Sau khi hoàn thành việc nâng cấp mở rộng, quốc lộ 51, đoạn từ ngã tư Vũng Tàu đến khu vực vòng xoay Võ Nguyên Giáp (TP.Biên Hòa) đã được lắp đặt dải phân cách để tách riêng làn xe ô tô với các phương tiện 2 bánh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều đoạn phân cách (bằng bê tông) trên tuyến đường này đã bị di dời, gây mất an toàn giao thông.
Sau khi hoàn thành việc nâng cấp mở rộng, quốc lộ 51, đoạn từ ngã tư Vũng Tàu đến khu vực vòng xoay Võ Nguyên Giáp (TP.Biên Hòa) đã được lắp đặt dải phân cách để tách riêng làn xe ô tô với các phương tiện 2 bánh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều đoạn phân cách (bằng bê tông) trên tuyến đường này đã bị di dời, gây mất an toàn giao thông.
Một dải phân cách bị đập bỏ nham nhở trước đây trên quốc lộ 51. |
Việc tự ý tháo dỡ dải phân cách trên quốc lộ 51, đoạn qua phường Long Bình Tân và xã An Hòa của TP.Biên Hòa, không phải mới được phát hiện mà đã xảy ra sau khi tuyến đường này được nâng cấp mở rộng. Thời gian gần đây, số đoạn phân cách bị tháo dỡ nhiều hơn, thậm chí còn bị đập phá lởm chởm khiến người đi đường bất bình vì gây mất an toàn giao thông.
* Nguy cơ tiềm ẩn
Đoạn đường từ ngã tư Vũng Tàu hướng về huyện Long Thành, ngoài những đoạn phân cách được mở theo thiết kế dự án thì có hơn 10 đoạn bê tông bị dỡ bỏ, tạo thành những khoảng trống đủ cho xe ô tô di chuyển qua được. Trung bình mỗi đoạn bị mất có chiều dài từ 5-20m. Sau một thời gian, sự việc này đã được khắc phục, những khối bê tông bị đập phá cũng được thay mới.
Tuy nhiên, vào ngày 27-10, ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy tình trạng dải phân cách bị tháo dỡ vẫn còn xảy ra. Hầu hết các khối bê tông làm dải phân cách bị phá bỏ nằm ở phía trước các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, lò sản xuất vật liệu xây dựng hay một số cửa hàng buôn bán nhỏ bên đường. Dấu hiệu nhận biết những vị trí không có dải phân cách khá đơn giản, bởi ở đây không cắm biển cấm xe máy đi vào làn dành cho xe ô tô như những điểm phân cách được mở theo thiết kế dự án.
Ông Nguyễn Bôn, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, cho hay: “Việc đóng, mở dải phân cách phải hài hòa, không thể tùy tiện được vì nó sẽ gây mất an toàn giao thông. Ngày15-10, chúng tôi đã có văn bản đề nghị Sở Giao thông - vận tải, Công an TP.Biên Hòa xử lý những trường hợp hộ gia đình, doanh nghiệp đã tự ý tháo dỡ và di chuyển dải phân cách đoạn đường nói trên, nhưng đến nay tình trạng này vẫn còn diễn ra”. |
Các hộ dân sống gần đây cho hay, một số đoạn phân cách trên quốc lộ 51 bị ai đó dời đi diễn ra vào ban đêm. Ban đầu, một vài người còn thuê xe cẩu các khối bê tông trên đường để tiện cho xe ô tô di chuyển vào làn xe 2 bánh. Do việc làm tùy tiện và sai trái này không bị xử lý nên nhiều người khác đã làm theo.
“Chẳng biết dải phân cách có làm ảnh hưởng đến việc buôn bán của các cơ sở kinh doanh này ra sao, nhưng hành vi tự ý di dời những khối bê tông làm dải phân cách quốc lộ rất nguy hiểm. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sắp xếp, điều chỉnh lại khoảng cách mở dải phân cách sao cho hợp lý để người dân vừa dễ dàng di chuyển, lại thuận lợi cho việc kinh doanh” - ông Vũ Văn Sơn (ngụ xã An Hòa, TP.Biên Hòa) nêu ý kiến.
* Cần phải xử lý triệt để
Ông Chu Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, chủ đầu tư dự án mở rộng quốc lộ 51, cho biết trước khi lắp đặt dải phân cách, đơn vị đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến từ địa phương và Tổng cục đường bộ Việt Nam. Các bên thống nhất chỉ mở dải phân cách tại những điểm quay đầu xe có đường ngang, những nơi đông dân cư để đảm bảo an toàn giao thông. Nhờ lắp đặt dải phân cách tách làn xe ô tô và xe 2 bánh mà số vụ tai nạn giao thông trên quốc lộ 51 đã được kéo giảm đáng kể.
“Sau khi lắp đặt dải phân cách xong, chỉ được một thời gian, đoạn đường trên xảy ra tình trạng 15-20 đoạn dải phân cách bị tháo dỡ và đơn vị đã phải nhiều lần lắp bổ sung. Nhiều cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp kiến nghị mở dải phân cách phía trước khu vực kinh doanh của họ, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận. Bởi, dải phân cách được lập ra nhằm khắc phục và hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông giữa các loại xe cơ giới vì tuyến đường này có mật độ giao thông rất cao và phức tạp” - ông Thanh nhấn mạnh.
Một dải phân cách bị tháo bỏ. |
Ghi nhận tại đoạn đường trên, nơi một số khối bê tông phân tách các làn xe cơ giới bị tháo dỡ, tình hình giao thông khá phức tạp. Xe máy vô tư chạy vào làn ô tô, xe ô tô vào ra đột ngột ở làn xe 2 bánh khi không có biển báo khiến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Bên cạnh đó, tại những khu vực này, thời gian qua thường xuyên xuất hiện các vụ tai nạn giao thông khiến người dân di chuyển qua đây trong tình trạng bất an.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh), dù với mục đích gì, khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng thì việc tự ý tháo dỡ dải phân cách quốc lộ là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này bị cấm theo quy định tại Điều 8, Luật Giao thông đường bộ. Nghị định 171/2013/NĐ-CP còn quy định: “Phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6-10 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong những hành vi vi phạm sau đây: tự ý tháo dỡ, di chuyển, treo, đặt, làm sai mục đích sử dụng hoặc làm sai lệch biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông, rào chắn, cọc tiêu, cột cây số, vạch kẻ đường, dải phân cách, mốc chỉ giới…”. Trường hợp người dân đập phá “nham nhở” dải phân cách thì có thể bị xử phạt hành chính nặng hơn so với việc tự ý tháo dỡ dải phân cách theo quy định tại Điểm b, Khoản 5, Điều 15 Nghị định 171/2013/NĐ-CP.
“Ngoài ra, nếu người vi phạm có hành vi tự ý tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch dải phân cách mà gây ra hậu quả là thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cản trở giao thông đường bộ” theo Điểm c, Khoản 1, Điều 203 Bộ luật Hình sự. Do đó, người dân cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật” - luật sư Chánh nói thêm.
Thanh Hải