155 học viên đang cai nghiện ở Trung tâm Giáo dục, lao động xã hội Đồng Nai (còn gọi là Trung tâm Xuân Phú, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc), chỉ là con số rất nhỏ so với khoảng 3 ngàn người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý trong toàn tỉnh.
155 học viên đang cai nghiện ở Trung tâm Giáo dục, lao động xã hội Đồng Nai (còn gọi là Trung tâm Xuân Phú, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc), chỉ là con số rất nhỏ so với khoảng 3 ngàn người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý trong toàn tỉnh. Theo lời Ban giám đốc Trung tâm Xuân Phú, trong số 155 học viên này có rất nhiều người là “khách quen” với các cán bộ quản lý ở trung tâm vì đã nhiều lần cai nghiện mà vẫn tái nghiện sau khi trở về địa phương không bao lâu.
Học viên cai nghiện ma túy ở Trung tâm giáo dục, lao động xã hội Đồng Nai chơi thể thao sau giờ lao động. |
Hầu hết những người nghiện ma túy đều có điểm chung là do bị bạn bè lôi kéo, rủ rê “chơi” thử ma túy dẫn đến nghiện ngập, có những hành vi gây hại cho gia đình và xã hội. Ông Nguyễn Văn Hải, Phó giám đốc Trung tâm Xuân Phú, tâm sự: “Dù ở bất kỳ độ tuổi nào, đã dính vào ma túy thì khó thoát khỏi sự cám dỗ của nó và không phải chỉ bằng sự nỗ lực của bản thân người nghiện là sẽ cai nghiện được”.
* Con đường sa ngã
Nép mình sau những bức tường kiên cố của Trung tâm Xuân Phú, các học viên cai nghiện ma túy vẫn từng ngày đấu tranh với bản thân để thoát khỏi sự hành hạ của cơn nghiện và cố gắng học nghề để sau này có thể trở thành người có ích cho xã hội.
Quệt những giọt mồ hôi sau giờ lao động ở Trung tâm Xuân Phú, anh G. (ngụ TP.Biên Hòa), người đã 3 lần đi cai nghiện, cho hay anh vào trung tâm từ đầu năm 2014. Đến nay, anh vẫn không thể nào quên được con đường dẫn anh đến ma túy.
“Tháng 9-2003, lúc mới qua tuổi 18, tôi lần đầu tiên biết tới ma túy do bạn bè rủ rê dùng thử trong lúc nhậu. Khi đó, do không có việc làm, cộng với bản tính ham chơi nên tôi rất thích thú khi sử dụng ma túy. Từ hút rồi chuyển qua chích, tôi dần lấn sâu vào con đường nghiện ngập lúc nào không hay. Tiền công phụ làm đồ gỗ trong nhà không đủ mua ma túy sử dụng, tôi phải cùng bạn đi trộm cắp vặt. Dù đã nhiều lần được gia đình và chính quyền địa phương động viên đi cai nghiện, nhưng rồi mỗi lần trở về nhà là một lần nữa tôi tái nghiện. Cho đến đầu năm 2014, khi đang trốn quyết định đưa đi cai nghiện của UBND TP.Biên Hòa, tôi bị cơ quan chức năng bắt đưa về trung tâm cho đến nay” - anh G. cho hay.
Ngay cả với những người có việc làm ổn định thì sự cám dỗ của ma túy cũng là điều rất nguy hiểm. Từ việc “đốt” số tiền kiếm được bằng việc làm chân chính qua những làn khói trắng ma túy, họ dần dần phải làm những việc phạm pháp chỉ để có tiền thỏa mãn cơn nghiện.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó giám đốc Trung tâm Xuân Phú, cho hay theo những quy định mới nhất thì học viên chỉ phải học tập, lao động không quá 3 giờ mỗi ngày, nên nhiệm vụ của người quản lý công tác cai nghiện ở trung tâm trở nên nặng nề hơn. Bởi, với thời gian rảnh nhiều, nếu không tạo được công việc để học viên cai nghiện quên đi ma túy thì họ sẽ nhanh chóng tái nghiện ngay sau khi trở về địa phương. |
Thượng tá Đoàn Văn Nghĩa, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh, cho hay các loại tội phạm liên quan đến việc mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thường rất liều lĩnh, vì các đối tượng ý thức được việc mình đang làm là phạm pháp. Những đối tượng nghiện cũng rất nguy hiểm vì những hành vi liều lĩnh, không thể đoán trước.
