Báo Đồng Nai điện tử
En

Lớp học ở Rạch Bảy

12:11, 19/11/2015

Con rạch Bảy ngoằn ngoèo uốn lượn qua từng khu dân cư và bị chặn lại bởi đoạn đê bao ngăn mặn Ông Kèo nơi đầu ấp Phước Lương, xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch).

Con rạch Bảy ngoằn ngoèo uốn lượn qua từng khu dân cư và bị chặn lại bởi đoạn đê bao ngăn mặn Ông Kèo nơi đầu ấp Phước Lương, xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch). Thời con đường Rạch Bảy ra xã còn là bờ ruộng, bờ kênh, các giáo viên nơi điểm trường Rạch Bảy (điểm lẻ thuộc Trường tiểu học Phú Hữu) phải canh từng con nước để chèo xuồng ra Trường tiểu học Phú Hữu họp.

Cô giáo Tống Thị Hà (lớp 1B) đang hướng dẫn trò nhỏ rèn chữ.
Cô giáo Tống Thị Hà (lớp 1B) đang hướng dẫn trò nhỏ rèn chữ.

“Điểm trường Rạch Bảy được hình thành trên khu ruộng trũng của ông Út Nhứt cho mượn đất để mở lớp học. Người gieo chữ đầu tiên khi điểm trường Rạch Bảy hình thành là vợ chồng thầy giáo Đặng. Lúc ấy, vợ chồng thầy Đặng dạy học được dân Rạch Bảy trả công 10kg lúa/tháng” - cô giáo Lê Thị Chín cho biết.

* Lặng lẽ gieo chữ

29 năm gắn bó với điểm trường Rạch Bảy, cô giáo Lê Thị Chín lần đầu tiếp chuyện với phóng viên nên có phần e ngại. Được Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Hữu Ngô Quốc Toàn động viên, câu chuyện về những năm tháng gieo chữ nơi vùng đất phèn Rạch Bảy của cô giáo Chín như dài hơn, mênh mang đến nao lòng.

Cô giáo Chín cho biết, cô sinh ra, lớn lên ở vùng đất Rạch Bảy. Năm 1986, sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm, cô về dạy tại điểm lẻ Rạch Bảy cùng với vợ chồng thầy giáo Đặng. Điểm trường Rạch Bảy mới đầu là điểm dân lập, do vợ chồng thầy Đặng đứng ra phụ trách. Vài năm sau, điểm trường Rạch Bảy mới được Phòng GD-ĐT huyện công nhận là điểm lẻ và vợ chồng thầy giáo Đặng được hưởng lương của trường, không còn nhận công dạy học bằng lúa của học trò nữa.

Mặc dù điểm lẻ Rạch Bảy đã được Phòng GD-ĐT huyện công nhận, phân công giáo viên về bám lớp dạy từ lớp 1-5, nhưng nó vẫn tuềnh toàng với 2 phòng học được ngăn bằng ván nằm chơ vơ giữa đồng. Con đập Rạch Bảy ngày ấy được đắp bằng đất và rất nhỏ, chỉ dành cho người đi bộ chứ không to, rộng, vững chắc và ô tô đi được như bây giờ. Từ bờ đập Rạch Bảy vào điểm trường phải đi tiếp một đoạn gần 100m lầy lội và nước ngập tới đầu gối. Cho nên, dù nhà chỉ cách điểm trường chưa tới 1km, cô giáo Chín và các đồng nghiệp, học trò cứ vậy mà xắn quần, chân đất đi dạy, đi học, đứng lớp. Do quanh năm ngâm chân dưới nền đất phèn nên đôi chân của cô Chín, đồng nghiệp và các trò nhỏ bị phèn ăn ngứa ngáy rất khó chịu.

Cảnh cô giáo Lê Thị Chín và đồng nghiệp chân trần ngâm nước đứng lớp hoặc phải canh từng con nước chèo xuồng ra Trường tiểu Học Phú Hữu hội họp nay không còn nữa. Con đường Rạch Bảy ra xã giờ đã được đầu tư nên cứng cáp, ô tô thoải mái chạy tới, chạy lui. Riêng điểm trường Rạch Bảy giờ đã đẹp, khang trang, hiện thực như giấc mơ mà thầy trò, phụ huynh Rạch Bảy ao ước. “Ngay cả lãnh đạo Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT cũng bất ngờ trước cơ ngơi điểm lẻ Rạch Bảy thì tụi tôi không tự hào sao được” - thầy Toàn hồ hởi nói.

