Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chế độ, chính sách phù hợp để nâng cao đời sống công nhân lao động. Tuy nhiên, so với diễn biến thường xuyên của mặt bằng giá cả sinh hoạt trên thị trường thì đời sống của người lao động vẫn còn nhiều khó khăn…
Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chế độ, chính sách phù hợp để nâng cao đời sống công nhân lao động. Tuy nhiên, so với diễn biến thường xuyên của mặt bằng giá cả sinh hoạt trên thị trường thì đời sống của người lao động vẫn còn nhiều khó khăn…
Đến các khu nhà trọ tại tổ 6, KP.8, phường Long Bình (TP.Biên Hòa), chúng tôi không khỏi chạnh lòng vì cuộc sống của đội ngũ công nhân ở đây còn nhiều khó khăn.
* Thắt lưng buộc bụng
Dãy nhà trọ của nhóm công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH gỗ Hòa Bình (phường Long Bình) có khoảng 10 phòng, mỗi phòng rộng chừng 10-14m2 nhưng thường có từ 2-4 người ở chung. Phòng nào cũng chật chội, không có tủ nên quần áo được treo lủng lẳng cùng với chăn màn, nồi, xoong, chảo..., làm cho không gian tại dãy nhà càng thêm nóng nực và bức bối.
Những phòng trọ chật chội của công nhân Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom). Ảnh: P.Liễu |
Nói về cuộc sống xa nhà, chị Nguyễn Thị Phương (quê tỉnh Kiên Giang, hiện làm công nhân Công ty TNHH gỗ Hòa Bình), cho biết chị đã ở khu nhà trọ này được 5 năm. Trước đây, chị Phương ở chung với 3 người bạn cùng quê. Giá thuê phòng là 900 ngàn đồng/tháng, 4 người chia nhau trả. Đầu năm 2015, chị Phương lập gia đình nên các bạn tách ra ở riêng, nhường phòng cho cặp vợ chồng mới cưới làm… tổ ấm. Chồng chị Phương cũng là công nhân, thu nhập của vợ chồng cộng lại khoảng 7 triệu đồng/tháng. “Sau khi làm đám cưới, chúng tôi có dè xẻn lắm cũng chỉ để dành được chút ít, dự định để sinh con. Song mấy tháng nay công ty không tăng ca nên thu nhập trong gia đình giảm đi nhiều. Trong khi vật giá đắt đỏ, tiết kiệm lắm chúng tôi mới đủ chi tiêu cho cả tháng nên ý định có con đành gác lại” - chị Phương nói trong tâm trạng buồn của đời sống công nhân lao động.
Đồng Nai hiện có hơn 880 ngàn lao động đang làm việc tại 31 khu công nghiệp và 26 cụm công nghiệp, thu hút trên 1,2 ngàn dự án của 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư với số vốn trên 22 tỷ USD. Làm việc tại các nơi này, số lao động nhập cư chiếm khoảng 60%, lao động nữ chiếm khoảng 67%… |
Với gia đình anh Phan Văn Cung, hiện làm bảo vệ ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) thì cuộc sống chật vật hơn nhiều. Vợ chồng anh cùng quê Nam Định. Sau 14 năm vào Đồng Nai sinh sống, dù đã thay đổi nhiều chỗ làm nhưng cuộc sống vẫn không khá gì hơn. Từ ngày rời quê đến giờ, gia đình anh Cung chỉ có duy nhất một lần về thăm quê lúc cha vợ bị bệnh. Anh Cung thừa nhận, do sức khỏe mình không tốt nên thu nhập chính của gia đình phải dựa vào tiền lương của vợ là chị Đinh Thị Thắm, công nhân một công ty may ở Khu công nghiệp Long Bình. Từ đầu năm đến nay, do hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn nên công ty không tăng ca, khiến thu nhập công nhân nói chung giảm. Trong khi chi phí cuộc sống lại tăng chóng mặt, khiến đầu óc vợ chồng lúc nào cũng nặng gánh lo âu. “Để có 1 triệu đồng gửi về cho mẹ già ở quê hàng tháng, gia đình tôi giờ buộc phải hạn chế các khoản chi phí, như: ăn uống, điện, nước... Lúc trước làm tăng ca ai cũng than mệt chỉ mong có ngày nghỉ, giờ lại mong có thêm việc làm để tăng thu nhập” - chị Thắm chia sẻ.
* Bữa cơm đạm bạc
Trong phòng trọ chỉ chưa đầy 10m2, tối tăm, ẩm thấp và chật chội là nơi vợ chồng chị Hoàng Thị Kim Thoa, công nhân Công ty TNHH Komet Vina (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom) và 2 con nhỏ sống đã mấy năm qua. Quê ở tận Ninh Bình, không có người thân ở gần nên mới sinh con chị Thoa đã phải tự nấu nướng, giặt giũ và làm hết việc nhà.
Sau giờ tan ca, công nhân Công ty Pouchen Việt Nam ở xã Hóa An,TP.Biên Hòa đi chợ bên lề đường. Ảnh: N.LIÊN |
Chị Thoa tâm sự: “Tôi làm ở Công ty Komet Vina đã được đủ năm, nhưng công ty chưa ký hợp đồng mới. Khi sắp sinh, tôi xin nghỉ trước một tháng nhưng lãnh đạo cho nghỉ việc luôn. Lúc đó, thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế công ty mua cho tôi chỉ có 2 tháng hết hạn, nên khi sinh con thì chồng tôi phải chạy vạy để chi trả 100% viện phí. Mọi chi tiêu giờ trông vào khoản lương gần 3 triệu đồng của chồng ở Công ty TNHH Kenda, Khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom)”. Nói tới đây, chị Thoa im lặng hồi lâu rồi mới cho biết, đứa con lớn 3 tuổi lẽ ra đi mẫu giáo, nhưng chị phải cho cháu ở nhà để đỡ tiền đóng học. “Tiền cho con đi học cũng phải tính thế nào cho phù hợp, nói gì đến ăn uống, chỉ là những bữa cơm đạm bạc cho qua ngày thôi” - chị Thoa nói.
Giờ tan ca, chợ Sông Mây và những hàng rong bán trên vỉa hè lân cận các khu công nghiệp đầy ắp công nhân đến mua. Trong khi khu lồng chợ Sông Mây bán rất nhiều thịt, cá tươi ngon, nhưng không đắt hàng bằng những điểm bán trên vỉa hè vì giá ở đây rẻ. Tương tự, trong chợ Hóa An (TP.Biên Hòa) bán các loại thực phẩm tươi ngon, song lại “ế” hơn “chợ công nhân” ngoài đường vì số đông công nhân Công ty Pouchen ở xã Hóa An thường ghé mua thực phẩm ở những sạp hàng bày ở vỉa hè, cũng vì giá rẻ hơn trong chợ. Anh Nguyễn Ngọc Bình, công nhân Công ty cổ phần Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) mua 5 con cá nục chỉ với giá 12 ngàn đồng và một ký rau cải 4 ngàn đồng. Anh Bình thổ lộ: “Đó là bữa tối cho tôi và người bạn. Lương tôi được 3,5 triệu đồng/tháng. Vì phải chi tiêu nhiều thứ nên dù là đàn ông, tôi vẫn phải tính toán sao cho chi phí cả ngày không tốn quá 30 ngàn đồng. Lâu lâu tôi mới đi uống cà phê với bạn, nhưng phần của ai người đó trả tiền chứ chẳng có dư để đãi nhau”. |
Căn phòng gần chỗ chị Thoa là chỗ ở của 3 mẹ con chị Đỗ Thị Ngọc Lan, công nhân Công ty TNHH Nam Yang. Chị Lan cũng đang trong thời gian nghỉ thai sản. Giống như chị Thoa, chị Lan cho con gái 5 tuổi ở nhà với mẹ để đỡ tiền học, dù bé đang học lớp lá. Thu nhập của chị Lan chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng, còn chồng việc làm không ổn định, lúc có lúc không. Vì thế, chi phí trong cuộc sống hàng ngày đều phải rất tằn tiện. Quan sát nơi nấu ăn của chị Lan và thực phẩm mua về, chúng tôi thấy chủ yếu là rau củ, đậu hũ, trứng và vài con cá biển nhỏ loại rẻ tiền ở chợ công nhân. Được hỏi: “Đang ở cữ, chị có bồi dưỡng thêm thứ gì ăn để có sữa cho con?” Chị Lan trả lời: “Đời sống công nhân lúc nào chẳng thế, có muốn cũng không được. Bữa nào lãnh lương thì mua một vài lạng thịt bò về bồi dưỡng cho con gái vì nó ốm yếu quá. Cũng may tôi nhiều sữa, cháu nhỏ bú không hết nên vắt ra ly cho cháu lớn uống”.
T.N-P.L-N.L-K.L