Đầu tháng 9-2015, Hội đồng tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2016 là 12,4%, tăng tương đương 250-400 ngàn đồng của 4 vùng…
Đầu tháng 9-2015, Hội đồng tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2016 là 12,4%, tăng tương đương 250-400 ngàn đồng của 4 vùng…
Năm 2015, mức lương tối thiểu của từng vùng là: 3,1 triệu đồng (vùng I), 2,7 triệu đồng (vùng II), 2,4 triệu đồng (vùng III) và 2,2 triệu đồng (vùng IV). Từ thu nhập này, hầu hết công nhân lao động chỉ giảm bớt nỗi lo toan chứ khó có cuộc sống đầy đủ.
* Cuối năm, nỗ lực làm việc
Vừa chở vợ con về đến khu nhà trọ, anh Nguyễn Văn Thành, quê Thanh Hóa không kịp nghỉ ngơi mà vội vàng uống ly nước rồi đi ngay. Vợ chồng anh Thành làm công nhân Công ty Changshin Việt Nam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) được 3 năm nay. Chị Phạm Thị Hiền, vợ anh Thành, cho biết để tăng thu nhập cho gia đình, chồng chị xin vào làm thêm buổi tối cho một xưởng cơ khí ở phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) đến khoảng 22 giờ mới về. Không phải ngày nào cũng có việc nên mỗi khi nghe người ở xưởng kêu là anh Thành đi ngay, đến khuya mới về ăn cơm.
Mẹ con chị Huỳnh Kim Ngân (Công ty TNHH gỗ Hòa Bình) chuẩn bữa ăn cho gia đình tại phòng trọ ở KP.8, phường Long Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh: K.Liễu |
Chị Hiền chia sẻ: “Vừa lo tiền trường cho con, tiền điện nước và nhà trọ hàng tháng cũng hết nửa khoản thu nhập của vợ chồng. Đấy là chưa tính đám cưới, đám đầy tháng, ăn uống hàng ngày… Làm lụng vất vả đã mấy năm, giờ trong nhà chẳng có dư. Cuối năm rồi, hễ có việc là chúng tôi nhận làm ngay. Nghe thông tin năm 2016 sẽ tăng lương tối thiểu, tăng được đồng nào thì công nhân xa nhà, mừng đồng nấy. Chỉ mong Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ công nhân có thể mua nhà, có như vậy công nhân chúng tôi mới yên tâm lao động sản xuất được”.
Mô hình khu nhà trọ văn hóa hoạt động hiệu quả Ngày 1-7-2013, UBND tỉnh ra Quyết định số 40/2013/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chí “Khu nhà trọ văn hóa tại các khu nhà trọ của công nhân và người lao động trên địa bàn tỉnh” và giao cho Sở Văn hóa - thể thao và du lịch chủ trì, phối hợp các ban, ngành liên quan. Mô hình Khu nhà trọ văn hóa là hình thức để chủ nhà trọ quan tâm hơn đến công nhân lao động ở trọ. Qua đó, họ đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, tăng cường an ninh trật tự, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người ở trọ. Hàng năm, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch phối hợp với ngành chức năng liên quan tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ về mặt vật chất và tinh thần cho công nhân lao động tại các khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh, như: trang bị tủ sách báo, tivi, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao; nói chuyện chuyên đề về kiến thức pháp luật, đạo đức, lối sống trong gia đình…, nên nhiều khu nhà trọ văn hóa duy trì hoạt động hiệu quả… |
Trong căn phòng trọ khoảng 12m2, anh Nguyễn Vũ Linh (quê tỉnh An Giang) đang trông chừng con trai 2 tháng tuổi để vợ dọn dẹp, nấu cơm. Thấy nhà có khách, anh Linh tỏ ra ngại vì phòng quá chật, không có chỗ nào ngồi cho đàng hoàng.