Thương cảnh cô, trò cứ chân trần ngâm nước dạy và học, người dân ấp Rạch Bảy và các mạnh thường quân đã góp công, góp tiền tôn cao dần nền lớp và cả con đường vào lớp học để cho bớt lẹp xẹp nước.

Tuy vậy, gặp ngày thủy triều dâng, nước từ con Rạch Bảy cứ chảy tràn vào lớp học. Phụ huynh thương giáo viên, con em mình nên đã phân công nhau đến điểm trường ngồi tát nước ra cho đến khi lớp học kết thúc mới chịu dừng tay.

“Lúc đó, cô trò không có ai mang dép đi học, đi dạy lịch sự như bây giờ. Cứ quần xắn, chân trần bì bõm đến lớp. Học trò bị nước ăn chân ngứa ngáy quá, cứ cà chân vào bàn ghế trong lúc học, làm bàn ghế lúc nào cũng lắm lem bùn đất” - cô giáo Chín nhớ lại.

* Lớp học như mơ

Cảnh lớp học điểm lẻ Rạch Bảy quanh năm chìm trong nước nay đã không còn nữa, thay vào đó là điểm trường Rạch Bảy xanh - sạch - đẹp giữa đồng xanh bát ngát. Xung quanh điểm trường Rạch Bảy giờ đã dựng được rào, sân được tôn cao, lót xi măng. Lớp học giờ là phòng xây, mái ngói, nền lót gạch men sạch bóng; hoa giấy, hoa tươi treo đầy cửa sổ.

Thầy Ngô Quốc Toàn khoe với chúng tôi, vào năm 2014, khi lãnh đạo Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT huyện vào khảo sát điểm lẻ Rạch Bảy để công nhận cho Trường tiểu học Phú Hữu đạt chuẩn quốc gia, ai cũng khen điểm trường đẹp, khang trang, nề nếp không thua kém gì điểm trường chính. “Điểm lẻ rạch Bảy khang trang, sạch đẹp được như bây giờ là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ địa phương, nhân dân ở Rạch Bảy và các mạnh thường quân liên tục hỗ trợ trong mấy chục năm qua” - thầy Toàn nói.

Thầy Toàn cho biết thêm, điểm lẻ Rạch Bảy hiện có 98 học sinh, 4 lớp (từ lớp 1-4). Các lớp đều được Ban giám hiệu nhà trường phân công giáo viên về phụ trách theo hình thức mỗi giáo viên trong trường luân phiên về dạy tại điểm lẻ Rạch Bảy một năm. Riêng trường hợp cô giáo Chín, nhà trường giải quyết theo nguyện vọng để cô được dạy gần nhà và đóng góp cho nhân dân Rạch Bảy cho đến khi cô về hưu.

Các trò nhỏ và giáo viên điểm lẻ Rạch Bảy chụp ảnh kỷ niệm với Phó hiệu trưởng Ngô Quốc Toàn.
Các trò nhỏ và giáo viên điểm lẻ Rạch Bảy chụp ảnh kỷ niệm với Phó hiệu trưởng Ngô Quốc Toàn.

“Sự đóng góp của cô giáo Chín và các giáo viên của trường tại điểm lẻ Rạch Bảy chỉ có tình cảm của người dân ở đây mới cân, đo, đong, đếm được. Ngoài ra, sự hỗ trợ của bảo vệ Tiến, chị bán hàng Nhung cho điểm lẻ Rạch Bảy mấy năm qua cũng rất đáng trân trọng” - thầy Toàn bộc bạch.

Trò chuyện với chúng tôi, anh bảo vệ Tiến cho biết, ngày 2 bữa anh có mặt tại điểm trường để bơm nước cho học sinh làm vệ sinh và quét dọn sân trường, phòng học để cho chị Nhung lau chùi sạch sẽ. Tường lớp, mái ngói, sân chơi bị bong tróc thì anh có trách nhiệm tô quét, trám lại cho mưa, nắng khỏi lọt vào. “Dù lương bảo vệ không cao nhưng tui yêu công việc, quý học sinh và thầy cô ở đây. Vì vậy, cứ thứ bảy, chủ nhật đến là tui buồn vì không thấy học sinh đến lớp” - bảo vệ Tiến bộc bạch.

Tình cảm thầy trò và nhân dân tại điểm lẻ Rạch Bảy đi khắp khu vực rạch Bảy nhiễm mặn, nước sinh hoạt tới 50 ngàn đồng/m3 hỏi ai cũng tỏ cũng tường. Chuyện cô giáo Chín, vợ chồng thầy giáo Đặng giúp đỡ các giáo viên trẻ về đây bám lớp nghe bà con kể mà da diết lòng.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều