được”.
Anh H. cũng chia sẻ, anh có đâu muốn tái nghiện, chỉ có điều “nhàn cư vi bất thiện” nên mới ra cớ sự như vậy. Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý, nhưng anh vẫn không khỏi bàng hoàng khi nghe báo tin mình dương tính với HIV.
Ông Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế, cho rằng: “Cộng đồng nên tạo điều kiện và giúp đỡ những người sau cai nghiện để họ làm lại cuộc đời. Vì trên thực tế, nếu những nhóm đối tượng nào sống tốt, sống có ích… thì tỷ lệ tội phạm, tệ nạn xã hội sẽ giảm. Mặt khác, việc quan tâm tạo điều kiện cho họ về vật chất, tinh thần cũng thể hiện được sự chia sẻ giữa người với người trong cộng đồng, để từ đó mọi người sẽ gắn kết với nhau và cùng nhau xây dựng một xã hội lành mạnh, tốt đẹp hơn”. |
Anh H. tâm sự, hiện giờ anh chỉ cố gắng giữ sức khỏe ổn định để tiếp xúc, khuyên nhủ những người có hoàn cảnh giống anh đừng buông thả. Chính vòng tròn luẩn quẩn nghiện - tái nghiện đã đẩy anh như thế này. Nhưng nếu quyết tâm đến cùng, có lẽ anh đã không có kết cục như bây giờ.
Ông Nguyễn Chí Vị (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) cho hay, ông đã có gần 30 năm nghiện ma túy, nhưng nhờ sự động viên từ gia đình và sự quyết tâm của bản thân, ông đã vượt qua sự cám dỗ của ma túy suốt 20 năm nay, dù không đi cai nghiện tại trung tâm nào.
Ông Vị chia sẻ, bà con lối xóm, cộng đồng đóng một vai trò không nhỏ trong việc giúp người nghiện từ bỏ ma túy, nhưng cái chính là quyết tâm của bản thân, của ý chí và khao khát vươn lên của người nghiện.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục, lao động xã hội Đồng Nai (Trung tâm Xuân Phú, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc), cho biết: “Phần lớn những người tái nghiện đều không có việc làm, dễ bị lôi kéo sử dụng ma túy trở lại sau khi cai nghiện về lại cộng đồng. Đã có rất nhiều trường hợp cai nghiện 3-4 lần mà vẫn không dứt ra khỏi ma túy được”.
Trong quá trình cai nghiện tại Trung tâm Xuân Phú, các học viên cai nghiện đều được học nghề, như: hàn, may mặc, điện… Tuy nhiên, sau khi về lại cộng đồng, do nhu cầu tuyển dụng đối với những người này rất thấp nên tỷ lệ người cai nghiện có việc làm ổn định rất hiếm hoi.
Anh N.V.T. bộc bạch: “Giữa mong muốn và hiện thực khác xa nhau lắm. Bởi vậy, trên 90% người sau cai tái nghiện là bình thường”.
Đăng Tùng