Tâm sự với chúng tôi, anh Linh cho biết, hiện một mình anh phải nuôi vợ và con, trong khi thu nhập hàng tháng khoảng 6 triệu đồng nên tháng nào cũng thiếu trước hụt sau. “Đời sống còn nhiều khó khăn nên đi làm về tôi chỉ ngồi ở nhà, không dám đi đâu vì sợ tốn kém. Với đồng lương ít ỏi, vợ chồng tôi dành tất cả để lo cho cháu bé. Cả ngày quần quật làm việc, tối về mấy anh em trong khu nhà trọ chẳng biết làm gì nên ra hành lang ngồi tán gẫu cho tới giờ đi ngủ. Hy vọng sang năm tới, khi lương tối thiểu vùng tăng lên thì người lao động giảm được phần nào gánh nặng cơm áo trong cuộc sống” - anh Linh tự vấn an.
* Cải thiện cuộc sống người lao động
Theo kế hoạch, từ ngày 1-1-2016, công nhân lao động sẽ được hưởng lương tối thiểu vùng thêm 12,4% so với lương tối thiểu vùng năm 2015. Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nên được xếp vào vùng I, tức người lao động được lãnh tối thiểu 3,5 triệu đồng, tăng 400 ngàn đồng so với năm 2015.
Cha mẹ đón con tại nhà trẻ. Ảnh: K.Liễu |
Nhận định về mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng trong thời gian tới, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Phạm Văn Cường cho biết: “Để có thêm thu nhập, công nhân lao động thường chọn một những doanh nghiệp có làm tăng ca. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp yêu cầu công nhân tăng ca quá 200 giờ/năm, Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra nhắc nhở. Còn về vấn đề tăng lương cơ bản cho công nhân lao động lên 12,4%, cá nhân tôi cho rằng điều này rất cần cho việc cải thiện đời sống người lao động. Vấn đề tăng lương căn bản năm 2016 đã được công bố từ 2 tháng nay, nhưng đến giờ chúng tôi chưa ghi nhận ý kiến gì nói việc tăng lương sẽ gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp”.
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tăng Quốc Lập cho biết, năm 2015 Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức khảo sát về đời sống với 1,6 ngàn lao động thuộc các ngành: dệt may, giày da, cơ khí, điện tử… tại 10 tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy, khoảng 20% lao động trả lời lương không đủ sống, 31% phải chi tiêu tằn tiện, gần 41% vừa đủ trang trải hàng tháng và chỉ 8% có dư chút ít. Năm 2015, mức chi tiêu trung bình của người lao động có nuôi con hơn 4,2 triệu đồng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2014. Vì vậy, tiền lương, thu nhập là quan tâm hàng đầu của người lao động. Ở Đồng Nai, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến đời sống của công nhân lao động, bởi họ cũng là đội ngũ có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của địa phương. |
Trong khi đó, trao đổi về đời sống công nhân lao động trong những năm gần đây, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tăng Quốc Lập cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn, cả về vật chất lẫn tinh thần. Mức lương hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 60-65% mức sống tối thiểu. Ngoài ra, trong cuộc sống của họ còn có nhiều nhu cầu cần thiết, chính đáng, như: môi trường lao động an toàn, được thực hiện đúng các chế độ bảo hiểm xã hội; vấn đề nơi ở, nhà trẻ dành cho con công nhân lao động; điều kiện sinh hoạt, điện, nước; các thiết chế văn hóa dành cho người lao động…
“Tôi nghĩ rằng, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung các chế định về mức chi trả lương cho công nhân lao động, có quy định về thâm niên công tác, về việc chấm dứt hợp đồng lao động… Vì hiện nay, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp tìm mọi lý do để sa thải công nhân làm việc lâu năm để không phải trả lương thâm niên. Ngoài ra, việc đóng bảo hiểm xã hội trên mức lương cơ bản cũng là một thiệt thòi cho người lao động khi mức thu nhập thực tế có thể gấp đôi mức lương tính bảo hiểm xã hội. Do vậy, khi đến tuổi hưu (hoặc lý do khác) người lao động sẽ hưởng mức lương ít hơn nhiều so với khi còn làm việc” - ông Tăng Quốc Lập chia sẻ.
T.N-P.L-N.L-K.L