Khác với anh G., anh K. (ngụ TP.Biên Hòa) có công việc lái xe tải chạy đường dài ổn định. Nhưng trong lúc mệt mỏi sau những giờ chạy xe liên tục, anh đã bị bạn bè rủ rê vào con đường nghiện ngập.
Chia sẻ với chúng tôi, anh K. chỉ biết nói trong nước mắt rằng, dù đã lường trước được tác hại do ma túy đem lại, nhưng anh không ngờ lại đến mức sa chân vào ma túy đến mức phải đi cai nghiện nhiều lần. “Lúc mới chơi ma túy, tôi chỉ nghĩ chơi ma túy cho quên mệt, lấy tinh thần để lái xe thôi. Ai ngờ sa chân luôn vào con đường nghiện ngập, để rồi gần 10 năm nay không thể nào dứt ra được” - anh K. nghẹn ngào nói.
Cuộc chiến với cám dỗ
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hải cho hay: “Từ khi Nghị định 111/2013/NĐ-CP và Nghị định 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực thi hành, đã xảy ra tình trạng để lọt nhiều đối tượng nghiện bên ngoài cộng đồng. Vì theo quy định mới, những đối tượng nghiện có nơi cư trú rõ ràng sẽ được giao cho gia đình, chính quyền địa phương quản lý trong một thời gian; nếu họ tái nghiện mới đưa đi cai nghiện bắt buộc. Còn với những người nghiện sống lang thang, sẽ phải đợi tòa án cấp huyện ra quyết định thì mới có thể đưa họ đi cai nghiện bắt buộc. Chính điều này đã để xảy ra tình trạng còn nhiều đối tượng nghiện ma túy “lang thang” ngoài cộng đồng”.
Ông Hải cho biết thêm, khi học viên mới đến Trung tâm Xuân Phú cai nghiện, trong 2 tuần đầu, cán bộ trung tâm đã nhanh chóng tiến hành cắt cơn cho học viên. Đây cũng là một trong những khâu quan trọng nhất, vất vả nhất. Vì đến “cữ” dùng thuốc mà không được đáp ứng, các học viên mới bị “hành” rất lâu, nếu cán bộ không có nghiệp vụ sẽ bị học viên trong cơn thèm thuốc tấn công lại. Với một học viên có độ tuổi trung bình từ 20-30, sức khỏe bình thường, tay chân lành lặn thì phải có 3-4 cán bộ cùng nhân viên y tế giữ chặt tay chân học viên khi họ lên cơn thèm thuốc.
Học viên cai nghiện ma túy cuốc đất trồng rau ngay bên trong Trung tâm Xuân Phú. |
“Lúc lên cơn nghiện trong người tôi đau nhức lắm, ói mửa liên tục vì bị thuốc “hành”. Lúc tỉnh táo, tôi cũng có suy nghĩ ma túy là thứ hại người, cần phải tránh xa nên cũng quyết tâm cai lắm. Có điều, khi đến cơn thèm thuốc lại mất kiểm soát, phải qua thời gian cắt cơn nửa tháng tôi mới có thể dồn tâm trí để suy nghĩ đến việc cai nghiện. Sau khi cắt cơn, cảm giác thèm thuốc đôi lúc vẫn chiếm lĩnh tâm trí. Vì vậy, để dứt hẳn với ma túy là điều rất khó khăn” - anh K. bộc bạch.
Có gần 10 năm công tác tại Trung tâm Xuân Phú, anh Phạm Thanh Nhâm, cán bộ quản lý học viên cai nghiện, cho biết việc cai nghiện cho học viên gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trường hợp học viên đã nhiều lần cai nghiện lại tái nghiện. Bên cạnh đó, việc quản lý những học viên cũng có nhiều yếu tố bất ngờ. Đã nhiều lần xảy ra tình trạng học viên trong cơn thèm thuốc, không làm chủ được bản thân dẫn đến gây thương tích cho cán bộ. Hoặc có học viên đã có tiền án, với bản tính hung hăng, sẵn sàng kích động các học viên khác bỏ trốn, hoặc chủ động tấn công cán bộ của trung tâm.
“Quản lý một lớp học phổ thông có 30 học sinh đã là điều khó khăn, vậy mà ở đây chúng tôi có hàng chục người nghiện ma túy, với nhiều độ tuổi khác nhau, có người đáng tuổi cha chú mình, nên rất khó quản lý. Do vậy, chúng tôi luôn dành hết tâm huyết để những học viên chuyên tâm cai nghiện, không để xảy ra xô xát giữa các học viên” - anh Nhâm tâm sự.
Đăng Tùng